3 Bí quyết giúp vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

5/5 - (1 bình chọn)

Vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình là chìa khóa thành công. Khi chính mình là kẻ thù, bạn đã có đủ vũ khí để vượt qua nỗi sợ hãi này chưa?

Hẳn ai trong đời cũng có những nỗi SỢ HÃI từ rất cơ bản như nỗi sợ thiếu ăn, thiếu tiền cho đến nỗi sợ độ cao, sợ xấu, sợ cô đơn.

Nghịch lí là phải VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI của chính mình thì mới thành công và hạnh phúc.

Xã hội càng hiện đại thì càng nhiều nỗi sợ.

Hôm nay, Thảo sẽ chia sẻ với bạn câu chuyện vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

Thảo từng là một người hướng nội hay lo lắng. Làm việc trong ngành y với những quy tắc khắt khe ở thành phố đông đúc làm Thảo thấy căng não.

Thảo đã từng cảm thấy rất lo lắng và sợ hãi quá sức chịu đựng!!!

Nhưng cũng nhờ đó, mà Thảo tìm những cách để đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân.

Vượt qua khỏi lo lắng và chinh phục được những mục tiêu của mình.

Và nhờ bí quyết này, điều tối quan trọng là cảm thấy cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa hơn.

Câu chuyện VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI CỦA CHÍNH MÌNH của Thảo:

  • Câu chuyện vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình
  • Vượt qua nỗi sợ có khó không?
  • Ba bí quyết giúp Thảo vượt qua nỗi sợ hãi để thành công

Chủ đề này đã ấp ủ từ rất lâu trước khi nghiêm túc ngồi gõ lạch cạch trước màn hình máy tính.

Hy vọng nội dung này hữu ích cho bạn.

I.Câu chuyện vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình:

Có đến 70-80% các vấn đề khiến chúng ta lo lắng và sợ hãi lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.

Đúng không?

Hầu như những gì làm bạn sợ hãi không có gì mới cả!

vuot-qua-noi-so-hai

Mỗi ngày, Thảo đều sợ hãi rất nhiều chuyện.

Thảo bận rộn với quá nhiều LO LẮNG và SỢ HÃI trong đầu mà không thể vượt qua được.

Nhiều lúc bận suy nghĩ mà ai gọi cũng không nghe, đi ngoài đường suýt đụng xe, đi cầu thang xém ngã lộn cổ…

Hàng ngày, lỗ tai bị quấy rầy bởi tiếng chuông báo thức inh ỏi lúc 6h sáng.

Thảo vừa uể oải nhoài người ra tắt chuông báo thức, vừa ngáp ngắn ngáp dài một cách mệt mỏi.

Hôm nay Thảo có việc gì nhỉ?

À xấp hóa đơn cần thanh toán đã sắp trễ hạn, cả núi công việc đang cần hoàn thành cho đúng deadline.

Những người đồng nghiệp nhiều chuyện đang canh chừng để bới móc mọi sai sót bé tỉ ti.

Ôi!

Mới nghĩ tới viễn cảnh đó là chỉ muốn tiếp tục nhắm mắt lại và vùi đầu vào tấm chăn lông ấm áp giữa buổi sáng thứ hai đầu tuần đầy giông bão!

Và còn rất nhiều nhiều vấn đề kiểu như vậy khiến tâm trí Thảo không ngừng xoay vần trong nổi sợ hãi và lo lắng.

Nán lại trong chăn thêm vài phút, Thảo lần mò mở Facebook như một thói quen.

  • Thằng A học cùng lớp đại học đang vi vu ở Bali. Cái thằng này học thì kém mà được cái lươn lẹo thì không ai bằng, chẳng ai ưa nó cả.
  • Con Q đang than thất nghiệp, chán như con gián.
  • Ai đó khoe cái váy đen dài chấm gót nhìn thấy quê quê

bla bla những thứ linh tinh khác nữa …

Cuối cùng, sau tầm chục phút lướt Facebook cho thỏa trí tò mò cũng phải bò lồm chồm dậy để sửa soạn đi làm.

Đội chiếc nón bảo hiểm lên đầu, bạn lao xe vun vút ra đường như một chiến binh.

Cuộc chiến cam co hòng kiếm chút tiền mưu sinh chính thức bắt đầu!

Thứ hai kiểu gì chẳng kẹt xe. Và đúng y như vậy.

Thứ 2, dòng xe kẹt cứng.

Con đường oằn lên bởi dòng người đông nghẹt. Khói từ bô xe bay mù trời. Tiếng còi xe inh ỏi.

Loay hoay mãi mà không kiếm được đường “thoát thân”.

Kiểu này tết Công Gô mới tới được chổ làm!

Tranh thủ lúc đang mắc kẹt, bạn lại miên man suy nghĩ về bản báo cáo sắp phải trình ông sếp khó ưa vào thứ 3 tới.

Mạnh mẽ lên nào. Cùng lắm là nghỉ việc thôi chứ có gì đâu. Đừng sợ hãi nữa!

Bạn có thấy kịch bản trên có một phần nào đó giống mình không?

Ai cũng có những nỗi sợ riêng của mình.

“Bạn sợ hãi điều gì?”

Có khi nào, những nỗi sợ hãi là về chính mình như sợ độ cao, sợ nước, sợ khó, sợ bản thân không vượt qua được… không?

Lúc bạn lo lắng quá mức và sợ hãi cực độ đến mức tim đập loạn xạ như muốn nổ banh lồng ngực phải không?

II.Vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình có khó không?

Bạn của bạn mới đi làm hai năm đã mua trả góp gần xong căn chung cư cao cấp ở quận 2!

Người yêu cũ khoe hình đám cưới hạnh phúc trên mạng!

Các nhà khoa học dự báo nhiệt độ trái đất đang tăng dần!

Tất cả mọi thứ làm bạn thấy căng thẳng! Tim đập thình thịch!

Làm sao cho bằng bạn bằng bè?

Làm sao để bảo vệ môi trường sống?

Làm sao cho cục mụn đáng ghét kia kịp biến mất trước bữa đám cưới?

Không khí ở Sài Gòn ngày càng độc hại nữa chứ.

Với tình hình như vậy, có thể trên đường đi làm, bạn hít phải một ít khí thải từ xe. Về nhà lăn đùng ra bệnh.

Khi bạn ngồi suy nghĩ, bạn sẽ thấy có nhiều thứ để lo sợ lắm. Cuộc sống thật là khó khăn!

Nhưng chờ chút đã.

Tại sao bạn lại có những nỗi sợ như vậy?

Đó chẳng phải là những suy nghĩ tào lao sao. Thảo từng nghĩ đủ thứ linh tinh trên đời, rồi sợ hãi không đâu như vậy.

” Bạn hiểu ý Thảo chứ?”

Thảo chỉ đơn giản lo lắng cho sức khỏe và yêu môi trường.

Tốt hơn hết là hãy đi bộ, đi xe đạp, đi xe bus hay taxi để bảo vệ trái đất. Còn hơn việc ngồi tưởng tượng ngày mình bị chết bởi khói xe.

Hầu hết mọi người sẽ cố gắng hết sức để lãng tránh nỗi sợ hãi của mình thay vì đối mặt với chúng.

chinh-phuc-noi-so-hai

Như bạn đã thấy đấy, ai cũng có khả năng lo lắng tất thảy mọi thứ. Kể cả những việc xa xôi hàng chục năm sau cũng nằm trong mối lo của ngày hôm nay.

Khi ngồi bình tĩnh lại, bạn cũng biết mình lo lắng bao đồng. Nhưng mọi lo lắng cứ lặp lại y như vậy.

Làm sao để bớt SỢ được chứ?

Tất nhiên kể cả chuyện này cũng cần phải học.

Học cách để giảm lo lắng bằng không bạn sẽ mắc một căn bệnh có tên là Rối loạn lo âu. Ối ối, có ai ở đấy không? Cứu tôi với!

Sợ hãi liệu có thật sự tiêu cực?

Nỗi sợ có thể có thật hoặc không có thật.

Bạn biết đấy, LO LẮNG và SỢ HÃI là phản ứng của chúng ta với một tình huống bất lợi.

Bạn đơn độc lạc vào rừng sâu.

Chợt nghe tiếng gầm gừ của hổ mặc dù ngoảnh lại không thấy nó ở đâu. Dù chưa tới mức tè ra quần nhưng bạn sẽ rất lo lắng và sợ hãi. Đúng không?

Bạn sắp đi thi/ thử việc/ ra mắt/ làm một điều gì đó mới mẻ thì tất thảy ta đều thấy SỢ.

Vậy kiểu lo này tương đối tốt. Vì nó giúp ta tập trung vào thời khắc đó, thay vì đầu óc cứ treo ngọn cây như thường nhật.

Nhưng điều tệ hại là, việc SỢ HÃI quá mức này có thể khiến bạn:

  • Run như cầy sấy đến mức quên sạch kiến thức đã thuộc làu trước đó khi đang ngồi trước mặt thầy giám khảo.
  • Làm vỡ tanh bành ly nước đang cầm trên tay trong buổi ra mắt sếp lần đầu.
  • Rớt dây và “tèo” khi bạn đang trình diễn màn đu dây thành thạo của mình chỉ vì hôm đó là buổi chung kết cuộc thi đu dây quốc tế…

Bạn có thể thấy mình sợ hãi những thứ không thực sự nguy hiểm, như nói chuyện trước đám đông .

Chỉ có cách vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông, bạn mới có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Nỗi sợ hãi là con dao hai lưỡi. Một chút thì quá tuyệt vời, nhưng quá nhiều thì là tai họa.

Thảo đã vượt qua nỗi sợ như thế nào?

  • Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng.

Khi có những nỗi sợ hãi con người thường có xu hướng lẩn tránh chúng: Vùi đầu vào công việc, lao vào những mối quan hệ không lành mạnh, mua sắm điên cuồng, dùng chất kích thích…

Điều đáng sợ và đáng giá nhất lại chính là ĐỐI MẶT với nỗi sợ hãi.

Bạn phải chấp nhận nỗi sợ hãi thì mới có thể vượt qua được.

doi-mat-voi-noi-so

Có một phụ nữ trung niên, không con cái và bị chồng ruồng bỏ tới gặp bác sĩ.

Mỗi lần xuất hiện, bà đều cho rằng mình vừa sinh được một đứa con vào tối qua và mình là một nữ bá tước.

Chính vì hoàn cảnh hiện tại quá đau khổ nên người phụ nữ này đã tự tưởng tượng ra viễn cảnh sung sướng, hạnh phúc của bản thân.

Bệnh tình của người phụ nữ ngày càng nặng. Vì bà nghĩ có mọi người xung quanh cố gắng đánh cắp đứa con trong trí tưởng tượng của bà ta đi.

Bà vô cùng hoang mang và sợ hãi. Đến lúc bác sĩ thuyết phục bà đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân. Khi bà phải chấp nhận mình không có đứa con nào hết, bà dường như phát điên lên. Hoảng loạn, không thiết đến ăn uống nữa.

Sau những giờ phút đau đớn tuột độ, người phụ nữ đã dần chấp nhận cuộc sống thực của mình.

Ngày trước, Thảo cũng sợ rất nhiều thứ. Một trong số đó là SỢ HÃI sự CÔ ĐƠN khi đến một nơi xa lạ một mình.

Chắc có lẽ, người nào trong đời cũng có những lúc cảm thấy thật trống rỗng và lạc lõng.

Những lúc như vậy, Thảo lại tự dày vò bản thân. Có lẽ Thảo đã làm sai điều gì đó để chịu cảnh ngộ này?

Thay vì hòa mình vào đám đông ồn ào, lao đầu bận rộn trong những công việc vô bổ, việc ở một mình có nhiều lợi ích. Sự cô đơn là một nốt lặng để trưởng thành hơn. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là hãy đối mặt với chính nỗi sợ hãi.

Vật lộn để vượt qua nỗi sợ hãi cô đơn khi ở một mình.

Xách balo lên đi du lịch bụi một mình thôi. Đánh liều vậy thôi, chứ ban đầu cũng ít kinh nghiệm lắm.

Đi đến đâu, ban ngày cũng đi thăm thú chổ này, chổ nọ. Ban đêm, hầu như là lúc kinh khủng nhất khi phải trực tiếp đối diện với nỗi sợ hãi, cô đơn ở nơi xa, xứ lạ.

Thảo nhớ nhất là lần lên Đà Lạt chơi. Mưa phùn cả ngày nên hầu như Thảo chỉ đi ăn và về nhà cuộn tròn trong lớp chăn dày. Quanh quẩn một mình, cái lạnh tê buốt và sự u buồn của bầu trời xám xịt ở Đà Lạt làm cho nỗi cô đơn cô đặc hơn.

Nếu lúc trước, Thảo sẽ vùng chạy khỏi đó. Bằng cách nào ư? Có thể đặt xe về lại Sài gòn ngay và luôn. Hoặc là chuyển đi chổ khác hoặc vùi mình vào một quán cà phê đông người.

Nhưng hôm đó, quyết định sẽ đối diện với nỗi sợ hãi cô đơn của chính mình xem nó lợi hại đến mức nào. Biết đâu sẽ khiến bạn thấy nó cũng không quá tệ như bạn tưởng.

Ngồi lặng lẽ suy ngẫm. Có thể bạn sợ sự cô đơn vì cảm giác mình bị thua cuộc, bị bỏ lại phía sau, sợ không được chấp nhận…

Phân tích thêm chút nữa.

Việc sợ bị thua cuộc vốn gắn liền với lòng tự trọng, hiếu thắng của bản thân.

Nhưng trên đời, ai cũng có thể thắng và thua ở một điểm nào đó. Ví dụ người thì hát hay nhưng không giỏi ăn nói, người làm kinh doanh tốt nhưng lại là vị phụ huynh thất bại….

Vì vậy, nếu chỉ chăm chăm lo sợ việc bị thua thì thật vô lý. Chắc chắn, bạn sẽ thất bại rất nhiều lần và trong nhiều việc khác nhau.

Từ nỗi SỢ HÃI cảm giác CÔ ĐƠN đã được hiểu là sợ thất bại. Nỗi SỢ THẤT BẠI sẽ dễ chấp nhận hơn.

vuot-qua-noi-so

Còn nỗi sợ không được người khác chấp nhận của Thảo thì làm sao có thể vượt qua?

Cái chính của nỗi sợ này là do THIẾU TỰ TIN.

Khi không tự tin thì luôn cần người khác chấp nhận và khen ngợi. Nếu không được người khác đồng ý thì bạn sẽ rơi vào cảm giác lạc lõng, khó chịu.

Vậy để vượt qua nỗi sợ hãi cô đơn, bạn sẽ tìm cách để làm tăng sự tự tin của mình.

Lấy giấy bút để liệt kê những điểm tốt, nổi bật của chính mình.

Chẳng phải bạn có khả năng kể chuyện khiến mọi người thích thú sao? Bạn sẽ dùng thời gian cô đơn một mình để ngắm nhìn cuộc sống.

Bạn sẽ đi qua nhiều miền đất, kết bạn với những người lạ để góp nhặt những khoảng khắc đẹp đẽ của cuộc đời.

Đến khi về, bạn sẽ kể lại cho những người ở nhà những câu chuyện thú vị và truyền cảm hứng nhất trên hành trình của mình.

Gương mặt của bạn sẽ hạnh phúc và thích thú khi mang lại niềm vui cho người khác. Và quan trọng hơn là sự tự tin và tự hào với chính mình hơn.

Khi chính mình là kẻ thù, nỗi sợ hãi lớn nhất cần phải vượt qua chính là sợ thua và nhanh chóng đầu hàng kẻ thù. Như câu nói nổi tiếng của Platon:

Chiến thắng bản thân là chiến thắng vinh hiển nhất.

Trong mỗi bước đi chập chững để chiến thắng bản thân, có thể rất khó, rất khổ. Đòi hỏi quyết tâm cao độ và một kỷ luật thép.

Bạn thấy đấy, để đối mặt với nỗi sợ hãi khi cô đơn, chia nhỏ vấn đề này ra thành nhiều phần nhỏ để tìm cách vượt qua.

Hay như những người nghiện thuốc lá lâu năm muốn bỏ thuốc cũng cần hành động từ từ. Mỗi tuần, giảm vài điều thuốc để cơ thể dần quen với nhịp điệu mới.

Chia nhỏ thành từng bước một là mấu chốt cho thành công trong mọi việc.

  • Luyện tập kỹ năng vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình:

    Chúng ta cần thêm kỹ năng gì để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân? Đó chính là hãy tập chấp nhận mình là kẻ thất bại, người thua cuộc. Đừng cố!

Cái gì? Ý của Thảo là nên buông xuôi cho đời đưa đẩy sao?

Ồ. Tất nhiên là KHÔNG.

Có phải tất thảy nỗi sợ của con người đều do chúng ta sợ thất bại, sợ làm sai, sợ làm xấu hình ảnh của bản thân, sợ không được chấp nhận đúng không?

Con người không cho phép mình làm những việc ngốc ngếch, sai lầm như vậy. Trước khi làm những việc mang tính chất quyết định thì chúng ta sẽ sợ.

Ta thà không làm, còn hơn bị bêu rếu vì làm sai. Thảo thà không đi đâu một mình, còn hơn là để người khác biết mình sợ cô đơn.

Vì vậy, mới nói thà chấp nhận mình là một bản thể với đầy lỗi lầm, điểm xấu xí và thất bại thì sẽ đỡ bị áp lực hơn.

ĐỪNG CỐ!

  • Luyện tập kỹ năng vượt qua nỗi sợ hãi khi bị từ chối?

    Trong một thử thách mới nhất để luyện tập khả năng vượt qua sự sợ hãi, một chàng trai đã nghĩ ra một sáng kiến.

Anh này tự thách đố bản thân phải chịu ít nhất một sự từ chối mỗi ngày trong 100 ngày liên tiếp.

Ví dụ:

Tự đi xin tiền của người lạ để đi chữa răng và bị từ chối.

Tự đi xin việc với lương cao và bị từ chối.

Xin số điện thoại và địa chỉ của một cô gái xinh đẹp và bị từ chối.

Liên tục những lời từ chối trong 100 ngày liên tiếp khiến anh chàng cảm thấy sự từ chối cũng không phải là vấn đề.

Anh chấp nhận mình có thể bị thất bại. Chấp nhận thất bại trở thành một điều bình thường trên con đường dẫn đến thành công.

Anh này sau đó đã không còn sự từ chối bởi những người xung quanh nữa.

  • Luyện tập kỹ năng vượt qua nỗi sợ hãi khi nói chuyện trước công chúng

    Có rất nhiều người SỢ nói chuyện trước công chúng.

Đây được đánh giá là nỗi sợ lớn thứ hai sau nỗi SỢ CHẾT.

Thảo đã từng nghe một vị thiền sư phương Tây nổi tiếng kể câu chuyện vượt qua nỗi sợ hãi khi nói chuyện trước đám đông của mình.

Vị thiền sư này vốn là người Mỹ.

Khi xuất gia đi tu ở Thái Lan nên phải học kinh sách và thuyết giảng bằng tiếng Thái. Phải thuyết pháp trước dân chúng bằng tiếng Thái là một thử thách khổng lồ cho các vị sư phương Tây.

Lần đầu, phải nói chuyện trước công chúng, vị này đã chuẩn bị bài nói của mình trong một giờ đồng hồ. Tuy rất run rẩy và sợ hãi, nhưng vì sự chuẩn bị chu đáo nên bài giảng khá trơn tru, trôi chảy.

Sau một tiếng đồng hồ phải luyên thuyên bằng tiếng Thái, thính chúng chuẩn bị ra về. Sư phụ của vị thiền sư ra dấu cho mọi người ngồi lại. Sư phụ yêu cầu vị sư kia thuyết giảng thêm một tiếng đồng hồ nữa.

Lúc này, vị thiền sư sợ hãi cực độ. Lôi hết vốn tiếng Thái có thể có của mình để nói đi nói lại những gì mình có thể nói. Cuối cũng, bài giảng một tiếng cũng hoàn thành.

Vị sư thở phào nhẹ nhõm. Vậy mà sư phụ lại ra dấu giảng thêm một tiếng đồng hồ nữa.

Lúc này, vị thiền sư đã hết chữ nghĩa đành miễn cưỡng lắp bắp đi lắp bắp lại những gì đã nói trước đó. Phía dưới, thính chúng bắt đầu ngủ gật. Vài người nói thì thầm bàn tán xôn xao. Cuối cùng, một số người mất kiên nhẫn và bỏ về.

Đến gần cuối bài giảng thì đến ruồi, muỗi cũng mất kiên nhẫn đã rủ nhau đi ngủ hết. Vị sư chỉ còn trơ trọi trên bục giảng với bài nói dỡ ẹc trong ba giờ đồng hồ không còn một tiếng vỗ tay.

Kì lạ là từ hôm đó, vị sư đã KHÔNG còn thấy SỢ khi phải nói chuyện trước đám đông nữa.

Vì không bao giờ, có bài nói chuyện nào còn có thể dỡ tệ hơn bài thuyết pháp ba tiếng liên tục không có sự chuẩn bị kia. Ngay cả vị sư cũng đã nhận ra sự thất bại khi nói chuyện với thính chúng không còn đáng sợ như trước.

Cách để vượt qua nỗi sợ hãi khi nói chuyện trước đám đông của diễn giả:

Một người diễn giả khác cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Trước khi có thể thoải mái và tự tin trước đám đông là cả ngàn giờ luyện tập một mình trước gương, trước màn hình máy tính. Có thể thử thách bản thân ở bất kỳ lúc nào có cơ hội để nói chuyện trước khán giả.

Ở đâu có micro là anh này đều lao đến để nói chuyện. Đôi khi chỉ đơn giản là chào mọi người thôi. Tiếp xúc, luyện tập nhiều lần khiến nỗi sợ nói chuyện trước công chúng thu nhỏ lại dần.

Thay vì lo sợ ánh mắt của mọi người. Mỗi lần được cầm micro, vị diễn giả say mê đắm chìm kể câu chuyện của chính mình.

  • Chỉ tập trung vào những gì ĐANG LÀM . Ngó lơ luôn nỗi sợ hãi.

    Chuyện quái quỷ đó có nghĩa là:

Nghĩa là lúc bạn đang nhào lộn trên sợi dây mảnh mai, thì chỉ tập trung đến chuyện làm sao chân còn nằm trên dây.

Vứt toẹt cái suy nghĩ về phần thưởng ngàn đô đang chờ trước mặt hay cái huy chương vàng lấp lánh kia đi.

Mà quên bạn cũng không biết đu dây. Vậy nên bỏ ngay cái giấc mơ đó ra khỏi đầu ngay.

Còn ban hay sợ hãi về viễn cảnh bị mấy cục u trong phổi nếu ngày nào cũng hít phải thứ khói xe đen xì kia đi thì cũng làm ơn tập trung làm tốt việc của mình đi đã. Sau khi được lĩnh lương cuối tháng, Thảo sẽ đi chụp chiếu các thứ xem mình có bị gì không. Sau đó thì vứt ngay cái nỗi sợ điên rồ ấy đi.

Ý tưởng tập trung vào việc mình ĐANG LÀM này đã dẫn lối tới một phương pháp để vượt qua nỗi SỢ HÃI ngay lập tức:

CHÁNH NIỆM (Mindfulness).

Nếu bạn chưa nghe đến từ này thì đây là khái niệm xuất phát từ Phật giáo.

Thứ quái gì vậy?

Tôi không theo Phật phiếc gì hết. Tôi tắt bài này đây. Tôi sẽ block Thảo.

Ối, ối! Chờ chút đã.

Thảo không cố gắng cải đạo của bạn đâu. Việc này của những nhà truyền giáo. Thảo chỉ đang nói về một phong cách sống thôi, chứ không đơn thuần là tôn giáo nữa.

Chánh niệm hiểu nôm na là tập trung vào việc bạn ĐANG LÀM.
chanh-niem
Đầu óc chánh niệm sẽ giảm sự sợ hãi.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, người thực hành chánh niệm hàng ngày sẽ có nhiều năng lượng chế ngự sợ hãi, mang lại hạnh phúc, bình an.

Vì vậy, nên thử thực hành chánh niệm trong hoạt động hàng ngày của bạn xem hiệu quả đến đâu nhé.

Bạn đang ăn cơm thì hãy tập trung nghĩ về việc nhai. Chỉ nghĩ về việc đó thôi. Nhân tiện tắt luôn tivi và cái video còn coi giang dở đi nhé.

Bạn đang phóng xe trên đường thì làm ơn chú ý mấy cái biển báo, tốc độ, xi nhan giùm.

Dù cho đó là con đường bạn đã đi mòn cả lốp xe.

Đừng tranh thủ tám điện thoại khi đang lái xe hay có bất kì suy nghĩ vớ vẩn nào khác cho dù người đi xe phía trước mặt bạn là siêu mẫu quốc tế đang bán nude để bảo vệ môi trường.

Đang ăn thì hãy chỉ biết ta đang ăn.

Đang đi chỉ biết ta đang đi.

Đang ngồi không thì cấm táy máy vào điện thoại. Hãy chỉ ngồi trong thinh lặng để biết ta đang ngồi, đang thở thôi.

Có lẽ Thảo chỉ gợi ý bạn đến khái niệm này rồi bạn tự tìm hiểu tiếp nhé. Vì Thảo sợ nói dài, nói dai thành ra nói dại luôn.

Mà nhân tiện là Thảo cũng đang tiêm thuốc cho bệnh nhân nên cũng không thèm bận tâm lo lắng việc bạn có hiểu những gì Thảo vừa nói đâu.

Tóm lại, để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình và tiêm đúng thuốc cho bệnh nhân, có ba cách nên thử:

  • Đối mặt với nỗi sợ hãi
  • Luyện tập kĩ năng vượt qua nỗi sợ hãi
  • Thực hành chánh niệm

Đọc thêm:  Cách vượt qua mặc cảm ngoại hình

IV. Những câu nói truyền động lực vượt qua nỗi sợ hãi:

1. “Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối; bi kịch thực sự của cuộc đời là khi đàn ông sợ ánh sáng. ” -Plato

2. “Sợ hãi là con đường dẫn đến Mặt tối. Sợ hãi dẫn đến tức giận, tức giận dẫn đến căm ghét, căm thù dẫn đến đau khổ.” -Yoda

3.”Không có gì trong cuộc sống là phải sợ. Nó phải được hiểu.” -Marie Curie

4.” Quyết định rằng bạn muốn nó nhiều hơn là bạn sợ nó. ” –Bill Cosby

5.”Tôi không sợ bão, vì tôi đang học cách lái con tàu của mình.” -Louisa May Alcott

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận