Hội chứng sợ bị bỏ lỡ là gì?
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ là một trạng thái tâm lý rất phổ biến.
Hội chứng này giúp chúng ta lý giải nhiều suy nghĩ của chính mình. Nhiều người sợ bị bỏ lỡ một thứ gì đó quan trọng.
1.Hội chứng sợ bị bỏ lỡ là gì?
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ hay FOMO là cảm giác rằng có thể có những điều tốt hơn mà bạn có thể làm vào lúc này.
Hội chứng này còn là cảm giác bạn đang bỏ lỡ một điều gì đó cơ bản quan trọng mà người khác đang làm ngay bây giờ.
FOMO là một khái niệm tâm lý học chỉ mới được đặt tên từ năm 2013 nhưng thực ra nó đã tồn tại từ lâu.
Con người cũng thể hiện cảm xúc FOMO theo vô số cách khi bị cô lập hoặc tách biệt với nhau.
Bạn có nhớ những đứa bé thường tranh giành cùng một món đồ chơi không?
Có phải bạn của mình đang có món đồ chơi thú vị hơn không?
Cảm giác có vẻ như mọi người ai cũng làm gì đó hay ho hơn những gì bạn đang làm chính là biểu hiện của việc sợ bị bỏ lỡ.
Trong thời gian đang đi nghỉ dưỡng, vì sao bạn lại luôn cần cập nhật liên tục thông tin của đồng nghiệp, bạn bè, gia đình…hay dành hàng giờ để ngồi coi những chương trình truyền hình chán ngắt…
Tất cả bị chúng ta sợ bỡ lỡ một thông tin quan trọng nào đó.
Một sản phẩm có số lượng hạn chế được coi là có chất lượng cao và mọi người muốn mua nó, vì vậy họ không bỏ lỡ những gì người khác đang sử dụng.
2.Hội chứng sợ bị bỏ lỡ phổ biến đến đâu?
FOMO, hay “sợ bỏ lỡ”, là một hiện tượng thực tế đang ngày càng trở nên phổ biến.
Tâm lí sợ bị bỏ lỡ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai.
Không ai muốn bị bỏ rơi cả.
Bỏ lỡ là một nỗi sợ phổ biến đã có từ hàng ngàn năm trước.
Thử nghĩ xem, vì sao chỉ mỗi bạn chọn một đàng, còn tất tần tật những người còn lại thì đi theo một nẻo khác.
Liệu bạn có chọn sai?
Sự liều lĩnh này có khiến bạn bỏ lỡ một bữa ăn ngon lành hay thậm chí là bị ăn thịt? Trong khi những người khác lại an toàn.
Tự tách mình ra khỏi nhóm là một mối đe dọa với sự sống còn của tổ tiên ta.
Cảm giác thuộc về nhau là một phần quan trọng trong cuộc sống của các sinh vật vì sự an toàn đi kèm với khái niệm sức mạnh về số lượng.
Trong lúc đang tìm hiểu về hội chứng FOMO này, Thảo tìm thấy một từ có ý nghĩa tương tự là Kiasu.
Lúc đầu, mới nghe từ này thì Thảo cứ nghĩ là tiếng Nhật. Nhưng khi tìm hiểu rồi mới biết là từ vựng của Singapore.
Kiasu có nghĩa là sợ thua.
Trong mọi việc, người Singapore đều thực dụng và phải đảm bảo là mình phải giành được 1 suất chứ không thể thua được.
Nếu con người khác học thêm 5 môn ở trường thì các phụ huynh Singapore cũng sẽ cố gắng cho con học giống như vậy.
Khi thấy bạn bè có thứ này, thứ kia thì người Sing cũng sẽ cố gắng có được nó.
Có một nói đùa là dân Sing thấy có hàng đang xếp là phải lập tức xếp luôn vào trước khi biết người ta đang xếp hàng để làm gì.
Để lí giải hiện tượng này, một số người giải thích: do điều kiện thiếu thốn, khó khăn của Singapore trong những năm tháng đầu nên người Singapore đã mang tâm lý sợ thua và cố gắng làm mọi thứ cho bằng người khác.
3.Tác động của hội chứng sợ bị bỏ lỡ:
Kể từ khi phương tiện truyền thông xã hội ra đời, FOMO đã trở nên rõ ràng hơn.
Mạng xã hội đã thúc đẩy hiện tượng FOMO theo nhiều cách.
Biết quá nhiều thông tin về cuộc sống cá nhân của người khác vô tình lại làm hại chúng ta.
Thời buổi này, con người có thể cập nhật và theo dõi hoạt động của nhau liên tục 24/24.
Trong thời gian rảnh, bạn thường lướt tường Facebook của ai đó. Vô tình nhìn thấy những tấm hình lung linh của họ trong khu resort sang chảnh.
Bạn sẽ tự giật mình. Liệu cuộc sống của mình có quá tẻ nhạt và buồn chán không?
Cảm giác cuộc sống bình thường của bạn trở thành một lỗi lầm.
Đa phần mọi người chỉ khoe những lúc vui vẻ, thành công nhất của mình trên mạng. Thậm chí, có thể hơi quá đà, dùng đồ giả, mượn đồ hiệu của người khác để chụp hình…
Trong lúc đó, ở một góc xó xỉnh trong căn nhà tồi tàn của mình, bạn lại đang tự giày vò bản thân. Bạn ấm ức so sánh cuộc sống bình thường của mình với những điểm nổi bật nhất trong cuộc đời của ai đó.
Những cảm giác xấu xí trên lại thường ít xuất hiện trong quá khứ. Đơn giản vì mọi người không biết cuộc sống của người khác đang như thế nào.
Bên cạnh việc gia tăng cảm giác không vui, nỗi sợ hãi bị bỏ lỡ có thể dẫn đến nhiều hành vi không lành mạnh hơn.
Nỗi sợ hãi khi bỏ lỡ những gì bạn bè và đồng nghiệp đang có, nhìn thấy và làm gây hại cho sức khỏe tinh thần rất lớn cho chúng ta. Tỷ lệ bị trầm cảm, lo lắng, mất ngủ và thậm chí là tự tử ngày càng tăng trong xã hội thông tin ngày nay.
Truyền thông đã củng cố cảm giác rằng cỏ nhà người khác luôn xanh hơn của nhà mình và con nhà người ta giỏi giang hơn con nhà mình.
Sau khi đầu độc khách hàng bởi ý tưởng thua kém này, các công ty sẽ bán cho bạn những giải pháp để bạn có cái mà bạn đã bỏ lỡ. Như vòng eo thon gọn hơn, kỳ nghỉ thoải mái hơn hay chiếc điện thoại sành điệu hơn….
Vòng lặp lại sẽ không ngừng tiếp diễn. Vì con người mãi không hoàn hảo và nhất định là đang thua kém ai đó và không thể nắm bắt hết mọi việc trên đời.
Thay vì tin tưởng rằng những gì chúng ta có là đủ, chúng ta lại cho rằng cần phải có nhiều hơn và làm nhiều hơn nữa.
Khi bạn sợ bị thua, bạn có xu hướng đẩy mình đến giới hạn.Bạn sợ bỏ lỡ một điều gì đó mặc dù bạn cũng không chắc về điều mình cần là gì.
Bạn nghĩ, “Ồ, mình còn có thể làm nữa. Không vấn đề gì!”. Mặc cho kết quả nhưng thế nào, bạn luôn cần cảm giác mình đang cố gắng hết sức để cảm thấy an tâm.
Bạn sẽ lấp đầy lịch trình hàng ngày của mình bằng mọi công việc có thể. Cố gắng làm mọi thứ và xuất hiện ở mọi nơi sẽ ngốn lượng thời gian khổng lồ của bạn. Trong số đó, có khối việc tào lao, vô ích.
4.Làm sao để hạn chế hội chứng sợ bị bỏ lỡ:
“so sánh là cái chết của niềm vui.”
-
Bớt thời gian dùng mạng xã hội:
Tương tác nhiều với mạng xã hội có thể khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân.
Unfollow hay Block đối với những người hay khoe khoang thái quá về cuộc sống của họ.
Hầu như chúng ta không được nhiều lợi ích lắm khi ngồi hàng giờ trước màn hình tivi, điện thoại. Biết quá nhiều những chuyện tào lao sẽ làm tâm trí thêm mệt mỏi, giảm sáng tạo.
Trong khi, bơ đi mà sống giúp ta bớt cảm giác về FOMO.
-
Luyện tập lòng biết ơn:
Thay đổi sự chú ý của bạn
Thay vì tập trung vào những gì bạn thiếu, hãy thử để ý những gì bạn có.
Viết nhật ký biết ơn hoặc đơn giản là nói với người khác những gì bạn đánh giá cao về họ. Bạn và người khác cảm nhận tốt hơn về cuộc sống của mình.
Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng bạn có những gì bạn cần trong cuộc sống.
-
Hãy viết nhật ký bằng giấy:
Thông thường bạn đăng bài trên mạng xã hội để ghi lại những điều thú vị bạn làm.
Tuy nhiên, bạn có thể thấy mình hơi chú ý đến việc mọi người có đang LIKE, thả tim cho bài viết của bạn trên mạng hay không.
Nếu đúng như vậy, hãy để chế độ cá nhân hay ghi ra giấy những gì mình muốn lưu lại.
Viết nhật ký có thể giúp bạn chuyển sự tập trung từ mong đợi sự tán thành của công chúng sang sự chiêm nghiệm mang tính cá nhân.
Đọc thêm: Sống đơn giản là gì?