Kinh nghiệm đi chùa bà Đen Tây Ninh mới nhất

1/5 - (1 bình chọn)

Để trả lời những câu hỏi Chùa Bà Đen ở đâu?, Chùa Bà Đen có gì chơi?, “Đi chùa Bà Đen cầu gì?” và để có kinh nghiệm đi lễ chùa bà Đen hãy đọc ngay bài viết này.

1. Hành trình đi phượt Tây (Tây Ninh) của mị

Đến du lịch Tây Ninh, có 3 địa điểm nổi tiếng nên đi là tòa thánh Tây Ninh, chùa bà Đen và hồ Dầu Tiếng.

Mặc dù là phận nữ nhi chân yếu tay mềm nhưng mị thích đi phượt lắm. Bước chân tới Tây Ninh, mị quyết tâm phải ghé qua 3 điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ninh vửa kể trên cho bằng được.

Cửa ngõ Tây Ninh
Cửa ngõ Tây Ninh

Tòa thánh Tây Ninh thì Thảo đã thăm vào buổi chiều. Đến tối, Thảo đánh chén một bữa bò tơ chuẩn vị đặc sản Tây Ninh. Trời lạnh, ban đầu gọi lẩu bò ăn nhưng lẩu cũng đã hết sạch. Đành phải gọi món nướng thay thế vậy.

Cơ mà tự nướng thì cũng cực lắm. Khói bay mịt mù. Tuy cũng thịt nướng giống BBQ Hàn Quốc nhưng ở đây thịt cắt to bản lắm. Thảo lại hơi kĩ tính kiểu bệnh nghề nghiệp nên toàn sợ giun với sán. Kết quả là ngồi nướng lâu lắc. Nướng xong, thịt teo tóp lại như thịt khô.

À có thêm lưu ý nhỏ này nữa, Thảo thấy nhiều bạn kĩ lắm. Trước khi lên chùa là phải ăn chay thanh tịnh mấy ngày trước. Điều này thì cũng tùy tâm, không bắt buộc đâu nhé.

2. Chùa bà Đen thờ ai?

Chùa bà Đen thực ra là một quần thể gồm điện, chùa, miếu,… Thời cách mạng, vùng núi Bà Đen gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Núi bà Đen đã trở thành di tích lịch sử và văn hóa. Bởi vậy, khách du lịch đến thăm quan chùa và núi bà Đen ngày càng đông.

Chùa bà thờ Bà Đen ( Linh Sơn thánh mẫu). Chùa bà Đen ngoài Điện bà thờ Bà, còn có những ngôi chùa thờ các vị thần phật khác nữa mà dọc đường đi lên chùa có thể bắt gặp.

Giai thoại về bà Đen gắn liền với nhiều câu chuyện li kì, hấp dẫn.

Tương truyền, bà là con một vị quan ở đất Tây Ninh. Khi bà chết trên núi, hiển linh phù hộ giúp đỡ dân chúng trong vùng những lúc mất mùa đói kém hoặc gặp chuyện oan ức.

Chùa bà được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Đã được trùng tu nhiều lần. Chùa đã trở thành nơi hành hương, chiêm bái của đông đảo người dân trong vùng. Ngay cả người Sài Gòn, Bình Dương, miền Tây cũng kéo về lễ chùa Bà.

Hầu như, ai đi chùa bà Đen cũng cố gắng vào lễ bà Đen một lần cho biết. Bức tượng bà Đen được điêu khắc tinh xảo, nặng tới 240kg.

3. Đi chùa bà Đen ở đâu?

Các bạn ở miền Nam, chắc cũng có lần nghe đến chùa bà Đen Tây Ninh. Dân gian đồn thổi, chùa bà Đen thiêng lắm.

duong-di-nui-ba-den
Chùa bà Đen nhìn từ thành phố Tây Ninh

Nằm sát vách Sài Gòn nên nhiều người Sài Gòn có thể đi chùa Bà Đen đi về trong ngày. Ở Sài Gòn, có thể đi xe đò, xe bus, ô tô hay xe máy để đến núi bà Đen. Dịp tết âm lịch, nhiều gia đình tranh thủ đi chùa bà Đen xin lộc đầu năm rồi về trong ngày luôn. Cũng ít ai nghỉ lại qua đêm.

Từ trung tâm thành phố Tây Ninh, Thảo chạy xe tầm 20 phút là tới khu du lịch bà Đen. Đường rộng, chạy êm ru.

4. Kinh nghiệm đi chùa bà Đen 

Ở khách sạn, Thảo lò dò lên mạng để tìm hiểu kinh nghiệm đi chùa Bà Đen, núi Bà Đen. Khá thú vị là núi bà Đen được chuyển sang tiếng Anh là “Black Virgin Mountain”. Cũng hơi ngồ ngộ ha.

Thảo gõ từ khóa núi bà Đen lên Google thấy không chỉ dân mình mà khách Tây cũng khen quá trời. Thấy cũng tự hào cho đất nước Việt Nam mình.

Lúc đầu nghĩ đến cảnh leo núi, Thảo thấy cũng hơi hồi hộp nhẹ. Con gái chân yếu tay mềm lại suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh, không biết có đủ sức để leo không?

Mấy năm nay, đi chùa Bà Đen, núi Bà Đen đều có cáp treo nên Thảo cũng yên tâm phần nào. 

Sau một đêm ngủ say bí tỉ, Thảo mở mắt dậy thì trời vẫn còn se lạnh. Cuộn mình ấm áp trong chăn, Thảo cứ ngỡ đang đi du lịch Đà Lạt chứ không phải Tây Ninh. Liếc nhìn đồng hồ thì đã 7 giờ sáng. Thảo vội vàng nhảy ra khỏi giường. Vậy là hỏng bét dự định đi chùa Bà sớm cho mát mẻ và ít người…

Từ trong thành phố Tây Ninh đã thấy núi bà Đen lấp ló, lúc ẩn lúc hiện trong mây mù trắng xóa.

Thực ra, từ cách đây rất lâu, mấy đứa bạn đi phượt của Thảo đã khoe ảnh đi săn mây trên núi bà Đen. Ngày đó, chưa có cáp treo lên đỉnh núi nên chỉ có cách đi bộ. Đi liên tục tầm 4 tiếng từ chân núi là tới đỉnh. Hay nhất vẫn là cắm trại nghỉ qua đêm trên núi bà Đen để sáng sớm săn mây.

Nếu núi Bà ngày xưa dành cho những phượt thủ thì những người đi chùa bà Đen để hành hương, lễ Phật, viếng bà…

du-lich-nui-ba-den
Toàn cảnh chùa bà Đen.

Đi chùa bà Đen có bao nhiêu bậc thang? Kinh nghiệm đi bộ lên chùa

Lúc đầu nghe nói đến leo núi là Thảo thấy toát mồ hôi rồi. Nhưng may quá, chùa bà chỉ nằm lưng chừng núi, ở độ cao hơn 300m. Còn núi bà Đen cao 986m là ngọn núi cao nhất của miền Đông Nam Bộ.

Từ chân núi leo 1.000 bậc thang là lên đến chùa Bà. Thảo đo bằng điện thoại thì chỉ đi 4.000 bước là chinh phục chùa bà Đen.

Đi bộ lên chùa thì nên mang giày thể thao cho dễ đi lại. Chứ đừng đi leo bậc thang mà quất đôi giày cao gót chót vót thì chỉ có nước cởi giày đi chân đất !

Dưới chân núi, có 3 cách đi viếng chùa Bà là cáp treo, máng trượt và đi bộ.

Thấy cũng khá gần nên Thảo leo bộ lên chùa. Đường đi lên chùa bà Đen rộng rãi, có thể tự đi mà không cần người hướng dẫn.

Đường lên chùa là những bậc tam cấp vững chãi. Đi được vài chục bậc có những ghế đá, chiếu nghỉ ngồi nghỉ chân rất mát mẻ. Cây cối, hoa lá tươi xanh. Có rất nhiều tảng đá lớn nhỏ ven đường với những hình thù đẹp mắt.

di-bo-chua-ba-den
Đường đi bộ lên chùa bà Đen

Dọc đường đi bộ lên núi bà Đen có rất nhiều hàng quán bán nước giải khát, trái cây, mũ nón, đồ lưu niệm. Có một rổ trái đỏ đỏ khá lạ mắt. Hỏi ra mới biết là trái trôm.

Những ai yếu chân, có trẻ nhỏ hay lớn tuổi thì khuyên nên đi cáp treo. Chỉ tốn tầm 6 phút là tới, vừa khỏe vừa mát, an toàn cho mọi độ tuổi.

Cáp treo đi chùa bà Đen

Có 2 tuyến cáp treo: Từ chân núi đi chùa bà Đen và chinh phục đỉnh núi bà Đen. Tính ra từ chùa không có chuyến nào lên đỉnh núi mà phải quanh xuống lại chân núi rồi đi cáp lên. Hoặc luyện chân cho khỏe rồi đi bộ lên đỉnh.

Đường chùa lên chinh phục đỉnh núi khá hiểm trở nên dân phượt chủ yếu đi đường cột điện để lên núi bà Đen. Tuy vậy, đường nào lên đỉnh bà Đen cũng khá thô sơ, nhiều tảng đá to khó vượt. Bạn nào sức yếu thì nhắm đi cáp treo cho lành.

Theo nhiều bạn thì đi cáp treo lên đỉnh sẽ đẹp hơn. Vì quãng đường dài hơn, ngồi trong cáp treo có thể chiêm ngưỡng mây mù trắng xóa bao quanh.

Lưu ý nữa là nếu đi bộ lên chùa mỏi chân thì lúc về bạn có thể đi cáp treo xuống núi.

Đi máng trượt thì ít người chọn hơn. Người nào hơi có máu mạo hiểm chút xíu mới dám thử.

Kinh nghiệm đi khu du lịch núi bà Đen

Cuối cùng, sau gần 2 giờ đồng hồ leo núi cật lực, Thảo cũng đã leo đến chùa. Xa xa, có những tuyến cáp treo cũ nằm lơ lửng giữa không gian. Buồng cáp treo bây giờ rộng rãi và đẹp hơn rất nhiều.

Từ trên cao nhìn xuống, Thảo bị hút hồn bởi cảnh đồng lúa mênh mông, đượm vàng bên dưới. Không phụ lòng của mị, trời lúc 10 giờ sáng không có nắng mà có khá nhiều mây. Thật không uổng công lặn lội đường xa đến đây.

Lần trước, Thảo lên đỉnh núi Sam- Châu Đốc cũng được chiêm ngưỡng cảnh đồng lúa, dòng sông thơ mộng như vậy. Lần này, lúa chín vàng, đẹp xuất sắc.

Có rất nhiều thi sĩ tức cảnh đã ” sinh” những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của núi bà Đen:

“Tây Ninh danh thắng núi Bà

Uy linh trời tạc một toà nên thơ”.

Những ngày gió mùa cuối năm, trên núi bà Đen lạnh và gió như ở Đà Lạt. Mỗi ngày có hàng trăm người kéo về chùa để hành lễ, cúi bái hay đơn giản là hiếu kì, vãn cảnh chùa cảnh núi.

5. Đi chùa bà Đen cầu gì? Kinh nghiệm đi chùa bà Đen

Chùa Bà đã có cách đây gần 300 năm. Đông nhất vẫn là Tết âm lịch và lễ hội chùa bà Đen.

Lễ hội chùa bà Đen vào ngày 5.5 âm lịch ( Tết Đoan Ngọ hay ở quê của Thảo, mọi người còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Theo tục, nhà nhà hái nắm cỏ treo trước cửa nhà).

Lễ chùa bà là một lễ hội lớn của toàn tỉnh Tây Ninh.

Hàng trăm ngàn du khách lại tìm đến chùa Bà Đen để cầu an, lấy hên, cầu cuộc sống bình an, duyên lành…

du-lich-ba-den
Đi chùa bà Đen cầu gì?

Đồ cúng lễ Bà có thể là trái cây, hoa, cau… Trên đường đi lên chùa bà, Thảo thấy có nhiều bạn cũng cầm những bó hoa và trái cây mua từ dưới chân núi mang lên. Dọc suốt đường đi, cũng có rất nhiều hàng quán bán những mâm cúng đã được soạn sẵn.

Người có kinh nghiệm đi chùa lâu năm thì rành rọt về khâu cúng bái, mâm lễ…Người chưa có kinh nghiệm đi chùa thì chỉ cần tâm an, lòng thành là được.

Không gian chùa bà Đen

Đang say mê ngắm cảnh, Thảo chợt giật mình khi nghe tiếng CHUÔNG CHÙA vang vọng. Quay lại, một sư thầy đang kiên nhẫn đứng thỉnh từng hồi chuông. Tiếng chuông làm cho không khí ở đây thêm sâu lặng và trang nghiêm.

Tiếng chuông chùa bà Đen
Vị sư đánh chuông chùa bà Đen

Đi du lịch đâu cần những nơi sang chảnh, xa hoa. Có những nơi lạ lẫm, bình yên lại khiến con người cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy.

Không có cảnh chen chúc bán hàng rong hay ăn xin ở chốn linh thiêng này. Cũng như nhiều nơi tâm linh khác, các bạn nên mặc áo quần lịch sự, kín đáo. Có thể mang áo lam, áo dài chụp hình sẽ rất ăn ảnh.

Dọc theo những bậc thang đá, có thể đến chổ tượng Phật nhập niết bàn. Từ đó, có thể nhìn xuống toàn cảnh chùa ẩn hiện sau bụi hoa giấy rực rỡ.

Lội bộ nhiều rất mệt và khát nên Thảo ghé mua kem ở quán hàng ngay trong khuôn viên chùa. Ở đây, cũng có đủ loại nước uống và kem lạnh. Ngoài ra, còn bán đồ ăn chay giá rất rẻ.

6. Review những cái nhất của khu du lịch bà Đen 

Bạn biết ngôi chùa phía sau lưng Thảo tên là gì không?

nha-ga-chua-ba-den

Thảo đoán chắc nếu chưa đi chùa bà Đen chắc 99,9% bạn sẽ trả lời sai câu này.

Vì sự thật, đây là nhà ga cáp treo chùa Hang. Lúc đầu Thảo cũng tưởng nhầm là ngôi chùa 5 tầng. Lại gần mới thấy là nhầm.

Nhà ga Chùa Hang là một nhà ga cáp treo có kiến trúc không đụng hàng với 5 tầng lầu. Mái nhà cong vút hệt như những mái chùa của Việt Nam.

Nhìn xa xa, kiến trúc nhà ga hợp nhất với quần thể chùa Bà. Theo Thảo thấy cách xây dựng như này vừa độc đáo lại không phá vỡ cảnh quan linh thiêng nơi chốn Phật.

Ngoài ra, nhà ga Bà Đen dưới chân núi được tổ chức thế giới Guinness công nhận là “nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”. Kiến trúc bên trong mang đậm phong cách Âu Châu với những ô cửa sổ rực rỡ sắc màu, đẹp đến lịm tim.

Trên đỉnh bà Đen còn có tượng Phật bà cao nhất Đông Nam Á. Tượng bằng đồng cao 72m, nặng 170 tấn là niềm tự hào của người Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

7. Kinh nghiệm đi chùa bà Đen khi nào?

Thời tiết Tây Ninh mát mẻ dễ chịu quanh năm. Vì vậy, có thể đi chùa bà Đen vào bất kỳ lúc nào.  Tuy vậy, mùa mưa ( từ tháng 5 đến tháng 9) đi đường bậc thang hơi trơn trượt, nguy hiểm.

Ai ưa đông vui, nhộn nhịp thì chắc hẵn không thể bỏ qua dịp lễ hội chùa bà Đen ngày 5.5 âm lịch hay ngày Tết, ngày rằm.

Tác giả: ThảoThảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận