Kinh nghiệm sống tối giản từng bước như người Nhật

5/5 - (1 bình chọn)

Từ khi đọc về tối giản minimalism và thực hành theo đó, Thảo đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm sống tối giản hay ho để mách nước cho các bạn.

Cuộc sống càng hiện đại thì con người càng bận rộn và căng thẳng hơn.

Không quá ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người trên khắp thế giới muốn sống chậm lại giữa thời đại ngày càng nhanh ngày nay.

Những cường quốc như Nhật, Mỹ còn tập đơn giản hóa thì không có cớ gì những nước như Việt Nam lại không bắt đầu nghiên cứu lối sống tối giản này.

Sống tối giản có thể trở thành một liều thuốc xoa dịu những bất cập trong cách sống của chúng ta bấy nay.

Nếu bạn đang bắt đầu sống tối giản và bì bõm trong mớ thông tin siêu to khổng lồ trên mạng thì bài viết này là dành cho bạn đấy.

Thông tin trên internet, truyền thông hay blog, youtube về tối giản quá nhiều.

Mỗi một cá nhân lại có sở thích, sở ghét, môi trường và tài chính khác nhau. Họ chia sẻ những hiểu biết kinh nghiệm khổng lồ của họ về lối sống tối giản.

Quá nhiều mẹo mực. Quá nhiều kinh nghiệm. Quá nhiều nguyên tắc.

Bạn đang bị bội thực kiến thức.

Hãy bình tĩnh lại.

Sống tối giản thì phải đơn giản.

Thảo xin chia sẻ về cuộc sống của mình từ khi tối giản và tất tần tật kinh nghiệm để bạn áp dụng ngay và luôn.

Hành trình Thảo theo đuổi lối sống tối giản 

Ban đầu Thảo cũng hờ hững trào lưu mới nổi này lắm. Chắc mốt gì thì cũng được dăm bữa nửa tháng là lại rơi vào ký ước thôi…nhưng lần này lại khác.

Mọi người vẫn hằng ngày rỉ vào tai Thảo về một lối sống đơn giản hóa đang len lỏi vào vô vàn cuộc tám chuyện với lũ bạn thân.

Tò mò nên Thảo cũng muốn tìm hiều thử.

Thảo đọc cuốn Lối sống tối giản của người Nhật (tác giả: Sasaki Fumio) tình cờ khi mượn của đứa em. 

Thông báo với các bạn một tin vui. Từ khi đọc áp dụng lối sống tối giản, Thảo được mệnh danh là ” Người vứt đồ và bị chửi nhiều nhất nhà“.

Câu chuyện vứt đồ nhiều khi cũng giở khóc giở cười.

Hôm nay vứt, tuần sau phải xách tiền đi mua lại… Vứt nhiều quá thì người nhà cũng phản đối kịch liệt lắm.

Từ kinh nghiệm đau thương đó, Thảo đúc rút ra là mình chỉ nên tập trung vào tối giản cuộc sống của mình trước tiên.

Khi người xung quanh thấy cuộc sống của mình hạnh phúc thì họ sẽ tự động bắt chước theo.

Ngay ngày hôm sau khi đọc xong cuốn sách tối giản, Thảo đã quyết định sắp xếp lại tủ quần áo, kệ sách và túi mỹ phẩm của mình. Đã rất nhiều thứ bị vứt đi.

Quả thật, không dễ để có thể hiểu được hết giá trị của lối sống tối giản trong một sớm một chiều.

Từ những trải nghiệm của bản thân, Thảo xin chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm sống tối giản mà Thảo đã đúc rút lại.

Lúc trước, mỗi cuối tuần Thảo thấy rất mệt mỏi. Đống quần áo vừa giặt lộn xộn hay phải xới tung mọi thứ lên để tìm được bộ đồ ưng ý thật mất thời gian.

Từ lúc mạnh dạn vứt bỏ, tủ quần áo chỉ còn một phần ba so với ban đầu. Tuy mang đi mang lại vài bộ đồ quen thuộc có vẻ hơi nhàm chán nhưng cũng đỡ được công tìm kiếm.

Tại sao sống tối giản?

Sống tối giản ư?

Dễ ẹc, cần gì sách vở kinh nghiệm hay nguyên tắc cao siêu gì. Chỉ việc vứt gần như sạch sành sanh đồ dùng là xong. Đấy là lời một đứa bạn đã nói với Thảo.

Thật sự, lối sống tối giản không chỉ là vứt bỏ.

Người thực hành lối sống này cũng chẳng phải kẻ cuồng tín đi vứt hết đồ cho bằng được.

Lối sống tối giản của người Nhật tập trung hướng tới những giá trị cao hơn trong cuộc sống.

Giá trị cao như nào thì kiên nhẫn đọc tiếp nhé ^^

Thế nào là sống tối giản?

Lối sống tối giản của người Nhật chỉ tập trung sở hữu những thứ có GIÁ TRỊ với bạn. Đồng thời loại bỏ những thứ còn lại.

Những gì được gọi là có giá trị và ý nghĩa với bản thân thì khác nhau tùy mỗi người.

Một chiếc máy ảnh Canon chính là vật bất ly thân của nhiếp ảnh gia hay người có đam mê chụp ảnh.

Nhưng chiếc máy ảnh này, dù xịn đến đâu cũng vô nghĩa đối với người cả năm không đụng đến máy ảnh lần nào.

Mỗi người sẽ cần những thứ thiết yếu khác nhau.

Bằng kinh nghiệm vứt đồ từ ngày sống tối giản, Thảo có thể kể sương sương vài thứ không cần đến trong ngôi nhà của bạn. Đó có thể là:

loi-song-toi-gian
Những đồ đạc có thể vô dụng.
  • Biên lai, hóa đơn cũ không dùng đến
  • Những tấm thiệp mời cũ
  • Báo cũ
  • Chai nhựa rỗng
  • Đồ dùng nhà bếp cũ và thừa
  • Một chiếc găng tay duy nhất
  • Quần áo sờn rách, giày dép cũ mà từ lâu bạn đã không đụng tới
  • DVD, CD và băng cũ
  • Thuốc, mỹ phẩm và gia vị hết hạn
  • Đồ chơi cũ
  • Sách giáo khoa cũ
  • Thẻ khách hàng thân thiết bạn không bao giờ sử dụng
  • Đồ đạc bị hỏng
  • Vài đồng tiền xu cũ.
  • Đồng hồ báo thức
  • Tài liệu quảng cáo du lịch từ các chuyến đi bạn đã đi
  • Đống “giấy vụn”
  • Mắt kính cũ
  • Đồ trang trí nhà cũ
  • Quà tặng bạn không thực sự thích
  • Chìa khóa mà bạn không biết chúng dùng để làm gì
  • Sách dạy nấu ăn bạn hiếm khi sử dụng
  • Mẫu trang điểm mà bạn chỉ thích vì chúng miễn phí
  • Bút dạ quang ( hãy chỉ giữ lại 1 đến 2 cây đủ dùng thôi)
  • Đồ ăn hư hay đã hết hạn sử dụng

Danh sách này có thể sẽ còn kéo dài bất tận nếu bạn là người nghiện mua sắm.

Thảo đã mạnh dạn vứt đi hơn nửa tủ quần áo và gần hết sách vở của mình. Vì sao vậy?

Cách Dễ Nhất Để Sắp Xếp Đồ Đạc Của Bạn Là Loại Bỏ Hầu Hết Chúng.”-  Joshua Fields Millburn.

Đồ đạc vô dụng, chỉ chiếm diện tích mà không bao giờ chịu chia tiền phòng.

Cũng không dễ dàng để vứt đi những bộ đồ còn mới tinh mà Thảo chưa hề sử dụng.

Vì sao Thảo lại mua chiếc váy vàng như chuối tươi vậy nhỉ?

Lúc đó, thấy người mẫu mang đẹp quá nên Thảo đã mua và chờ đến ngày đi biển sẽ mang. Ai dè, chờ suốt mấy năm, đi biển chục lần rồi mà vẫn không diện lần nào vì chiếc váy trông quá buồn cười.

Sau khi đọc cuốn sách Lối sống tối giản, Thảo đã vứt đi kha khá quần áo:

  • Những chiếc váy màu sắc sặc sỡ như vàng tươi, cam, đỏ,…
  • Chiếc đầm đen với đường may khá đẹp mắt nhưng đã bạc màu
  • Chiếc áo màu tím lịm sẽ mặc vào một ngày nào đó…

toi-gian

Kinh nghiệm tối giản hóa mỹ phẩm cho người sống tối giản

Phụ nữ là đối tượng nên quan tâm đến chuyện tối giản nhất vì họ có rất nhiều đồ dùng. Mỹ phẩm là một trong số đó.

Ngày xưa, Thảo ham hố đọc những cuốn sách Chăm sóc da kiểu Hàn Quốc và mê mẫn chúng từ đó.

Thảo đã mua biết bao nhiêu những loại mỹ phẩm khác nhau để chạy đua theo 9 bước chăm sóc da kiểu Hàn Quốc mỗi buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, tính Thảo lại “cả thèm chóng chán”.

Bằng chứng là chỉ sau một tuần hào hứng chăm sóc da bàn bản theo hướng dẫn thì Thảo đã từ bỏ.

Thảo quá lười để duy trì ngày hai lần đứng trước gương bôi bôi trét trét những thứ chất lỏng khác nhau trong hơn 30 phút.

Sau đó, lên mạng Thảo lại thấy những sản phẫm từ những thương hiệu khác hấp dẫn hơn. Không kiềm chế được và lại tiếp tục mua đồ dưỡng da.

Bây giờ, Thảo có cơ man là mỹ phẫm thừa. Định bụng sẽ dùng chúng vào một ngày nào đó. Nhưng ngày đó chắc không bao giờ đến.

Nhìn đống chai lọ mới dùng gần phân nửa nằm la liệt trên bàn trang điểm, Thảo đã phải nhắm mắt để gom tất cả cho vào sọt rác. Suýt khóc ^^

Kinh nghiệm của mấy bạn sống tối giản là trước khi vứt đồ, bạn nên chụp vài tấm hình lưu lại xem cho đỡ nhớ.

Tính sương sương Thảo Thảo cũng mất ngót nghét gần chục triệu cho đống mỹ phẩm lỉnh khỉnh đã vứt kia. Thú thực là rất tiếc nuối.

Nhưng chưa kể đến việc có chạy theo lối sống tối giản hay không, việc sử dụng những lọ kem đã được khui ra từ lâu tiềm tàng nguy hiểm.

Đối với những kem dạng hũ, chỉ cần mở nắp, dùng tay lấy chút kem là bạn đã gián tiếp đưa bao nhiêu vi khuẩn vô nuôi cấy trong đó. Nếu giờ có tiếc của mà dùng tiếp chắc gì da mặt đã không bị nổi mụn nhọt?

Thảo đã nghĩ vậy để vượt qua cảm giác tiếc tiền khi vứt đồ skincare.

Thảo tự dặn lòng nhớ kinh nghiệm lần này, mua tém lém lại vừa tiết kiệm được khối tiền lại vừa đúng chủ nghĩa tối giản.

Kinh nghiệm sắp xếp nhà tắm sao cho tối giản?

Mọi người thường nói rằng mua số lượng lớn giúp tiết kiệm tiền. Nhưng sự thật là với dầu gội, sữa tắm nếu chỉ dùng một mình thì điều đó không hẳn đã đúng.

Thảo vốn có cơ địa bị viêm da cơ địa dạng chàm. Có lần, bệnh chàm tái phát nên được bác sĩ kê đơn mua những loại dầu gội và sữa tắm chuyên biệt dành cho da chàm.

Lúc đi mua, nghe theo lời chào hàng từ em dược sĩ bán thuốc và nhẩm tính tiết kiệm được vài chục ngàn…

Thảo đã rinh về nhà hai chai dầu gội và sữa tắm to bự với dung tích mỗi chai là 1 lít. Lúc đó ngắm mắt mua đại nên không biết mình có thích dùng chúng không.

Sau khi dùng hai tuần, thì bệnh chàm rút lui. Thảo lại bị thu hút bởi những thứ dầu gội và sữa tắm khác với hương thơm nồng nàn, quyến rũ. Mấy chai cũ lại bị xếp ở một góc phòng tắm trong lãng quên.

Triết lý sống tối giản: Chỉ giữ lại những thứ cần thiết và vứt bỏ những thứ còn lại.

Một chai dầu gội, một chai sữa tắm và một chai sữa rửa mặt là đủ dùng mỗi ngày.

Mỗi lần chỉ nên dùng một hãng mỹ phẩm nhất định. Tránh nay thích cái này, mai thích loại kia hay mua vì rẻ, vì giảm giá, vì miễn phí…

Nếu cứ ham mà rinh về nhà thì không sớm thì muộn, nhà trở thành cái kho đồ tạp nham, bừa bộn. Bạn lại phải hì hục lôi từng món ra để sắp xếp lại.

Lúc đang loay hoay dọn dẹp nhà tắm, Thảo tìm thấy một chiếc mũ hấp tóc bằng điện mini của mình. Cái mũ này Thảo mua từ lâu nhưng lười nên chưa dùng bao giờ.

Thảo nhắn tin bảo cho đứa bạn. Cho đồ còn phải năn nỉ nó lấy giùm khỏi chật nhà nữa chứ. Kinh nghiệm đau thương cho lần tối giản đồ đạc.

Vậy mới nói, không mua sắm thừa vừa đỡ dọn dẹp lại cắt giảm được khối tiền.

Còn n thứ khác vô giá trị mà Thảo cũng nhắm mắt vứt bỏ khỏi căn nhà và tâm trí của mình.

Sau khi đã tối giản không gian sống thì mới là bước một thôi. 

Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu cách tối giản trong ăn uống, tối giản trong suy nghĩ (click vào để đọc) nữa.

Kinh nghiệm sống tối giản – Không tập trung vào vật chất

Có lợi gì khi giảm nhu cầu sở hữu đồ đạc?

Sống tối giản không có nghĩa là sống khổ hạnh, không cần cái gì.

Chúng ta vẫn cần đồ đạc và những tiện nghi vật chất dù nhỏ hay lớn để phục vụ chúng ta. Ở đây, Thảo xin nhấn mạnh từ phục vụ. Hãy để đồ đạc phục vụ con người chứ không phải ngược lại.

Bạn có nhớ lần mới nhất mà bạn thích mê một thứ gì đó ngoài cửa hiệu. Bạn có quyết tâm phải sở hữu món đồ đó cho bằng được không?

Vốn thích mê túi xách nhưng lại có ít kiến thức về thời trang. Có lần Thảo đã thích mê một mẫu túi mới ra mắt của một hãng túi xách.

Thảo đã không ngừng nghĩ về chiếc túi xách đó khi có thời gian rảnh.

Đến hôm 8/3, sau khi đi làm, Thảo đã tự thuyết phục mình nên mua chiếc túi để tặng cho bản thân. Thảo rất sung sướng khi có chiếc túi này.

Những ngày đầu mới mua, Thảo Thảo mang nó đi mọi nơi.

Mỗi lúc ngồi chơi lại lôi túi ra ngắm nghía một cách hạnh phúc. Nhưng được vài tuần thì chiếc túi lại trở nên bình thường.

Thậm chí, Thảo còn phát hiện ra là chiếc túi có một ngăn không được vuông vức.

So với sự lâng lâng hạnh phúc của những ngày đầu, giờ chiếc túi này cũng như những chiếc túi khác mà Thảo đang có, không hơn không kém.

Hiện tại, chiếc túi đang nằm phủ bụi trong một ngăn kéo ở nhà mẹ. Thảo lại thấy thích một chiếc túi khác trên mạng rồi. Ôi…

Bạn có thấy tình huống này quen quen không?

Có phải bạn cũng đã từng có vài món đồ như vậy?

Đồ mới chỉ đem lại cảm giác vui thích nhất thời, trước khi bạn trở nên quen và vứt chúng vào xó vì chán ngấy. Vì sao lại vậy?

Những điều mới mẻ ban đầu khiến chúng ta hứng thú, nhưng sau đó chúng ta dần quen với chúng.

Sự thích nghi là một điều cản trở con người kéo dài sự hạnh phúc từ vật chất.

Vòng lặp thích đến sở hữu rồi quen rồi chán ngấy đã thúc đẩy con người luôn phải sắm đồ mới, những sự kích thích mới.

Kinh nghiệm sống tối giản – Mua đồ tốt hơn là mua nhiều

Bạn có bao giờ mua những món đồ khuyến mãi trong đợt giảm giá cuối năm.

Sau đó, bạn phát hiện ra bạn chưa cần đến chúng và cất vào một góc tủ. Chỉ mãi đến một lần dọn nhà nào đó mới tìm thấy và sực nhớ ra sự tồn tại của món đồ kia.

Thảo có một cô bạn rất thích săn hàng khuyến mãi. Và Thảo luôn là người mà nàng thuyết phục đi mua đồ cùng.

Tất nhiên, bằng mọi cách, Thảo kìm lòng để không ham đồ rẻ. Trong khi, cô bạn thì ra sức chớp cơ hội mua hàng với giá hời.

Tuy cô bạn có rất nhiều đồ nhưng mỗi đợt có hàng giảm giá lại tiếp tục đi mua sắm.

Đây là điều cấm kị đối với lối sống tối giản. 

Mặc dù hơi ngược đời nhưng kinh nghiệm để sống vừa tối giản vừa tiết kiệm là mua hàng tốt.

Hàng giá rẻ thường chất lượng kém, mau hư hoặc không phải thứ bạn thực sự cần. Ngoài ra, việc mua nhiều đồ giá rẻ sẽ khiến bạn tốn thời gian đi mua sắm nhiều lần.

Những đồ cũ bỏ đi không kịp sẽ biến căn nhà thành nhà kho.

chat-luong-don-gian

Thay vì ham đồ rẻ, nếu muốn sống tối giản thì bạn nên quan tâm đến chất lượng của đồ dùng.

Thay vì mua 10 chiếc túi xách rẻ tiền mà bạn dễ dàng trở nên nhàm chán, hãy dồn tiền mua 1 chiếc túi hàng thật.

Chiếc túi hàng thật vừa có thể dùng lâu vừa khiến bạn thoải mái khi không phải dùng hàng nhái, hàng giả.

Bạn sẽ trân trọng, nâng niu chiếc túi đắt tiền này và không vứt nó lung tung khắp nơi để đến lúc đỏ mắt tìm kiếm.

Kinh nghiệm sống tối giản là dẹp bỏ lo âu không cần thiết

Có một số người cho rằng sở hữu một chiếc ô tô là biểu hiện của cuộc sống thành công.

Họ đã cố gắng làm việc thực sự chăm chỉ trong một thời gian dài để tiết kiệm tiền.

Dùng tiền để mua chiếc xe trong mơ của mình. Sau đó, phải dành thời gian và tiền để thi đậu bằng lái xe ô tô.

Cảm giác được ngồi trong xe và nhìn dòng người đi xe máy đang đánh vật dưới cái nắng gần 40 độ ở mùa hè thật thú vị.

Tuy nhiên, kéo theo đó chi phí chăm sóc chiếc xe, phí đăng kiểm, bảo hiểm, phí cầu đường, tiền xăng dầu,… phát sinh rất nhiều.

Chưa kể, ở nhiều thành phố lớn, đa phần nhà ở của người dân không có đủ diện tích để đậu xe nên đành phải gửi xe ở một nơi khác. Vậy là sinh thêm phí gửi xe.

Giấc mơ có nhà lầu, xe hơi dường như không còn phù hợp cho tất cả mọi người trong thời đại mới.

Lối sống tối giản là lối sống cắt giảm

Tại sao phải sở hữu một chiếc ô tô khi chỉ cần nhấc điện thoại là bạn có thể thuê một người lái xe theo yêu cầu?

Ngày nay, có rất nhiều hãng taxi chuyên nghiệp và người chạy taxi tư nhân như grab, be,… Những người này có thể phục vụ bạn 24/24.

Mà về cơ bản, chi phí đi bằng taxi cũng tương đương như việc đi lại bằng xe cá nhân.

Đi taxi, bạn sẽ không phải lo lắng về việc gửi xe, mất trộm xe hay bị phạt vì lỗi giao thông khi đang di chuyển trên đường.

Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại định nghĩa của thành công.

Trong thời hiện đại, thành công không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn có bao nhiêu tự do.

Có rất nhiều người cố gắng làm những công việc buồn tẻ, chán ngắt, nguy hiểm để có TIỀN.

Họ lại dùng đồng tiền kiếm được để đi mua sắm xả stress. Thực chất, lại rinh về một đống thứ kiến bản thân tốn thời gian lau chùi, sắp xếp hơn.

Họ lại cảm thấy buồn chán vì suốt ngày phải dọn nhà. Cái vòng luẩn quẩn đấy khiến cuộc sống trở nên chán như con gián.

Tư duy tối giản -Tập trung vào trải nghiệm

Bạn có thể thực sự thích những thứ tiện nghi vật chất mà mình đang có.

Từ quần áo hàng hiệu, bộ Búp bê Nga Matryoshka mà bạn đã cất công sưu tầm hay chiếc đèn bàn phong cách cổ điển trong phòng khách nhà bạn…đều phản phất cá tính bản thân.

Bạn thậm chí còn vỗ ngực tự hào vì những thứ trên. Chúng chứng tỏ gu thẩm mỹ có tầm và hiểu biết đa dạng của bạn.

Bạn đã đánh đồng một phần GIÁ TRỊ của mình với ĐỒ ĐẠC.

Nếu thử nghĩ đến việc một tên trộm có thể đột nhập vào nhà và cuỗm đi phần lớn những thứ đó. Liệu có phải bạn đánh mất danh tính của mình không?

Rõ ràng, bạn và những vật chất thuộc về bạn có một ranh giới nhất định nào đó không thể xóa nhòa.

Ngược lại, trải nghiệm của bạn thực sự là một phần của bạn.

Chính những trải nghiệm sẽ xây dựng nên con người và cách nghĩ cách sống của bạn.

Tuyệt hơn khi không ai có thể đánh cắp trải nghiệm của bạn.

Khi về già, bạn có thể kể cho con cháu nghe những chuyến du lịch và trải nghiệm đáng nhớ của mình lúc còn trẻ.

Kinh nghiệm và câu chuyện sẽ thú vị hơn là bạn cứ luyên thuyên về cái điện thoại hay chiếc ô tô đã chóng lỗi thời mà bạn tiết kiệm từng đồng xu lẻ để mua.

Thêm nữa, giả sử bạn yêu thích một nhân vật nổi tiếng nào đó chẳng hạn như ngài Donald Trump.

Bạn đã xem tất cả những gì về ngài Trump đáng kính, đọc hết những cuốn sách về cuộc đời của Trump hay lồng kính tất cả những bức ảnh có thể có về ông ấy.

Bạn nghĩ bộ sưu tập ấy là vô giá đối với mình thì liệu bạn có muốn đánh đổi những thứ đó lấy một buổi được gặp mặt ngài Trump không?

Nếu là Thảo thì Thảo muốn được gặp mặt ông ấy bằng xương bằng thịt hơn là ngồi coi những tấm ảnh và tưởng tượng. Rõ ràng trong tình huống này, trải nghiệm đã thắng thế.

Đọc thêm: Kinh nghiệm tối giản hành lý khi đi du lịch

Sống tối giản và tiết kiệm được lợi gì?

Bớt ganh tị (GATO) với nhau.

Khi bạn đang xách một chiếc túi Hermes Birkin trị giá cả tỉ bạc long lanh. Thảo chỉ xách chiếc túi có giá vài triệu bạc.

Nếu là người coi trọng vật chất chắc Thảo phải tức nổ mắt và tìm mọi cách để hạ gục bạn.

Hôm sau, Thảo đi siêu xe đến nhà bạn chơi, tiện thể khoe chiếc xe mới mua. Trong gara nhà bạn lại chỉ có chiếc Honda mua từ hai năm trước.

Có lẽ đêm nay bạn bị mất ngủ có phải không?

Bạn có thấy vòng xoáy vật chất khiến con người chạy đua để khoe khoang với nhau. Khi đó sẽ bỏ quên những giá trị khác trong cuộc sống như tình thương, trách nhiệm, sự hài lòng…

Kinh nghiệm không làm gì cả từ người sống tối giản

Người Ý có một khái niệm được gọi là “La Dolce Far Niente“. Có nghĩa là “sự ngọt ngào của việc không làm gì.”

Hẳn ai cũng cảm thấy nhàn nhã khi tận hưởng cảm giác nhàn rỗi ngọt ngào. Đúng không?

Dành thời gian không làm gì để hướng về bản thân là điều bắt buộc với người Ý.

Trong khi đó bận rỗi là tội lỗi khó bỏ qua. Thảo biết về khái niệm này khi đọc tác phẩm “ Ăn, cầu nguyện và yêu”.

Đến khi đọc Lối sống tối giản của người Nhật, Thảo càng thêm tin tưởng vào ý nghĩa của việc không làm gì.

Những căn nhà nhờ được vứt bớt đồ nên có nhiều khoảng trống để sinh hoạt hơn.

Con người cũng cần có khoảng thời gian trống để cảm nhận cuộc sống của mình.

Bạn đã bao giờ bận rộn điên cuồng?

Rất nhiều người nói rằng họ quá bận rộn để không làm gì cả.

Tuy nhiên, những người đó có thể tiêu khiển hàng giờ trước tivi, lướt điện thoại. Hoặc băn khoăn về điều gì đó nên không cho phép bản thân có được sự nhàn rỗi.

Con người đang sống trong một thế giới tự hào về sự bận rộn.

Càng bận rộn chứng tỏ bạn càng quan trọng trên thế giới này. Nhưng thực chất, bận rộn chứng tỏ bạn không biết tổ chức cuộc sống của mình.

Bạn sẽ BẬN CHO ĐẾN CHẾT mà không có thời gian để thực sự sống.

Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì truy cập Facebook, gửi email hay dọn dẹp nhà cửa, bạn không làm gì cả?

Bí quyết sống tối giản để không phải làm gì cả

Không làm gì cả chính là ngắt mọi kết nối với internet, tắt tivi và điện thoại.

Những người sống tối gỉan dành rất nhiều thời gian để không làm gì cả.

Bạn hãy ở trong một không gian yên lặng và không giao tiếp với bất kỳ ai. Hãy tập trung vào hơi thở. Đừng suy nghĩ bất kỳ điều gì khi bạn đang không làm gì cả.

Bạn có thể nghĩ rằng chỉ cần không làm gì cũng khó. Để dễ hiểu bạn hãy hình dung ra mình trong một kỳ nghỉ.

Vào kỳ nghỉ, bạn không thể làm gì ngoài việc thư giãn và tận hưởng. Bạn còn nhớ cảm giác mình đã thích thú và hạnh phúc như thế nào không?

Việc không làm gì khiến bạn giảm stress và tăng khả năng tập trung trong công việc.

Không làm gì là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm.

Bạn sẽ không bỏ lỡ quá nhiều tin tức từ tivi, mạng internet hay bạn bè.

Không có nhiều tin tức mang giá trị sống còn mà bạn bỏ lỡ nếu không xem truyền hình vào tối nay.

Hãy lên lịch để không làm gì cả mỗi ngày. Có thể chỉ cần tập thói quen này trong 5 đến 10 phút mỗi ngày.

Không làm gì cả thì liên quan gì đến Lối sống tối giản của người Nhật?

Lối sống tối giản hướng tập trung chú ý của bạn vào những thứ thực sự mang lại giá trị. Kể cả việc không làm gì cả.

Có những người bạn của Thảo chỉ dành ngày cuối tuần để dọn dẹp nhà cửa. Từ quần áo, sách vở, đồ ăn, đồ trang điểm đều cần được sắp xếp…

Theo một nghiên cứu của Mỹ:

Trong gần 80 năm của cuộc đời, trung bình một người dành 6 năm liên tục để làm việc nhà; 9 năm liên tục để xem tivi, chơi game và mạng xã hội.

Vì vậy, không có lí do gì để bạn từ chối dẹp bỏ chiếc tivi trong nhà của mình. Đồ đạc cũng bỏ bớt để giảm thời gian lau chùi, sắp xếp.

Khi sống tối giản, bạn không còn điên cuồng đi mua sắm cuối tuần nữa và bạn sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm làm biếng hơn ( không làm gì cả).

Thỉnh thoảng, tạm dừng một số công việc nhà.

Ví dụ, bạn không cần phải rửa bát đĩa ngay sau bữa ăn…

Khi ngồi trong căn phòng gọn gàng, tối giản, bạn sẽ tập trung vào chính mình.

Trong tĩnh lặng, năng lượng tích cực và lòng biết ơn sẽ dần hình thành.

Mọi ngày, Thảo đặt báo thức sau 15 phút. Tắt điện thoại và Thảo ngồi xuống ghế.

Thảo ngắm mắt lại và chú ý vào nhịp thở. Có thể bật nhạc không lời để tránh buồn ngủ.

Đôi lúc, đầu óc bắt đầu nghĩ miên man về những việc vừa xảy ra nhưng đã kịp kéo về. Thỉnh thoảng, cột sống hơi mỏi. Chậm rãi thay đổi tư thế một chút.

Một cảm giác lâng lâng hạnh phúc tràn ngập lòng mỗi khi Thảo ngồi yên lặng…

Sống tối giản biết đủ là hạnh phúc

Bạn nên nhớ rằng: “ Sự giàu có không nằm ở túi tiền mà được tự do làm điều mình thích.

Từ những kinh nghiệm đã qua, Thảo vẫn tiếp tục duy trì lối sống tối giản của mình.

Mỗi khi muốn mua một món đồ, Thảo sẽ tự nhủ  ” Có thực sự cần thiết không?”.

Đa phần, Thảo sẽ chỉ nhận được câu trả lời: ” Đồ đạc đã đủ để mang lại hạnh phúc.

Đọc thêm: Sống đơn giản là gì?

Điều cuối mà Thảo muốn nhắn nhủ với bạn:

Dù có kinh nghiệm hay ho hay mục tiêu tối giản đến mấy đi chăng nữa… nhưng nếu bạn không bắt tay vào thực hành ngay bây giờ thì tất cả chỉ là lý thuyết mà thôi.

ご成功を祈っています ( chúc bạn thành công)

Một số sách hay truyền cảm hứng & kinh nghiệm để sống tối giản

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là Sach-hay-ve-loi-song-don-gian-1.jpg

Những câu nói về kinh nghiệm sống tối giản

1.Có hai cách để trở nên giàu có: Một là bằng cách kiếm được nhiều, và hai là bằng cách ham muốn ít.”-Jackie Koller

2. “Bạn thấy đấy, bí mật của hạnh phúc không nằm ở việc tìm kiếm nhiều hơn, mà ở việc phát triển khả năng tận hưởng ít hơn.”- Socrates

3.“Xã hội tiêu thụ đã khiến chúng ta cảm thấy rằng hạnh phúc nằm ở việc có mọi thứ, và đã thất bại trong việc dạy chúng ta hạnh phúc khi không có mọi thứ.” -Elise Boulding,

4.”Sự hoàn hảo đạt được, không phải khi không còn gì để thêm, mà là khi không còn gì để lấy đi.” -Antoine de Saint-Exupery

5.Ít hơn là nhiều hơn” -Mies Van Der Rohe

6.“Sự đơn giản là một hương vị có được. Nhân loại, không được tự do, theo bản năng làm phức tạp cuộc sống ”. Katharine Fullerton Gerould

7.”Người ta có thể trang bị một căn phòng thật sang trọng bằng cách lấy đồ đạc ra thay vì đặt nó vào.” -Francis Jourdain

su-don-gian

8.“Bạn nói, ‘Nếu tôi có thêm một chút nữa, tôi phải rất hài lòng.’ Bạn đã mắc lỗi. Nếu bạn không bằng lòng với những gì bạn có, bạn sẽ không hài lòng nếu nó được nhân đôi ”. -Charles Spurgeon

9.“Sự giàu có của tôi, không phải ở mức độ tài sản của tôi, mà ở số ít những thứ tôi muốn.” -Joseph Brotherton

10.Hạnh phúc thực sự đã đủ rẻ, nhưng chúng ta phải trả giá đắt thế nào cho hàng giả của nó.” -Hosea Ballou

11.“Không phải người có quá ít, mà là người ham muốn nhiều hơn, đó là người nghèo.” -Seneca

12. “Bạn thấy đấy, bí mật của hạnh phúc không nằm ở việc tìm kiếm nhiều hơn, mà là phát triển khả năng tận hưởng ít hơn.” -Socrates

13.“Hãy bằng lòng với những gì bạn có; vui mừng trong cách mọi thứ đang diễn ra. Khi bạn nhận ra không thiếu thứ gì thì cả thế giới đã thuộc về bạn ”. -Lão Tử

14.Cuộc sống thực sự rất đơn giản, nhưng chúng ta nhất quyết làm cho nó trở nên phức tạp.”- Khuyết danh

15. “Tôi là người theo chủ nghĩa tối giản. Tôi thích nói nhiều nhất với ít nhất. ” – Bob Newhart

16.“Mục tiêu của tôi không còn là hoàn thành nhiều việc hơn, mà là ít việc phải làm hơn”.- Francine Jay

17.“Bước đầu tiên để xây dựng cuộc sống bạn muốn là loại bỏ mọi thứ bạn không có.” – Joshua Becker

18.“Không phải lúc nào chúng ta cũng cần làm nhiều hơn mà là chúng ta cần tập trung vào ít hơn”. – Nathan W. Morris

19. ” Một số thứ sẽ đắt hơn khi chúng ta giữ chúng.”- Neeraj Agnihotri

20.”Cô ấy nhớ mình là ai và trò chơi đã thay đổi.” – Lalah Delia.

Tác giả: Thảo Thảo

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

2 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
H
Hiệp
2 năm trước

Cảm ơn bác sỹ Thảo, khả năng đây mới là phương pháp để chữa bệnh trong mình.