Phượt Tây Ninh, kinh nghiệm du lịch tòa thánh Tây Ninh có gì?

Rate this post

Điểm đầu tiên Thảo đi du lịch trong ngày đầu năm mới là TÒA THÁNH Tây Ninh.

Tòa thánh Tây Ninh thì Thảo cũng đã nghe đến từ lâu nhưng lần này mới có dịp ghé thăm.

Tòa thánh Tây Ninh ở đâu? Tòa thánh có gì?

Vốn là người ngoại đạo, du lịch tòa thánh Tây Ninh là một điều xa lạ với Thảo.

Lần đầu đi thăm quan tòa thánh có rất nhiều bất ngờ, bỡ ngỡ và hơi lo lắng. Không biết có làm gì bị cấm không.

Nhưng cứ lo sợ thì cũng chẳng đi được đâu. Thảo lại xách balo và lăn bánh về nơi ấy.

Nằm cách Sài Gòn gần 90km nên tranh thủ cuối tuần, ngày nghỉ rất dễ lập team phượt Tây Ninh một chuyến ra trò.

Thảo thấy nếu đi chơi Tây Ninh đi và về trong ngày cũng được nhé. Nhưng sẽ hơi cập rập và không thích hợp cho đứa thích sự thư thái như Thảo.

  • Kinh nghiệm du lịch tòa thánh Tây Ninh tự túc
  • Du lịch tòa thánh Tây Ninh ở đâu?
  • Du lịch bên trong tòa thánh Tây Ninh có gì?
  • Du lịch tòa thánh Tây Ninh về đêm có gì?
  • Du lịch lễ hội tòa thánh Tây Ninh

1.Kinh nghiệm du lịch tòa thánh Tây Ninh tự túc:

Vốn sát vách Sài Gòn nên nhiều đứa bạn của Thảo đã đi du lịch Tây Ninh mòn cả dép.

Tây Ninh trước giờ chắc ai cũng biết đến núi Bà Đen vốn nổi tiếng linh thiêng.

Bạn của Thảo là người Sài Gòn mặc dù cả năm làm việc quần quật không có thời gian đi du lịch ở đâu. Nhưng hễ cứ Tết là năm nào cũng phải chen chân lên chùa Bà Đen Tây Ninh để xin lộc đầu năm.

Nghe Thảo khoe sắp đi Tây Ninh, mấy người ở nhà dặn mua giùm muối tôm Tây Ninh về chấm trái cây các thứ.

Nào ngờ đâu, vô siêu thị ở Sài Gòn mát mẻ vẫn mua được muối tôm Tây Ninh ngon lành. Có lẽ muối Tây Ninh đã được đưa đi bán buôn ở khắp mọi nơi.

Những lần trước, Thảo đã đi xe đò qua Campuchia. Có ghé cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh. Cửa khẩu cũng khang trang lắm.

Nhưng lần này, tranh thủ nghỉ tết dương lịch, trong lúc mọi người tấp nập khăn gói về quê, Thảo chọn Tây Ninh để đi du lịch cho thật đã.

du-lich-tay-ninh
Từ Sài Gòn, chạy xe hai tiếng là tới Tây Ninh.

Tây Ninh rộng lớn vậy nhưng cũng chỉ có vài địa điểm du lịch nổi bật như tòa thánh Tây Ninh, núi Bà Đen, cửa khẩu Mộc Bài, hồ Dầu Tiếng…

Hành trình của Thảo bắt đầu từ trung tâm Sài Gòn, chạy xe một mạch theo hướng sân bay Tân Sơn Nhất rồi ra quốc lộ đi Hóc Môn, Củ Chi là tới Tây Ninh.

Đường rộng thênh thang, tính ra cũng hơn 2 tiếng chạy xe là đã có dấu dép trên đất Tây Ninh.

Đợt Thảo đi là tháng 1, thời tiết khá mát mẻ, đi đường dài một mạch mà không thấy mệt. Chứ bình thường, thời tiết ở Tây Ninh cũng nắng nóng như Sài Gòn vậy. Đi đường lúc giữa trưa là say nắng, cháy da lắm.

Điểm đầu tiên Thảo đi trong ngày đầu năm mới là tòa thánh Tây Ninh.

Tòa thánh Tây Ninh thì Thảo cũng đã nghe đến từ lâu nhưng lần này mới có dịp ghé thăm.

Ở Sài Gòn cũng có những tour du lịch 1 NGÀY dẫn khách nhất là khách nước ngoài đến tham quan tòa thánh Tây Ninh.

Đường xá cũng tiện lợi, rộng rãi.

Đi du lịch tòa thánh Tây Ninh tự túc cũng là một trải nghiệm thú vị và tự do giờ giấc hơn.

2.Du lịch tòa thánh Tây Ninh ở đâu?

Tòa thánh Tây Ninh cách trung tâm Thành phố Tây Ninh khoảng 5 km.

Đi từ Sài Gòn, Thảo đến Tây Ninh khi đã 2h chiều.

Dự tính sẽ để nguyên cả ngày mai tham quan núi Bà Đen nên Thảo ghé thăm tòa thánh Tây Ninh trước.

Vừa đi vừa dò theo Google map, đến cái bảng chỉ hai hướng: Hướng vào thành phố và hướng đi núi Bà Đen.

Dọc trên đường đi, Thảo cũng có thấy vài thánh thất đạo Cao Đài. Nhưng tòa thánh thất to nhất, đẹp nhất và du lịch nổi tiếng vẫn là TÒA THÁNH Tây Ninh.

Lúc gần đến tòa thánh, Thảo thấy có vài cụ ông mặc bộ đồ áo dài màu trắng tinh đang đi theo chiều ngược lại. Chắc các cụ mới đi lễ ở tòa thánh về.

Trước khi vào đến trung tâm thành phố Tây Ninh, kiểu gì cũng đi ngang qua tòa thánh Tây Ninh ở phía bên tay trái. Rất tiện để tham quan.

3.Tòa thánh Tây Ninh bao nhiêu hecta?

Điều bất ngờ đầu tiên là khuôn viên tòa thánh rộng chà bá.

Cảm giác của Thảo lúc đầu hơi choáng ngợp và bất ngờ.

Khuôn viên tòa thánh nằm xen lẫn những rừng cây cao ngút được rào chắn cẩn thận.

Nhìn kĩ vào trong rừng cây thì thấy có cả đàn KHỈ đang sinh sống trong đấy.

khuon-vien-toa-thanh
Cuộc sống an nhiên của khỉ trong khuôn viên tòa thánh Tây Ninh.

Khỉ lớn, khỉ nhỏ đều rất bình thản khi thấy người lạ. Tuy vậy, các bạn không nên cho khỉ ăn hay đùa giỡn khỉ vì chúng có thể tấn công bạn.

Thảo chợt thấy giống bên động Batu ở Malaysia, khỉ nhiều vô kể. Mà cả đàn khỉ còn ngồi ở các bậc thang lên xuống để chơi đùa. Tuy biết khỉ cũng hiền nhưng khi đi gần, Thảo vẫn thấy sợ bị chúng giật đồ.

Rào ở khuôn viên tòa thánh rất thấp. Thảo cũng hơi thắc mắc vì sao mấy chú khỉ năng động lại không trèo rào ra ngoài?

Mới lần đầu đi còn bỡ ngỡ nên Thảo thấy mọi người chạy theo hướng nào thì mình chạy theo đường đó.

Để vào khuôn viên có rất nhiều cổng. Nhưng luôn có một cổng vào và một cổng ra nên bạn lưu ý để chạy đúng hướng.

Đi được một đoạn là Tòa thánh thất đồ sộ với hai tháp song song nhau.

Tòa thánh có diện tích hơn 2.000 m2. Rất đồ sộ và uy nghi.

Đây là những nét kiến trúc rất đặc trưng của đạo Cao Đài. Vừa pha trộn Đông phương và Tây phương.

Các bạn lưu ý là không được đậu xe phí trước khuôn viên của tòa thánh. Liên tục có mấy chú đứng thổi còi cảnh báo bạn điều này cả ngày cũng như ban đêm.

Hãy chạy xe vòng qua góc bên hông của tòa thánh.

du-lich-toa-thanh-tay-ninh
Thảo tranh thủ chụp hình trước khi vào bên trong tòa thánh.

Một điểm độc đáo của tòa thánh là làm bằng BÊ TÔNG CỐT TRE.

Thực sự là dân du lịch, nếu không có người giới thiệu về tòa thánh Tây Ninh thì chắc Thảo cũng không tò mò làm chi mấy khâu xây dựng phức tạp đó.

Thảo vốn nghe rất nhiều đến chuyện xây dựng bằng bê tông cốt thép, chứ cốt tre thì chưa nghe bao giờ.

Bạn cũng xí xóa cho Thảo là con gái nên cũng không đam mê lắm đến chuyện xây dựng cho lắm.

Lên mạng tìm kiếm thì quả thật, nhiều nơi cũng đang mang tre vào xây dựng vừa tiết kiệm vừa để bảo vệ môi trường.

Đây không phải là lần đầu tiên Thảo nhìn thấy thánh thất của đạo Cao Đài.

Bạn nào ở miền Đông và Nam Bộ như Sài Gòn, Tây Ninh chắc hẳn cũng sẽ bắt gặp nhiều thánh thất tương tự.

Nhưng phải nói là tòa thánh Tây Ninh là công trình lớn nhất. Đây cũng chính là cái nôi, cơ quan đầu não của đạo Cao Đài.

Khuôn viên Tòa thánh Tây Ninh có gần 100 CÔNG TRÌNH kiến trúc lớn nhỏ có thể tham quan, du lịch: tòa thánh thất, văn phòng, trường học…

Ngày nghỉ lễ nên nhiều khối nhà đóng cửa im lìm.

Khuôn viên tòa thánh rộng 1,2 km với rất nhiều rừng cây xanh tốt. Không khí trang nghiêm, trong lành. Vì khuôn viên rộng nên chủ yếu mọi người chạy xe máy vòng vòng trong đó để ngắm cảnh chứ đi bộ thì hơi lâu.

Tuy nhiên, không giống như nhiều đạo khác, Thảo nhận thấy trong khuôn viên của tòa thánh Tây Ninh không có nhiều tượng hay hình thờ các đấng tối cao của đạo.

4.Du lịch Tòa thánh Tây Ninh là đạo gì?

Tòa Thánh Tây Ninh thờ đạo Cao Đài.

Lúc đầu Thảo cũng khá mơ hồ về đạo Cao Đài. Chỉ biết đạo này thờ một con mắt.

Nhưng sau đó, gặp vài người bạn có theo đạo Cao Đài thì nghe họ chia sẻ ít nhiều về đạo.

Khá thú vị khi đạo Cao Đài do người Việt Nam sáng lập từ thế kỉ XX.

Tây Ninh chính là nơi khởi sinh của đạo Cao Đài.

Đây là tôn giáo khá thú vị mà Thảo từng biết. Vì nó là sự kết hợp của mọi tôn giáo.

Đạo Cao Đài dung hợp nhiều yếu tố từ các tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Thần Đạo và cả một số tôn giáo đa thần( theo Wikipedia).

Trên nhiều bức tượng ở tòa thánh Tây Ninh, nhờ đứa bạn giới thiệu, Thảo mới để ý có Phật thích ca, Lão tử, chúa Jesus, …

Ngoài ra còn thờ một số nhà chính trị, nhà văn như Nguyễn Bỉnh Khiêm (Việt Nam), Victor Hugo (Pháp), Tôn Dật Tiên (Trung Hoa).

Có lẽ Đạo Cao Đài là sự KẾT HỢP của nhiều tôn giáo và văn hóa miền Nam Bộ.

Theo Wikipedia: ” có 3 triệu tín đồ đạo Cao Đài ở Việt Nam” . Chủ yếu ở miền Nam.

Nếu lúc trước Thảo không biết gì về đạo Cao Đài thì sau khi đến thăm quan tòa thánh Tây Ninh về, Thảo cũng thêm hiểu biết chút ít.

Đạo Cao Đài ở đây hơi phản phất hơi hướng của Phật giáo.

Cũng như mọi tôn giáo khác, đạo Cao Đài hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Khuyên răn con người làm lành, lánh dữ. Cũng như ăn chay để tránh sát sinh.

5.Du lịch bên trong tòa thánh Tây Ninh có gì?

Thêm một lưu ý nữa với những bạn đi lần đầu như Thảo là có 2 lối đi vào tòa thánh. Một lối bên phải cho nam và lối bên trái cho nữ.

CHÚ Ý: Cởi bỏ giày dép trước khi vào.

Thảo không thấy biển báo cấm mang váy ngắn hay đồ ngắn nhưng chắc ăn nhất vẫn nên mang áo quần dài tay, lịch sự khi đến những khu vực trang nghiêm như thế này.

Không biết ngày thường thì thế nào chứ đợt Thảo đi trúng ngày lễ nên tòa thánh đông nghịt khách du lịch. Tuy vậy, không gian vẫn rất rộng lớn và thoáng mát.

Đồng thời có rất nhiều cô chú đạo hữu đạo Cao Đài bận áo dài trắng đứng hướng dẫn khách tham quan.

Trong tòa thánh Tây Ninh, có những hành lang dài hai bên mà khách du lịch đi vòng theo đó.

Thảo nghe mấy cô chú ở đây nói là khách du lịch chỉ có thể đi hai bên hông, không được đi thẳng giữa chánh điện.

Vốn là một đứa cũng không giỏi quan sát cho lắm nên Thảo cố căng mắt ra để nhìn lấy nhìn để.

Bên trong tòa thánh có 2 hàng CỘT RỒNG, sơn đủ màu xanh, đỏ, trắng.

Nhìn những con rồng này làm Thảo nhớ đến những mái đình, ngôi chùa của Việt Nam cũng có những con rồng oai nghiêm như vậy.

chanh-dien-toa-thanh-tay-ninh
Bên trong chánh điện tòa thánh.

Thảo nhẩm tính thì có cả thảy 9 hàng cột rồng ở hai bên. Tương ứng với nó là 9 khoảng trời mây bên trên trần nhà.

Trên những khoảng trời, có rất nhiều vì sao mà nghe nói ban đêm sẽ tỏa ánh sáng lấp lánh.

Quả thật, lối kiến trúc ở chánh điện vừa LẠ mà vừa QUEN.

Từ lối vào, Thảo quan sát thấy nền nhà có những bậc cao dần mà tính ra cũng là 9 bậc cao dần lên đến chổ bàn thờ.

Chổ bàn thờ cao nhất để bài vị thờ, 7 chiếc ghế thờ được sắp xếp theo một thứ tự bí mật và bức tượng thờ MỘT CON MẮT.

Nghe nói con mắt tượng trưng cho con mắt của thượng đế ( Thánh Nhãn).

Và con mắt này luôn là mắt bên trái.

Dọc hai bên hành lang bên trong cũng như bên ngoài vẽ rất nhiều con mắt tương tự.

du-lich-toa-thanh
Biểu tượng con mắt được cách điệu trên khung cửa.

Vốn là người ngoại đạo, đối với Thảo, kiến trúc tòa thánh Tây Ninh chứa đựng những bí ẩn không thể hiểu được.

Khách du lịch có thể tự do chụp kiến trúc bên trong tòa thánh TÂY NINH.

Lúc đầu, tahro cũng khá e ngại nên không dám cầm máy nên chụp. Đi được một đoạn, thấy mọi người chụp mà không bị nhắc nhở thì Thảo mới can đảm nháy máy.

Nhưng LƯU Ý không được chụp hình người lấy phông nền là Thánh nhãn. Có bạn vừa giơ máy ảnh lên định chụp một chú thổi còi nhắc nhở liền.

Đi hết một vòng tròn quanh tòa thánh, bạn có thể đi thêm một vài vòng nữa nếu muốn.

Phải căng mắt lắm, Thảo mới thấy có thùng công đức nhỏ để ở một góc khuất trong tòa thánh. Rất tế nhị và kín đáo.

Mới đi du lịch Tây Ninh lần đầu nên Thảo tiện là ghé thăm tòa thánh luôn.

Nhưng thời điểm tốt nhất vẫn là lúc hành lễ.

Giờ tham quan tòa thánh Tây Ninh với khách du lịch hay nhất vẫn là lúc 12 giờ trưa hàng ngày.

Lúc đó, các tín đồ đạo Cao Đài lui đến đây để thực hiện nghi lễ rất trang trọng, đẹp mắt.

6.Du lịch Tòa thánh Tây Ninh về đêm có gì?

Sau khi tham quan tòa thánh xong thì cũng hơn 3 giờ chiều, Thảo chạy vô trung tâm Tây Ninh uống cà phê và tìm phòng nghỉ lại.

Lên mạng xem thì thấy tòa thánh ban đêm nhìn đèn lấp lánh quá nên ăn tối xong lại chạy qua tòa thánh xem như thế nào.

Nhưng kết quả thì khá thất vọng vì không được lung linh như hình.

Chỉ có vài bóng đèn được bật lên. Chắc có lẽ chỉ đến dịp lễ hội lớn mới được đủ thứ đè rực rỡ.

du-lich- toa-thanh-ban-dem
Tòa thánh Tây Ninh về đêm.

Ban đêm, tòa thánh Tây Ninh cũng đóng cửa nên chỉ được đi thăm quan bên ngoài khuôn viên.

Về đêm, khuôn viên rất mát mẻ.

Một điều khiến Thảo khá thích thú là không hề có cảnh buôn bán hàng rong trong khuôn viên tòa thánh. Không gian hoàn toàn tĩnh mịch, trang nghiêm cả đêm lẫn ngày.

7.Du lịch lễ hội tòa thánh Tây Ninh:

Nếu nói đến lễ hội lớn của Tây Ninh chắc hẳn là lễ hội chùa Bà Đen và lễ hội tòa thánh Tây Ninh.

Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội lớn nhất của Tòa thánh Tây Ninh, thu hút nhiều khách du lịch.

Lễ được gọi là Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung.

Trung thu năm ngoái, đứa bạn ở Tây Ninh rủ rê tham gia mà Thảo cuối cùng lại bận.

Nghe nói lễ hội này ở Tây Ninh đông vui lắm. Có múa rồng, múa lân.

Đặc biệt là nghệ thuật kết trái cây thành rất nhiều linh vật như long, lân, quy, phụng.

Tây Ninh có thể nói là núi đất THIÊNG với sự tích về Bà Đen huyền bí.

Ngoài ra, tòa thánh Tây Ninh cũng là một địa điểm du lịch mang nhiều nét bí ẩn với nhiều bí mật chưa được giải đáp.

Đi vòng vòng thăm thú tòa thánh Tây Ninh cũng như một số địa điểm khác nằm trong khuôn viên cũng tốn hết gần 1 tiếng đồng hồ.

Đạo Cao Đài cũng là một tôn giáo độc đáo của Việt Nam, Thảo nghĩ bạn nào có cơ hội nên đến tòa thánh Tây Ninh tham quan một lần cho biết.

Từ tòa thánh, Thảo chạy một mạch vào trung tâm thành phố Tây Ninh luôn. Đường đẹp chứ vậy là chạy thôi.

Đọc thêm: Du lịch Ninh Thuận tự túc có gì thú vị?

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận