Bí mật để nhớ dai như đĩa: Kỹ thuật lấy não trị não

Rate this post

Bạn sẽ thấy xung quanh mình nhiều người tham phiền vì trí nhớ kém của họ. Đặc biệt là khi con người càng già đi thì trí nhớ càng kém hơn. Nhưng chúng ta còn công việc, cuộc sống và chúng ta cần một bộ não sắc bén để giúp ta đứng vững trong thị trường lao động hiện nay.

Tin tôi đi! Không một ai có trí nhớ tồi cả.

Ghi nhớ là môt kỹ năng rất quan trọng trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Dù rằng giáo dục phương Đông dường như nặng việc học thuộc, nơi mà não phải ghi nhớ rất nhiều ( xin chia buồn).

Dù việc học có được tối giản hoá bằng các công thức, phương pháp suy luận hay tư duy thì chắc rằng với những khái niệm cơ bản ngoài việc hiểu sâu sắc, ta cũng sẽ nên ghi nhớ để có thể truy xuất thông tin nhanh hơn khi gặp lại lần sau.

Giải thích thì hơi rối rắm, nhưng bạn cứ thử nghĩ mà xem: Bạn thuộc bảng cửu chương bằng cách học thuộc lòng phép tính và kết quả, hay mỗi lần gặp một phép tính như 6×7 bạn sẽ đặt tính để cho ra kết quả. Tất nhiên là nếu quên và lười thì bạn hoàn toàn có thể dung máy tính để ra kết quả, nhưng học thuộc lòng từ nhỏ chắc là phương án mà nhiều thế hệ đã lựa chọn.

Chắc chắc là có nhiều người cũng đã từng vật lộn và dành cả mùa hè để nhớ toàn bộ bảng cửu chương. Không hề dễ dàng chút nào đối với những đứa trẻ 7 tuổi phải không nào?

Lớn lên, khi ta đi làm, dù không còn phải học thuộc lòng như ngày nhỏ nữa nhưng chắc gì là bạn không phải nhớ. Nhớ những việc cần phải làm, những nội dung cần chỉnh sửa, nhớ thông tin của khách hàng… Tỷ thứ cần ta nhớ mà không còn có công thức ghi nhớ như ngày xưa nữa.

Vậy câu hỏi ở đây là làm sao để có trí nhớ tốt, học nhanh nhớ lâu, nhớ dai như đĩa.

Làm sao để chúng ta có thể cải thiện trí nhớ của mình. Bài viết này sẽ bật mí cho bạn một vài phương pháp giúp hack não, lấy não trị não.

Có bao nhiêu loại trí nhớ?

  • Thông tin lưu lại trong trí nhớ ngắn hạn của bạn trong vòng chưa đầy một phút.
  • Trí nhớ trung hạn tồn tại trong vài giờ.
  • Khi đã được chuyển vào trí nhớ dài hạn, thì nó có thể tồn tại mãi mãi.

Nhiệm vụ của ghi nhớ chính là chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ trung hạn, và từ trí nhớ trung hạn chuyển thành trí nhớ dài hạn.

Chắc là bạn đã biết: Não bộ có Sức mạnh ghi nhớ bằng hình ảnh rất tốt. Não bộ của chúng ta thường xử lý hình ảnh tốt hơn so với chữ viết hoặc thông tin thuần túy.

Hình ảnh  kích thích các giác quan và tạo ra những liên kết mạnh mẽ trong não. Hình ảnh càng gợi nhiều cảm xúc thì nhớ càng dễ, nhớ càng dai.

Học qua hình ảnh có những phương pháp sau đây. Nghe cho kỹ nhé.

Bí mật đằng sau việc học qua hình ảnh

Khi bạn có một suy nghĩ hoặc học được điều gì đó mới, một con đường thần kinh giữa các tế bào thần kinh trong não của bạn sẽ hình thành và bạn càng có cùng suy nghĩ đó hoặc ghi nhớ thông tin đó thì con đường đó (và mối liên tưởng về mặt tinh thần tương ứng của nó) càng mạnh. Điều này cũng có nghĩa là bạn càng ít sử dụng một con đường thì con đường đó càng yếu, càng sử dụng nhiều thì con đường liên kết càng mạnh, càng nhanh.

Bạn học thuộc lòng một thứ gì thì bạn nhớ lại nó rất nhanh. Ngược lại, những thông tin gì bạn đã học từ lâu, giờ lúc nhớ lúc quên thì khi buộc phải nhớ lại, bạn sẽ phải ngồi nhớ rất lâu, rất khó.

Học qua hình ảnh liên tưởng

Giác quan: Năm giác quan của bạn là phương tiện để bạn cảm nhận—và do đó học về—thế giới. Bạn có thể sử dụng các giác quan của mình để tạo ra các hình ảnh cảm giác trong tâm trí, giúp thông tin trở nên chân thực hơn và dễ tiếp cận hơn với não bộ.

Nếu phải học con bạch tuộc có 8 xúc tu thì bạn có thể mở hình ảnh bạch tuộc trên internet và trực tiếp đếm số xúc tu của nó, và bạn sẽ khắc sâu con số 8 xúc tu này hơn. Hoặc bạn có thể đến quầy đông lạnh của siêu thị và cầm trên tay 1 con bạch tuộc để quan sát, bạn sẽ rất dễ nhớ số lượng xúc tu của nó.

Kết nối thông tin bạn muốn nhớ với một hình ảnh cụ thể hoặc một hình ảnh sống động.

Ví dụ, khi bạn gặp ai đó lần đầu tiên, tên của họ là thông tin mới. Khi họ nói với bạn tên của họ, thông tin đó sẽ đi vào bộ nhớ ngắn hạn của bạn và trừ khi bạn cố tình tạo ra mối liên hệ giữa tên đó và một số thông tin khác đã có trong bộ nhớ dài hạn của bạn, thông tin đó sẽ mờ dần khỏi bộ nhớ ngắn hạn của bạn trong vòng vài giây.

Giả sử, nếu bạn gặp một người bạn mới tên là David, làm thế nào để bạn nhớ được tên của người bạn này?

Bạn có thể thử liên kết tên người bạn này với David Beckham. Chẳng hạn, bạn sẽ tưởng tượng hình ảnh người bạn này đang mang một bô quần áo bóng đá, trên tay cầm một quả bóng đá. Khi nói về bóng đá, bạn sẽ dễ nhớ về David Beckham. Cách này có thể giúp bạn nhớ về cái tên David của người bạn mình nhiều hơn.

Tưởng tượng một câu chuyện hoặc một bức tranh mô tả thông tin bạn đang học

Chuyện trả nợ 10.000 đồng cho người bạn được mình liên kết như sau: khi người bạn của mình xuất hiện, người đó không đi bằng chân mà được một dòng thác tiền 10.000 đồng cuốn đến.

Phóng đại: Khi bạn đang tạo ra các liên tưởng giác quan của mình, hãy làm cho chúng trở nên lố bịch hoặc phi logic để chúng dễ nhớ hơn.

Bản đồ tư duy

Não bộ của bạn xử lý và hồi tưởng hình ảnh tốt hơn rất nhiều so với văn bản. Đặc biệt là khi bạn phải đọc hiểu những câu chuyện dài, nhiều từ ngữ khó.

Ngược lại, một bức tranh có thể truyền tải được rất nhiều nội dung, bối cảnh, sự kiện, cảm xúc trong đó mà xem tranh thì không nặng đầu bằng đọc nội dung dài lê thê.

Não bạn có thể xử lý và truy xuất hình ảnh nhanh gấp 60.000 lần so với văn bản!

Vì vậy, cách tốt nhất để nhớ thông tin nhanh chóng là biến nó thành hình ảnh – và bản đồ tư duy là một công cụ tuyệt vời giúp bạn làm điều này.

Thay vì highlight toàn bộ sách giáo khoa của bạn bằng bút đánh dấu màu vàng, việc sử dụng bản đồ tư duy giúp bạn tóm tắt những điểm quan trọng của văn bản lên một trang duy nhất.

Trong mindmap bạn sẽ tóm tắt những ý chính, từ khoá bạn cần lưu ý chỉ trên 1 trang giấy. Bạn vừa có thể nhìn tổng quan mình đã học những gì mà không cần phải đọc lại toàn bộ nội dung cuốn sách hay bài giảng.

Vẽ hình ảnh giúp gợi nhớ những điểm cụ thể – cũng hãy sử dụng màu sắc khác nhau để làm cho hình ảnh sinh động và dễ nhớ.

Flashcards với hình ảnh

Sử dụng thẻ ghi chú với từ hoặc khái niệm ở một mặt và hình ảnh liên quan ở mặt kia. Ôn tập thường xuyên sẽ giúp củng cố trí nhớ.

Cách này rất phổ biến, đặc biệt là khi bạn học ngoại ngữ. Flashcards có thể giúp bạn học và ôn tập ở khắp mọi nơi vì kích thích nhỏ gọn có thể mang theo dễ dàng.

Video và hình ảnh động

Sử dụng video hoặc hình ảnh động để học tập. Chúng có thể giúp bạn ghi nhớ thông tin tốt hơn nhờ sự sống động và tương tác.

Ví dụ như nhiều em học sinh đọc sách lịchh sử mãi ko thuộc nhưng lại rất nhớ và kể vanh vách những video hoạt hình lịch sử coi trên youtube.

Phương pháp Loci (Memory Palace)

một trong những chiến thuật ghi nhớ thông tin có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, được sử dụng để lưu trữ thông tin về những con số, khuôn mặt hoặc kí tự trong tâm trí

Trong thời Hy Lạp cổ đại, giấy mực được coi là những công cụ đắt đỏ, số lượng người có thể đọc viết còn ít cũng như nguồn tin tức cũng chưa được thông báo và phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Do vậy, con người luôn tìm mọi cách để ghi nhớ nhiều thông tin nhất có thể, một trong số đó là xây dựng một mô hình Cung điện kí ức trong tiềm thức của họ để có thể sắp xếp những loại thông tin mình cần nhớ cũng như vận dụng tối ưu những ưu điểm của não bộ.

Tưởng tượng một không gian quen thuộc (như ngôi nhà của bạn) và “đặt” các thông tin cần nhớ ở những vị trí cụ thể trong không gian đó. Khi cần nhớ, bạn chỉ cần “đi bộ” qua không gian và lấy thông tin ra.

Hình dung căn phòng của bạn khi bạn bắt đầu bước vào, nhìn từ trái sang phải, Thứ bạn bắt gặp đầu tiên là cái tivi được gắn trên tường. Giờ bạn muốn gắn cái tivi với thứ bạn muốn ghi nhớ, ví dụ như tái chế rác thải. Bạn sẽ nhớ đến 1 bộ phim hay 1 đoạn quảng cáo mà bạn ấn tượng nói về tái chế rác thải.

Vậy sau này hồi tưởng lại, bạn sẽ nhớ mình bắt đầu bước vào căn phòng của mình. Nhìn từ trái sang, bạn thấy chiếc tivi. Tivi gợi cho bạn điều gi? Đó chính là việc tái chế rác thải.

Vật thứ hai bạn thấy trong phòng là gì? Chẳng hạn chiếc máy sấy tóc. Giờ bạn phải ghi nhớ đến sự tức giận. Vây bạn sẽ liên kết sự tức giận với chiếc máy sấy tóc này như thế nào? Bạn có thể tưởng tượng việc mình đang ngủ nướng trên giường và mẹ bạn cố gắng đánh thức bạn dậy mà không được. Mẹ bạn tức giận ném chiếc máy sấy tóc vào người bạn và bạn giật mình tỉnh dậy. Vậy là khi nhìn thấy chiếc máy sấy tóc, bạn liên tưởng đến sự tức giận.

Tương tự vậy với các đồ vật khác trong phòng, hãy gọi tên lần lượt theo thứ tự và gắn cho nó những ý nghĩa mà bạn muốn nhớ đến.

Những chuyên gia về trí nhớ vẫn sử dụng phương pháp này để ghi nhớ đến 100,000 chữ số Pi. Nghe mà thấy ớn.

 Chia nhỏ kiến thức

Khi bạn ăn một chiếc bánh hamburger hoặc một chiếc bánh sinh nhật, chắc là bạn không nhét cái bánh to đùng vào miêng một lần, đúng không?

Ta sẽ cắn một miếng, cho vào miệng nhai trước khi nuốt và rồi lại tiếp tục ăn miếng bánh tiếp theo.

Nếu ta ăn vội vàng, giống như nuốt chững trái đào tiên như Trư Bát Giới thì ta khó cảm nhận được mùi vị của đồ ăn. Thậm chí là có thể bị nghẹn ở chổ, nuốt cũng không xong.

Việc học cũng tương tự như vậy. Khi bạn tiếp thu thông tin mới, bạn cần dành thời gian cho não bộ để hấp thụ, tiêu hóa và lưu trữ thông tin trước khi sẵn sàng nhét thêm thứ gì khác vào đầu.

Khi bạn cố gắng tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, não bạn sẽ bị quá tải và bạn sẽ trải qua tình trạng đơ. Tình trạng này rất phổ biến khi bạn học gạo bài trước ngày thi. Khi não đang bị đơ, bạn không thể tiếp nhận hoặc ghi nhớ gì bất kể có cố gắng đến đâu đi nữa.

Khi bạn đưa thông tin mới vào, não bạn lưu trữ nó trong trí nhớ ngắn hạn. Thông tin mới chờ để kết nối với kiến thức hiện có của bạn. Khị tạo ra những kết nối hoặc liên tưởng như vậy là lúc trí nhớ ngắn hạn dễ chuyển thành trí nhớ trung hạn và dài hạn.

Nhưng khi quá tải thông tin, não phải xử lý rất nhiều thông tin mới thì việc chuyển thông tin thành trí nhớ dài hạn rất khó diễn ra. Trong một buổi học kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ không có thời gian giải lao hay hoạt động gì thú vị, não bộ sẽ nhanh chóng quá tải và tất nhiên việc xử lý thông tin sẽ không còn hiệu quả nữa.

Để vận dụng tối đa bộ não của mình, bạn hãy chia nhỏ công việc, bài học của mình.

Theo nhiều nghiên cứu thì mỗi tiết học nên kéo dài từ 20-25 phút, sau đó nghỉ giải lao 5 phút để não được thư giãn.

Bạn đã giải lao đúng cách chưa?

Có rất nhiều người khi đến giờ giải lao là họ lại lướt điện thoại, đọc tin tức hay trả lời tin nhắn. Tuy nhiên, đây đều là những hoạt động buộc nào phải tiếp thu them thông tin mới, do đó mà não lại không được nghĩ ngơi.

Vậy để giải lao đúng cách cần phả cho não nghỉ ngơi hoàn toàn. Bạn có thể nói chuyện phiếm với bạn bè, chơi thể thao hoặc đơn giản là nhắm lại lại thiền hoặc một giấc ngủ ngắn.

Văn ôn – võ luyện

Não của bạn được tạo thành từ hàng tỷ tế bào thần kinh gọi là nơ-ron. Tất cả những gì bạn học, từ cách đi xe đạp đến cách giải phương trình bậc 2, cách nói chuyện với khách hàng đều được xử lý thông qua những con đường dẫn truyền của nơ-ron này.

Khi học kiến thức mới, não sẽ hình thành những đường dẫn truyền nơ-ron. Nếu ta thường xuyên ôn tập, nhắc đi nhắc lại, làm đi làm lại thì liên kết nơ-ron càng mạnh, đường dẫn truyền thần kinh càng nhanh. Do đó, bạn làm thành thục, nhớ lại kiến thức nhanh hơn.

Ngược lại, khi bạn không bao giờ nhắc lại kiến thức đó nữa thì não sẽ dần loại bỏ đường kết nối thần kinh này vì nó bị đánh giá là không quan trọng.

Điều này giống như việc tập gym để xây dựng cơ bắp. Khi bạn bỏ tập lâu thì cơ bắp cũng teo nhỏ dần. Chỉ khi bạn duy trì một lịch trình tập luyện đều đặn thì cơ bắp sẽ được duy trì và phát triển.

Việc ôn tập đều đặn nhằm chuyển kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Ôn tập cũng sẽ tốn thời gian, dù rằng khi ôn tập bạn sẽ tốn ít thời gian hơn lần đầu tiên học kiến thức mới. Do vậy, cần kiên trì lặp đi lặp lại thì mới tích luỹ được nhiều kiến thức.

Vẽ sơ đồ tư duy là một cách để ôn tập khá tốt vì có thể khái quát, tổng hợp kiến thức. Ngoài ra khi nhìn vào sơ đồ tư duy, sẽ dễ gợi nhớ kiến thức trong những lần ôn tập lần sau vì não bộ nhớ hình ảnh tốt hơn so với chữ viết.

Làm bài tập, làm kiếm tra cũng là cách rất tốt để ôn tập kiến thức. Bạn cũng sẽ nhận ra là khi kiểm tra, những câu ta làm sai là những câu mà ta nhớ nhất. Vì vậy, đừng bỏ qua cách này khi phải ôn tập.

Tránh phân tâm

Bạn có thể nghĩ rằng việc liếc nhìn điện thoại đôi chút để kiểm tra tin nhắn hoặc mạng xã hội không có gì hại. Tuy nhiên, một khi não đã bị phân tâm thì rất khó quay lại trạng thái tập trung như ban đầu.

Bạn hãy nhớ về lần gần đây, trong lúc đang học bài và làm việc, bạn quyết định nuông chiều bản thân chút đỉnh bằng cách lên internet đọc tin tức, xem video. Bạn tự nhủ sẽ chỉ 5 phút thôi nhưng cuối cùng bạn lại dành cả tiếng đồng hồ trên internet và không hoàn thành được công việc của mình.

Xin nhấn mạnh với bạn rằng việc liếc xem điện thoại, kiểm ra tin nhắn không hề là hoạt động giải lao phù hợp.

Ngày nay, có rất nhiều nguồn cơn gây ra sự phân tâm cho chúng ta: đó có thể là từ chiếc điện thoại yêu quý của bạn với hàng tá những ứng dụng hấp dẫn như Facebook, Youtube, Instagram…, laptop, smart tivi cũng rất dễ lôi cuốn chúng ta. Nên dù bạn đã đóng của phòng ngồi một mình để làm việc nhưng nếu vẫn có khả năng kết nối internet thì dường như cả thế giới này đều có thể làm bạn bận tâm và phân tâm.

Kỷ luật là khó khăn và để có thể tập trung, không bị xao nhãng trong thế giới ồn ào ngày nay, bạn nên tìm mọi cách tránh xa điện thoại, laptop, tivi, báo chí, internet, game…những thứ khiến bạn chểnh mảng khỏi nhiệm vụ của mình.

Nhớ lâu thù sâu cũng khốn khổ lắm. Thậm chí học cách quên còn khó hơn là học cách nhớ. Làm sao để xoá những thứ mà ta dường như không thể quên sẽ là một chủ đề thú vị mà Thảo sẽ trình bày ở một dịp đẹp trời khác.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận