Trì hoãn do nguyên nhân gì? Làm sao để đánh bại trì hoãn
Nào hãy kể cho tôi lần gần đây nhất bạn chần chừ không muốn bước ra khỏi giường để đi làm, bạn do dự không muốn thực hiện một công việc mà bạn được phân công hay là việc bạn nấn ná đi đến bệnh viện để khám sức khoẻ?
Tất cả những ví dụ trên đều là biểu hiện của sự trì hoãn. Trì hoãn là hành vi chần chừ, hoãn lại, nấn ná việc gì đó mà lẽ ra nên được thực hiện ngay. Trì hoãn có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực, từ học tập, công việc, chuyện gia đình cho đến những nghĩa vụ phải làm.
Nhiều cuộc phỏng vấn cho thấy mọi người thường hối tiếc về những điều họ chưa làm nhiều hơn là những điều họ đã làm. Một nghiên cứu cho thấy “trì hoãn” đứng thứ ba trong các nguyên nhân cản trở con người đạt được những thành công rực rỡ trong công việc của họ
“Trong khi chúng ta lãng phí thời gian vào việc do dự và trì hoãn thì cuộc sống đang trôi qua.” – Seneca
Khi chúng ta đang trì hoãn việc bước ra khỏi giường để đi làm, khi ta đang do dự không muốn hoàn thành bài tập, khi ta nấn ná không muốn bước tới công viên để tập chạy…cũng là lúc chúng ta đang bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để giúp bản thân trở nên khoẻ mạnh, làm việc năng suất, học được điều gì hay ho hơn.
Đặc biệt trong kỷ nguyên này, rất nhiều những cảm dỗ hưởng thụ khiến chúng ta dễ mất tập trung. Bạn có thể chậc lưỡi và cho phép bản thân giải trí bằng xem phim, dùng mạng xã hội, từ từ hẵng làm việc cho đến tận hạn cuối cùng.
Mình cũng như bạn. Mình cũng đã từng rất hay nhân nhượng cho bản thân và vắt chân lên chổ để chạy khi phải hoàn thành deadline. Tuy nhiên, càng về sau, mình thấy cách mình xử lý công việc, cuộc sống như vậy của mình không ổn chút nào. Vì vậy, mình đã tìm hiểu rất nhiều về thói quen trì hoãn này.
Huyền thoại: Chúng ta làm việc tốt hơn khi chịu áp lực
Nhiều lần chúng ta nghe ai đó nói rằng họ thường thích để mọi thứ đến phút cuối. Họ biện minh cho hành động của mình là bản thân làm việc hiệu quả nhất khi chịu áp lực.
Nếu bạn quan sát và nghĩ kỹ hơn thì bạn sẽ thấy khi chúng ta còn quá ít thời gian, chúng ta thường cũng hoàn thành công việc nhưng chất lượng của công việc nhiều khi không được tốt cho lắm. Vì ta thiếu thời gian để tìm kiếm, chọn lọc thông tin tốt nhất có thể.
Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy chỉ một chút căng thẳng nhẹ mới có thể giúp chúng ta gia tăng hiệu suất. Còn đa phần thì việc trì hoãn công việc cho đến phút cuối cùng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho cảm giác tội lỗi, áp lực nặng nề và hiệu quả cũng kém hơn.
Tại sao mọi người lại trì hoãn?
Lý thuyết động lực tạm thời (Temporal motivation theory)
Một trong những lý thuyết về trì hoãn được biết đến rộng rãi là lý thuyết động lực tạm thời (TMT), do Piers Steel đề xuất. Lý thuyết này gợi ý rằng động lực của chúng ta để hoàn thành một nhiệm vụ phụ thuộc vào việc chúng ta đánh giá mức độ quan trọng của nhiệm vụ đó, cũng như thời gian còn lại trước khi đến hạn chót.
Mọi người thường làm tốt những việc có phần thưởng ngay tức khắc mà trì hoãn khi phải làm những việc không có phần thưởng liền và những việc phức tạp, làm xong cũng nhận ra kết quả ngay.
Ví dụ: sau khi chơi 1 ván game, ta biết ta đạt được bao nhiêu điểm, ta thắng bao nhiêu màn, thua bao nhiêu màn. Điểm số cao ở 1 màn chơi game là 1 phần thưởng ta nhận được ngay.
Trong khi đó, dành 1 vài giờ học tiếng anh không giúp bạn nhận ra bạn đã tiến bộ như thế nào. Kết quả là rất khó nhận ra bởi vì sự tiến triển cực kỳ nhỏ và khó đo lường. Do vậy, đa số chúng ta thấy chơi game thú vị hơn là học tiếng anh.
Xu hướng thiên vị hiện tại
Xu hướng thiên vị hiện tại có nghĩa là chúng ta có xu hướng bị thúc đẩy bởi sự thỏa mãn hoặc phần thưởng tức thời hơn là phần thưởng đến muộn, dù cho phần thưởng đến muộn có giá trị hơn phần thưởng tức thời. Đ
Ví dụ, phần thưởng tức thời là nằm trên giường và xem tivi sẽ mang lại cảm giác thoải mái hơn là hoàn thành bài tập về nhà. Vì kết quả của việc chăm chỉ làm bài tập về nhà sẽ đến muộn hơn, ở buổi lên lớp tiếp theo hoặc bài thi cuối kỳ mới đánh giá được nỗ lực của chúng ta.
Đây là lý do tại sao việc trì hoãn lại mang lại cảm giác tốt trong khoảnh khắc hiện tại.
Hiện tượng tự tin thái quá:
Bạn có nghĩ rằng mình là người giỏi hơn trung bình trong lĩnh vực của mình?
Vậy còn đạo đức thì sao, bạn có nghĩ rằng mình là người có đạo đức, trung thực tốt bụng hơn mức trung bình dân số không?
Bla bla bla các thứ khác, bạn nghĩ mình tốt hơn trung bình người bình thường ở những điểm nào?
Ví dụ, một cuộc khảo sát cho thấy hơn hai phần ba người Mỹ tin rằng họ lái xe giỏi hơn mức trung bình. Bạn có thể thấy khá buồn cười, vì đơn giản điều này khá vô lý. Nhưng thực sự mọi người tin vào khả năng của mình như vậy đấy.
Mấu chốt ở đây chính là con người thường có hiệu ứng tự tin quá đà: ta thường tin ta giỏi hơn mức trung bình, ta cũng có đạo đức tốt hơn mức trung bình, thậm chí là con cái, hay vật gì của ta cũng có đáng yêu hơn mức trung bình.
Do hiệu ứng này mà khi được giao một nhiệm vụ, ta thường tự tin mình có đủ thời gian để hoàn thành dúng hạn, bởi vì ta có đủ năng lực mà. Và vì vậy, ta cũng không cần phải bắt tay vào làm vội từ ngày đầu tiên làm gì. Cứ từ từ, rồi khoai cũng nhừ. Cứ chơi đi!
Tê liệt bởi các phương án
Trong thời đại này, chúng ta có rất nhiều phương án để lựa chọn. Chúng ta có rất nhiều tự do trong các phương án của mình. Tuy nhiên chúng ta lại rất dễ bị quá tải trước những thông tin mà mình phải đối mặt.
Bạn có thể phải chọn một trong số hơn 200 màu sắc khác nhau khi chọn màu sơn tường, chọn một trong hàng trăm thương hiệu từ thời trang đến ăn uống, địa điểm vui chơi hay bài hát…Con người đang bị đầu độc bởi khủng hoảng thừa.
Bởi có quá nhiều thông tin trong khi năng lực xử lý của não bộ có giới hạn, do đó chúng ta dễ có xu hướng do dự, phân vân, chần chừ rất lâu trước khi có thể đưa ra quyết định cuối cùng của mình.
Thói quen Trì hoãn nhìn từ não bộ:
Vì sao có những người hay trì hoãn hơn những người khác. Hãy cùng mở một cửa sổ để nhìn vào não bộ xem ở đó diễn ra quá trình gì liên quan đến trì hoãn.
Thông qua các cuộc khảo sát và quét não, các nhà khoa học phát hiện ra phần hạch hạnh nhân – phần não xử lý cảm xúc và kiểm soát động lực của con người– lớn hơn ở những người hay trì hoãn. Những cá nhân này cũng có kết nối kém hơn giữa hạnh nhân và một phần não gọi là Vỏ não trước trán.
Vỏ não trước trán sử dụng thông tin từ hạch hạnh nhân để quyết định hành động mà người đó sẽ thực hiện. Do đó, về cơ bản, hành động của con người có sự phụ thuộc vào cảm xúc.
Não của người trì hoãn khó ngăn chặn cảm xúc, do đó hành vi của họ dễ bị trì hoãn hơn.
Làm thế nào để ngừng trì hoãn
Bạn có thể học và đọc rất nhiều về tính tự giác, động lực, kế hoạch và quản lý thời gian, nhưng trừ khi bạn biến những điều học được thành thói quen hàng ngày của mình, nếu không thì chúng sẽ chỉ là thông tin vô dụng được lưu trữ trong trí nhớ mà không bao giờ giúp ích được gì cho bạn.
Bất kỳ cuốn sách, bài viết hoặc video nào cũng có thể cung cấp cho bạn các phương pháp để chống trì hoãn, nhưng việc thực sự sử dụng chúng hay không lại tùy thuộc vào bạn.
Vậy, những công cụ nào có thể giúp bạn ngừng trì hoãn?
1) Động lực tinh thần- động lực bên trong
Động lực bên trong là thứ rất quan trọng quyết định bạn sẽ làm gì, bạn sẽ trở thành người như thế nào.
Bạn hãy nhớ lại những lần mình có cuộc hẹn hò quan trọng mà bạn rất mong chờ. Có phải bạn rất vui vẻ, hứng khởi, có thể đan xen với cảm giác hồi hộp. Nếu buổi hẹn đó là sau giờ tan làm thì bạn sẽ hăm hở từ chổ làm, về nhà tắm rửa, chọn bộ đồ đẹp nhất, đứng ngắm mình trong gương nhiều lần và tủm tỉm cười.
Cũng là một ngày đi làm như vậy nhưng sau giờ làm bạn không có cuộc hẹn hò nào cả. Vậy khi về đến nhà bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chỉ muốn nằm dài trên ghế sofa hoặc trên giường và lướt điện thoại. Có thể là một đến hai tiếng sau, bạn mới uể oải nhấc mông dậy, đi tắm và kiếm gì đó ăn nhồm nhoàm trong khi mắt vẫn dán vào cái điện thoại.
Sự khác nhau ở hai tình huống này chính là cảm xúc, động lực của bạn: vào ngày có buổi hẹn hò, bạn thấy phấn khởi, đầy năng lượng, còn ngày không hẹn hò thì bạn lấy thấy mệt mỏi, thiếu động lực. Buổi hẹn hò chính là động lực về mặt tinh thần để quyết định bạn cảm thấy thế nào, bạn sẽ làm những gì.
Khi bạn thích leo núi thì việc đi leo núi khiến bạn thấy thích thú và bạn luôn có những cơ hội để đi leo núi. Ngay cả khi chỉ nghĩ đến leo núi thôi cũng khiến bạn hạnh phúc.
Do đó, trước khi bắt tay vào hành động, bạn nên tìm cho mình những lý do để bắt đầu đủ sức thuyết phục chính bạn. Càng liên kết những lý do đó với cảm xúc, cảm xúc càng mạnh mẽ càng tốt.
2) Xây dựng thói quen
Thói quen là những quyết định ta sẽ làm gì vào thời điểm nào. Thậm chí, chúng ta thực hiện thói quen một cách vô thức. Ví dụ mỗi sáng ta không cần phân vân mình có nên đánh răng hay rửa mặt hay không, vì thói quen đánh răng và rửa mặt vào buổi sáng đã thành một thói quen của chúng ta rồi.
Khi chúng ta muốn tránh sự trì hoãn, chẳng hạn việc đọc sách, viết nhật ký hay tập thể thao, hãy biến chúng thành thói quen và thực hiện chúng hàng ngày càng tốt.
Chẳng hạn bạn sẽ tập đọc sách mỗi ngày sau giờ ăn tối. Vậy cứ sau bữa tối, hãy lấy một cuốn sách mà bạn yêu thích ra để đọc. Thời gian đọc bao lâu phụ thuộc vào sở thích, hoàn cảnh mỗi người. Với người ghét việc đọc sách thì tập đọc 5 phút mỗi ngày, duy trì đều đặn cũng là một khởi đầu tốt rồi. Với người yêu thích việc đọc, thì bạn có thể đọc 30 phút hay một vài tiếng trở lên đều được. Tuy nhiên, cần nhớ là bạn phải duy trì hành vi đọc sách sau bữa ăn tối hàng ngày. Không nên bỏ qua hay quên thói quen này quá hai ngày liên tiếp. Dù bận hay mệt đến mức nào cũng nên dành cho nó ít nhất 5 phút mỗi ngày.
Có bạn sẽ nói đọc 5 phút mỗi ngày là quá ít. Thậm chí là chưa hiểu mình đọc gì thì đã hết 5 phút rồi. Đúng vậy. Đọc 5 phút mỗi ngày có thể chưa giúp bạn hiểu được nội dung của cuốn sách, cũng rất lâu có thể xây dựng tri thức từ việc đọc. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang tạo ra thói quen đọc sách mỗi ngày. Khi thói quen này đủ mạnh để bạn không trì hoãn, do dự với với đọc sách mỗi ngày nữa thì chúng ta có thể tăng thời lượng của việc đọc lên, chẳng hạn là 15 đến 30 phút/ ngày.
Bởi vì việc xây dựng thói quen là khá khó khăn, đặc biệt với những việc ta không thích, do đó cần sự kiên nhẫn. Thậm chí nhiều khi ta đã thực hiện được một thói quen trong 2-3 tháng nhưng sau đó vì quá vui sướng, ta đâm ra nuông chiều bản thân và không thực hiện thói quen đó nữa thì thói quen cũng sẽ mất dần theo thời gian. Tập cái tốt thì khó còn nhiễm cái xấu thì rất nhanh.
Một khi thói quen đã rất mạnh thì việc bỏ thói quen đó lại rất khó.