6 Bảo vật trong bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Đa số khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng đều ghé thăm và tỏ ra thích thú với Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Thật đáng buồn khi nhiều người Việt đến thành phố đáng sống này còn chưa biết đến sự tồn tại của bảo tàng Chăm. Có thể do người dân nước mình chưa mặn mà tham quan bảo tàng cho lắm.
Giả sử, có cỗ máy quay ngược về quá khứ của Đô-rê-mon thì bạn có muốn về thăm lại tổ tiên của mình không?
Nếu là Thảo thì câu trả lời là “Có”.
Đối với Thảo, bảo tàng như một kho báu, nơi mà bản thân có thể giao tiếp với thế giới nội tâm của những thời đại trước. Bởi ai cũng chỉ là hạt bụi trong vũ trụ bao la nên vệc kết nối với những thứ đã chìm sâu vào quá khứ giúp hiểu về nguồn cội, về cuộc sống. Và như một câu ngạn ngữ Ả Rập cổ: ” Tương lai nằm ở quá khứ.”
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi duy nhất trên thế giới lưu giữ và trưng bày các cổ vật về nền vương quốc Chăm pa.
Mặc dù đã bị chiến tranh, thiên tai, cướp bóc phá hủy nhưng điều đáng quý là một số những cổ vật Chăm vẫn tồn tại bền bỉ cho đến hôm nay.
Trước khi có thể hiểu được hết những bảo vật điêu khắc Chăm nên hiểu sơ qua về vương quốc Chăm pa trước.
Đôi nét về văn hóa Chăm pa.
Nước Chăm pa tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ XIX.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là thuộc địa bàn của vương quốc Chămpa cổ xưa.
Người Chăm pa xưa đã có mối quan hệ giao lưu, làm ăn với các quốc gia láng giềng trong đó có Trung Hoa, Ấn Độ… Vì vậy, văn hóa Chăm pa có sự giao thoa với các nền văn hóa khác nhau thể hiện qua kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn, nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Tôn giáo chính của người Chăm là Ấn Độ giáo. Họ thờ một hay cả ba vị Thần là Brahma, Visnu hay Siva. Tuy nhiên người Chăm cổ tôn sùng thần Siva hơn cả. Các bức điêu khắc hầu như là thần Siva và vợ thần Siva.
Sau đó, người Chăm pa tiếp thu thêm Phật giáo nhất là ở Đồng Dương (Quảng Nam). Tượng bồ tát, phật của Chăm pa đều xuất phát từ Đồng Dương.
Ngoài những gì đã phát hiện được từ những di tích còn sót lại, văn hóa Chăm pa vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn với người hiện đại.
Lịch sử bảo tàng?
Việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX. Người đi tiên phong đầu tiên là những người Pháp yêu ngành khảo cổ học.
Một số hiện vật điêu khắc đã được chuyển về Pháp, Bảo tàng tại Hà Nội và Sài Gòn nhưng phần lớn những tác phẩm tiêu biểu vẫn còn để lại tại Đà Nẵng ở công viên Tourane – địa chỉ của bảo tàng ngày nay.
Sau đó, vào năm 1915, tòa nhà đầu tiên của bảo tàng được xây dựng để trưng bày cổ vật.
Trải qua hơn 1 thế kỷ với nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ toà nhà và phong cách kiến trúc đậm chất Pháp ban đầu vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Không gian trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng thật sự rất rộng và làm nhiều khách du lịch bất ngờ vì lầm tưởng dáng vẻ nhỏ bé bên ngoài của nó. Với tổng diện tích 6.673 m², trong đó diện tích trưng bày là 2.000 m² được chia thành hai tầng.
Bước chân tới bảo tàng, Thảo cảm nhận thấy một không gian hoài cổ với hàng sứ trắng cổ thụ nghiêng mình bên căn biệt thự gợi nên nét hoài cổ. Tòa nhà được nhấn nhá thêm phần mái vòm cung có đầu nhọn gợi nhớ về nền văn hóa Chăm pa đặc sắc.
Vào bảo tàng nên xem những gì?
Gần 500 hiện vật điêu khắc được trưng bày bên trong bảo tàng, 187 hiện vật trưng bày ngoài khuôn viên sân vườn và hơn 1.200 hiện vật hiện đang lưu trữ trong kho. Nhiều bức tượng đã được ” xuất ngoại” để trưng bày trong các triển lãm quốc tế.
Hầu hết các bức tượng, phù điêu khắc họa hình ảnh thần linh, tu sĩ, vũ công, dân chúng, động vật và cuộc sống của họ.
Trình độ điêu khắc của người Chăm đã đạt đến đỉnh cao. Khi chỉ bằng tay mà những người thợ đã đục, đẽo ra những tác phẩm nghệ thuật vừa đồ sộ mà vừa tinh tế, sắc sảo đến từng chi tiết.
6 bảo vật quốc gia đang trưng bày tại bảo tàng.
Đi dạo một vòng quanh bảo tàng, bạn sẽ lần lượt chiêm ngưỡng từng bảo vật quý giá.
Tất cả được phân chia theo nguồn gốc khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện hoặc khai quật trải dài từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
Qua cách sắp xếp này du khách sẽ nhận ra nét đặc trưng của văn hóa Chăm pa xưa của từng vùng miền.
Các tác phẩm điêu khắc tại đây có chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng.
Cách chạm trổ hoa văn vô cùng tinh xảo và độc đáo. Vừa mang tinh hoa của văn hóa Ấn Độ giáo, Trung Hoa dung hòa với làn sóng du nhập của Phật giáo đại thừa lúc bấy giờ.
Phòng Trà Kiệu.
Trà Kiệu là kinh đô đầu tiên và cổ nhất của văn hóa Chăm pa, được xây dựng vào cuối Thế kỷ IV.
Di tích Trà Kiệu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 50 km về phía nam.
Nổi bật trong số đó là Đài thờ Trà Kiệu. Đối với người Chăm, đài thờ là nơi nối liền thần linh và đền tháp, nối trời và đất. Đài thờ được đặt ở trung tâm ngôi tháp chính, bên trên đài thờ thường đặt Linga – Yoni hoặc tượng thờ.
Trên đài thờ Trà Kiệu đặt bộ Linga – Yoni. Bốn khối vuông xung quanh khắc họa những trích đoạn trong trường ca Ramayana. Đây là một trường ca vô cùng nổi tiếng nằm trong kinh sách của Ấn Độ giáo.
Đài thờ Trà Kiệu là một trong sáu bảo vật quốc gia của Bảo tàng Chăm.
Phòng Đồng Dương.
Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo của Champa, cách thung lũng Mỹ Sơn khoảng 20km.
Vua Chăm pa đã cho xây dựng Đồng Dương từ cuối thế kỷ thứ IX.
Nghệ thuật điêu khắc giai đoạn này chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa.
Nổi bật nhất trong số đó tượng Bồ tát Tara.
Đây là tác phẩm bằng chất liệu đồng duy nhất của Cổ Viện Chàm.
Tượng cao 1.148m với những đường nét uyển chuyển và quyến rũ.
Phải công nhận đầu óc thẩm mỹ của người Chăm pa xưa đã vươn tới đỉnh cao. Thân hình cân đối tuyệt mĩ của người phụ nữ mà tới nay vẫn là chuẩn mực. Vòng eo thon, bộ ngực căng đầy, khuôn mặt vuông vức nghiêm nghị gợi nên vẻ đẹp siêu thoát.
Tượng bồ tát Tara là một bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại bảo tàng.
Ngoài ra, tại Đồng Dương còn phát hiện tương phật lớn nhất trong điêu khắc của Chăm pa. Tượng được phát hiện trong cuộc khai quật nơi được cho là hội trường chính của Phật viện.
Đây lại là bước tượng Thảo thích nhất vì trình độ điêu khắc tinh tế, tỉ mỉ và vô cùng mềm mại.
Phòng Mỹ Sơn.
Mỹ Sơn là một thung lũng bao bọc bởi những ngọn núi nhỏ. Thánh địa Mỹ Sơn chính là hệ thống đền tháp lớn nhất còn sót lại của người Chăm pa mà chủ yếu thờ thần Siva.
Tại phòng trưng bày Mỹ Sơn nổi bật là đài thờ Mỹ Sơn và tượng thần voi Ganesha trong tư thế đứng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đài thờ có niên đại thể kỷ VII-VIII.
Bệ thờ chạm khắc nhiều hoạt động của tu sĩ Ấn Độ như tu tập, hành lễ, giảng đạo, thiền định, nghỉ ngơi trong rừng sâu, núi thiêng. Bậc tam cấp còn thể hiện các vũ công đang trình diễn điệu múa khăn chiêm bái thần linh.
Phòng Tháp Mẫm.
Tháp Mẫm là một di tích Chăm đã đổ nát, nằm ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có niên đại khoảng thế kỷ XII – XIII. Đây là giai đoạn thịnh vượng cuối cùng của nghệ thuật điêu khắc Chăm mà sau đó suy tàn dần.
Nổi bật trong số đó là bức tượng Rồng mà về điêu khắc ảnh hưởng bởi nghệ thuật Việt Nam thời Lý – Trần.
Rồng trong tư thế nằm chầu. Hai chân sau đưa ngược lên trên tạo nên dáng vẻ rất ngộ nghĩnh, vui tươi.
Ở tháp Mẫm, còn phát hiện thêm một bảo vật quốc gia khác là tượng Gajasimha. Tượng có kích thước lớn, chiều cao hơn 2m.
Phòng Quảng Nam.
Quảng Nam là một trung tâm quan trọng của vương quốc Champa. Nhiều khu di tích lớn gồm kinh thành Trà Kiệu, thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương. Nhiều di tích khác ở Quảng Nam như Khương Mỹ, An Mỹ, Phú Hưng, Chiên Đàn.
Vì vậy, những hiện vật điêu khắc ở Quảng Nam rất đa dạng về phong cách, phản ánh nhiều thời kì khác nhau.
Đây có thể là đài thờ thần Visnu – vị thần ít được sùng bái ở Champa.
Theo thần thoại Ấn Độ, thần bảo tồn Visnu còn là mục đồng. Ngài thường cưỡi trên chiếc xe ngựa theo sau đàn gia súc trên những cánh đồng cỏ bao la.
Phòng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế nằm phía bắc của vương quốc Champa cổ. Chỉ còn một tháp Chăm duy nhất được phát hiện ở Huế. Các hiện vật phát hiện có niên đại VI- X.
Phòng Bình Định Kon Tum.
Bình Định từng là một trung tâm quan trọng của vương quốc Champa. Ngày nay, tại Bình Định vẫn còn bảo tồn được những ngôi tháp Chăm. Các hiện vật có niên đại khoảng thế kỷ XII.
Phòng Quảng Ngãi.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ngày nay không còn thấy các tháp Chăm. Tuy nhiên, những di tích Chăm đã được phát hiện ở các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi.
Thông tin thêm.
Trong khuôn viên bảo tàng còn có nhà kho mở là nơi trưng bày mở rộng một số tác phẩm điêu khắc Chăm của nhiều giai đoạn.
Khu vực tầng 2, trưng bày nhiều tranh ảnh về quá trình xây dựng, phát triển bảo tàng. Một số đồ dùng sinh hoạt, trang phục truyền thống của đồng bào Chăm cũng được lưu giữ tại đây.
Ngoài ra, còn có audio bằng nhiều ngôn ngữ để khách có thể tìm hiểu thêm về các công trình điêu khắc Chăm ngay tại bảo tàng.
Địa chỉ.
Số 02, đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Bảo tàng nằm ngay góc tư, được phủ xanh bởi cây lá, mặt nhìn ra bờ sông Hàn thơ mộng.
Giờ mở cửa hoạt động.
Từ 7:30 đến 17:00 hàng ngày.
Giá vé.
Đối với người lớn trên 16 tuổi: 40.000 đồng/người/01 lượt tham quan
Đối với sinh viên: 10.000/người/01 lượt tham quan
Tác giả: Thảo Thảo