Nhiều điều bạn cần biết về Stress
Chắc chắn trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều đã gặp những tình huống gây căng thẳng, những thử thách cần phải vượt qua. Do vậy chắc cũng không ai, từ người già đến con nít, nam hay nữ, giàu hay nghèo, ở Việt Nam hay ở Mỹ, mà không bị stress cả. Bạn bị nổi mụn: stress, bạn dẫm phải phân chó: stress, bạn bị kẹt xe trên đường đi làm: stress, con của bạn bị đau răng: stress.
Stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước những áp lực, thách thức hoặc sự thay đổi trong cuộc sống. Nguồn cơn gây ra stress thì vô cùng phong phú, nhiều khi những chuyện trời ơi đất hỡi cũng khiến bạn stress chơi.
94% hoặc hơn 9 trong 10 người lao động bị căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc:
39% trong số họ báo cáo căng thẳng vừa phải.
27% nói rằng họ cảm thấy căng thẳng thấp.
23% nói rằng mức độ căng thẳng của họ cao.
6% cho rằng mức độ căng thẳng cao không ổn định.
Chỉ có 5% người lao động Mỹ không bị căng thẳng.
Một số nguồn gây stress thường gặp trong cuộc sống:
Công việc: Áp lực từ khối lượng công việc, công việc nguy hiểm, bị deadline dí sấp mặt, xích mích với đồng nghiệp, bị sếp chửi, mâu thuẫn với khách hàng.
Học tập: Nhiều em học sinh chỉ học vì bị cha mẹ ép học, mà không thấy hứng thú với việc học. Khi đó, các em sẽ thấy rất chán nản, mệt mỏi, mất hứng thú với trường lớp.
Ngoài ra, học sinh sinh viên thường áp lực khi phải thi cử. Có thể bạn cũng sẽ bắt gặp một số người run rẩy khi bước vào phòng thi, dù đã ôn bài rất kỹ ở nhà. Biết đâu bạn cũng đã trải qua tình huống nào tương tự vậy cũng nên. Áp lực điểm cao, thành tích tốt cũng khá phổ biến hiện nay.
Mối quan hệ: Xung đột trong các mối quan hệ cá nhân, như gia đình, người thân, người yêu, bạn bè đều có thể gây nên căng thẳng cực độ. Những mối quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ gần gũi vừa là nơi nuôi dưỡng, chữa lành cho chúng ta, vừa lại có thể là nguyên nhân gây ra những vết thương lòng khó hàn gắn “thân nhau lắm thì cắn nhau đau”.
Tài chính: Nợ nần, túng thiếu, bị giảm lương, bị thất nghiệp không có nguồn thu đều có thể gây nên căng thẳng. Có nhiều cặp vợ chồng cũng vì khó khăn tài chính dẫn đến cãi vã, mâu thuẫn rồi xách nhau ra toà li hôn.
Những biến động lớn như chuyển nơi ở, phải thay đổi công việc, mất người thân… có thể là những cú sốc tâm lý rất lớn. Nhiều người rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu vì những thay đổi không mong muốn trong cuộc sống.
Sức khỏe: chúng ta cũng có thể thấy nhiều người đau ốm lâu năm tính cách trở nên gắt gỏng, khá chịu với những người bên cạnh họ. Bệnh tật, đau ốm ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng, tính cách của con người. Không những người bệnh dễ bị stress mà người nhà cũng rất dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi về mặt tinh thần.
Stress cấp và mãn tính
Khi phân loại theo mức độ ảnh hưởng thì stress được chia thành:
Stress cấp tính khi tình huống căng thẳng, thường kéo dài từ vài phút đến vài ngày. Ví du: áp lực từ một kỳ thi, một cuộc họp
Stress mãn tính khi trạng thái căng thẳng kéo dài, xảy ra khi con người liên tục gặp phải các tình huống căng thẳng mà không có cơ hội để phục hồi. Ví dụ như đau ốm liên tục, áp lực nợ nần kéo dài.
Stress có lợi và stress có hại:
Stress là điều có lợi: Căng thẳng thúc đẩy và giúp chúng ta tỉnh táo và tập trung.
Stress là sát thủ thầm lặng: Căng thẳng gây ra sự cáu gắt, mệt mỏi, đau ốm.
Dù hai điều trên có vẻ hơi mâu thuẫn, nhưng đều đúng.
Stress tốt hay xấu không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố gây căng thẳng mà còn vào cách chúng ta phản ứng với chúng.
Cơ chế khoa học của stress:
Giả sử, bạn bị lạc vào rừng sâu thì đột ngột từ trong bụi rậm, một con hổ lớn nhảy chồm ra trước mặt bạn. Lúc này, bạn vô cùng lo lắng, sợ hãi. Bạn sẽ có thể vô thức hét to rồi bỏ chạy, hoặc cầm lấy một cây gậy gần đó để tự vệ nếu con hổ định xông vào người bạn, hoặc bạn đứng trân ra không biết phải làm gì vì quá sợ.
Tương tự như vậy, khi gặp stress, hệ thống thần kinh giao cảm của con người được kích hoạt, dẫn đến tình trạng tự vệ: “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight or flight).
Trong trạng thái này, cơ thể giải phóng các hormone để cơ thể sẵn sàng phản ứng nhanh trước điều kiện bên ngoài. Cụ thể là mạch máu bị co lại, tăng nhịp tim, huyết áp, và năng lượng được đốt cháy nhiều hơn để sẵn sàng chiến đấu hoặc bỏ chạy.
Stress có nhiều biểu hiện. Hãy nghĩ về một vài biểu hiện của một người bị căng thẳng mà bạn đã nhìn thấy trước đây.
Ví dụ trước một kỳ thi quan trọng, bạn thường sẽ thấy lo lắng, bứt rứt, hồi hộp. Đầu óc nhiều lúc cảm thấy mơ hồ, khó tập trung, muốn nhớ gì cũng khó. Tâm trạng dễ bị cáu gắt, bực bội, nóng giận nhưng cũng có thể cảm thấy buồn bã, cô đơn, dễ buồn, dễ khóc. Tim đập mạnh hơn, tay chân run lẩy bẩy. Mồ hôi tay, mồ hôi chân ướt nhèm. Bụng dạ cồn cào, ăn không ngon, khẩu vị bị thay đổi.
Sau khi bắt được bệnh thì chữa lành stress cũng đòi hỏi một hành trình không hề đơn giản.
Thông thường nếu bạn bị cảm lạnh, chỉ cần dùng vài liều thuốc, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý bạn sẽ dần khoẻ lại sau 1-2 tuần. Còn để chữa khỏi stress có thể cần nhiều thời gian hơn, lộ trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn nhiều hơn. Một vài liều thuốc rất khó để bạn hết stress được.
Stress cần một lộ trình để giải quyết hoàn toàn, để phục hồi lại trạng thái sảng khoái, đầy năng lượng như bình thường.