Kỹ năng tập trung là gì? Làm sao rèn luyện sự tập trung đến mức khó tin
Kỹ năng tập trung là gì? Kỹ năng tập trung là chìa khóa cho thành công. Làm gì để có thể rèn luyện được kỹ năng tập trung khi làm việc?
Trong rất nhiều lớp học kỹ năng được rao giảng ở các tập đoàn, công ty, có một kỹ năng mà Thảo thấy khá thiết thực: Kỹ năng tập trung cao độ khi làm việc.
Không chỉ giúp ích trong công việc, khả năng tập trung giúp mọi người có thể đánh bại sự trì hoãn và hoàn thành mọi việc trong đời sống cá nhân. Nhưng hiển nhiên là rất nhiều người không có thể tập trung và duy trì sự tập trung khá kém.
Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng tập trung cho chính mình?
Hãy đọc bài viết này để giải đáp những câu hỏi đó.
I.Kỹ năng tập trung là gì?
Mỗi sáng, có phải bạn vơ vội lấy chiếc điện thoại để xem tin tức, tin nhắn ngay khi còn nằm trên giường đúng không?
Có quá nhiều thông tin mà chúng ta sẽ tiếp xúc hàng ngày từ tin trên mạng xã hội, truyền hình, báo chí, đài phát thanh, truyền miệng,… Với lượng thông tin khổng lồ và quỹ thời gian eo hẹp nên dường như con người ngày càng khó tập trung hơn.
Kết quả là, chúng ta nghe thấy từ như: “ tập trung là gì”, ” tập trung cao độ”, ” kỹ năng tập trung”, ” tập trung tinh thần” hay ” kiểm soát tâm trí” …ngày càng nhiều.
Vậy kỹ năng tập trung có nghĩa là gì?
Kỹ năng tập trung được hiểu là một trạng thái, trong đó TOÀN BỘ sự CHÚ Ý của con người chỉ tập trung vào MỘT thứ DUY NHẤT và không để ý đến mọi thứ khác.
Có những người khi đang làm việc say mê thì quên hết mọi việc xung quanh.
Đang suy nghĩ thì ai nói gì bên cạnh cũng không biết.
Để tập trung thì rất khó, nhưng kỹ năng duy trì tính tập trung còn khó hơn.
Có thể bạn đang cố gắng tập trung làm việc thì lại bị thu hút bởi bài đăng trên Facebook của một ai đó.
Hoặc bạn ngồi mơ màng tưởng tượng về buổi tối hẹn hò lãng mạn cuối tuần này khi đang ngồi họp ở công ty.
Bạn bè, người thân của bạn có thể than phiền về hiện tượng kém tập trung như là:
- không thể nhớ chuyện mới xảy ra gần đây
- không thể ngồi yên
- thiếu tập trung
- mắc những lỗi vớ vẫn do mất tập trung
Có rất nhiều người than phiền không thể tập trung được hoặc bản thân là người kém tập trung. Liệu điều này có đúng không?
Có một căn bệnh tên là Bệnh tăng động- giảm chú ý.
Những đứa trẻ mắc bệnh này thường hiếu động, lơ đãng, hay quên bài vở. Trẻ bị bệnh giảm chú ý không có khả năng tập trung và không thể ngồi yên một chổ trong lớp học.
Nhưng kể cả những đứa trẻ bị bệnh tăng động giảm chú ý này cũng có khả năng TẬP TRUNG vào một chi tiết đặc biệt nào đó như bánh xe chuyển động, chong chóng,… Vậy thì với những người bình thường khác, chắc chắn cũng có kỹ năng tập trung ít nhiều.
Tập trung là một khả năng mà tất cả chúng ta ĐỀU CÓ. Quan trọng là biết cách để phát huy khả năng tập trung cao độ của bản thân. Bạn nên nhớ rằng tập trung là một kỹ năng có thể cải thiện được.
II. Nguyên nhân bạn không thể tập trung?
Mọi người thường hay dùng từ “ não cá vàng” để ám chỉ những người hay quên, thiếu tập trung. Nhưng bạn có biết rằng: Não của con người chỉ có khả năng TẬP TRUNG trung bình trong 8 giây. Còn ít hơn cả cá vàng!
Bạn đã bao giờ có một nhiệm vụ cần phải hoàn thành chưa? Chuyện gì đã xảy ra?
Thời còn sinh viên, Thảo thường có những bài luận hay bệnh án nộp vào cuối khóa học. Chuyện gì đã xảy ra?
Nếu cuối tháng mới phải nộp bài thì Thảo thơ thẩn dành gần 3 tuần để xem xét hồ sơ và lựa chọn bệnh nhân để làm bệnh án.
Đến tuần cuối cùng, hầu như bệnh nhân cũ đã xuất viện hết. Thảo thấy mất cảm hứng để coi lại hồ sơ cũ. Vì vậy chọn đại một người bệnh mới nhập viện và cuống quýt thu thập hồ sơ, hỏi bệnh sử, xem kết quả xét nghiệm và về nhà thức trắng đêm để làm bệnh án.
Hầu như, mọi việc chỉ có thể hoàn thành khi SẮP ĐẾN HẠN phải nộp bài.
Vì sao vậy?
Hầu như mọi người, trong đó có Thảo sẽ chỉ có thể tập trung trong những tình huống mang tính KHẨN CẤP.
Còn những ngày khác, những bộ phim hay, đứa bạn thân gọi điện khóc sướt mướt vì thất tình hay đợt giảm giá cuối năm sẽ lôi chúng ta ra khỏi bàn học. Bạn nếu cũng như Thảo sẽ trì hoãn công việc, bài tập về nhà cho ngày mai, ngày mốt. Còn lâu mới đến hạn phải nộp mà.
Làm sao có kỹ năng tập trung làm việc, học hành khi bị ngoại cảnh chi phối?
Mỗi lần, Thảo đang ngồi viết bài thì có thể chiếc điện thoại lại rung lên. Uể oải đứng dậy, Thảo hơi khó chịu khi phải cắt ngang dòng suy nghĩ, thì ra là một tin nhắn vu vơ của tổng đài điện thoại. Thảo ném toẹt chiếc điện thoại lên nệm.
Ngồi bịch xuống ghế, lần nào Thảo cũng đơ người ra, mất thêm VÀI PHÚT để lấy lại tinh thần, ghi nhớ những gì mình đã viết và lấy lại mạch cảm xúc ban đầu. Đôi khi thậm chí còn tệ hơn khi quên béng đi những ý tưởng chưa kịp ghi ra giấy hay mất luôn mạch cảm xúc của câu chuyện.
“Ối. Sao tôi lại bị mất tập trung như thế này?”
Ai cũng biết kỹ năng tập trung là gì. Nhưng không ai biết làm cách nào để có thể tập trung.
Có những lần đang nấu ăn thì mới phát hiện thiếu mắm, muối, gia vị, Thảo đành chạy ra siêu thị gần nhà để mua. Định bụng sẽ chỉ mua những thứ cần thiết thôi, vậy mà cuối cũng cũng lượn lờ hết cả tiếng đồng hồ mới về.
Câu hỏi đặt ra là: ” Vì sao chúng ta trở nên dễ phân tâm và khó tập trung như vậy?”
1.Môi trường hiện đại làm khả năng tập trung giảm sút
Người xưa có lẽ đã đau đầu với kỹ năng tập trung trong những tình huống hết sức éo le như này:
“Trong khi lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem.”
Rõ ràng, với quỹ thời gian có hạn, ai cũng phải băn khoăn tập trung làm gì trước làm gì sau.
Đó là chưa kể, ở thời công nghệ số ngày nay, trong lúc đang nước sôi lửa bỏng kia nàng dâu tội nghiệp kia lắm khi còn bị quấy rầy bởi vô số cuộc điện thoại, email hay cuộc họp trực tuyến…
Tập trung đã khó. Kỹ năng DUY TRÌ được sự TẬP TRUNG còn khó hơn.
Vốn là người hướng nội nên đối với Thảo chỉ có thể tập trung làm việc trong môi trường yên tĩnh và ít bị quấy rầy. Hầu như đó chỉ có thể là những lúc ở MỘT MÌNH trong phòng riêng, khóa trái cửa lại và để mọi thiết bị ở chế độ máy bay.
Rõ ràng, khi ở một mình nhưng với điện thoại và internet, bạn có thể kết nối với mọi người trên thế giới. Ở một mình bây giờ không đồng nghĩa với chuyện được ở một mình. Bạn có thể sẽ bị phá bĩnh bởi những chào hàng qua điện thoại rất tào lao hay cuộc gọi bất ngờ từ một người họ hàng xa lắc…
Tiếng ồn là sát nhân của kỹ năng tập trung
Có những tiếng ồn bên ngoài rất khó tránh khỏi.
- Nếu nhà bạn gần đường lớn, bến xe, sân bay hay chợ thì có lẽ bạn sẽ phải đấu tranh với tiếng ồn hàng giờ đồng hồ để có thể tập trung làm việc.
- Âm nhạc có ở khắp mọi nơi vào những lúc bạn đang cần sự tập trung. Nhạc Bô-lê-rô của nhà hàng xóm, ai đó đang ngân nga tập hát hay người ngồi bên cạnh đang bật nhạc.
- Đợt Thảo còn ở chung cư, mỗi dịp sắp Tết, những nhà xung quanh thay nhau đập nhà, sửa chữa. Tiếng búa phá tường, tiếng hàn xì kéo dài cả ngày inh tai, nhức óc rất khó chịu.
Còn có một tiếng ồn cũng nguy hiểm với sự tập trung cho bạn không kém là tiếng nói bên trong. Chính là tiếng nói trong đầu bạn đấy.
Mỗi khi bạn đang tập trung làm việc thì tiếng nói ấy lại cất lên. Nó nói về đủ thứ chuyện tào lao trên đời. Chuyện về khuôn mặt khó chịu của ông sếp ngày hôm qua, bộ phim Ấn Độ hấp dẫn hay ngày mai mang đồ gì?…. Tất cả những suy nghĩ vẩn vơ đó sẽ khiến bạn cực kì KHÓ TẬP TRUNG.
2.Cơ thể mệt mỏi khiến bạn mất tập trung
Thật sự ý tưởng viết nên một tác phẩm để đời, vẽ ra một kiệt tác khi đang nằm vật vã với cơn đau trên giường bệnh nghe thật hấp dẫn. Quả thật, có rất nhiều thiên tài đã làm nên những tác phẩm bất hủ trong hoàn cành đặc biệt.
Những giờ phút đau đớn nhất trong cơ bạo bệnh hay khi khổ đau cùng cực, mất hết niềm tin vào cuộc sống làm nên kiệt tác. Nhưng vậy thì họ mới là bậc vĩ nhân. Còn lại chúng ta đây đều là những người bình thường.
Chúng ta sẽ rất khó tập trung và hầu như không thể tập trung làm việc khi đang đau, đang mệt hay đang khổ sở.
Thời gian chúng ta tập trung nhất và kém tập trung khác nhau tùy mỗi người.
Một số người có thể tập trung làm việc tốt hơn vào buổi sáng. Trong khi những người khác gọi là cú đêm vì họ có nhiều cảm hứng khi làm việc về đêm hơn.
Tương tự, một số người làm việc hiệu quả nhất sau khi họ ăn no. Trong khi, số khác lại chỉ có thể tập trung làm việc khi họ đói.
Mọi người chỉ có thể tập trung cao độ khi cơ thể và tinh thần cảm thấy khỏe mạnh, thoải mái.
Có những lúc để đánh bại cơn buồn ngủ của mình, Thảo tìm đến cà phê và nước tăng lực. Một sức mạnh thần kì khi uống cạn lon nước đó sẽ thổi bay đi cơn buồn ngủ. Nhưng khoảng thời gian tỉnh táo vừa dành lại được, Thảo lại không thể tập trung cao độ làm việc. Bởi vì chất caffein trong đồ uống làm Thảo thấy hồi hộp, lo lắng và phải đi vệ sinh liên tục.
Đây rõ ràng là những biểu hiện của việc say cà phê. Trong lúc, đầu óc đang tỉnh táo bởi cà phê thì cơ thể của Thảo đang cảm thấy đờ đẫn, bần thần và gào thét đòi nghỉ ngơi. Nhưng rất tiếc có lên giường cũng khó có thể ngủ vào lúc đó.
Thảo không thể tập trung làm khi uống cà phê hay cố gắng làm việc khi cơ thể đang mệt mỏi.
Lời khuyên tốt nhất: Làm sao để tăng sự tập trung khi đang mệt mỏi là gì?
- Uống ít cà phê, nước ngọt hay nước tăng lực lại.
- Hãy cho phép bản thân ngủ một giấc ngủ ngắn. Đừng cố quá thành quá cố 🙂
III. Cách rèn luyện kỹ năng tập trung cao độ để làm việc là gì?
1.Loại bỏ phiền nhiễu để tăng sự tập trung:
Mặc dù điều này nghe có vẻ hiển nhiên. Nhưng mọi người thường đánh giá THẤP việc có bao nhiêu sự phân tâm khiến con người bị mất tập trung.
Sự phân tâm, tiếng ồn… thường làm bạn khó tập trung và làm suy giảm ý chí tập trung của bạn rất nhanh. Bạn sẽ sớm mệt mỏi, kiệt sức khi phải tập trung chống lại cả thế giới.
Giảm thiểu những thứ gây mất tập trung này không phải lúc nào cũng dễ dàng như bạn tưởng.
Có thể để tăng sự tập trung khi làm việc bằng những việc rất đơn giản như:
- Tắt tivi, tắt điện thoại.
- Ngắt kết nối internet.
- Lập kế hoạch và ghi chép trên giấy thay vì máy tính, điện thoại.
Nhưng có thể thấy khó khăn hơn nhiều khi đối phó với sự quấy rầy từ đồng nghiệp, con cái hoặc bạn cùng phòng. Một cách để giải quyết vấn đề này là hãy mạnh dạn nói ra yêu cầu của bạn.
Hãy giải thích cho mọi người bạn cần không gian riêng tư để tập trung cao độ!
Hãy nói thật cụ thể về mốc thời gian và địa điểm!
Yêu cầu được ở một mình yên tĩnh trong khoảng thời gian đó!
Đối với nhà có trẻ nhỏ hoặc tiếng ồn từ hàng xóm, bạn có thể đến làm việc ở thư viện hoặc một quán cà phê yên tĩnh.
Còn nếu muốn đừng bị quấy rầy ở chốn đông người, hãy giả vờ đeo tai nghe vào và chăm chú làm việc.
Mọi người sẽ thấy bạn bận rộn với công việc và ít nhắc tới bạn hơn.
Một khía cạnh khác của việc loại bỏ sự phiền nhiều là thực hành lối sống ĐƠN GIẢN.
Lối sống đơn giản liên quan gì tới sự tập trung?
Trong khi, tài sản KHÔNG THỂ mang lại hạnh phúc dài lâu cho con người.
Một vài tủ quần áo được lấp đầy bởi hàng tá túi xách, giày dép, hàng hiệu không khiến bạn hài lòng mãi mãi. Sống đơn giản lại giúp bạn bình an, hạnh phúc hơn.
Thực hành sống đơn giản là bỏ điện thoại xuống, chỉ tập trung vào những thú vui bình dị đời thường như:
- đi dạo thơ thẩn trong những cánh rừng xanh rì rậm rạp.
- chơi với con cái hay tổ chức cắm trại với bạn bè
- tự tay làm bữa tối thay vì lên điện thoại quẹt lên, quẹt xuống tìm quán ăn.
2. Nghỉ ngắn để tăng cường khả năng tập trung
Như đã nói trước đó, con người trung bình chỉ có khả năng DUY TRÌ sự TẬP TRUNG trong vòng 8 giây. Nhưng các tiết học ở trường bao giờ cũng kéo dài từ 30-45 phút. Có thể 2-3 tiết học mới có giờ giải lao. Ngày đi làm 8 tiếng đồng hồ chỉ có giờ nghỉ trưa mới được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Ở nhiều công ty, còn kiểm soát số phút đi vệ sinh trong giờ làm việc của nhân viên. Vượt quá thời gian quy định sẽ bị nhắc nhở, phạt tiền.
Rõ ràng, khi bị gò ép trong khuôn khổ cứng nhắc như vậy thì tâm trí sẽ rất mỏi mệt.
Bài giảng dài 1 tiếng đồng hồ nhưng chắc người nghe cũng chỉ có thể tập trung tối đa 10-15 phút đầu tiên.
Sau đó, ở phía cánh gà bắt đầu có tiếng xì xầm to nhỏ. Gần đến cuối bài giảng, nhiều người bắt đầu gật gù liên tục do buồn ngủ hay trí óc đang đi du hí ở đâu đó ngoài căn phòng.
Hiện tượng mất tập trung là điều tất yếu.
Có bao giờ bạn coi một bộ phim 30 phút mà quảng cáo đến 3-4 lần không? Trung bình, 10-15 phút sẽ chiếu quảng cáo một lần. Vì sao vậy?
Ngoài mục đích thương mại, quảng cáo lại vô tình là khoảng giải lao để thả lỏng, đầu óc bớt tập trung và căng thẳng hơn.
Do đó, xem phim thì giải trí và thú vị hơn ngồi đần ra trong tiết học dài đằng đẳng mà chờ mãi chưa thấy giải lao.
Như bạn cũng thấy đấy, ở trường thầy cô luôn bắt học sinh phải TẬP TRUNG khi ngồi học. Đúng không?
Nhưng kỹ năng tập trung là gì, làm cách nào để tập trung tâm trí vào bài vỡ thì lại không hề được đề cập. Chẳng khác gì bảo trèo lên tường mà lại không cho cái thang nào.
Có một bí quyết để tăng sự tập trung là hãy để trí não được nghỉ giao lao giữa giờ.
Không cần phải nghỉ quá dài. Có thể từ 5-10 phút là não bộ đã được khởi động lại.
Ở những nước phát triển, hầu như mọi người không bao giờ ngủ trưa. Buổi trưa, sau giờ ăn, dân công sở sẽ kéo nhau ra Starbucks nói chuyện và uống những ly cà phê to chà bá để tỉnh táo làm việc buổi chiều. Trong khi, ở những nước có lối sống chậm, êm đềm như Lào, hầu như ai cũng có giấc ngủ trưa ngắn.
Theo nhiều nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh giấc ngủ trưa ngắn giúp tăng khả năng tập trung, sáng tạo và năng suất hơn.
Tất nhiên, việc nghỉ ngơi này đòi hỏi cần sự thả lỏng và nghỉ ngơi hoàn toàn. Chứ không phải là nghỉ giải lao và cắm gằm mặt vào màn hình điện thoại.
Giải trí trên điện thoại có giúp bạn thư giãn không?
Mỗi khi bạn xem một bộ phim, mua sắm online, lướt Web, bạn có thể cảm thấy thư giãn. Nhưng sự thư thái mà bạn nhận được là vô cùng ngắn ngủi. Vì đầu óc bạn phải hoạt động điên cuồng. Bạn phải suy nghĩ, ghi nhớ hay sống đi chết lại vì cảm xúc của các nhân vật.
Rõ ràng KHÔNG hề nghỉ ngơi nếu coi điện thoại.
Điều này dẫn dắt Thảo nhớ tới một phương pháp khác làm tăng sự tập trung khi làm việc. Đó là phương pháp “quả cà chua” Pomodoro.
3.Phương pháp “quả cà chua” Pomodoro giúp tăng kỹ năng tập trung:
Rất nhiều người trong chúng ta làm việc từ 60 đến 80 giờ mỗi tuần. Nhưng sự thật là có rất ít công việc được hoàn thành đúng không?
Bạn tự hỏi mình đã dùng ngần ấy thời gian để làm gì?
BÍ MẬT ở đây là:
- Bạn đã không hiểu rõ về cách làm việc hiệu quả.
- Bạn bị MẤT TẬP TRUNG khi làm việc. Bạn đã dành cả ngày để đối phó với bất cứ điều gì xuất hiện trước mặt.
- Một ngày dài đã biến mất với những bức Email vô ích, cú nhấp chuột vào mạng xã hội hay câu chuyện của người đồng nghiệp vô tình ghé thăm chổ ngồi của bạn.
- Còn công việc như một câu chuyện không bao giờ có hồi kết. Mê cung công việc không lối thoát sẽ khiến chúng ta loay hoay không biết nên tập trung đi theo hướng nào.
- Học kỹ năng tập trung để làm việc vậy mà cuối cùng không tốt hơn là bao.
Một vị CEO người Ý đã nhận thấy sự tập trung của mình thường giảm mạnh sau một khoảng thời gian. Rất khó để giải quyết các công việc trong thời gian dài.
Phương pháp quả cà chua Pomodoro để tăng cường sự tập trung, năng suất.
Pomodoro là từ tiếng Ý có nghĩa là cà chua.
Theo đó, điều cốt lõi của giải pháp này tập trung vào các quãng NGHỈ NGẮN giữa các phiên làm việc. Thay vì làm liên tù tì không khoảng nghỉ.
Quy trình làm việc 25 phút rồi nghỉ ngơi 5 phút. Lặp lại 4 phiên liên tục như vậy sẽ nghỉ 10-30 phút tùy từng người.
Theo nhiều nghiên cứu, phương pháp đồng hồ cà chua này có thể tăng năng suất gấp 5 lần so với làm việc truyền thống.
Có một số phần mềm và ứng dụng trên điện thoại giúp bạn quản lý công việc theo phương pháp này:
- Tomato-timer.com
- Pomodorable
- Simple Pomodoro
- Focus Timer
4.Cách rèn luyện kỹ năng tập trung hàng ngày là gì?
Kỹ năng tập trung cũng giống như cơ bắp. Càng luyện tập thì càng mạnh.
Để luyện tập kỹ năng tập trung có một phương pháp vô cùng hiệu quả: ” Chánh niệm” .
Chánh niệm đã trở thành một thói quen phổ biến và thời thượng trong thời gian gần đây. Thiền chánh niệm là một kỹ thuật giúp bạn rèn luyện sự tập trung trong khoảnh khắc hiện tại.
Nghe thì có vẻ đơn giản và hiển nhiên nhưng sự thật là: Tâm trí chúng ta thường hay rong ruổi về những kí ức trong quá khứ hay mơ tưởng đến tương lai.
Hầu như những thứ chúng ta nghĩ sẽ là những chuyện ĐÃ xảy ra hoặc CHƯA xảy ra. Trong khi, sự tập trung yêu cầu sự chú tâm của bạn vào khoảng khắc ĐANG xảy ra.
Theo nhiều nghiên cứu, thực hành chánh niệm trong vòng 6-8 tuần sẽ tạo nên một sự thay đổi tích cực trong não. Từ đó, khả năng tập trung cũng sẽ được nâng lên.
Trước khi biết tới ” Chánh niệm“, Thảo đã đấu tranh để có được sự tập trung trong nhiều năm.
Bạn biết đấy, Thảo đi xa nhà và du lịch khắp nơi.
Có một thách thức ngấm ngầm trong những cuộc hành trình không ngừng nghỉ.
Sự thay đổi môi trường liên tục làm Thảo thấy khó tập trung làm việc. Làm sao có thể ngồi yên mà suy nghĩ, sáng tạo khi ngoài cửa mọi người đang tổ chức lễ hội, múa hát rộn ràng được chứ?
Đến những quán cà phê cheo leo nơi vách núi, nhìn mây mù giăng lối khắp nơi thì chỉ có ngồi ngắm cảnh chứ tâm trí đâu mà làm việc.
Sau những ngày bị cuốn phăng trong sự hưởng thụ, Thảo cố ngồi trấn tĩnh lại để suy nghĩ. Rõ ràng, công việc viết lách vốn là niềm yêu thích của Thảo. Tuy nhiên, những ngày gần đây, Thảo đã rất xao nhãng và mất tập trung khi ngồi viết.
Thảo cần làm gì đó để khơi ngợi là khả năng tập trung cao độ khi làm việc của mình. Cách Thảo rèn luyện kỹ năng tập trung hàng ngày là gì?
Thảo đã ném mình vào thiền chánh niệm.
Ngày một, ngày hai có vẻ khá tích cực. Nhưng đến ngày ba thì Thảo lại bỏ cuộc. Và lại bắt đầu lại từ đầu.
Nếu nói ngồi Thiền có vẻ là một thứ gì đó rất cao siêu thì thực ra, bản chất chánh niệm vô cùng ĐƠN GIẢN.
Có thể thực hành sự chánh niệm trong mỗi hoạt động hàng ngày: Tập trung vào điều bạn đang làm.
Trước bữa cơm, Thảo nhắn với mọi người rằng Thảo sẽ chỉ tập trung ăn cơm và không nói chuyện. Có chuyện gì thì đợi ăn xong rồi nói.
Lúc Thảo ngồi vào bàn, Thảo nhắc mọi người hạn chế làm phiền mình. Khi Thảo làm, Thảo sẽ cố gắng tập trung 100% tâm trí vào công việc.
Đến giờ ngồi cùng với nhau, Thảo sẽ dùng tất cả tâm trí TẬP TRUNG tinh thần vào câu chuyện đang diễn ra trước mắt.
Không tranh thủ làm việc riêng.
Không cố gắng suy nghĩ vẩn vơ.
Không lén lút nhìn điện thoại có tin gì mới không.
Nếu đang ngồi chú tâm vào việc đang làm, giọng nói nội tâm của Thảo lại cất lên, Thảo sẽ kéo tâm trí mình quay trở lại.
Không nên thất vọng nếu bạn bị phân tâm quá nhiều. Đó là chuyện rất bình thường mà ai cũng gặp phải.
Việc thiền và chánh niệm cũng cần thời gian học hỏi, rèn luyện và tiến bộ. Quá chú tâm vào kết quả sẽ gây căng thẳng và mất tập trung.
Hãy thả lỏng nào!
Đọc thêm: 3 chiến lược giúp Thảo loại bỏ thói quen trì hoãn mãi mãi.
Tóm lại: Qua bài viết này, bạn sẽ biết đến “Kỹ năng tập trung là gì?” cũng như sức mạnh của sự tập trung. Cách rèn luyện sự tập trung:
- Loại bỏ sự phiền nhiễu
- Tạo những khoảng nghỉ ngắn: Phương pháp quả cà chua Pomodoro
- Thiền chánh niệm
IV. Người nổi tiếng nói gì về kỹ năng tập trung?
1.“Tập trung mọi suy nghĩ của bạn vào công việc đang làm. Các tia nắng mặt trời không bị cháy cho đến khi được tập trung. “- Alexander Graham Bell
2.“Đừng chăm chăm vào những gì đã xảy ra. Thay vào đó, hãy tập trung vào những việc cần làm tiếp theo. Hãy dành sức lực của bạn để tiến về phía trước để tìm ra câu trả lời. ” – Denis Waitley
3. “Thành công của tôi, một phần chắc chắn, là tôi đã tập trung vào một vài thứ.”-Bill Gates
4.“Hầu hết mọi người đều không biết về khả năng khổng lồ mà chúng ta có thể chỉ huy ngay lập tức khi tập trung toàn bộ nguồn lực vào việc làm chủ một lĩnh vực duy nhất trong cuộc sống của mình”-Tony Robbins
5.“Sự tập trung có thể được trau dồi. Người ta có thể học cách rèn luyện ý chí, rèn luyện thân thể và rèn luyện trí óc. ”- Anil Ambani
Tác giả: Thảo Thảo