Bộ não nghiện ngập – Giải mã bí ẩn bên trong bộ não của người nghiện
Điều gì trong bộ não kẻ nghiện?
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh chính trong hệ thống phần thưởng của não. Khi một hành vi hoặc tiêu thụ một chất nào đó kích thích giải phóng dopamine, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn hoặc hưng phấn. Cảm giác dễ chịu từ dopamine gửi tín hiệu đến não: “Hành vi này tốt, hãy lặp lại nó.” Não ghi nhớ mối liên hệ giữa hành vi và phần thưởng, tạo thành một vòng lặp phản hồi tích cực.
Qua hàng triệu năm cơ chế này vốn được tiến hóa để khuyến khích các hành vi sinh tồn, như ăn uống, giao phối hoặc giao tiếp xã hội.
Và trong quá trình sinh sống của mình, chẳng biết nên vui hay buồn khi con người đã tìm ra những chất gây kích thích giải phóng dopamine ở mức cao bất thường, vượt xa mức tự nhiên. Điều này làm não “nghiện” cảm giác mạnh mẽ này và thúc đẩy việc tìm kiếm kích thích lặp đi lặp lại một cách không cưỡng lại được.
Sống sao khi thiếu dopamine?
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên chính trong não. Và vì vậy, thiếu dopamin gây ra hàng loạt những điều khó chịu, gần giống như một người bị trầm cảm.
Mặc dù hiếm có trường hợp con người hoàn toàn không có dopamine (vì cơ thể luôn sản sinh một lượng tối thiểu), tình trạng này có thể được mô phỏng qua bệnh lý hoặc thí nghiệm.
Hiện tượng người nghiện cai nghiện cũng sẽ làm giảm lượng dopamin mà cơ thể họ mong muốn, vì vậy cũng sẽ có những triệu chứng tương tự như người bị thiếu dopamin. Cơ thể sẽ chuyển động chậm, vụng về, cảm giác yếu cơ, giảm động lực, không muốn làm bất cứ điều gì.
Trong thí nghiệm chuột, khi dopamine bị chặn hoàn toàn bằng thuốc ức chế, chuột ngừng ăn uống dù thức ăn ở ngay trước mặt, dẫn đến chết đói.
Thiếu dopamin, con người sẽ khó tập trung, suy nghĩ thì chậm chạp, giảm khả năng ra quyết định. Cảm giác vô nghĩa, ít cảm xúc tích cực, khó cảm thấy niềm vui.
Mức độ tiết dopamine quyết định mức độ phụ thuộc của chúng ta
Những hoạt động kích thích tiết dopamine ở mức bình thường là những hoạt động tự nhiên giúp duy trì sinh tồn của con người. Chúng sẽ tăng dopamine nhẹ đến vừa (30-100%), ít gây nghiện nếu không lạm dụng, chẳng hạn:
- Ăn uống sẽ kích thích dopamin tăng 50-100%
- Tập thể dục (chạy bộ, yoga, …) giúp tăng lưu thông máu. Những hoạt động này kích thích dopamine lên 50-80%.
- Trò chuyện, giao tiếp giúp tăng 50-75% lượng dopamine.
- Trong khi cảm hoàn thành nhiệm vụ như giải xong một bài tập có thể tăng dopamine 40-70%.
Các chất/hành vi vượt ngưỡng tự nhiên, tăng dopamine mạnh (100-1000%) một cách bất thường sau sẽ rất dễ gây nghiện:
- Ma túy: Cocaine, methamphetamine tăng 200-1000%, gây phụ thuộc nhanh.
- Rượu, nicotine: Tăng 100-200%, nghiện dần qua thói quen.
- Mạng xã hội, game (lượt thích, điểm số): tăng 100-150%
- Cờ bạc: cảm giác “gần thắng” gây nghiện tâm lý, tăng 150-300%
- Thực phẩm siêu chế biến: nhiều chất đường, chất béo gây tăng 150-200%. Dẫn đến hành vi nghiện ăn uống.
- Nội dung khiêu dâm: Sự mới lạ tăng 100-200%
Tại sao não dễ bị nghiện như vậy?
Xét từ bản chất tiến hóa: Hệ thống phần thưởng được thiết kế để duy trì sự sống (ăn, sinh sản, tương tác xã hội). Bạn cứ thử tưởng tượng mà xem, nếu không có những cảm giác thoải mái, sảng khoái, thoả mãn này thì con người chúng ta chắc chẳng buồn ăn uống, tình dục, nói chuyện hay đi tìm kiếm thức ăn làm gì cho mệt người… Ta sẽ nằm ườn ra và không có hứng thú với bất kỳ điều gì. Tương lai loài người vì thế mà cũng đến ngày tận thế mà thôi.
Vấn đề phức tạp ở chổ, là cơ thể con người chúng ta đã không tiến hoá nhiều từ thời ông bà tổ tiên nhưng xã hội- nơi ta đang sống này lại thay đổi một cách chóng mặt trong vài trăm năm gần đây. Các tác nhân hiện đại như đồ ngọt chế biến sẵn, ma túy hay mạng xã hội khai thác cơ chế dopamin một cách quá mức, khiến não mất khả năng tự điều chỉnh.
Khi tiếp xúc thường xuyên với các kích thích gây nghiện, não thay đổi cấu trúc và chức năng. Não trở nên nhạy cảm hơn với kích thích và nó sẽ ưu tiên xử lý các kích thích gây nghiện hơn các hoạt động tự nhiên.
Cụ thể là các neuron trong não trở nên nhạy cảm hơn với chất gây nghiện hoặc gợi ý liên quan như mùi rượu, tiếng thông báo điện thoại. Một người nghiện cờ bạc cũng cảm thấy hưng phấn dữ dội khi nghe tiếng xóc bài. Con nghiện (game, ma tuý, bài bạc, …) sẽ lao vào các hoạt động gây nghiện mà không màng đến các hoạt động tự nhiên cơ bản như ăn uống, giao tiếp xã hội nữa.
Trong khi vỏ não trước trán bị suy giảm và bị chiếm quyền. Sự suy giảm này làm giảm khả năng kiểm soát hành vi, cũng như lập kế hoạch dài hạn, và đánh giá hậu quả của hành vi. Người nghiện chỉ chăm chăm vào việc tìm kiếm sựu thoả mãn nhất thời thay suy nghĩ đến mục tiêu dài hạn.Vì vậy mà một người nghiện ma túy có thể hiểu rằng việc dùng tiếp sẽ phá hủy cuộc sống, nhưng họ vẫn không thể dừng lại vì vỏ não trước trán không còn kiểm soát được nữa.
Não của người nghiện cần thời gian và nỗ lực nhiều để tái cấu trúc. Khi đã nghiện, não đã hình thành “đường mòn thần kinh” mạnh mẽ với kích thích gây nghiện.
Để cai, phải xây dựng đường mòn mới (như thói quen lành mạnh), nhưng điều này rất khó vì kích thích tự nhiên (như tập thể dục) không tạo dopamine mạnh bằng ma túy hay mạng xã hội. Cộng thêm môi trường thường xuyên có gợi ý (căng thẳng, cô đơn, thói quen hàng ngày), kích hoạt lại đường mòn cũ.
Hiện tượng lên đô của con nghiện:
Lạm dụng kích thích gây nghiện làm giảm số lượng thụ thể dopamine, khiến người nghiện cần liều cao hơn để đạt được cảm giác thỏa mãn ban đầu (hiện tượng dung nạp). Vì vậy sau một thời gian, người nghiện tăng đô, tăng liều dùng để vẫn có cảm giác phê như những lần đầu.
Vì sao ta không thể tắt được tivi dù thấy các chương trình đều rất nhạt?
Lại tiếp tục là câu chuyện về anh chàng dopamin. Mỗi lần thấy kích thích, vùng nhân tiết dopamin gửi tín hiện “phải làm ngay” một cách mạnh mẽ, trong khi vỏ não trước trán không đủ sức để ngăn cản. Vậy là con người lại hành động một cách điên cuồng để đạt được kích thích, còn tiếng nói ngăn cản ta tất nhiên là từ vỏ não trước trán thì yếu dần trong vô vọng.
Hành vi lặp đi lặp lại mà người nghiện không thể kiềm chế được dù rất muốn này gọi là hành vi cưỡng chế.
Cuối cùng, dopamin đóng vai trò trung tâm trong cơ chế nghiện của não bộ, hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh kích thích trung tâm khoái cảm . Khi chúng ta tiếp xúc với các tác nhân gây nghiện như chất kích thích, rượu bia, hay thậm chí là các hành vi lặp lại như lướt mạng xã hội, dopamin được giải phóng với lượng lớn, tạo cảm giác hưng phấn tức thời.
Tuy nhiên, sự kích thích liên tục này làm rối loạn hệ thống thưởng tự nhiên của não: các thụ thể dopamin trở nên kém nhạy, buộc người dùng phải tăng liều lượng hoặc tần suất để đạt được cảm giác tương tự. Chính vòng lặp này dẫn đến nghiện, khi não không còn sản xuất đủ dopamin tự nhiên mà phụ thuộc hoàn toàn vào kích thích bên ngoài.
Hiểu được quá trình này không chỉ giúp làm sáng tỏ bản chất sinh học của nghiện, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can thiệp sớm, thông qua thay đổi hành vi hoặc hỗ trợ y tế và tâm lý, để phá vỡ chu kỳ lệ thuộc và khôi phục sự cân bằng cho bộ não.