Cung đường Quy Nhơn Phú Yên.
Cung đường Quy Nhơn Phú Yên có gì đẹp?
Lại là một cung đường nữa trong hành trình.
Hãy cũng Thảo khám phá cung đường Quy Nhơn sang Phú Yên này nhé.
À mà từ từ đã. Nếu bạn hơi hoảng khi nhìn thấy hình cây cầu gỗ ở đầu bài viết thì bình tĩnh nhé!
Đường Quy Nhơn Phú Yên là đường quốc lộ láng bóng. Không phải đi cầu tre, cầu khỉ gì đâu.
Kinh nghiệm phượt cung đường Quy Nhơn Phú Yên xin được phép bắt đầu.
Sáng sớm, Thảo bắt đầu thu xếp hành lí và chuẩn bị hành trình phượt tiếp theo.
Từ 6 giờ sáng cả thành phố đã bắt đầu những hoạt động cho ngày mới.
“Có thực mới vực được đạo“. Thảo ghé ăn món bún cá Quy Nhơn trước khi lên đường.
Gọi là bún cá nhưng có thể ăn kèm chả cá, riêu, sứa. Phân vân không biết món nào ngon nên Thảo gọi luôn tô thập cẩm.
Tô to ú ụ nên ăn mãi mới xong.
Điểm đến đầu tiên của Thảo là Tháp Đôi.
Đúng vậy, tháp đôi ở ngay trung tâm Quy Nhơn.
Bạn không nhầm đâu!
Tháp Đôi là hai tháp người Chăm được xây kề bên nhau. Gồm tháp phía Bắc và tháp phía Nam.
Từ nay bạn cũng biết tháp Đôi không chỉ có ở Malaysia nhé.
Theo phong tục của người Chăm thường xây cụm ba tháp. Nhưng không biết vì lí do gì nên mới chỉ xây được hai tháp thì ngưng xây nữa.
Tháp Đôi được xây dựng từ thế kỉ X- XV.
Ban đầu, Thảo thấy phần mái của tháp bị tù nên nghĩ đây là điểm độc đáo của tháp. Về nhà coi lại mới biết là do phần chóp mái đã bị mất.
Các bạn xí xóa cho vì Thảo hay đi tham quan các công trình kiến trúc nhiều. Vì Thảo rất thích tìm hiểu về văn hóa và tôn giáo thời xưa.
Ở Bình Định, ngoài tháp Đôi còn có tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long…
Trong đó, tháp Bánh Ít là nổi tiếng nhất với 4 tháp trên đồi.
Tuy nhiên tháp Bánh Ít nằm ở huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 20km.
Rất tiếc tháp Bánh Ít không nằm trên cung đường Quy Nhơn Phú Yên.
Nếu bạn muốn ghé tháp này chơi thì đừng quên huyện Tây Sơn còn là quê hương của hoàng đế Quang Trung. Tây Sơn còn có những điểm du lịch thú vị như bảo tàng Quang Trung, đàn Tế Trời, Hàm Hô,…
Quay trở lại với tháp Đôi ở Quy Nhơn.
Kiến trúc của hai tháp này chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn độ giáo.
Tháp chỉ gồm hai tầng thân và đỉnh, trái ngược với kiến trúc tháp vuông nhiều tầng như những công trình của người Chăm khác.
Tạm biệt tháp Đôi, địa điểm tiếp theo sẽ là mộ Hàn Mạc Tử và bãi Trứng- bãi Hoàng Hậu.
Hành trình phượt cung đường ven biển Quy Nhơn chính thức bắt đầu.
Mộ Hàn Mạc Tử nằm ở trên ngọn đồi Thi Nhân ở Ghềnh Ráng. Cách trung tâm thành phố khoảng 3km.
Mộ nằm lưng chừng con dốc Mộng Cầm.
Mộng Cầm là tên của mối tình đầu của Hàn Mạc Tử.
Mặc dù, hai người này chỉ mới gặp nhau có một lần nhưng đã nảy sinh tình yêu mến.
Về nhà viết thư qua lại với nhau.
Bà Mộng Cầm cũng là một thi sĩ. Bà mới mất gần đây, thọ 90 tuổi. Trong khi nhà thơ Hàn Mạc Tử chết lúc 28 tuổi vì bệnh phong.
Bạn có thể chạy xe máy, ô tô hay đi bộ để vượt qua con dốc này.
Lúc trước, có đường dẫn từ mộ Hàn Mạc tử đến trại phong Quy Hòa nhưng nay đã bị chặn lại.
Thảo chạy xe máy hết dốc rồi gửi xe và đi qua thăm mộ.
Điều bất ngờ nhất chính là mặc dù rất nổi tiếng nhưng phần mộ của cố thi sĩ lại rất đơn giản.
Mộ được ốp đá hoa cương. Bên trên là Đức Mẹ Maria. Nhà thơ Hàn Mạc Tử theo đạo Thiên chúa giáo mà.
Đứng trên này có thể phóng tầm mắt nhìn biển Quy Nhơn bao la phía dưới.
Có thể chính sự đơn giản, yên bình nơi đây cũng giống như tính cách của vị thi nhân này.
Ở Ghềnh Ráng, còn có một địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Quy Nhơn:
Bãi Trứng hay còn gọi là bãi Hoàng Hậu.
Từ dốc Mộng Cầm, tản bộ thêm một đoạn ngắn là tới bãi Trứng.
Ở đây có vô số khối đá tự nhiên tròn trịa mà người dân ưu ái đặt tên là “bãi Trứng“. Chắc có lẽ là trứng khủng long mới to như này.
Liên quan đến bãi Trứng còn lưu truyền một câu chuyện thú vị khác:
Ngày xưa, Hoàng hậu Nam Phương- vợ của vua Bảo Đại đã chọn bãi Trứng là bãi tắm dành cho mình.
Từ đó, bãi Trứng còn có tên là “bãi Hoàng Hậu“.
Ở bãi Trứng, nhìn xa xa là những tòa nhà của thành phố Quy Nhơn.
Rời bãi Trứng, cung đường ven biển Quy Nhơn Phú Yên tiếp tục trải dài trước mắt.
Thành phố Quy Nhơn nằm sát vách với Phú Yên nên loáng cái đã đến địa phận Phú Yên.
Trên đường đi, bạn có thể ghé qua Vịnh Xuân Đài- một điểm du lịch cũng khá nổi tiếng của Phú Yên.
Vịnh Xuân Đài cách Quy Nhơn tầm 50km, nằm trên cung đường Quy Nhơn Phú Yên nên cũng tiện đi lại.
Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống là những con thuyền neo đậu bình yên trên mặt biển.
Tuy vậy, Thảo cũng chỉ ngắm trên cao chứ không vô tham quan vịnh Xuân Đài.
Ngồi xe lâu, Thảo cũng thấy mỏi nhưng chuẩn bị có một bất ngờ thú vị nên Thảo thấy tỉnh cả người.
Từ Vịnh Xuân Đài chạy tầm 20 km, vượt qua dốc Vườn Xoài, nhìn bên tay trái sẽ thấy một cây cầu gỗ.
Cây cầu gỗ này có gì đặc biệt?
Cầu có tên là cầu gỗ Ông Cọp. Cầu dài 800m và là cây cầu gỗ DÀI NHẤT Việt Nam.
Cầu làm hoàn toàn từ ván của cây phi lao, bạch đàn. Thành cầu làm bằng thân tre già.
Cây cầu rất đơn giản, mộc mạc.
Ở đây, bạn có thể nhìn thấy cảnh người dân đi lại tấp nập qua cầu hay chiếc thuyền đánh cá đang lặng lẽ giăng lưới ở dòng sông phía dưới.
Chỉ có thể đi bộ, xe đạp hoặc xe máy đi qua cầu.
Đây là địa điểm chụp hình check in yêu thích của nhiều bạn trẻ khi du lịch Phú Yên.
Tuy vậy, cầu gỗ cách trung tâm Phú Yên hơn 60km. Đi cung đường Quy Nhơn Phú Yên rồi ghé cầu gỗ tham quan là TIỆN ĐƯỜNG nhất.
Thêm lưu ý nhỏ cho bạn là:
Nên đi cầu gỗ vào mùa khô, từ tháng 1 tới tháng 9.
Mùa mưa, cầu có khả năng bị ngập, bị lũ cuốn trôi. Rất nguy hiểm.
Phải nói cây cầu gỗ làm Thảo rất bất ngờ vì vẻ đẹp của nó.
Đến đây rồi, Thảo cảm thấy khá tiếc nếu cây cầu bị tháo dỡ vào một ngày nào đó hoặc bị lũ cuốn trôi đi.
Ngồi chơi ở cầu gỗ một lúc, Thảo lại tiếp tục lên đường.
Ở đây, nếu đi xe máy thì bạn có hai lựa chọn là đi qua cầu gỗ hoặc đi đường quốc lộ.
Đi cầu gỗ thì gần hơn một đoạn. Nhưng nếu đi ô tô thì đành phải đi quốc lộ thôi.
Điểm đến tiếp theo trong cung đường Quy Nhơn Phú Yên:
Nhà thờ Mằng Lăng.
Tên hơi khó nhớ. Lúc đầu Thảo cứ nghĩ là “Bằng Lăng” cho dễ đọc.
Nhà thờ Bằng Lăng cách cầu gỗ Ông Cọp gần 5km. Nếu đi đường quốc lộ là 11km.
Đây là một nhà thờ cổ hơn trăm tuổi.
Nhà thờ này là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ ĐẦU TIÊN của nước ta.
Kiến trúc và nét cổ kính của nhà thờ Mằng Lăng khá giống với nhà thờ lớn Hà Nội.
Cái tên Mằng Lăng xuất phát một loài cây được trồng phổ biến ở địa phương ở thế kỉ trước. Cây mằng lăng cùng họ hàng với cây bằng lăng đấy.
Ngày trong tuần lại cận tết nên Thảo thấy chỉ lác đác vài nhóm khách du lịch đến chụp hình. Trả lại cho không gian nơi đây một vẻ thanh bình, huyền bí.
Cánh cửa nhà thờ rộng mở, có ánh nến sáng le lói dưới bàn thờ chúa.
Phía trong còn lưu giữ cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Từ nhà thờ Mằng Lăng, chạy 10km theo con đường làng lót bê tông kiên cố là tới Gành đá Dĩa.
Gành đá Dĩa Phú Yên thì nổi tiếng khỏi phải bàn cãi rồi.
Gành đá Dĩa là di tích thắng cảnh quốc gia
Những trụ đá 5,6 cạnh được xét liền kề, chênh lệch tạo nên những bậc thang tự nhiên thú vị.
Đây là lần thứ hai Thảo đi tham quan nơi này.
Bây giờ, gành đá lớn nhất được căng dây bảo tồn, chỉ được đứng ngắm từ xa. Không được leo trèo và di chuyển ra đó.
Theo lịch sử thì gành đá có tuổi đời gần 200 triệu năm.
Do nham thạch núi lửa phun trào gặp nước lạnh bị đông cứng lại tạo nên kỳ quan này.
Phải may mắn lắm mới được tham quan Gành đá Dĩa. Bạn biết vì sao không?
Vì chỉ có 5 gành đá như thế này trên cả thế giới. May mắn sao Phú Yên lại được thiên vị một kiệt tác như vậy.
Thăm thú Gành đá Dĩa một lúc, Thảo lại tiếp tục cung đường tiến về thành phố Tuy Hòa Phú Yên. Còn 35km nữa thôi.
Đoạn đường này chủ yếu là đi qua núi, đồng lúa, làng quê và những đồi cát trắng lơ thơ vài cây xương rồng.
Thảo có ghé qua bãi Xép– phim trường của phim ” Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.”
Rất tiếc màu này, cỏ và hoa đều đã tàn chỉ còn có biển và nắng thôi.
Mùa mưa từ tháng 9 tới tháng 12 đến bãi Xép là đẹp miễn bàn. Hoa cỏ được hồi sinh làm tươi mát cả một quãng trời.
Cung đường Quy Nhơn Phú Yên của Thảo tạm kết thúc tại thành phố Tuy Hòa.
Quãng đường có gần 100km nhưng đi tham quan, chụp hình nên Thảo đi từ sáng tới trưa mới tới.
Bởi vì đam mê những con đường nên Thảo tự mày mò đi theo lộ trình như vậy. Có vẻ hơi quanh co nhưng đi tham quan được nhiều nơi.
Hy vọng bạn cũng sớm khám phá cung đường Quy Nhơn Phú Yên nhé.
Đọc thêm: Du lịch Phú Yên trong 1 ngày.
Phượt cung đường Ninh Thuận Đà Lạt.
Tác giả: Thảo Thảo