Kỹ năng kiềm chế cảm xúc là gì?

Rate this post

Kỹ năng kiềm chế cảm xúc là gì?

Tại sao phải kiềm chế cảm xúc?

“Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công”. Vì vậy, cần biết kiểm soát cảm xúc.

Trước đây, Thảo thường nghe mọi người nói về IQ hay chỉ số thông minh.

Đối với người bình thường, chỉ số IQ sẽ dao động từ 85 đến 115. Những người càng thông minh thì chỉ số IQ càng cao.

Tuy nhiên, sau này, khi nghiên cứu kĩ hơn, người ta phát hiện ra có một chỉ số còn quan trọng hơn chỉ số IQ. Đó là EQ.

EQ được hiểu là khả năng kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh.

Vì sao chỉ số EQ lại có tầm quan trọng hơn cả IQ?

Bạn để ý mà xem, có phải tất cả những người thành công xung quanh bạn đều là người thông minh không?

Rất tiếc là không, phải không nào?

Cũng giống như câu chuyện của Rùa và Thỏ thi chạy. Người thông minh đại diện bởi sự nhanh nhẹn của Thỏ. Người chậm chạp hơn đại diện bởi dòng họ nhà Rùa.

Rùa phải chăng chỉ thắng Thỏ do may mắn? Hãy cùng phân tích điểm mạnh, điểm yếu của hai nhân vật này.

Không phải khi nào sự thông minh cũng chiếm ưu thế tuyệt đối trong cuộc sống.

Nhất là khi người thông minh thường có tâm thế ỉ vào sự thông thái của mình. Họ thường lơ là, chủ quan và không chú tâm kiềm chế cảm xúc của bản thân.

Trong cuộc thi chạy, Thỏ với sự tự mãn thái quá của mình nên chỉ biết rong chơi. Hết hái hoa lại bắt bướm mà không hề để tâm đến mục tiêu của mình.

Trong khi đó, những người kém thông minh nhưng lại sở hữu tinh thần thép thì lại kiên trì chinh phục đích đến. Cho dù là hoang đường nhất, kể cả chiến thắng loài Thỏ trong cuộc thi chạy.

Chậm như rùa“.

Vậy mà có ngày, Rùa lại chiến thắng Thỏ.

Trên đường đua, chắc cũng có nhiều lần Thỏ cười chợt, trêu chọc Rùa. Rùa vẫn không nản chí, không bỏ cuộc.

Rùa thắng được Thỏ, phải chăng vì Rùa có khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân quá tốt!

Như tiến sĩ Lê Thẩm Dương đã nói: ” Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công“.

Làm sao để làm chủ cảm xúc của bản thân? Đó chính chủ đề của bài viết này.

  • Kỹ năng kiềm chế cảm xúc là gì?
  • Tại sao phải học cách kiềm chế cảm xúc?
  • Cách kiềm chế cảm xúc

1.Kỹ năng kiềm chế cảm xúc là gì?

Kiềm chế cảm xúc là khả năng quản lý và kiểm soát cảm xúc của bạn để đạt được mục tiêu hoặc hoàn thành nhiệm vụ.

Là con người, chúng ta là những sinh vật có cảm xúc.

Bạn có biết rằng trải nghiệm cảm xúc hàng ngày của bạn định hình các quyết định bạn đưa ra và hành động bạn thực hiện?

Những gì xảy ra với chúng ta không quá quan trọng. Cách chúng ta phản ứng với những gì xảy ra mới quyết định cuộc sống của mình.

Như ly nước nửa đầy, nửa vơi. Có người sẽ buồn rầu vì ly nước chỉ có một nửa. Trong khi, số còn lại sẽ cảm thấy hạnh phúc vì ly nước đầy một nửa.

Khi bình tĩnh nhìn nhận, bạn có thể sẽ khơi gợi được những thứ tích cực trong mọi vấn đề.

Khi lo lắng hay thất vọng, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào hố sâu cảm xúc tiêu cực. Đây là những cảm xúc bình thường mà rất nhiều người trong chúng ta gặp phải.

Kỹ năng kiềm chế cảm xúc sẽ giúp bạn nhanh chóng trở nên cân bằng và bình tĩnh hơn.

tai-sao-phai-kiem-che-cam-xuc

Vậy có những loại cảm xúc nào mà chúng ta nên có kỹ năng kiềm chế?

  • Tức giận
  • Thất vọng
  • Lo lắng
  • Căng thẳng ( stress)
  • Đau đớn
  • Hận thù
  • Sợ hãi, cô đơn…

2.Tại sao phải học kỹ năng kiềm chế cảm xúc?

  • Cảm xúc không được kiểm soát một cách có ý thức.

Làm ơn nhắc lại giùm Thảo một lần nữa: ” Cảm xúc không được kiểm soát một cách có ý thức” có nghĩa là gì?

Khi tìm hiểu về não bộ của con người, phần não xử lý cảm xúchệ viền( Limbic system).

Chức năng cơ bản của hệ viền là điều khiển các hành vi ăn; đáp ứng đánh hay chạy; tấn công và biểu lộ cảm xúc.

Đây là phần não phát triển khá sớm trong lịch sử loài người.

Điều này giải thích tại sao một phản ứng cảm xúc thường khá đơn giản, bản năng và rất mạnh mẽ. Đây là cách mà tổ tiên ta có thể sinh tồn trong cuộc sống khắc nghiệt ngày xưa.

Cảm xúc của con người khi không được kiềm chế cũng giống như con quái thú hung hoãn.

Khi buồn, bạn muốn òa khóc hệt như một đứa trẻ.

Khi bạn tức giận thì bạn muốn hét thật to, ném đồ đạc vào người khác.

Biết bao người trở thành sát thủ máu lạnh trong phút chốc mặc dù trước đó vô cùng hiền lành, thân thiện.

  • Kỹ năng kiềm chế cảm xúc có khó không?

Cảm xúc và hành động của chúng ta bị chi phối bởi kí ức và kinh nghiệm.

Nếu điều gì đó tồi tệ đã xảy ra với bạn trước đó, phản ứng cảm xúc của bạn với vấn đề đó có thể sẽ rất mạnh.

Năm tháng qua đi, những kí ước và kinh nghiệm cũ vô tình thành mặc định trong tâm trí.

Khi gặp lại vấn đề cũ, mặc dù có thể hoàn cảnh đã khác nhưng con người sẽ xử lí y hệt như xưa.

Thảo biết có một số bạn sinh trưởng trong những gia đình không hạnh phúc. Bị chính cha mẹ đẻ của mình bạo hành, ngược đãi đã khắc sâu nỗi đau trong tâm hồn con trẻ. Những bạn đó khi lớn lên, họ lại có ác cảm rất lớn với tình yêu và hôn nhân.

  • Kiềm chế cảm xúc liên quan mật thiết với kiểm soát bản thân:

Mất kiểm soát dưới mọi hình thức sẽ tác động tiêu cực đến bản thân, các mối quan hệ và danh tiếng của bạn.

Không có khả năng xử lý những cảm xúc tiêu cực khiến bạn trở nên kém hiệu quả trong công việc.

Khi bạn rơi vào khủng hoảng cảm xúc, tâm trí trở nên đơ lại như máy tính bị virus tấn công. Mặc dù thông tin đi vào rất nhiều nhưng bạn không thể xử lí bất kỳ thứ gì. Đó là một khoảng thời gian NGUY HIỂM.

ky-nang-kiem-che-cam-xuc

Bạn không thể suy nghĩ linh hoạt khi bộ não của bạn đã bị những cảm xúc tiêu cực chiếm đoạt.

Nếu điều này xảy ra thường xuyên, nó sẽ ngăn cản bạn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cuối cùng, bạn sẽ không đạt được mục tiêu của mình.

3.Cách kiềm chế cảm xúc:

  • Xác định cảm xúc hiện tại của mình

Bước đầu tiên của bạn trong quá trình chuyển đổi trạng thái cảm xúc này là XÁC ĐỊNH cảm xúc mà bạn đang trải qua.

Nếu bạn không chắc mình đang trải qua loại cảm xúc nào thì bạn sẽ phải vật lộn để phản ứng lại tất cả mọi thứ xảy ra.

Hãy tự hỏi bản thân:

  • Mình đang cảm thấy gì bây giờ?
  • Bạn thực sự cảm thấy điều này, hay là có điều gì đó khác?

Bạn càng xác định rõ ràng, bạn càng dễ kiểm soát cảm xúc của mình hơn.

Lúc trước, Thảo không dám đi du lịch một mình vì sợ. Nỗi sợ mơ hồ này có lẽ sẽ rất nhiều bạn mắc phải.

Đã rất nhiều lần bỏ lỡ cơ hội được ta ba lô một mình mặc dù rất muốn. Thảo đã ngồi và ghi lại những nỗi sợ hãi, lo lắng của mình. Nào là sợ buồn, sợ người lạ, sợ cô đơn không có ai nói chuyện…

Khi xác định được vấn đề của mình, Thảo mới có cách để kiểm soát những cảm xúc trên.

  • Viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bạn

Chắc đã từ rất lâu rồi, người lớn bỏ qua thói quen viết nhật ký.

Ngày nhỏ, chúng ta dễ dàng diễn tả lại câu chuyện, suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rất ngây ngô. Tuy nhiên, sẽ rất bẻ mặt nếu chẳng may ba mẹ, bạn bè lại tìm thấy cuốn nhật ký bí mật đó.

Người lớn chúng ta dè dặt hơn với chuyện ghi nhật ký. Thậm chí, có người còn nghĩ đó chỉ là trò trẻ con.

Thực ra, viết nhật ký sẽ giúp chúng ta kiềm chế một phần cảm xúc của bản thân.

Việc ngồi xuống để hồi tưởng lại sự việc, tìm kiếm từ ngữ để diễn đạt và đặt bút xuống viết chính là khoảng thười gian vàng. Nhờ sự kéo dài thời gian như vậy, bạn sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn về sự việc. Cảm xúc nhờ vậy sẽ được hạ nhiệt hơn.

Viết nhật ký mang lại nhiều lợi ích nhất khi thực hiện HÀNG NGÀY.

Giữ nhật ký bên mình và ghi lại những cảm xúc mãnh liệt của bản thân.

Thảo còn nhớ có nghe buổi nói chuyện của một thiền sư rất nổi tiếng. Vị sư này kể về thời còn đi tu học theo sư phụ của mình.

Một buổi chiều nọ, vị thiền sư vừa lên núi nhặt củi về. Ngài đi phía sau sư phụ của mình. Sư phụ bỗng cầm một khúc gỗ lên và gọi ngài lại hỏi:

“ Nếu cầm khúc gỗ này, con có thấy nó nặng không?”

Vị thiền sư trả lời: “ Tất nhiên là có ạ.”

Sư phụ của ngài khẽ mỉm cười và ném khúc gỗ đi thật xa và lại hỏi vị sư còn thấy nặng không.

Rõ ràng, khi  không còn cầm khúc gỗ nữa thì gánh nặng được trút bỏ.

Qua câu chuyện này, vị thiền sư muốn gửi gắm đến chúng ta một phương pháp để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực của bản thân:

Hãy nhặt những thanh gỗ và viết lên đó nỗi bực dọc của mình: gia đình, con cái, vợ/ chồng, công việc, sức khỏe,…Sau đó, hãy dồn mọi sức mạnh để ném những thanh gỗ đó đi thật xa khỏi bạn.

Cách làm tượng trưng này sẽ giúp bạn nguôi ngoai nổi lo lắng, phiền muộn của mình.

Thay vì viết, một số bạn khi có tâm trạng lại thích vẽ hơn. Điều này tùy vào sở thích, thói quen của mỗi người.

Vẽ nghệch ngoạch lúc tâm trí đang vướng bận bởi suy nghĩ khác đã tạo nên một trường phái nghệ thuật:

Doodle Art

cach-kiem-che-cam-xuc-khi-buon
Một bức vẽ theo nghệ thuật Doodle Art.

Doodle ghi lại những suy nghĩ thông qua những hình vẽ một cách đầy ngẫu hứng.

  • Dành một khoảng thời gian để bình tĩnh lại

Có thể nói kỹ năng kiềm chế cảm xúc là rất khó. Nhất là đối với những người có tính cách nóng như Trương Phi.

Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta nên dung dưỡng cho thói quen hành xử cảm tính như vậy.

Có một cách để giúp chúng ta hạ nhiệt, bình tĩnh hơn. Đó là hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian để bình tĩnh lại.

Khoảng trống là điều cần thiết bắt buộc trong cuộc sống.

Âm nhạc chính là khoảng lặng giữa các nốt. Căn nhà chỉ trở nên dể thở, dễ sống khi có nhiều khoảng không gian trống.

Vậy mà thời gian biểu của con người lại bị lấp đầy bởi vô số công việc có tên và không tên khác nhau.

Mỗi dịp cuối mùa khô, mẹ của Thảo lại gieo hạt rau ở mảnh vườn nhỏ trước nhà.

Nếu muốn có cũng cọng rau luôn tươi và non thì mẹ sẽ gieo hạt thật dày. Những cây non sẽ mọc rất dày, lớn chậm.

Ngược lại, gieo hạt thưa nhau thì cây phát triển rất nhanh. Quay qua quay lại, rau đã già.

Tương tự, tâm trí con người cũng cần được nuôi dưỡng bởi những khoảng trống cần thiết.

Khi đang cảm thấy bản thân có những cảm xúc khó chịu như tức giận, lo lắng, mất bình tĩnh,…Hãy mạnh dạn xin có thời gian ở một mình để suy nghĩ.

Có một ý hay mà Thảo rút ra từ cuốn sách ” Lời từ chối hoàn hảo”. Lúc gặp những việc khó nghĩ, hãy xin vài phút ra ngoài ban công.

Nhờ đi ra ngoài ban công, bạn sẽ rút mình ra khỏi cuộc tranh cãi hay không khí nặng nề sát thương.

Ở ban công, bạn sẽ có không gian riêng mình để suy ngẫm. Hít thở khí trời thật chậm, thật sâu để bản thân cảm thấy cân bằng, bình tĩnh.

Bạn có thật sự là người nóng tính không?

KHÔNG, nhé! Tất nhiên, chỉ có cảm xúc của bạn hiện tại là nóng giận, bực tức thôi.

Mỗi người có cả ngàn cảm xúc khác nhau từ vui mừng, hăng hái cho đến rầu rĩ, tức tối…. ở những khoảng khắc khác nhau.

Vậy thì tại sao phải rút một phản ứng tiêu cực vào vài thời điểm nhất định nào đó để định danh cho tính cách của mình?

Nếu chúng ta đổ thừa sự bốc đồng, bấn loạn là bản chất của bản thân, bạn sẽ rất khó để khắc phục. Nhưng nếu chỉ nghĩ đó là phản ứng nhất thời của mình, cảm xúc mất bình tĩnh này sẽ được kiềm chế tốt hơn.

  • Ngồi thiền giúp tăng kỹ năng kiềm chế cảm xúc

Nếu bạn nào đã  đọc những bài viết khác của Thảo thì mọi người sẽ nhận ra việc ngồi thiền có rất nhiều tác dụng.

Ngồi thiền để tĩnh tâm, giúp con người trở nên bình tĩnh, tập trung và chịu đựng áp lực tốt hơn.

Bởi vậy, không cớ gì mà những công ty tỉ đô như Google, Facebook,… lại chịu chi hàng triệu đô la chỉ để trả lương cho nhân viên ngồi tập thiền trong giờ làm việc.

Từ xưa tới giờ, Thảo rất thích phong thái bình tĩnh, kỹ năng kiềm chế cảm xúc của các vị chân tu.

Họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục năm trời chỉ để ngồi thiền và chiêm nghiệm về bản thân. Điều mà rất ít những con người ở thời hiện đại dám làm.

Có một vị sư tên là Ajahn Brahm.

Vị sư này là người châu Âu nhưng đã lĩnh ngộ được giáo pháp ở Thái Lan và quyết định ở đây tu học.

Sư thường có những giờ thuyết pháp ở trường đại học, tu viện, nhà tù…

Một hôm, khi đang qua đường, nhà sư giật mình khi có một đám nữ sinh đang hò hét về phía mình.

Một em trong số đó hét lên: “Làm sao chúng em lại có thể quên vị sư mang tên Bra được chứ.”

Chắc các bạn cũng biết “bra” theo tiếng anh có nghĩa là “áo ngực của phụ nữ”.

Trong tình huống này, nếu bạn rơi vào trường hợp đó, chắc bạn đã thấy rất tức giận khi bị đám trẻ ranh xỉ nhục tên của mình. Đúng không?

Vậy mà, vị sư chỉ mỉm cười. Nhà sư đã được dạy rằng mỉm cười là câu trả lời tốt nhất khi bị xỉ nhục.

Đám nữ sinh thấy vậy, tự nhiên thấy ngại, cúi mặt xuống và bỏ đi.

Nếu như lúc đó, vị sư trở nên sân si, tức giận thì đám học sinh lại càng thích thú và đạt được mục đích của mình.

Điều đáng nói chính là sự bình tĩnh của vị sư đã giúp ông xử lý êm đẹp tình huống khó xử này.

Sự bình tĩnh, không hẳn tự nhiên mà có. Nhờ hàng giờ tập luyện, ngồi thiền mà kỹ năng kiềm chế cảm xúc cũng tốt hơn người không biết tu luyện bản thân là gì.

  • Hài hước- cách kiểm soát cảm xúc khi tức giận:

Không phải ai cũng dễ dàng bỏ qua khi bị người khác nhục mạ, nói xấu như vị sư trên.

Lòng tự trọng của mỗi người còn rất lớn nên khó giữ bình tĩnh khi bị xúc phạm.

Có một cách khác để hóa giải tình thế gay go kia. Đó chính là nhìn mọi thứ hài hước một chút, sự việc sẽ khác đi.

Thảo có đọc một câu chuyện kể về một nhà văn nổi tiếng nọ. Chiều cao và vẻ ngoài dường như tỉ lệ nghịch với tài năng của ông.

Một hôm, ông đến buổi khiêu vũ nọ và có ý mời một quý bà làm bạn nhảy với mình.

Người phụ nữ này nhìn thấy vóc dáng và khuôn mặt không điển trai của nhà văn nên buông lời chế giễu: ” Xin lỗi, tôi không nhảy với con nít.”

Ngưng lại một chút, có phải bà này đang có ý so sánh nhà văn với đứa con nít không? Rõ ràng là có sự thiếu tôn trọng trong đấy.

Nhà văn này lại là một người nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ nữa chứ.

Nếu bạn là ông ấy, bạn sẽ như thế nào?

Chí ít thì bạn chắc cũng làm vẻ bực mình ra mặt.

Còn ông nhà văn này thì ông mỉm cười và đáp rất hóm hỉnh: ” Ồ, xin lỗi bà. Tôi không biết bà đang mang thai.”

Đúng là quá cao tay. Rõ ràng từ một tình huống khó xử, ông nhà văn đã bình tĩnh đối đáp lại ngon ơ.

Với những suy nghĩ như vậy, mặc cho lời chê bai, nhục mạ vẫn hóa ra buồn cười. Mà nụ cười là cách tốt nhất để xoa dịu cơn tức giận, giúp con người kiềm chế cảm xúc tốt hơn.

Không nên để cơn giận, ác ý chi phối cảm xúc và hành vi của bạn.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường từng hóm hỉnh nói: “ Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nếu các nước đều phái danh hài đi đàm phán thì chắc chắn có thể tránh được cuộc chiến tranh này.”

cach-kiem-che-cam-xuc

Quay trở lại với chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ một chút.

Theo nghiên cứu, khoảng 70% dân số thế giới có mức EQ trung bình. Còn 15% còn lại là những người có kỹ năng kiềm chế cảm xúc rất tốt hoặc rất tệ.

Vì vậy, khả năng cao là khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn cũng ở mức BÌNH THƯỜNG như những người khác.

Bạn có thể luyện tập để cải thiện kỹ năng làm chủ cảm xúc của mình.

Người thông minh có thể đầu hàng với những tình huống đòi hỏi sự chăm chỉ.

Nhưng người có khả năng kiểm soát bản thân sẽ luôn là người có độ thích nghi cao. Có thể chịu khó, chịu khổ và là người cán đích trong mọi việc.

Kiềm chế cảm xúc là kỹ năng mà mọi người nên luyện tập hàng ngày.

Để rèn luyện kỹ năng kiềm chế cảm xúc bạn nên:

  • Xác định rõ cảm xúc của mình là gì?
  • Viết ra giấy cảm xúc, suy nghĩ của bản thân
  • Dành thời gian để bình tĩnh suy xét, thiền tập
  • Tập cách nhìn hài hước, vui vẻ

Đọc thêm: Kỹ năng tập trung là gì?

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận