Nhu cầu Maslow là gì? Tháp nhu cầu Maslow trong cuộc sống.

Rate this post

Tháp nhu cầu Maslow là gì?

Bạn có biết truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” là minh họa của tháp nhu cầu Maslow trong cuộc sống không? 

Trong những tiết học tâm lý hoặc triết học, có thể bạn cũng đã nghe về Tháp nhu cầu Maslow.

À có thể bạn đã quên béng những tiết học chán ngắt này. Vậy hôm nay chúng ta sẽ cũng xem lại tháp nhu cầu Maslow là gì và có ứng dùng gì trong cuộc sống.

  • Tháp nhu cầu Maslow là gì?
  • Tháp nhu cầu Maslow ngược là gì?
  • Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong giáo dục là gì?
  • Tháp nhu cầu Maslow trong công việc
  • Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong tình yêu là gì?
  • Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong cuộc sống là gì?

I.Tháp nhu cầu Maslow là gì?

Ngày xưa, Thảo thích đọc truyện cổ tích. Những câu chuyện li kì và hấp dẫn đến lạ lùng.

Mặc dù truyện cổ tích chỉ dành cho thiếu nhi nhưng có những bài học mà người lớn cũng thấy thấm thía.

Nếu muốn tìm hiểu về nhu cầu Maslow, bạn chỉ cần đọc chuyện ” Ông lão đánh cá và con cá vàng” là sẽ hiểu rõ ngọn ngành.

Ông lão đánh cá tội nghiệp thả cá vàng đi mà không đòi chút ơn huệ. Mụ vợ biết chuyện liền nổi lòng tham đòi cái này cái kia.

Ban đầu từ cái máng lợn sứt được đổi thành cái máng lợn lành.

Rồi mụ vợ lại đòi một ngôi nhà mới rộng rãi, trở thành nhất phẩm phu nhân trong ngôi nhà có bao nhiêu là kẻ hầu người hạ.

Làm nhất phẩm phu nhân hoài cũng chán, mụ vợ lại đòi cá vàng phải biến mình thành nữ hoàng được thần dân kính nể.

Sau khi làm nữ hoàng chán chê, mụ vợ lại muốn biến thành Long Vương ngự dưới Long Cung để cá vàng phải hầu hạ và nghe lời mụ.

Mong muốn của mụ vợ cứ leo thang dần khi những nhu cầu phía dưới đã được đáp ứng. Đây là một ví dụ của tháp nhu cầu Maslow.

Tháp nhu cầu Maslow có 5 bậc như sau:

thap-nhu-cau-maslow

Bậc 1: Các nhu cầu căn bản nhất là thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, bài tiết, thở, ngủ,…

Đây là những nhu cầu cấp thiết nhất để duy trì sự sống.

Mong muốn của mụ vợ được đổi máng lợn sứt mẻ thành cái máng lợn lành, túp lều nát bên bờ biển được hô biến thành ngôi nhà rộng với lò sưởi và cánh cửa bằng gỗ lim.

Đây là những nhu cầu cần thiết và trong giới hạn chấp nhận được nên biển xanh cũng chỉ từ gợn sóng rồi nổi sóng ào ạt.

Bậc 2: Nhu cầu an toàn: nhu cầu cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản.

Bậc 3: Nhu cầu xã hội:

Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được “thuộc về” một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.

Vì vậy, chúng ta gia nhập hội, nhóm, cộng đồng. Chúng ta kết bạn và lập gia đình.

Bậc 4: Nhu cầu được tôn trọng.

Bâc 5: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao.

Từ một nông dân quèn, mụ vợ của lão đánh cá khăng khăng muốn trở thành nhất phẩm phu nhân, nữ hoàng và thậm chí là Long Vương để được tôn thờ, trọng vọng.

Rất tiếc khi đã có những thứ xa xỉ này thì lòng tham của mụ lại chỉ có tăng thêm chứ không bớt đi.

Biển xanh nổi cơn giông tố mù mịt và người vợ lại trở về với cái máng heo sứt mẻ của mình.

II. Tháp nhu cầu Maslow ngược là gì?

Chúng ta sẽ cố gắng làm mọi cách để đáp ứng những nhu cầu trong tháp Maslow kể trên.

Lúc trước, người ta cho rằng phải đáp ứng những nhu cầu ở cấp thấp rồi mới di chuyển lên những nhu cầu cao hơn.

Nhu cầu Maslow là một mô hình kim tự tháp mà mọi người từ dưới chân leo dần lên đến đỉnh.

Khi còn thiếu ăn thiếu mặc thì mọi người chỉ lo đủ ăn no, mặc ấm.

Sau khi đã có ăn, mặc đầy đủ thì người ta lại muốn ăn ngon, mặc đẹp.

Ăn no, mặc đẹp rồi người ta lại nghĩ cách mua bằng, mua danh cho sang trọng, quý phái.

Vì có một số vấn đề nảy sinh nên đã ra đời tháp nhu cầu Maslow ngược để bổ sung cho những lập luận của tháp nhu cầu Maslow ban đầu.

Tháp nhu cầu Maslow ngược là gì?

Ở tháp nhu cầu Maslow ngược, bạn có nhu cầu về tinh thần, thỏa mãn mong muốn của bản thân ở hàng đầu tiên lấn át những nhu cầu khác.

Vì ăn uống, ngủ, an toàn,… chủ yếu mang tính cấp bách. Không mang tính dài hạn như cầu muốn được công nhận của con người.

Nếu không mong muốn được công nhận thì những đứa bé sống trong những khu ổ chuột ở những nơi nghèo nhất thế giới đã trở thành những kẻ bỏ đi từ lâu rồi.

Nhờ nhu cầu về danh dự, sự tôn trọng mà chúng vẫn ôm khát vọng được trở thành một người có tầm ảnh hưởng tới thế giới mặc dù hiện tại chúng thậm chí không có tiền để mua nổi một ổ bánh mì.

Theo tháp nhu cầu Maslow ngược thì con người sẽ luôn ưu tiên nhu cầu thu hút sự chú ý và được công nhận của người khác.

Mặc dù không ai nói ra nhưng từ trong bản năng con người đã được lập trình nhu cầu muốn được công nhận đó.

nhu-cau-ton-trong

Nếu nhà bạn có trẻ con thì cứ quan sát chúng mà xem.

Cứ hễ chúng bị té xe, đập đầu vào tường, bị ngã… chúng sẽ ré lên thật to khi nhìn thấy bạn. Để làm gì ư? Để được vỗ về, tán dương, xoa dịu. Còn nếu chúng biết không có ai nhìn thì chúng sẽ tự động đứng lên và chơi như chưa từng có gì xảy ra.

Điều này cũng giải thích vì sao nhiều đứa nhỏ lại không muốn mẹ đẻ thêm em bé. Chúng sợ mẹ sẽ thương em bé nhiều hơn và chúng bị cho ra rìa.

Lớn hơn chút chúng ta cố gắng học giỏi ở trường, chơi thể thao, sứt đầu mẻ trán với tình địch để dành lấy một cô bạn gái nào đó hoặc tiêu cực hơn là hút thuốc lá, uống rượu bia hay tập tành dùng thử ma túy,…

Tất thảy đều muốn ĐƯỢC CÔNG NHẬN dù có nói ra hay không.

Mong muốn nổi bật trong đám đông để người khác chú ý tới mình.

Nhưng làm gì có chuyện tất cả mọi người đều tài năng, thông minh và có cuộc đời đặc biệt. Bạn nên biết rằng thiên tài trên đời này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì quá bất lực với cuộc đời tẻ nhạt, không có chút tiếng tăm, nhiều người đã làm những việc hết sức điên rồ để gây chú ý.

Có một thực trạng ở xã hội ngày nay là tình trạng tự tử gia tăng ở những nước giàu.

Tại sao có quá đông người tự sát?

Tất nhiên cũng có người chết do đói, nhưng phần nhiều người đã đủ miếng ăn vẫn chọn đường chết.

Những nhu cầu cao cấp như danh vọng, sự kính trọng không được đáp ứng thì cuộc sống cũng chán ngắt như thường.

Khi bản thân cảm thấy không còn giá trị thì sẽ tự nhiên mất động lực để sống. Không còn được công nhận nữa, tự nhiên sẽ cảm thấy cô độc, muốn chết.

Ở Nhật Bản, còn có những khu rừng mà người ta tìm đến để tự sát hàng loạt. Đa số là người già, người thất nghiệp, người cô đơn.

III. Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong giáo dục là gì?

Nhà bạn có nuôi chó hoặc mèo không?

Nếu có thì hẵn bạn cũng đã từng huấn luyện chúng một số thứ đơn giản.

Lúc nhỏ, Thảo có một con mèo đen tuyền rất đẹp mà mẹ mang về lúc nó mới hơn 2 tháng tuổi.

Sau rất nhiều lần đùa giỡn với chú mèo con thì Thảo thấy khả năng nhào lộn của mèo con hết sức thành thục.

Vậy là Thảo với quyết tâm của một đứa con nít rằng sẽ dạy cho mèo nhào lộn nhiều vòng hơn nữa.

Để bắt đầu chương trình này thì Thảo và mấy đứa em đi bắt kì nhông nhỏ về làm phần thưởng cho mèo.

Hồi đó cũng nghịch ngơm, buộc con kì nhông vào sợi cần câu rồi nhử mèo chạy, nhảy.

Chừng nào mèo nhảy vòng đẹp thì cho nó ăn, còn nhảy chưa đạt thì tiếp tục giơ mồi trước mặt để nhử mèo.

Giờ nghĩ lại mấy chuyện đó mà vẫn còn thấy mắc cười.

Nếu tìm hiểu kỹ hơn thì khi huấn luyện con thú làm xiếc người ta cũng dựa vào hình thức thưởng phạt để dạy chúng.

Nếu bạn vô tình ném một quả bóng bàn và chú chó nhà bạn chạy theo, ngặm quả bóng về.

Bạn tỏ ra mừng rỡ, khen ngợi và xoa đầu chó thì chú chó cũng hiểu là bạn đang khen nó đấy.

Lần sau, chó thấy bạn ném thứ gì đó chắc cũng sẽ tha về cho bạn mặc dù là bạn đi ném rác.

Vì vậy, sự ham muốn được công nhận không chỉ ở con người mà còn có ở động vật. Người ta đã ứng dụng điều này để huấn luyện con vật làm xiếc, chó nghiệp vụ, chó đi săn…

Còn ứng dụng nhu cầu Maslow của con người trong GIÁO DỤC thì sao nhỉ?

Có phải bạn sẽ thích những giáo viên luôn lắng nghe, động viên và khích lệ bạn đúng không? Kiểu như ” Cô tin vào năng lực của em”, ” Thầy thấy em có khả năng làm toán rất tốt”…

Những lời như vậy mới mát gan, mát ruột làm sao cho dù có thể chúng ta không xuất sắc như lời khen ngợi đó.

Rất nhiều người còn ghi nhớ những lời khen của giáo viên dành cho họ kể cả khi họ đã trưởng thành.

Ở nhiều nước, hầu như người ta khuyến khích trẻ em được phát triển tự nhiên.

nhu-cau-maslow-giao-duc
Giáo dục cũng cần ứng dụng nhu cầu Maslow.

Không có thi cử, không có điểm số. Và đặc biệt là có rất nhiều bằng khen cho học sinh.

Thảo có chị bạn lấy chồng và định cư bên nước ngoài than phiền về vấn đề này.

Số là con chị đi học lớp 1 mà cuối kì được tận 6 cái bằng khen như ” người vẽ tranh đẹp”, ” người tốt bụng hay giúp đỡ bạn bè”, ” người trang trí lớp học đẹp” …

Chị tâm sự bên này các thầy cô bao giờ cũng chỉ khen ngợi ngọt ngào ” tốt”, ” giỏi”, ” tuyệt vời”…

Phải chăng giáo dục ở nước ngoài cũng mắc căn bệnh chuộng thành tích?

Thật ra, khi nhìn vào nhu cầu Maslow bạn sẽ thấy nhu cầu muốn được người khác công nhận lớn đến mức nào. Kể cả đó là lũ trẻ con hỉ mũi chưa sạch.

Khi áp dụng nhu cầu Maslow vào trong giáo dục, việc khen ngợi trẻ sẽ giúp trẻ tự tin phát huy khả năng của mình.

Mà bạn cũng biết là có rất nhiều kiểu thông minh khác nhau chứ không phải chỉ có trí thông minh giải toán nhanh và đọc thuộc lòng như một con vẹt mới là giỏi.

Trong khi, nếu giáo viên hay chì chiết, mắng, phạt học sinh thì các em sẽ rụt rè, sợ hãi hay trở nên lì lợm và kết quả học tập bị giảm sút.

Gần đây, mạng xã hội đưa tin những vụ giáo viên xé sách vở, tát học sinh,…ngang nhiên trong giờ học.

Liệu những vị giáo viên đấy có đào tạo được một đứa học trò nào trở nên giỏi giang hay không?

Ngày xưa, dân gian có câu ” Thương cho roi, cho vọt” nhưng chắc có lẽ câu đó áp dụng vào giáo dục ngày nay không còn chính xác nữa.

Thêm một chuyện nữa mà chỉ có những bạn nào đọc bài viết này của Thảo mới được bật mí.

Đó là trong câu chuyện nuôi nấng con trẻ.

Theo nghiên cứu khoa học, khi những em bé con khóc thì bạn nên ôm ấp và vỗ về chúng. Kể cả trẻ sơ sinh cũng muốn chúng là trung tâm của ba mẹ.

Việc bạn không quan tâm, vỗ về em bé ngay lập tức thì sau này chúng sẽ có xu hướng trở nên lì lợm, cứng đầu hơn khi lớn lên. Đây là kết quản nghiên cứu khoa học nha.

IV. Tháp nhu cầu Maslow trong công việc:

Nhiều người chấp nhận làm việc ở những nơi lương thấp hơn, công việc cực nhọc hơn nhưng bù lại, được tôn trọng. Ở đó, họ được người khác coi trọng giá trị của mình.

Cũng vì lẽ đó, nhiều người đẹp là diễn viên, ca sĩ lại chọn cách tự sát buồn tẻ, cô độc trong căn hộ của mình. Vì họ sợ chết già, chết bệnh thì mọi người sẽ chỉ còn nhớ về họ với những nếp nhăn và khuôn mặt già nua.

Quả thật, nhu cầu muốn được công nhận của con người là quá lớn.

V. Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong tình yêu là gì?

Thảo có một đứa bạn cũng làm bác sĩ. Dạo này, có anh đồng nghiệp đang thích bạn ấy.

Anh này đúng kiểu công tử luôn. Nhà có điều kiện, anh cũng không phải lo nghĩ gì.

Anh này hay mời đứa bạn đi ăn, coi phim, cà phê các thứ.

Cảm thấy anh này tử tế, chân thành nên Thảo rất ủng hộ.

Vậy mà bạn của Thảo lại không ưng. So sánh với mấy người quen trên Tinder rồi lại thấy hài lóng với anh này.

Thảo thì không tin tình cảm trên mạng lắm.

Mấy anh trên mạng thì ai mà biết được. Đôi khi sống ảo vậy thôi chứ chắc gì chân thành. Hoặc là lên nhắn tin chơi chơi chứ không có ý định nghiêm túc.

Hỏi ra mới biết mấy anh trên Tinder so về vẻ ngoài, điều kiện không bằng anh này nhưng được cái là hay thể hiện. Nào là viết thơ tặng rồi bất ngờ đàn hát tặng cô bạn giữa quán cà phê đông người.

Bạn của Thảo thì thích mê mấy kiểu lãng mạn sến như vậy.

Bởi vậy nên có nhiều người chân thành, thật thà nhưng mãi cứ ế. Còn các cô gái thì cứ đổ rầm trước mấy anh đào hoa ba lăng nhăng biết cách chiều lòng của chị em.

Ngẫm lại thì cũng tại do nhu cầu muốn được tán dương, khen ngợi lấn át tất cả như trong tháp Maslow ngược đã đề cập.

Người ta có thể bỏ qua những nhu cầu căn bản như cái ăn, cái mặc, nhu cầu an toàn… nếu không quá cấp bách để đáp ứng nhu cầu được người khác chú ý.

su-ton-trong

Theo như ngài Dale Carnegie trong cuốn ” Đắc nhân tâm” vô cũng nổi tiếng đã viết:

” Tổng thống Lincoln viết: ” Mọi người đều thích được khen ngợi” còn William James thì tin rằng: ” Nguyên tắc sâu sắc nhất trong bản tính con người đó là sự thèm được tán thưởng.

Không phải chỉ là ” mong muốn” hay ” khao khát” mà là ” sự thèm khát” được tán thưởng. “

Gần đây, mỗi lần lên mạng là Thảo lại thấy nhan nhản các tâm sự của chị em về việc chồng có người thứ ba hay cfon gọi là “Tuesday”.

Nếu vợ già, vợ xấu thì các đức ông chồng đi cặp bồ là chuyện xưa rồi diễm ơi.

Bây giờ, nhiều người có vợ đẹp, con ngoan vậy mà vẫn ra ngoài cặp kè với mấy cô ả già và xấu hơn vợ của mình mới cay chứ.

Điều gì đã khiến cho người chồng có hành vi kì lạ như vậy?

Nếu là ham đẹp thì không đúng. Vì vợ đẹp hơn nhân tình. Hay mắt của mấy anh này có vấn đề?

Thực ra, nguyên nhân của tình trạng này là mấy anh chồng không tìm kiếm được vị thế khi ở nhà.

Có thể người vợ thông minh, xinh đẹp và giỏi giang quá, lấn áp chồng nên anh cảm thấy mặc cảm. Ở công ty hay ở nhà đều cảm thấy bị lép vế.

Vậy là mấy anh ra ngoài ăn vụng để có được sự ve vuốt, ngưỡng mộ từ phía nhân tình.

Hơn ai hết, mấy anh chồng ăn vụng rất cần sự công nhận từ người khác.

VI. Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong cuộc sống là gì?

Phải chăng người Việt hạnh phúc hơn người Nhật?

Dù người Việt hay người Nhật đều có những nhu cầu như tháp nhu cầu Maslow đã đề cập.

Nhưng nói chung, người Việt chúng ta là dân tộc hạnh phúc.

Cứ chiều chiều là chén chú chén anh. Trên bàn nhậu bao giờ cũng xuất hiện những nhân vật “vua nói dóc” Ba Phi, “nói dối như Cuội”, nói chuyện ” nổ banh nóc”...

Tất thảy ai nói quá, nói dóc đều để tăng giá trị của mình lên.

Từ tiền bạc, sắc đẹp cho đến chức tước đều có thể được nói quá lên để thu hút được người nghe. Khiến mọi người phải trầm trồ, nể phục.

Đây là một trong số những biểu hiện của căn bệnh trầm kha: ” BỆNH SĨ DIỆN”.

Người khác biết bệnh của người hay nổ, nhưng cũng cười xuề xòa cho qua. Đôi khi còn hùa theo để nổ cho kêu.

Ngược lại, người Nhật vốn có văn hóa đề cao cộng đồng. Họ hạn chế khoe của, khoe tài hết mức có thể.

Người Nhật đi làm chủ yếu bằng tàu điện ngầm và các công ty đều mặc đồng phục.

Ngoài ra, họ cũng hạn chế đeo đồ trang sức bằng vàng, đá quý khi đi làm…

nguoi-nhat
Người Nhật kín đáo không thích thể hiện bản thân.

Những nhà hàng xóm sát vách cũng không biết được hàng bên cạnh mình nghèo hay giàu như thế nào. Vì nhà cửa, sân vườn cũng tương đối giống nhau.

Họ cố gắng hạn chế sự thể hiện hết mức có thể.

Nếu một người Nhật khoe tiền tài, danh vọng của mình thì người khác sẽ coi đó là một hành động lố bịch.

Có thể vì vậy mà người Nhật dễ thấy căng thẳng hơn chăng?

Tất nhiên việc nói dóc, sĩ diện cũng không phải là tốt.

Vậy làm sao để thấy bản thân có giá trị và được công nhận?

Để được công nhận, cần thể hiện giá trị bản thân. Giá trị này bao gồm giá trị bên ngoài và bên trong con người.

Giá trị bên ngoài liên quan đến tháp nhu cầu Maslow:

Bề ngoài gồm dáng vẻ bề ngoài, tiền của, xe hơi, biệt thự…

Đẹp thì tất nhiên để được người khác khen ngợi, ngưỡng mộ.

Còn tiền không chỉ để đảm bảo cuộc sống no ấm mà còn để khoe cho người khác lác mắt.

Tuy cũng có đóng góp cho hạnh phúc, nhưng đa phần chúng ta vì những thứ bên ngoài này mà trở nên bất hạnh hơn.

Về vẻ bề ngoài:

Con người chạy theo xu hướng mỗi mùa, mỗi năm. Đốt tiền để mua sắm những thứ tiêu sản, phù phiếm.

Có những cô gái mỗi khi lên hình đi ăn tiệc đều phải diện bộ đầm hàng hiệu khác nhau. Hầu như trước đám tiệc nào cũng phải chi tiền để mua sắm.

Trong khi đó, đồ áo ở nhà thì chất đống đầy tủ, mà hầu như không mang lại bao giờ. Rất phí.

Chưa kể, đến tiệc thì phát hiện ra có người cũng diện bộ đồ giống mình thì thật không có gì xui xẻo bằng.

Còn những tín đồ làm đẹp thì sao?

Họ có thể bất chấp nguy hiểm với mong ước có vẻ ngoài ưa nhìn để được chú ý, được công nhận.

Năm nay, mốt là môi căng mọng thì đi tiêm mỡ.

Năm sau, mốt là môi mỏng nên vội vàng đi hút ra ngay.

Vừa đau đớn, vừa tốn kém lại mang nhiều rủi ro. Nếu ai kém may mắn còn tử vong ngay trên bàn phẫu thuật.

Thảo thích câu nói của một người nổi tiếng, đại ý là đừng đuổi theo thời trang vì bao giờ bạn cũng chạy sau nó.

Của cải vật chất có làm nên hạnh phúc?

Cũng như sắm thêm đồ, mua thêm túi xách hàng hiệu, mô hình chung cũng chỉ để khoe, để cho oai.

Những thường dân đang bị thôi miên để đốt sạch tiền vào cơn mưa mua sắm.

Việc đánh đồng giá trị bản thân bằng với số của cải vật chất của người đó sẽ khiến con người sa đà vào những điều phù phiếm.

Giá trị bên trong liên quan đến tháp nhu cầu Maslow:

Tìm được giá trị bên trong sẽ giúp con người thấy mình có giá trị. Được bản thân và người khác công nhận. Từ đó sẽ hạnh phúc hơn.

Làm sao để tự tìm giá trị bên trong của chính mình?

  • Chấp nhận bản thân. Kể cả những mặt hạn chế.

Có bao giờ bạn thấy xung quanh mình chỉ toàn người giỏi giang, tài năng.

Bạn về nhà và tự nguyền rủa bản thân vì không làm được tích sự gì?

Có khi nào bạn ao ước mình xinh đẹp, thành công như một ai đó không?

Vấn đề ở đây là mỗi người sở hữu những hoàn cảnh và khả năng khác nhau.

Như Mozart được sinh ra trong một gia đình có người cha cũng là thầy giáo dạy âm nhạc.

Cha của Mozart đã dạy ông tập đàn từ lúc 3 tuổi. Vì sự rèn giũa miệt mài của người cha đã làm nên một nhà soạn nhạc vĩ đại cho thế giới.

Nếu Mozart được sinh ra ở một nơi khác, nghèo đói, chiến tranh thì có lẽ năng khiếu của ông có khi còn không được ai biết đến.

Người ta cũng không nhắc gì đến khả năng đá banh, vẽ tranh hay bơi lội của Mozart. Bởi vì, soạn nhạc là giá trị lớn nhất của ông.

Vì vậy, những người bình thường khoan so sánh mình với ai khác.

Hãy can đảm chấp nhận chính mình. Để hạnh phúc hơn, hãy can đảm coi mình là người bình thường.

Cuộc đời sẽ đa phần là chán ngắt, vô vị và lặp lại.

Bạn hình dung Thảo là người như thế nào?

Bản thân Thảo là một người thích đọc sách, viết và đi du lịch.

Tuy cũng rất chăm chỉ tập thể dục nhưng nói đến chơi thể thao thì mờ mịt.

Thảo biết điều này và chấp nhận sống chung với nó. Nếu chỉ chăm chăm vào việc không biết chơi đàn và dở tệ môn bóng chuyền thì Thảo sẽ thất vọng vì khả năng dở ẹc của mình.

  • Khám phá giá trị của bản thân:

gia-tri-ca-nhan

Thực sự, ban đầu Thảo không nghĩ mình thích viết lách cho lắm.

Là dân học tự nhiên nên văn chương chỉ học đối phó cho qua chuyện.

Vào đại học lại càng không đụng đến chữ nghĩa bao giờ.

Thảo chỉ thấy bản thân thích đọc nhiều thể loại sách: tiểu thuyết, self-help, y học,…

Có ngày kia, đứa bạn gợi ý Thảo thử viết một cái gì đó xem sao.

Ban đầu, ý tưởng này khá kì cục và điên rồ.

Thảo không nghĩ bản thân thích viết lách.

Nhưng Thảo vẫn thử.

Bạn biết kết quả như thế nào không?

Mặc dù có vài ý tưởng nhưng Thảo không viết được chữ nào.

Sau lần đó, thêm vài chục lần ngồi rặn từng chữ thì khả năng viết cũng có chút tiến bộ. Và tuyệt vời hơn là Thảo thấy thích viết.

Đôi khi viết lách còn tuyệt hơn cả lướt web, xem phim.

Có những lúc ngồi viết say mê mà quên luôn cả mệt mỏi và cuộc sống xung quanh.

Thảo viết về kinh nghiệm cuộc sống và hành trình du lịch của mình. Viết để thỏa mãn những suy nghĩ của bản thân và biết đâu giúp ai đó thêm hạnh phúc.

Bất ngờ hơn lần đầu tiên Thảo đã khám phá ra khả năng viết là khi đã gần 30 tuổi.

Sau ngần ấy thời gian mới khám phá ra một khả năng của bản thân tuy hơi muộn nhưng còn hơn không.

Thay vì chạy đua theo hàng hiệu và những thứ phập phồng theo mốt, hãy chịu khó khám phá chính mình có giá trị gì.

Có người sẽ giỏi leo núi, người thích nấu ăn, đi câu cá hay giúp đỡ người khác,… rất nhiều hoạt động để bạn khám phá chính mình.

Bạn biết đấy: ” Trên đời này chuyện quái gì cũng có thể xảy ra”, kể cả những nghề vô cũng kì cục nhưng vẫn tồn tại trên thế giới như:

  • nghề nhai kẹo cao su
  • nhân viên phân loại giới tính gà con
  • nếm thử thức ăn thú cưng, người chuyên đẩy khách tàu điện ngầm

Tóm lại, qua bài viết này, Thảo hy vọng bạn đọc sẽ nắm được một nhu cầu Maslow rất thâm sâu và quan trọng chi phối cuộc sống của con người: ” Mong muốn được công nhận”.

Từ đó, đừng tiếc những lời khen ngợi đúng người, đúng thời điểm để tất cả có thể phát huy được hết giá trị của mình.

Đọc thêm: Cuộc sống hạnh phúc là gì?

VII. Những câu nói hay liên quan đến tháp nhu cầu Maslow:

1.” Bất kể chúng ta đến từ vùng nào trên thế giới, về cơ bản chúng ta đều là những con người giống nhau. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc và cố gắng tránh đau khổ. Chúng ta có những nhu cầu và mối quan tâm cơ bản giống nhau của con người. Tất cả chúng ta con người đều muốn tự do và có quyền tự quyết định số phận của mình với tư cách cá nhân và dân tộc. Đó là bản chất của con người.” – Dalai Latma

2.” Chừng nào con người còn bị buộc phải sống trong một hệ thống mà mọi lúc mọi nơi đều cản trở việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người – không chỉ vì tình yêu mà còn cho sự thể hiện sáng tạo và tinh thần – thì họ sẽ cố gắng bù đắp điều này bằng những cách khác, bao gồm mua của cải vật chất ngày càng nhiều.” -Riane Eisler

3.“Lòng từ bi của con người gắn kết chúng ta với nhau – không phải vì thương hại hay bảo trợ mà là những con người đã học cách biến nỗi đau chung của chúng ta thành hy vọng cho tương lai.” – Nelson Mandela

4.” Mục đích của cuộc sống không phải là để được hạnh phúc. Đó là phải có ích, là danh dự, là từ bi, để nó tạo ra sự khác biệt nào đó là bạn đã sống và sống tốt.” – Ralph Waldo Emerson

5.”Chắc chắn có trong bản chất con người một thiên hướng cố hữu là tách tất cả những điều tốt đẹp ra khỏi tất cả những điều xấu xa.” – Benjamin Haydon

6.” Cách tốt nhất để tìm lại chính mình là đánh mất chính mình để phục vụ người khác.” – Mahatma gandhi

7.” Chỉ có một cuộc sống được sống để phục vụ người khác là đáng sống.” – Albert Einstein

8.“ Bạn không thực sự hiểu bản chất con người trừ khi bạn biết lý do tại sao một đứa trẻ trên đu quay sẽ vẫy tay với cha mẹ của mình mọi lúc mọi nơi – và tại sao cha mẹ của nó luôn vẫy lại.” – William D. Tammeus

9.” Con người sẽ làm nhiều điều để được yêu mến, con người sẽ làm mọi thứ để khiến người khác ghen tị.” – Mark Twain

10. “Loài người bị chi phối bởi trí tưởng tượng của họ.” – Napoléon

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận