Chán học phải làm sao? Cách học không biết chán.

4.9/5 - (154 bình chọn)

Chán học phải làm sao?

Học thế nào để không biết chán?

Mỗi lần trong những giấc mơ, Thảo vẫn còn nhớ đến thời còn đi học. Đi dọc hành lang của bất kì lớp học nào cũng bắt gặp những cảnh tượng này:

  • Những khuôn mặt chán chường việc học đang ngáp lên ngáp xuống.
  • Hoặc bạn sẽ bắt gặp cảnh học sinh đang chặm chụi viết nghệch ngoạch lên giấy một cách vô thức.
  • Có đứa nào đó đang quay đầu nhìn ra sân trường trong khi giáo viên say sưa giảng bài trên bục.
  • Có đứa đang gục mặt xuống bàn ngủ vô tắp lự.
  • Đang rì rầm nói chuyện riêng hay đang bí mật chuyền thư qua lại.
  • Đang bấm điện thoại trong giờ học hay vạ vật chờ đến khi ra về

Nhớ mỗi kì họp phụ huynh thì ba mẹ lại nóng mặt. Về nhà, nhiều đứa no đòn vì bị điểm kém. Vậy mà vẫn không thể chừa được thói lười học.

Tại sao học sinh lại không muốn học?

Điều này cũng tương tự như người lớn chán công việc thôi. Mà người lớn đi làm còn được hưởng lương. Còn học sinh đi học chỉ thấy mất tiền. Vậy mới chết chứ.

Mỗi lần nghĩ về lớp học và quãng đời học sinh, Thảo lại thấy khẽ rùng mình.

Vì sao học hành, bài vở và những buổi học lại chán đến như vậy???

Chắc ai trải qua rồi cũng còn nhớ về tuổi thơ kinh hoàng đó. Ác mộng học hành, áp lực khi bị điểm kém, thua kém bạn bè, bị rớt đại học đến giờ vẫn còn ám ảnh tâm trí của Thảo khi nghĩ về thời đã qua.

Thường thường, lúc đi học thì cũng có môn thích và ghét. Tất nhiên là cũng có bạn sẽ thích và học tốt tất cả các môn ( con nhà người ta, không phải là Thảo).

Có những bạn sẽ không hề thích môn nào (xác suất cũng khá thấp, vì chỉ cần thích thể dục, âm nhạc, nấu ăn, sinh hoạt lớp hay chào cờ đều thoát khỏi danh sách đen này).

“Bất kỳ môn học nào cũng có thể trở nên thú vị và bất kỳ môn học nào cũng có thể bị nhàm chán.” -Hilaire Belloc

Mỗi học sinh lại có sở trường, sở đoản về những môn học khác nhau. Thậm chí trong môn vẽ, có đứa rất ham vẽ chân dung nhưng lại cực ghét vẽ phong cảnh.

Tất nhiên, giờ thì Thảo cũng không phải ngồi tra tấn hàng giờ trong một mớ kiến thức lùng bùng đó nữa. Nhưng có những cách để giúp những em còn đang đi học đang hoay hoay không biết chán học phải làm sao?

Đôi khi sau khi đọc bài này lại rất bài vở thú vị là đằng khác. Thư giãn trước khi bắt đầu nào: “Toán thân mến! Trưởng thành lên em, đi mà tự giải quyết vấn đề của mình, ai đâu mà rảnh ngồi đây giải quyết cho em hoài…  (Trích từ Vui vẻ không quạu nha).

1.Học sinh chán học phải làm sao?

Thật lòng mà nói thì trường lớp không phải là điều thú vị đối với nhiều bạn, trong đó có bản thân Thảo.

Ngày xưa, Thảo phải đi học hai buổi. Thảo học hai buổi ngay từ hồi lớp 2 do có quan niệm học hai buổi sẽ tốt hơn học lớp một buổi. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ.

Giờ nghĩ lại quãng thời gian đi học mà vẫn còn thấy hãi. May mà hồi đó Thảo không đến mức chán học như nhiều bạn bây giờ. Mẹ Thảo luôn nói là sau này không muốn vác cuốc đi rẫy, cầm xô đi trộn hồ thì phải cố gắng học. Lúc đó Thảo cũng tin thiệt.

Mỗi sáng, nhất là những tháng cuối năm, gió heo lạnh, đã phải dậy sớm, ăn sáng rồi vác cặp đi học. Từ nhỏ Thảo đã tự đi bộ đi học rồi nhé. Không được đưa đón như các bạn bây giờ. Thảo chỉ nhớ tới đó thôi vì vô lớp là chán ngắt, suốt buổi nghe thầy cô giảng đều đều. Chỉ canh me giờ ra chơi và ra về.

Kinh hoàng nhất là học buổi chiều. Tầm 1 rưỡi- 2 giờ chiều là cơn buồn ngủ kéo đến làm sập cả hai mắt. Lúc buồn ngủ mà mắt cứ phải căng ra hết mức để giáo viên không phát hiện. Lắm khi giật mình tỉnh dậy mà nấc lên một tiếng hay đánh rơi cây bút mà cả lớp đổ dồn vào mình. Quê chết đi được.

Nói chung những năm học của tuổi thơ cứ trôi êm đềm qua như vậy, nhưng Thảo vẫn cảm thấy không muốn học cho lắm.

Rồi những lần kiểm tra…

Ôi, những kì kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất. Đứa nào đứa nấy “run như cầy sấy”. Mà thường kiểm tra có 5- 10 phút thôi chứ, mình làm chưa kịp thì ai rảnh đâu mà hỏi đứa này, đứa kia.

Trưa về, tối về, mẹ ăn cơm xong lại hối học bài như hối trâu, bò vào chuồng. Nghe nhiều càng thấy chán nản việc học hơn. Cuối năm học dốt, điểm kém là no đòn nghe con.

Không biết mấy em bây giờ có rơi vào những tình huống như vậy không?

Nguyên nhân học sinh chán học là gì?

Học đối phó

Ngày nay, chương trình học càng nhấn mạnh vào các bài kiểm tra. Tâm lý học để thi đè nặng nên các buổi học lại trở nên nhàm chán hơn. Bao giờ cuối học kì cũng râm ran những câu hỏi rất ngây thơ: “Phần này có học không cô?”, ” Phần kia có thi không thầy?”

Thảo thề sẽ không học thêm, đọc thêm những gì không thi. Thầy cô cũng không nhấn mạnh cần học những phần học thêm.

Hầu hết mọi người chỉ học đối phó, học để thi. Thành thử chủ yếu là học vẹt. Làm sao để nhồi nhét những kiến thức khô khan kia vào đầu được chứ? Đang chán học thì làm sao mà học được!

Học không hiểu lâu dần dẫn đến chán học, sợ học

Bạn đã cố vắt óc suy nghĩ mà vẫn không sao hiểu được môn học đó.

Ví dụ ngày xưa Thảo rất ghét Âm nhạc.

Thảo không hiểu được mấy cái nốt Đô, Rê, Mi, Pha, Sol đó có gì hay mà ngày nào học nhạc cũng phải tập đọc nhạc. Các bạn khác thì bọn nó nhìn vào khuôn nhạc mà đọc mà hát hay gì đâu. Còn Thảo phải lén lút kí hiệu mấy cái nốt rắc rối đó một cách lí nhí nhất để thầy cô khỏi phát hiện.

Âm nhạc là một trong những tiết học Thảo thấy nhàm chán và căng thẳng nhất.

Coi là môn phụ, không quan trọng nên không muốn học

Thật sự, lúc trước học bao giờ cũng chỉ học có mấy “môn chính” thôi. Đến gia đình cũng động viên các em nên học những “môn chính” như Toán, Lý, Hóa…

Tất nhiên những môn như Lịch Sử, Địa Lí, Công nghệ, Giáo dục công dân,… được liệt kê vào danh sách ” môn phụ“. Mà khi nghĩ là môn phụ là cứ y như rằng môn đó thật là chán nản. Cứ vô mỗi tiết học là ngáp lên ngáp xuống vẫn chưa thấy xong hoặc tranh thủ trong tiết học môn phụ thì lấy sách vở môn khác ra làm…

Môi trường học hành nhàm chán

Trường học ngày càng nhàm chán vì bốn bước tường vuông vức. Những bộ bàn ghế năm này qua năm khác được vẽ bậy lung tung. Giá như trường học cấp 2-3 mà còn mấy chậu hoa bé xinh, hình vẽ trên tường vui nhộn như học sinh mẫu giáo có phải tốt không?

Trong lớp học, học sinh cũng chủ yếu là thụ động ngồi nghe giảng, chép lại, học thuộc lòng và thi đi thi lại.

chan-hoc-phai-lam-sao

Tiết học 45 phút dài lê thê.

Cả ngày ngồi như tượng đá vậy ai mà không thấy chán. Phải không?

Chuyển chủ đề chút xíu: Bộ phim yêu thích nhất của bạn là gì? Lần mới nhất bạn xem bộ phim hay nhất là khi nào?

Lúc sinh viên, có một bộ phim rất nổi thời đó mà Thảo vô cũng mê mẫn có thể coi một mạch không ngắt quãng để đi vệ sinh, bận nói chuyện hay cảm thấy ngán phát chán. Đó là bộ phim ” Ba chàng ngốc”.

Có phải bạn cũng có kinh nghiệm tương tự khi xem phim, chơi Game, nhảy, đá banh hay bất cứ thứ gì bạn yêu thích đúng không? Chúng ta sẽ say sưa chìm đắm trong hoạt động đó mà quên béng mọi thứ. Kể cả đói, buồn ngủ, buồn đi vệ sinh!

Tiết học 45 phút không bằng phân nữa thời gian một bộ phim lại khiến bạn chán như vậy?

Câu trả lời bởi vì não chúng ta chỉ cần vài phút không thấy hứng thú là đã suy nghĩ linh tinh sang chuyện khác. Huống chi là mấy tiếng đồng hồ nghe đủ thứ kiến thức trên trời, dưới biển, thiên văn địa lý…

Học không hứng thú vì học sai cách, học gượng ép, học vẹt không hiểu gì.

Trong khi, phim ảnh, báo chí, chơi Game thì đa phần rất dễ hiểu, dễ gây nghiện. Vì vậy, cho dù coi phim 4 tiếng đồng hồ vẫn thú vị hơn 40 phút ngồi nghe một buổi giảng “ khô như ngói” .

Cách giảng dạy gây mê của giáo viên

Có những thầy cô giáo vào lớp là thao thao bất tuyệt. Trong khi ở dưới bục giảng, học sinh ngồi dưới cặm cụi ghi ghi chép chép và ngủ gật khi nào không hay. Những thầy cô này thuộc nhóm thầy cô chuyên “gây mê không hồi sức”.

Có giáo viên đi vào lớp mở giáo án ra dạy tầm chưa đầy 5 phút là học sinh ở dưới ngáy khò khò. Thời tiết oi bức, buổi chiều, học sinh bị thiếu ngủ, tiết học nhàm chán… là những điều kiện khiến nhiều bạn ngủ gật trong giờ học.

Mà thực ra thì thầy cô cũng như “làm dâu trăm họ”. Thường thì cũng có những đứa hợp phong cách này. Đứa hợp kiểu dạy kia. Nhưng đa phần kiểu dạy truyền thống nhàm chán và không gây hứng thú cho học sinh.

Thêm vào đó, những môn học có tính gây mê là những môn mà bạn thấy ghét, không hiểu và chán học.

2.Tâm lý chán học có tính lây truyền

Thảo có một tin tốt và một xin xấu dành cho bạn.

Tin xấu là tâm lý chán học có tính lan truyền. Nghĩa là bạn đang chán học sẽ có thể truyền nhiễm căn bệnh này cho đứa bên cạnh hoặc ngược lại.

Tin tốt là sự chăm chỉ và niềm đam mê cũng sẽ có tính lan truyền. Vì vậy, trong lớp những bạn học giỏi thường chơi với nhau và những bạn học yếu chơi với nhau.

3. Chán học phải làm sao?

Dù gì cũng chung sống với việc học ít nhất 12 năm. Bạn chán học có thể vì bạn đã bị mất gốc, lơ là việc học hoặc đơn giản là học không đúng phương pháp.

vuot-qua-chan-hoc

Bạn nên nhớ một điều rằng: Dù sao thì bạn cũng sẽ không bao giờ là người giỏi nhất. Ngay cả khi bạn là người giỏi nhất trong trường của mình, vẫn còn rất nhiều người tài năng trên thế giới. Vì vậy, hãy cứ hạnh phúc là bạn, hãy tự tin vào chính mình.

Bạn đã từng cho rằng mình không đủ thông minh để học Toán, phải không?

Bạn ghét Toán. Môn Toán bạn học rất tệ, điểm cũng kém nữa. Bạn hãy nghe câu chuyện lúc Thảo còn đi học đã vật lộn với môn Toán như thế nào.

Mặc dù là dân học tự nhiên nhưng Thảo không phải là người thông minh hay học giỏi Toán như bạn nghĩ. Ngày xưa, khi bước vào cấp 3, mỗi chủ đề thầy cô dạy trên lớp Thảo đều không hiểu gì hết. Cứ như ” vịt nghe sấm” vậy.

Thảo đã từng rất hoang mang, chán nản và mất phương hướng.

Vì vậy, Thảo quyết định đi học thêm.

Ngày cấp 3, đa phần Thảo dành thời gian học thêm toán và lý thôi. Vì toán với lý là Thảo không hiểu gì hết trơn. Đến năm 12 thì có học thêm Hóa và Sinh nhưng bữa đực, bữa cái không đáng kể.

Đa phần ở lớp học thêm giáo viên sẽ tập trung dạy những chủ đề quan trọng. Với lại, lên cấp 3 mọi người thường đi học thêm để luyện thi tốt nghiệp, đại học. Tất nhiên Thảo không cổ vũ hay phản đối chuyện đi học thêm. Cái này là tùy từng người thôi.

Hồi cấp 2, Thảo thấy việc học đơn giản hơn nên không đi học thêm.

Ở lớp học thêm Toán năm cấp 3, Thảo lại bị tình trạng “nước tuột lá khoai” tương tự. Thầy cô dạy gì mới cũng mơ màng và mù tịt. Trong khi những bạn khác thì đều hiểu và áp dụng rất nhanh.

Đa phần các buổi học thêm của Thảo đều rất buồn tẻ, chán ngắt. Chỉ có đến ngồi nghe rồi cặm cụi chép cho đúng chính tả. Thảo cố gắng hít thở nhỏ nhẹ và ngồi ở những góc khuất nào đó để đỡ bị gọi tên lên giải bài tập. Vì thực tình có biết gì đâu mà làm.

Làm sao để Thảo hết chán học môn Toán?

Sau mỗi bữa đi học thêm về, Thảo đều lấy sách vở ra ngồi coi lại từng lời giải một các bạn ạ. Ngồi nhìn trân trân vào những con chữ đã học, ngày qua ngày.

Ngày thứ nhất không hiểu thì tiếp tục coi ngày thứ 2, 3,4,…. Vừa nhìn vừa ghi lại trên giấy và suy ngẫm về những điều mông lung, khó hiểu.

Thảo có thấy chán học Toán không? Tất nhiên là rất rất chán. Nhưng lúc đó có một nỗi sợ môn Toán kinh khủng khiếp. Thảo nghĩ là nếu mình không hiểu bài này, không học được cái kia là đời mình đi tong.

Quả thật, nỗi sợ hãi đã lấn át luôn việc chán học.

Cứ làm miết vậy, thì tầm 1 tháng mới ngộ ra Thảo đã học cái gì. Dùng chữ “đã” vì đến lúc Thảo hiểu ra thì ở lớp học thêm và lớp trên trường đều đã học qua chương mới. Nhưng chỉ cần khi hiểu bản chất thì việc nắm kiến thức và giải các dạng bài tập trở nên nhanh chóng trong vòng một nốt nhạc.

Niềm vui khi hiểu bài chắc cũng vỡ òa như khi Ơ-cơ-lít hét toáng lên “Eureka” trong phòng tắm vậy.

Sau khi hiểu được những khái niệm đơn giản nhất, Thảo có thể hiểu những gì mà thầy và bạn mình đã nói trong vòng thời gian qua. Bạn nào học mất gốc tìm được lại chắc sẽ hiểu cảm giác này.

Thảo lại tiếp tục lặp lại chu trình ” chán như con gián ” kia để học về chương mới.

Bạn thấy đấy, Thảo không phải là người thông minh. Và sự chăm chỉ này cũng không phải bẩm sinh. Đa phần nó được thúc đẩy bởi cảm giác sợ hãi và áp lực của trường lớp. Mỗi lần chiêm bao về thời đi học mà Thảo còn sợ vã cả mồ hôi.

Có bạn sẽ nghĩ làm gì mà học cực khổ vậy. Nếu học chậm hiểu thì học ở lớp thường hay ban xã hội có phải tốt không? Nhưng thực ra, Toán là môn mà bạn nào, lớp nào cũng phải học. Mà không môn Toán thì cũng Hóa, Sinh, Lý, Tiếng anh,…

Làm sao để học khi đang chán học Toán?

Thảo còn nhớ một câu nói của Acsimet: ” Hãy tôi một điểm tựa. tôi sẽ nâng cả trái đất lên.”

Vậy điểm tựa này là gì? Thảo có một bí mật là ngày xưa Thảo mau định kì báo ” Toán học và tuổi trẻ “các bạn ạ. Đặt hàng tháng và bưu điện giao tới nhà.

Việc này thì liên quan tới điểm tựa và chán học?

Thực ra, trên báo đăng nhiều bài toán khó lắm. Hầu như có bao giờ Thảo giải được đâu. Hiểu đôi khi còn chưa hiểu hết. Nên mới nói Thảo không phải người thông minh. Chủ yếu , mỗi lần nhìn vào báo là Thảo thấy có động lực hẳn lên.

Mấy bài toán trong sách vở của mình thì có thấm gì so với độ khó của biển trời toán học. Vậy là bài vở trên lớp trở nên nhỏ bé lại.

Thêm nữa, Thảo dành một ít tiền để mua đồ dùng học tập mà mình thích. Chẳng hạn như những chiếc bút gel để viết tốt hơn, những cuốn sổ ghi chú gọn gàng, những miếng ghi chú hữu ích. Ngày xưa, Thảo còn mê mẫn bộ comba màu hồng, những thước kẻ đủ màu. Mỗi tuần mua một cây bút chì mới để tăng niềm hứng thú vẽ hình học không gian chẳng hạn.

Tạo môi trường để học hành hiệu quả

Môi trường học tập tại nhà rất quan trọng.

Đầu tiên phải có chổ ngồi thoải mái, môi trường tốt thì việc học hành mới thuận lợi được.

Chổ học bài ở nhà nên gần cửa sổ. Dùng ánh sáng mặt trời sẽ thấy tươi tỉnh ra.

Không nên ngồi gần tivi, máy radio, điện thoại để hạn chế phân tâm.

Học bài nên nằm hay ngồi, nhất là khi đang chán học?

Đầu tiên nên dựng thẳng lưng ghế dậy. Học trong trạng thái ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế có dựa nhé.

Tuyệt nhiên không nên nằm học vì rất dễ mệt và buồn ngủ. Tốt nhất chổ học và chổ ngủ nên cách xa nhau.

Gần đây, Thảo thấy cách học bài khi đứng cũng tỏ ra hiệu quả. Vì đứng sẽ rất mỏi chân nên tốc độ đọc và học cũng tự khắc nhanh lên.

Học ở nhà rất dễ mất tập trung, lười biếng và chán học. Bạn có thể đọc bài về cách rèn luyện sự tập trung trong khi học của Thảo tại đây.

Học nhóm để bớt chán học

Có thể phương pháp học của bạn chưa có nhiều thú vị nên bạn thấy chán học. Học một mình, không có sự tương tác thường gây nhàm chán.

Trong chương trình đạo tạo y ở trường đại học, Thảo có học một môn học áp dụng chương trình giảng dạy của đại học Harvard Mỹ.

Điều đầu tiên là phải đọc bài trước ở nhà. Lên lớp, bạn sẽ được làm việc nhóm để thảo luận các đề tài. Sẽ mãi mãi không có cảnh thầy đọc, trò chép ro ro như cái máy.

Môn học này bắt bạn phải tự suy nghĩ, bảo vệ suy nghĩ của mình và phản đối quan điểm của nhóm khác. Sau khi một nhóm tầm chục người thảo luận đưa ra ý kiến của nhóm mình thì đến phần tranh luận giữa các nhóm.

Đây mới là phần hấp dẫn nhất. Gần chục nhóm nên mỗi phe có một lập luận riêng không bên nào chịu bên nào. Cách này rất hiệu quả vì bạn sẽ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần về một vấn đề gì đó. Một kiểu học bài, ôn tập rất hiệu quả.

Một tuyệt chiêu khác hiệu quả chuyên trị bệnh chán học là hãy phát biểu một ý kiến sai trước mặt bạn bè. Họ sẽ túm lại để ” vạch trần” cái sai của bạn. Bằng cách này, sẽ hâm nóng một chủ đề đang dần nguội lạnh.

Một cách để ngăn cuộc nói chuyện trở nên nhàm chán là nói sai.” -Francis Joseph Sheed

Muốn não bớt đi chơi ngoài hành lang hãy mạnh dạn hỏi. Kể cả những câu hỏi thuộc dạng hỏi ngu cũng sẽ giúp bạn tập trung hơn. Đây còn là một cách để thoát khỏi cơn buồn ngủ đang hành hạ bạn. Liệu bạn có thể ngủ khi người khác cứ liên tục nhắc đến tên mình không chứ?

4. Làm sao để học khi chán học ?

Dân tự nhiên, thi Toán- Hóa- Lý-Sinh. Không có nghĩa là thích học Toán. Nhưng tất nhiên sẽ thường học các môn xã hội một cách vô cùng gượng gạo, chán học.

Chán học môn xã hội phải làm sao?

Vì sao bạn không tìm cách biến việc học trở nên thú vị đối với môn xã hội?

Liên hệ các bài học với các tình huống thực tế, thông tin về internet để bài học thú vị hơn. Điều này đặc biệt đúng với Lịch sử, Địa lý.

Khi nói đến địa danh, sự kiện gì đó là bạn có thể tìm một lô, một lốc những thứ liên quan từ Google và Youtube. Tất nhiên, nên kiểm tra độ chính xác trước khi tin vào chúng. Có rất nhiều bộ phim, video và báo chí phục vụ cho việc học Địa lí và Lịch sử. Đặc biệt là giai thoại về các anh hùng lịch sử.

Những câu chuyện càng gay cấn, hài hước lại càng dễ nhớ. Học mà như không học. Ví dụ như bạn có thể học Lịch sử thời Trần qua câu chuyện ” Trần Quốc Toản bóp nát quả cam“. Vậy từ đó, bạn sẽ có hứng thú tìm hiểu những sự kiện xoay quanh câu chuyện thú vị này.

Chán học môn Văn thì sao?

Văn luôn là ác mộng với những đứa học tự nhiên.Tuy nhiên, nếu không muốn đạt điểm 8 trở lên thì làm văn cũng không quá khó như tưởng tượng.

Để học giỏi văn thực ra rất khó. Nào là đầu óc tư duy logic, lập luận sắc sảo, câu từ chuẩn không cần chỉnh, kiến thức uông bác hay bách khoa toàn thư, cảm xúc dạt dào,…

Nên mục tiêu của Thảo khi đó chỉ là học cho qua. Mà học kém Văn làm sao để thi cho qua môn Văn?

Tốt nhất bình thường, đừng nên nghĩ tới nó. Đừng để văn hay bất kì môn gì ám ảnh bạn. Bạn có quyền được sống hạnh phúc.

Nào mỗi khi chuẩn bị phải viết bài, hãy lập dàn ý cho bài viết. Dàn ý nên có ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Trong đó nên nêu một số ý chính bổ sung lẫn nhau. Nhờ ý này mà bài viết của bạn sẽ chặt chẽ, mạch lạc hơn. Nhất là đối với nghị luận xã hội.

Điều quan trọng nhất Thảo muốn nhắc nhở bạn là nên xây dựng dàn ý trước khi viết bài. Như vậy, sẽ đỡ viết lung tung, lạc đề. Thầy cô chấm cũng sẽ đánh giá cao khả năng logic, mạch lạc của bài viết.

Trong quá trình viết cũng là lúc bạn luyện cách dùng từ để thể hiện suy nghĩ của bản thân. Bạn không thể viết quá những gì bạn sống và cảm nhận. Hãy tập quan sát, chú ý và cảm nhận cuộc sống sẽ giúp học Văn tốt hơn. Không những vậy, khả năng quan sát là một kỹ năng quan trọng, cần thiết trong cuộc sống.

5. Người lớn chán học phải làm sao?

Lúc nhỏ, Thảo cứ nghĩ khi nào mình trở thành người lớn như ba mẹ mình rồi mình sẽ không còn cần phải học. Lúc đó thì tha hồ là những gì mình thích.

Nhưng sự thật là… Ngày nay, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ, muốn làm tốt công việc thì bạn vẫn cần phải học hỏi không ngừng. Việc học của người lớn không còn giới hạn trên ghế nhà trường mà còn ở trong công việc, ngoài xã hội.

Nếu đi học, sợ nhất là điểm kém thì đi làm, sợ nhất là thất nghiệp. Tại sao bị thất nghiệp? Vì bạn không có khả năng tự học hỏi, trau dồi nữa. Do đó, người lớn cũng cần học.

lam-viec-hoc-thu-vi

Quả thật, người lớn cũng không ngừng học là điều kiện sống còn. Tuy nhiên, không chỉ trẻ nhỏ mới chán học. Người lớn thậm chí còn chán nản việc học hành hơn con cái mình nữa.

Người lớn chán học phải làm sao?

Đâu đâu bạn cũng thấy, người lớn đi học bổ túc thêm đều phải vừa học vừa đi làm. Hầu hết, là cả ngày đi làm rồi học bổ túc vào buổi tối. Khi đó vừa mệt mỏi, vừa đói bụng. Chưa kể đến chuyện bài vở đã bỏ giữa chừng bao năm giờ đụng vô rất là nản.

Nếu lúc nhỏ chỉ có việc cắp sách tới trường học. Còn tất cả ba mẹ lo tất. Khi lớn rồi, mọi gắng nặng tiền bạc, gia đình, công việc và học hành lại đổ dồn một lúc.

Vì vậy, số đông người lớn cảm thấy chán học hoặc khó tập trung học.

Người lớn chán đi học thì lại cần cách giải quyết khác. Quỹ thời gian của mình không còn được nhiều như lúc trẻ nữa.

Khi những người đã lớn tuổi đi học, đa phần là học vào chuyên ngành mà mình đang làm việc. Vì vậy, có nhiều kinh nghiệm hơn so với các bạn sinh viên chưa có trải nghiệm nào. Đây là lợi thế rất lớn.

Tốt nhất là để khắc phục sự chán nản việc học với người lớn, bạn nên tập trung vào những kiến thức hữu ích có thể ứng dụng vào công việc. Cần gì thì học nấy, khỏi cần học lan man, dài dòng kiếm điểm cao làm gì. Bởi mục đích sau cũng của việc học cũng là để ứng dụng vào thực tế.

Tóm tắt cách học không biết chán

Vì nhiều lý do khác nhau nhưng chúng ta đều cần phải học suốt đời.

Khi học thấy chán, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình chán học. Học sai phương pháp, chương trình học nhàm chán hay vì bạn không muốn học…

Khi đã biết lý do mình chán học, bạn có thể tìm cách để giải quyết. Tạo môi trường học tập thú vị, thử cách học mới hay cố gắng chăm chỉ hơn.

Bàn về chuyện học và cách học thú vị không biết chán, có 3 cuốn sách bạn nên đọc:

Tôi tự học. Đọc sách này bạn sẽ biết một số phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả. Biết được mục đích thực sự của học vấn.

Học cách học. Sách viết về quá trình học tập và ghi nhớ của con người dựa trên cơ sở khoa học.Từ đó, cung cấp những mẹo mực để việc học trở nên thú vị và dễ dàng hơn. Học hoài mà không thấy chán.

Khuyến học. Là cuốn sách về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản. Qua đó, có thể học được những tư tưởng cách tân giáo dục làm nên sự phát triển cho con người và đất nước Nhật Bản.

Đọc thêm: Thảo ơi, Thảo là ai?

Tác giả: ThảoThảo Bácsĩ

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

6 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
q
qwuoc viet
2 năm trước

hay qua ban oi

b
Trí Đức
2 năm trước

Hay qua ban oi, minh da co dong luc hoc roi

k
kim Taehyung
2 năm trước

Bạn viết hay lắm cảm ơn nha từ giờ mình sẽ cố gắng học