3 chiến lược giúp Thảo loại bỏ thói quen trì hoãn mãi mãi.
Thú thực, Thảo rất hay trì hoãn. Thảo đã rất cố gắng để khắc phục thói quen trì hoãn.
Câu nói cửa miêng luôn là ” Để mai tính”… Thảo trì hoãn cả việc loại bỏ thói quen trì hoãn của mình.
Chỉ khi hạn chót dí sau lưng, Thảo mới cong mông lên mà chạy…
Thói quen trì hoãn là một thói quen rất tai hại. Thảo đã cố gắng loại bỏ thói quen này nhiều lần nhưng thất bại.
Bạn nghĩ điều gì khi nhìn thấy tấm hình này?
Nếu bạn giống Thảo, thì đều đầu tiên nghĩ đến là : Bánh mì giúp trí nhớ của Đoremon.
Nobita- cậu bé nghịch ngợm, hay quên và lười học đã nhờ chú mèo máy Đoremon chế tạo chiếc bánh ăn vào để tăng trí nhớ.
Lúc nhỏ, Thảo cũng tự hỏi chiếc bánh thần kì này có tồn tại trên đời không?
Nhưng nếu có thì chắc cú sẽ sốt xình xịch, hót hòn họt cho mà coi.
Bạn đã từng đọc Doremon phải không? Bạn nhớ gì về nhân vật Nobita?
Nobita mới lớp 3 nhưng đã rất ghét học.
Cậu bé luôn tìm đủ mọi cách đề trì hoãn, đối phó với bài vở.
Đây tuy là câu chuyện thiếu nhi hư cấu, nhưng tính cách của nhân vật trong truyện rất giống ngoài đời thực.
-
Cả thế giới cố gắng loại bỏ thói quen trì hoãn?
-
Vì sao khó loại bỏ thói quen trì hoãn?
-
Thói quen trì hoãn đến phút chót gây ra chuyện gì?
-
Bằng cách nào Thảo đã loại bỏ thói quen trì hoãn?
1. Cả thế giới cố gắng loại bỏ thói quen trì hoãn?
Không chỉ cậu bé Nobita 10 tuổi hay trì hoãn mà người lớn chúng ta cũng hay có thói quen chần chừ. Có câu ” Đợi nước đến chân mới nhảy “.
Nếu bạn đang cố gắng loại bỏ thói quen trì hoãn, hãy biết rằng bạn không đơn độc.
Theo thống kê, khoảng 20% NGƯỜI LỚN và 50% HỌC SINH nói rằng trì hoãn là thói quen mãn tính của mình.
Sự trì hoãn là một trong những điều mà ngay cả những người có tổ chức tốt và đúng giờ nhất cũng trở thành nạn nhân của một lúc nào đó.
Thời học đại học, mọi người đồn rằng cuộc sống sinh viên y có 3 chủ đề hấp dẫn nhất: chuyện HỌC, chuyện MA và chuyện YÊU.
Người ta hay nói sinh viên y rất chăm chỉ học tập.
Sáng chiều đều cặm cụi trên giảng đường, bệnh viện.
Tối đến miệt mài làm bệnh án và thức trắng đêm đi trực gác.
Nếu bạn lang thang trong sân trường y, bạn có thể bắt gặp hình ảnh sinh viên 8,9 h tối vẫn quây quần thành nhóm học bài.
Nhưng hầu như phần đông, các bạn vẫn hay trì hoãn khi chưa có gì cấp bách.
Vẫn cứ vắt chân lên cổ để kịp deadline, vẫn làm cú đêm cú mèo trước ngày thi.
Bạn có nhận ra rằng: Chỉ khi đến hạn chót, bạn mới lăn vào làm. Phải không?
Câu nói yêu thích của những người có thói quen trì hoãn là: “Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai.”
Thảo đoán chắc trước đó bạn thường lười biếng, chơi nhiều hơn làm, check-in Facebook nhiều hơn công việc …
2. Vì sao khó loại bỏ thói quen trì hoãn?
Một số người trì hoãn vì đến sát ngày thi mới có cảm hứng học hành. Làm việc vào phút cuối tạo nên cơn cuồng nhiệt.
Có lúc Thảo tự lừa dối bản thân rằng mình chỉ làm tốt khi chịu áp lực của hạn chót.
-
Chủ nghĩa hoàn hảo dẫn đến sự trì hoãn:
Mối quan hệ giữa sự trì hoãn và chủ nghĩa hoàn hảo là một mối quan hệ ràng buộc với nhau.
Chúng ta nói dối chính mình, tự thuyết phục bản thân rằng sẽ hoàn thành khi chúng ta tốt và sẵn sàng.
Câu cửa miệng của những người này là:” Tôi chưa có tâm trạng” .
Nhưng, về cơ bản, không bao giờ có thời điểm thực sự thích hợp.
-
Thiếu kỉ luật tự giác gây thói quen trì hoãn:
Việc bạn trì hoãn không có nghĩa là bạn lười biếng hoặc làm việc kém hiệu quả.
Trên thực tế, khi trì hoãn, chúng ta thường làm việc cường độ cao trong thời gian dài ngay trước thời hạn trái ngược với lười biếng. chỉ là do bạn không đủ kỷ luật tự giác thôi.
Lúc còn học đại học, Thảo đi học chứng chỉ tiếng anh.
Thảo không thực sự yêu thích việc học tiếng anh. Việc mở sách ra để ôn tiếng anh thật sự rất khó khăn.
Cộng thêm, còn 2 tháng nữa mới thi nên Thảo cũng không thấy vội gì.
Thay vì học,Thảo coi youtube, dạo mua sắm online. Ban đầu Thảo chỉ nói lên giải trí tầm 5 phút, sau đó chần chờ thêm 10 phút và cuối cùng đã online hơn 2 tiếng đồng hồ.
Để khỏi cảm thấy tội lỗi, Thảo lúc nào cũng biện bạch rằng còn nhiều thời gian.
Ngày mai học cũng chưa muộn…
Và ngày mai, Thảo cũng sẽ trì hoãn việc học cho đến sát ngày thi.
-
Những thứ gây phân tâm:
Điện thoại, laptop là những thứ gây vô số phiền nhiễu và kích thích quá mức.
Thử kiểm tra sương sương thì một ngày Thảo mở điện thoại hơn 100 lần. Thời gian dùng điện thoại trung bình là 4 tiếng/ ngày.
Theo một thống kê tính trung bình, trong suốt cuộc đời, mỗi người dánh 9 năm liên tục chỉ để lên mạng, đọc báo, coi tivi.
Các yếu tố cản trở khác nữa chẳng hạn như sự mệt mỏi của cơ thể hay tinh thần hoặc môi trường ồn ào dễ làm con người trì hoãn công việc hơn.
Để tập trung làm việc, học hành đã khó, còn những thứ gây phân tâm như vậy khiến Thảo dễ trì hoãn công việc hơn.
-
Loại bỏ thói quen trì hoãn thời gian không hề dễ dàng:
Bạn đã từng chờ ai dài cổ không?
Và có thể giờ cao su đã trở thành một phong cách sống.
Bạn bị mọi người cho leo cây quá nhiều nên từ đó rút kinh nghiệm.
Bạn trở thành một người hay trì hoãn, trễ hẹn.
Tại một số nước, trễ hẹn là chuyện bình thường. Đến đúng giờ mới là chuyện lạ. Việc loại bỏ thói quen trì hoãn trong cả cộng đồng rộng lớn là việc không hề đơn giản.
3. Thói quen trì hoãn đến phút chót gây ra chuyện gì?
-
Áp lực hạn chót gây căng thẳng cực độ.
Chưa kể đến những rủi ro như đau ốm, máy tính hư,… dẫn đến KHÔNG hoàn thành nhiệm vụ.
Quay lại với kì thi Tiếng anh của Thảo.
Bạn cũng biết là Thảo ghét học Tiếng Anh. Và Thảo đã làm mọi cách để trì hoãn việc học.
Cho tới sát ngày thi…
Thảo cuống quýt cả lên.
Bạn nào học tiếng anh chắc cũng biết Tiếng Anh có đủ thứ phải nhớ : từ vựng, ngữ pháp, bài luận, bài viết…
Mỗi ngày, Thảo thức tận đến 2,3 giờ sáng để học.
Nhưng học được chữ này lại quên chữ kia.
Đầu óc lúc nào cũng mơ màng. Ngồi đâu cũng ngáp ngắn ngáp dài.
Và bạn biết kết quả như nào không ?
Thảo đã BỎ THI. Một phần vì không đủ thời gian lại có quá nhiều kiến thức chưa học.
Mà những thứ đã học thì cũng mơ hồ, chắp vá.
Vậy mới biết không phải cứ áp lực là sẽ học tốt hơn. Từ sau vụ đó, Thảo quyết tâm phải loại bỏ thói quen trì hoãn của mình.
-
Thói quen trì hoãn thường dẫn đến hậu quả khôn lường:
Mỗi lần Thảo định trì hoãn điều gì thì cuộc đấu tranh suy nghĩ bắt đầu. Một bên là ý định trì hoãn, một bên là lý trí làm theo kế hoạch.
Khi đi mua sắm, sau khi lượn lờ vòng quanh mấy shop quần áo. Ý định ban đầu của Thảo chỉ là dạo coi chơi.
Ai dè, lại có vài bộ đầm rơi vào tầm ngắm.
Tay sờ chiếc thẻ ATM trong túi. Thảo phân vân giữa một bên là quẹt thẻ để mua, một bên là trì hoãn niềm vui mua sắm lại, tiết kiệm tiền để dùng khi có sự cố.
Cuối cùng, Thảo đành thất bại và đưa chiếc thẻ với những đồng xu còn sót lại cho người bán hàng.
Một tình huống khác về thói quen trì hoãn là chuyện tập thể dục.
Thảo biết rất rõ thói quen tập thể dục có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên cứ mỗi lúc có đồ ăn ngon thì Thảo lại trì hoãn buổi tập thể dục đó vào ngày mai, ngày kia nữa.
Có những khoảng thời gian, hầu như cả tuần Thảo không đi tập thể dục bữa nào vì cứ chần chừ đến khuya.
” Trì hoãn là kẻ cắp thời gian “- Edward Young.
Trong thời gian còn đi thực tập tại bệnh viện, Thảo gặp rất nhiều bệnh nhân ung thư GIAI ĐOẠN CUỐI mới đi khám bệnh.
Lúc nói chuyện, hỏi han về bệnh tình, Thảo thấy đa phần mọi người thường trì hoãn đi khám bệnh khi có những triệu chứng đầu tiên.
Đợi cho đến khi không còn sức để đi nữa, phải gọi xe cấp cứu để chở thẳng vô bệnh viện.
Ung thư nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì rất khả quan.
Chỉ vì thói quen trì hoãn đi khám mà nhiều người đã đánh mất thời gian vàng của tính mạng mà không hề hay biết.
Đến nước này thì chỉ còn điều trị nâng đỡ, giảm đau và cố kéo dài cuộc sống thôi. Vừa tốn rất nhiều tiền bạc mà hiệu quả cũng không tốt như giai đoạn đầu.
3. Bằng cách nào Thảo đã loại bỏ thói quen trì hoãn?
Phần này, Thảo viết dài nhất vì đây là phần chính của bài.
Theo khoa học, thói quen trì hoãn là bản năng của con người. Phần đông mọi người thường muốn hưởng sự sung sướng ngay lập tức thay vì làm việc khó mà tốt cho tương lai.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn là một người trì hoãn kinh niên không có thuốc chữa thì bạn đã lầm.
Mặc dù thuộc về thói quen nhưng có rất nhiều cách giúp bạn loại bỏ thói quen trì hoãn của mình.
-
Xác định khoảng thời gian bạn ít trì hoãn:
Lúc trước, thảo từng nghe nói câu: ” Hãy ăn con ếch của bạn vào buổi sáng”.
Ngụ ý câu này khuyên bạn nên ưu tiên làm những việc khó nhằn vào buổi sáng, lúc năng lượng còn dồi dào.
Tuy nhiên, có một thực tế là dạo này Thảo hay mất ngủ. Mỗi lần đặt mình xuống giường cũng trằn trọc đến 2 giờ sáng mới ngủ được.
Đến 7 giờ sáng thức dậy thì người vẫn còn mệt, không được tỉnh táo cho lắm.
Thay vào đó, Thảo thấy bản thân tập trung làm việc tốt nhất tầm lúc 7 giờ tối, sau bữa ăn.
Vì vậy, có lẽ đối với Thảo nên ăn con ếch sao bữa ăn tối chăng?
Sau khi tìm hiểu các nghiên cứu, Thảo biết rằng mỗi người có khoảng thời gian năng suất khác nhau.
Có nghĩa là những người khác nhau có năng suất vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
Một cách tốt để loại bỏ thói quen trì hoãn của bạn là xác định THỜI GIAN NĂNG SUẤT NHẤT của bạn.
Sau đó lập kế hoạch sao cho phần lớn công việc quan trọng thực hiện trong khoảng thời gian này.
Hãy xác định chính xác khoảng thời gian trong ngày mà bạn làm việc hiệu quả nhất.
Ví dụ, một số người có thể làm việc tốt hơn vào buổi sáng. Trong khi những người khác gọi là cú đêm vì họ thích làm việc về đêm hơn.
Tương tự, một số người làm việc hiệu quả nhất sau khi họ ăn no. Trong khi, số khác lại chỉ có thể làm việc hiệu quả khi họ đói.
Thảo thấy bản thân tập trung làm việc tốt nhất tầm lúc 7 giờ tối, sau bữa ăn. Lúc này, ngồi vào bàn, Thảo tắt kết nối internet và bắt tay vào làm việc.
Ngoài ra, bạn cũng nên xác định THỜI GIAN KÉM NĂNG SUẤT của mình.
Đó là những thời điểm bạn làm việc kém hiệu quả và thường xuyên trì hoãn công việc.
Đối với Thảo đây là khoảng thời gian buổi chiều, từ 4 giờ chiều đến 6 giờ tối.
Đây là khoảng thời gian cơ thể mệt mỏi do đã ngồi làm việc suốt buổi sáng. Nếu ngượng ép phải làm thì đa phần năng suất không cao.
Vì vậy, thảo sẽ đi dạo, tập thể dục, tắm rửa, ăn uống, đọc sách hay có một giấc ngủ ngắn trong khoảng thời gian này.
- Chia nhỏ công việc để loại bỏ thói quen trì hoãn :
Bạn đã từng nghe câu : “ DREAM BIG. DO SMALL “ đúng không ?
Hiểu ý câu này là ước mơ lớn nhưng hãy làm nhỏ thôi.
Vì sao lại mâu thuẫn như vậy ?
Hồi bé hẳn ai trong chúng ta cũng mơ ước thành bác sĩ, kĩ sư, doanh nhân hay thậm chí nhà du hành vũ trụ…
Mơ ước là vậy. Nhưng bạn hầu như không thể làm điều đó ngay được.
Bạn phải đi từng bước, từng bước một. Học mẫu giáo rồi lên cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi mới học chuyên ngành bạn yêu thích.
Nếu muốn làm gì lớn lao, cách tốt nhất vẫn là chia nhỏ thành từng bước để làm.
Nếu muốn chinh phục đỉnh Everest, thay vì suốt ngày mơ màng về việc chinh phục 8848 mét kia. Hãy thay đồ và tập thể dục 30 phút mỗi ngày sẽ thiết thực hơn.
Nhưng 30 phút chạy bộ hoặc học Tiếng anh vẫn khó nhằn quá!
Bạn có nhận ra rằng, bạn thường gặp khó khăn với việc bắt đầu làm đúng không ?
Nếu Thảo đang lướt Facebook mà phải mở sách ôn tập Tiếng anh. Khó quá đúng không ? Thôi làm ơn đợi Thảo thêm 10 phút nữa.
Còn 30 phút tập thể dục mỗi ngày quả là một thách thức khổng lồ.
Vì sức ì tâm lí quá lớn nên bạn sẽ trì hoãn lần này đến lần khác, ngày này qua ngày khác.
Chỉ có một cách, một cách để loại bỏ thói quen trì hoãn này. Bạn biết không ?
Đó là hãy làm một việc CỰC NHỎ.
Việc học Tiếng anh quá khó thì Thảo sẽ học một từ mới mỗi ngày thôi chẳng hạn.
30 phút tập thể dục là ngoài sức chịu đựng thì hãy tập một động tác thôi.
Tập một động tác ngày này qua ngày khác sẽ giúp bạn loại bỏ dần thói quen trì hoãn. Chỉ một động tác thôi mà, Thảo cá ai cũng có thể làm được.
Mặc dù tập một động tác chẳng thể xây dựng thể lực để leo núi nhưng nó sẽ giúp bạn xây dựng thói quen rèn luyện thân thể.
Làm một việc CỰC NHỎ là bước khởi đầu thuận lợi cho ý chí nắm quyền kiểm soát.
Trong lúc Thảo đang comment dạo trên mạng, ý chí của Thảo sẽ nhắc nhở Thảo về việc học một từ mới mỗi ngày.
Học MỘT từ thôi thì dễ dàng như ăn bánh.
Thảo sẽ chuyển từ bàn phím máy tính sang quyển sách tiếng anh để học một từ thôi. Chắc cũng không mất quá nhiều thời gian và năng lượng.
Ngoài ra, cảm giác sung sướng khi hoàn thành một việc, dù việc đó cực nhỏ cũng sẽ mang tính khích lệ rất cao. Bạn sẽ thấy làm việc không còn quá khó khăn như trước nữa.
Bằng cách lừa bản thân thực hiện hành động đầu tiên, bạn sẽ giải phóng gánh nặng tinh thần khi cố gắng thực hiện “toàn bộ công việc”.
Khi đó, bạn viết một câu, bạn sẽ muốn viết câu khác. Sau khi thực hiện một cuộc gọi, bạn sẽ muốn thực hiện thêm mười cuộc gọi.
Thảo có một người bạn làm bác sĩ Nha Khoa.
Bạn cũng biết ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng của người Việt không được coi trọng cho lắm. Bằng chứng là những đứa trẻ mới 5, 6 tuổi đã bị sâu hết cả hàm răng. Còn những người lớn thì vấn đề răng miệng còn nghiêm trọng hơn nhiều: sâu răng, gãy răng, viêm lợi, nha chu…
Để khuyên bệnh nhân của mình vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn khuyên bệnh nhân nên dùng CHỈ NHA KHOA thay vì dùng tăm xỉa răng thông thường.
Nhưng để thay đổi thói quen này đối với đa số mọi người rất khó.
Vậy là bạn đã nghĩ ra một chiến lược nghe rất buồn cười: Hãy dùng chỉ nha khoa để làm sạch MỘT cái răng sau bữa ăn.
Tuy cái ý tưởng lạ đời đó nhưng mang lại hiệu quả rất lớn.
Nhiều bệnh nhân ban đầu chỉ gượng gạo làm sạch một chiếc răng bằng chỉ nha khoa theo lời bác sĩ. Nhưng lâu dần họ sử dụng chỉ nha khoa thành thạo và đã không ngại ngần vệ sinh cả hàm răng thay vì một chiếc duy nhất.
-
Trao phần thưởng cho những việc bạn thường trì hoãn:
Bí mật ở đây là bạn tìm cách làm cho sự trì hoãn trở nên đau đớn hơn và hành động dễ chịu hơn .
Điều này có nghĩa là khi Thảo thấy việc đến phòng tập thể dục quá khó, Thảo sẽ bật bộ phim yêu thích khi đang đi trên máy đi bộ.
Việc học tiếng anh chán phèo ư? Học xong 10 từ mới này, Thảo sẽ được ăn món ăn khoái khẩu của mình.
Còn nếu Thảo tiếp tục trì hoãn công việc thì Thảo sẽ mất cơ hội lên mạng, không được ăn món ngon, không được đi chơi,…
Làm thì được tất cả phần thưởng. Trì hoãn không làm thì không được bất kỳ thứ gì.
Bởi vậy, bạn hiểu lý do vì sao dạo này Thảo ít lên mạng rồi chứ?
Tóm lại để loại bỏ thói quen hay trì hoãn:
- Bạn hãy viết ra những việc hay trì hoãn của mình.
- Xác định khoảng thời gian năng suất và dễ bị sao nhãng nhất của bản thân.
- Làm những việc cực nhỏ một cách đều đặn.
- Trao phần thưởng cho việc vượt qua thói quen trì hoãn.
Đọc thêm: 3 bí quyết giúp Thảo vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.
Tác giả: Thảo Thảo