Du lịch Cồn Sơn có gì vui?
Một điểm đi chơi rất vui ở miền tây chính là cồn Sơn. Đối lập với cuộc sống thị thành ở thành phố Cần Thơ, miệt vườn cồn Sơn bình yên, giản dị như thời mới khai hoang bờ cõi.
Mấy năm gần đây, cồn Sơn trở thành một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ngoài chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, lần nào Thảo cũng phải đến cồn Sơn cho bằng được mới thỏa cái nhớ, cái thương.
Cồn Sơn ở đâu?
Cồn Sơn ngày xưa thường gọi là “cù lao Trà Nóc” là một dải đất nổi trên dòng sông Hậu hiền hòa. Mất gần một thế kỉ, phù sa sông Hậu bồi đắp nên vùng đất màu mỡ này.
Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Theo truyền thiết, cồn Sơn còn có tên gọi khác là cồn Linh. Sau đó, trên cồn mọc rất nhiều cây sơn dùng nhựa cây để sơn son thiếp vàng nên gọi là cồn Sơn. Nghề sơn son thiếp vàng giờ đã mai một. Người dân chuyển qua trồng cây ăn trái , nuôi bè cá và phát triển du lịch sinh thái.
Đường ngắn nhất đi đến cồn Sơn.
Đi Cồn Sơn rất thuận tiện, có thể đi tự túc hoặc theo tour.
Lần đầu Thảo đi được anh tour guide dẫn đi thăm nhà cổ Bình Thủy và cồn Sơn trong một buổi chiều. Từ đó về sau, quen mùi nên tự tìm đường đến chơi.
Cồn Sơn cách bến Ninh Kiều khoảng 7km.
Bến tàu du lịch Cồn Sơn thực chất chỉ là một bến đò nhỏ – bến cô bắc hay người dân Cần Thơ còn gọi là bến đò Ngang. Bến đò nằm trong một con hẻm nhỏ cách đường quốc lộ 91 khoảng 300m. Còn có bến Thủ Khoa Huân cũng có đò qua cồn nhưng bến này vắng và xa hơn.
Cồn Sơn chia đôi dòng nước giữa Vĩnh Long và Cần Thơ. Ấy vậy mà người Vĩnh Long muốn lên cồn Sơn cũng phải vòng qua bến cô Bắc rồi mới được đi đò sang cồn.
Cồn Sơn có gì vui?
Chinh phục bè cá ở Cồn Sơn vui thả ga
Bè cá là điểm tham quan độc đáo mà ai đi Cồn Sơn cũng đều muốn ghé qua. Nổi tiếng nhất là bè cá Bảy Bon của chú Bon- người được mệnh danh là “ vua cá thác lác”.
Chú là người tiên phong mang cá thác lác cườm về nuôi trong bè ở dòng sông Mekong. Ngoài cá thác lác còn có hàng chục loài cá lạ quý hiếm.
Lần đầu đi bè cá, Thảo đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nào là đàn cá thác lác đạp nước tung tóe rồi đến loài cá trê hồng cực dễ thương.
Chưa hết ngạc nhiên bởi giống cá màu hồng, Thảo lại được rửa mắt bởi màn “ đi săn” cực đỉnh ở dưới nước. Cung thủ tinh nhuệ này là cá mang rổ hay còn có tên là cá cung thủ. Chỉ cần nhìn thấy con mồi ở trên bờ là cá sẽ bắn tia nước chuẩn từng mi-li-met để đánh gục mục tiêu.
Nếu cá Koi đang làm mưa làm gió thì ở bé cá này bạn sẽ được cá Koi lành nghề massage chân.
Ngồi buông thỏng chân để cá rỉa những lớp da chết ban đầu hơi nhột nhưng rất là vui. Đừng nên bỏ lỡ.
Lạc vào miền quê nên thơ!
Sau khi tham quan xong lồng cá, đò chở thêm một đoạn ngắn để sang cồn. Nhìn xa, cồn như một vùng đất hoang sơ với những rặng cây xanh ngát, bốn bề là sông nước mênh mông.
Vừa bước chân lên cồn như được lạc vào một thế giới khác với chỉ lá hoa, cây cỏ. Có một chiếc bảng bằng gỗ ngay bến đò: “ Hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân và đừng mang theo gì ngoài những bức ảnh.”
Thảo mãi mê chụp hàng cau đầu đường đi vào cồn. Hàng cau cao vút đứng soi bóng xuống hồ nước cạnh bên.
Đang mãi chụp hình thì tình cờ có một cô chạy xe đạp ngang qua. Vì cồn nhỏ nên đa phần người dân đều đi bằng xe đạp. Thật bình yên làm sao!
Vũ điệu cá lóc bay vui mắt ở Cồn Sơn
Đàn cá bay chính là điểm nhấn thu hút khách về Cồn Sơn những ngày đầu.
Mỗi khi cho ăn chỉ cần gõ “cọc…cọc” là cả đàn cá lóc thi nhau phóng khỏi mặt nước để tranh mồi như cá heo làm xiếc.
Người tiên phong dạy cá lóc bay là chú Tín- một cư dân của cồn Sơn.
Ban đầu, khi cho ăn thấy vài chú cá nhảy lên mặt nước để đớp mồi làm chú Tín nảy ra ý tưởng huấn luyện cá. Về sau, biểu diễn cho khách du lịch coi chơi không ngờ lại được mọi người vô cùng thích thú. Bây giờ, chú Tín không chỉ dạy cho cá lớn bay mà còn đang huấn luyện những chú cá con mới bằng đầu đũa tập bay.
Ngoài xem cá lóc bay biểu diễn, Thảo còn được mời ăn khô cá lóc chấm mắm me chua chua, cay cay. Uống thêm ly nước trà lá sen thơm mát.
Du lịch cộng đồng cồn Sơn vui quên lối về
Người dân ở cồn sống rất tình cảm và gần gũi. Từ khi có du lịch, nhiều hộ gia đình chung tay với nhau làm du lịch cộng đồng.
Gần 30 hộ gia đình làm du lịch thì hơn phân nữa số đó tham gia vào hợp tác xã du lịch. Mỗi nhà chia việc để làm, mỗi món sở trường từ cây nhà lá vườn để nấu đãi khách.
Nhà giỏi làm vườn thì làm vườn ăn trái, người giỏi nuôi cá thì nuôi cá để khách tham quan.
Khách đến nếu có nhu cầu ăn uống, mỗi hộ sẽ lập tức gọi điện cho từng nhà để chuẩn bị món ăn. Nấu xong, các cô các chú lại thong thả đạp xe đến giao cho khách. Mâm cơm cộng đồng của khách vừa đầy đủ đặc sản cồn Sơn vừa thâm đượm tình làng nghĩa xóm.
Ăn trái cây chín ngập mặt ngay tại vườn
Vườn trái cây trên cồn đẹp lắm. Cây lá xanh tươi, trái nặng trĩu cành.
Tháng 3, vườn vú sữa mơ hồng vào vụ thu hoạch. Thảo được tự tay hái trái tùy thích và ăn ngay dưới gốc.
Trên cồn, mỗi mùa lại có mỗi loại trái cây khác nhau. Nhiều nhất chắc tầm tháng 5 tới tháng 7 hàng năm. Lần đi tháng 11, chủ yếu là cam xoàn.
Ngoài ra còn một số nhà vườn khác như:
- Nhà vườn Thành Đạt có nhãn.
- Nhà vườn Phương My trồng bưởi.
- Nhà vườn Song Khánh có chôm chôm.
- Vườn ổi Nữ Hoàng Thành Tâm.
Trái cây trên cồn nào chôm chôm, bưởi, vú sữa, nhãn lồng…vừa rẻ vừa bao chất lượng, ngọt thơm, mọng nước.
Học làm bánh dân gian Nam Bộ rất vui
Bên cạnh được ăn trái cây ngay tại vườn, bạn còn được trải nghiệm làm bánh ở nhà Công Minh.
Chủ nhà đã chuẩn bị sẵn bột, khuôn để khách tập làm bánh kẹp cuốn.
Những mẻ bánh đầu tự tay làm ra còn vụng về, vỡ vụn. Chỉ cần kiên trì hơn chút xíu, bạn cũng thành người làm bánh rất “ nghệ”.
Vừa làm vừa ăn nên làm mãi mà dĩa bánh không đầy. Ăn no uống thêm ly nước trà lá sake ngọt dịu.
Bên cạnh đó, nếu đặt trước hoặc đi vào cuối tuần, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức buffet bánh do chính tay cô chủ nhà làm ra.
Nghe nói cô chủ nhà Công Minh là một thợ làm bánh chuyên nghiệp. Cô có khả năng sáng tạo ra hơn 100 loài bánh với nguyên liệu chính chỉ là bột và đường. Nào là bánh phu thê, bánh in, bánh lá mít, bánh dừa….
Nổ cốm ” thót tim”
Ngày xưa, làng quê miền Tây nào cũng có người nổ cốm. Cốm đã trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ, món quà quê dân dã của đám trẻ nông thôn.
Lần đầu tiên Thảo được tận mắt chứng kiến cảnh nổ cốm ở nhà vườn Công Minh.
Gạo được cho vào quả nổ quay đều tay trên bếp lửa trong vòng 15 phút. Sau đó đặt quả nổ trước túi mành rồi đập thật mạnh. Cốm nổ “ đùng” một tiếng rõ vang làm Thảo giật bắn mình. Khói bốc lên nghi ngút, tuôn thành dòng cốm nở bung, trắng tinh vào túi mành.
Cốm được cô chú chia cho khách trong những túi lớn để đem về nhà ngào với đường, với gừng ăn lấy thảo. Tuy không phải món xa xỉ gì nhưng ăn cốm thấy ấm áp vị của tháng ngày đã qua.
Tận hưởng niềm vui khi tản bộ dọc trên cồn
Một trong những điều mà bản thân Thảo thích nhất ở cồn Sơn chính là khung cảnh miệt vườn bình dị. Cách đất liền không xa nhưng ở đây không có khói xe, không hàng quán xô bồ, không nhà cao cửa rộng.
Với diện tích đất trồng trọt hơn 70 hecta, quanh cảnh vẫn còn nguyên vẹn như thời mới khẩn hoang, mở cõi.
Tản bộ theo những con đường nhỏ dọc theo cồn dưới bóng mát của những tán cây, được hít thở hương đồng gió nội thì còn gì bằng.
Trên cồn, kênh rạch chằng chịt. Người lớn và cả đám trẻ đứng buông cần câu chờ được vài con cá về nấu canh chiều. Bình yên và thân thương đến lạ.
Mấy ao cá có trồng loại súng khổng lồ cũng hay hay. Nghe nói, giống súng này do đột biến gen nên lá vừa to vừa khỏe, người lớn có thể đứng trên chiếc lá khổng lồ mà không bị thủng.
Niềm vui vì ăn đặc sản cồn Sơn
Ngoài món buffet bánh dân gian, trái cây tươi ngon, trên cồn Sơn còn có những món ăn dân giã miền Tây khác như cá lóc nướng trui, cá tai tượng nướng lá sen, lẩu cá linh bông điên điển, chuột đồng chiên nướng…
Thảo thường hay ăn lẩu mắm ở nhà vườn Sáu Cảnh.
Lẩu ăn kèm với những thứ rau dân dã miền sông nước như bông súng, khèo nèo, hoa điên điển,…phản phất vị mặn mà của mắm cá trong nước dùng.
Trong lúc chờ đợi, chủ nhà mang ra một bình trà hoa đậu biếc mát lạnh, uống vào thấy sảng khoái liền.
Nồi lẩu to đùng ăn hoài không thấy hết. Ấy vậy mà chủ nhà còn mời thêm dĩa ổi giòn giòn, ngọt lịm.
Ăn trưa xong, nằm đua đưa võng bên vườn cây. Thả hồn theo làn gió mát rượi thì “ chill” hết sảy.
Có homestay Cồn Sơn không?
Trên cồn có luôn homestay để khách được trải nghiệm trọn vẹn hơn cuộc sống miền quê sông nước.
Ở nơi thôn quê này, tối đến du khách có thể tự do ngắm trăng, ngắm sao hay làm người ngông dân thực thụ đi giăng lưới, bắt cá cùng dân bản địa. Mệt toát mồ hôi nhưng mà vui lắm.
Thời gian nên đến?
Cồn Sơn quanh năm phủ bóng cây ăn quả, mưa thuận gió hòa nên có thể đi du lịch bất kì khi nào. Đặc biệt nhất là tầm tháng 5 tới tháng 7 dương lịch sẽ vào mùa nhiều loại trái cây chín rộ, ngọt thơm.
Cần chuẩn bị gì để có chuyến đi trọn vẹn?
Đi cồn Sơn chẳng cần chuẩn bị gì cho hung. Vừa gần thành phố, vừa tiện đi lại. Nhà vườn có cho thuê áo bà ba, khăn rằn để hóa thân thành dân Nam Bộ chính hiệu.
Nếu có cần chuẩn bị gì thì chỉ cần mang theo máy ảnh, điện thoại xịn để đừng bỏ lỡ những khoảng khắc tuyệt vời ở nơi đây.
Đọc thêm: Kinh nghiệm đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ.
Tác giả: ThảoThảo bác sĩ