Vì sao bạn mãi không tiết kiệm được tiền (cập nhật năm 2022)

Rate this post

Bạn cày như trâu mà bạn luôn thấy thiếu tiền, lý do bạn mãi không tiết kiệm được tiền là gì?
Tiền và cuộc chơi với tiền luôn có những ngọt ngào và cay đắng. Nếu không đủ hiểu biết, bạn sẽ chỉ là nô lệ cho tiền.

Chỉ 0,5% người Mỹ cho rằng họ đã tiết kiệm đủ tiền. Số còn lại thì luôn đau đầu vì các nguyên nhân liên quan tới tiền bạc.

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Ngày mai, tháng tới, năm sau, tôi thắt chặt chi tiêu là được chứ gì. Nhưng sau khi nghiệm thu thì kết quả vẫn cứ dậm chân tại chổ.

Lý do bạn đã hừng hực quyết tâm tiết kiệm mà kết quả vẫn mãi không tiết kiệm được? Bạn thiếu lý trí hay do tiền của bạn quá ít để tiết kiệm.

Cùng tìm hiểu thói quen tiêu tiền dưới góc nhìn khoa học về lý do bạn mãi không tiết kiệm được.

Kinh nghiệm tiết kiệm tiền từ gia đình

Với quan niệm Á đông lại lớn trên trong một gia đình làm nông nên tiền bạc là chủ đề rất ít được nhắc đến trong gia đình của Thảo.

Tất nhiên, đây cũng chẳng phải là nguyên nhân duy nhất khiến Thảo gà mờ về tài chính cá nhân. Bản thân cũng chẳng phải con nhà người ta nhanh nhẹn, tháo vát từ nhỏ nên hàng tá lý do làm mị sau này mãi chẳng bao giờ tiết kiệm được.

Trong nhà, hai chữ luôn được đề cập khi đả động tới tiền nong là Tiết kiệm. Mãi đến năm cấp 3, đi học xa nhà phải ở trọ thì mới là lần đầu Thảo được cầm tiền để mua sắm cho mình.

Những kinh nghiệm mà Thảo học được từ mẹ- tay hòm chìa khóa của gia đình là tiết kiệm.

Mẹ tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất như mặc cả từng đồng khi mua bán mà đôi khi chỉ là bó rau vài ngàn đồng, tái sử dụng mọi thứ để hạn chế mua sắm, không quán xá, không đi la cà linh tinh mà không có mục đích thật sự.

Lớn lên trong đói khổ là lý do ba mẹ luôn cố gắng tiết kiệm để phòng thân.

Những người độ tuổi như ba mẹ của Thảo ( sinh ra trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước) dừng như dành cả tuổi thanh xuân để đấu tranh với cái đói, cái rét. Bởi vậy, ý thức “siêu tiết kiệm” đã ăn sâu vào máu thịt của họ.

Bài học vỡ lòng đầu đời là phải chắt bóp, tằn tiện hết mức có thể.

Thú thật là dù còn bé nhưng Thảo vẫn thấy cuộc sống của mình thiếu thốn hơn so với bạn bè.
Sau này, khi Thảo đã có tiền trong tay thì lời mẹ dạy chỉ là gió thoảng mây bay. Chuyện tiết kiệm tiền sao mà xa vời vợi.

Chẳng có lý do gì phải tiết kiệm cực đoan, sống khổ hạnh như vậy. Cố vắt cổ chày cũng chẳng thể ra giọt nước nào.

Cứ khi có lương là bao nhiêu thứ linh tinh như mua sắm, ăn vặt, đi chơi, mua sách… Tiêu đến khi nhẵn túi vào cuối tháng mới thôi. Vòng lặp cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác.

Mặc dù có lúc, Thảo cũng tập tành ghi chép chi tiêu, dằn lòng phải tiết kiệm tiền nhưng được một, hai hôm thì chuyện đâu lại vào đấy. Không chỉ riêng Thảo, những đứa bạn cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Lý do bạn phải tiết kiệm tiền có đủ lớn?

Nếu trước giờ bạn sống theo kiểu ” bóc ngắn cắn dài”, mua sắm những gì mình thích mặc dù chẳng phải là người giàu có thì sớm muộn gì bạn cũng phải đau đầu với chuyện tiền nong.

Lúc còn nhỏ, ba mẹ lo ăn lo mặc cho cả gia đình. Thảo cũng vô tư chưa bao giờ tiếp xúc với tiền. Thành ra ý nghĩ tiết kiệm có vẻ cũng mơ hồ lắm.

Người lớn thì cứ bảo bỏ tiền vào nuôi heo, tiết kiệm tiền sau này đỡ khổ… bla bla lý do để tiết kiệm nhưng dường như với mấy đứa con nít, chuyện sau này thật khó hình dung. Đấy là lý do những bài học về tiết kiệm lúc bé cứ như nước đổ đầu vịt, đến lúc đi làm cũng mãi không tiết kiệm được.

Nói đơn giản, thử một ngày ra đường mà không cầm theo tiền sẽ khó khăn, khổ sở như thế nào. Những người đang vật lộn với nợ nần sẽ là người cảm thấy tiền quan trọng đến đâu.

Không chỉ những người nghèo mới cần tiết kiệm tiền, kể cả những người có nhiều tiền vẫn có ý thức tiết kiệm hơn ai hết.

Một người giàu nhất thế giới như Warrren Buffett thực sự chỉ ăn sáng với 3 USD. Đi một chiếc xe hơi cà tàng và sống trong căn nhà mua từ năm 1958.

Lý do Buffett sống rất tiết kiệm mà ông lại rất hài lòng, nhất quyết không chịu chi thêm tiền để đổi nhà, thay xe, ăn nhà hàng 5 sao.

Vị tỷ phú này cho biết ông hài lòng với cuộc sống hiện tại. Vui vì được làm việc mình thích, sống trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm của gia đình.
Tuy sống rất tiết kiệm nhưng Buffett chi rất mạnh tay cho từ thiện. Trong vòng 5 năm, ông chi gần 15 tỷ USD làm từ thiện.

Nhật Bản nổi tiếng là đất nước chăm chỉ, kỷ luật và tiết kiệm. Đôi khi có nhiều người còn nói người Nhật khó tính, lạnh lùng và hơi chút thực dụng.

Về điều này, Thảo nghĩ là do văn hóa thôi. Người Việt mình thì tính hay cả nể, không muốn nhưng người ta rủ thì cũng miễn cưỡng đồng ý. Đã định bấm bụng tiết kiệm mà đứa bạn lại rủ đi mua đồ, đi nhậu…cũng không nỡ từ chối, cợ bạn buồn, bạn giận. Đó là lý do bạn muốn tiết kiệm mà tiền thì mãi không thấy đâu.

Đồ dùng bị hỏng, bên Nhật họ lại tìm cách tái chế. Chén bát hỏng thì họ mạ vàng lên và biến thành một tác phẩm nghệ thuật.

Nếu chọn hạnh phúc bằng cách tiêu xài, không sớm thì muộn bạn sẽ thấy mình luôn thiếu thốn. Có thứ này rồi lại tiếp tục muốn thứ khác mới hơn, đắt tiền hơn.
Hiện tượng này gọi là vòng xoáy hưởng lạc. Tuy nhiên chẳng ai có hết tiền trên thế gian và mua được mọi ước muốn.

Thảo không có ý phủ nhận tiền không quan trọng. Khả năng lớn nhất của tiền là mang đến cho người sở hữu nó sự tự do lựa chọn ( quyền chọn).

Để có được sự tự do này, bạn cần tích lũy tiền đến một mức không còn bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Rồi sau đó bạn thích làm gì cũng được. Không còn phải gò bó trong những công việc đáng ghét hay 8 tiếng ngồi văn phòng mỗi ngày.

Về quê trồng rau nuôi chó cho vui, đi du lịch ngắm nhìn thế giới hay đi tình nguyện giúp đỡ người nghèo… đều trở thành hiện thực khi bạn được tự do tài chính. Đây là lý do bạn phải học cách tiết kiệm ngay từ bây giờ.

Cách nhanh nhất để nhân đôi số tiền là gấp đôi nó lại và cho vào túi sau của bạn.” – Will Rogers

Lý do bạn mãi không tiết kiệm được?

Đối với những người đi làm, lý do bạn mãi không tiết kiệm được là hằng hà sa số những hành động phung phí tiền của.
Sẽ rất bứt rứt khó chịu khi đột ngột thay đổi thói quen dùng tiền. Vậy nên thay đổi từ từ thôi, kẻo bị sốc.

Để có thể tiết kiệm được, bạn cần quan sát, phân tích lại cách mình phân chia tiền lương như thế nào.
Những khoản chi phí nào là cố định không thể thay đổi. Những khoản nào là chi phí không cố định có thể cắt giảm được ( mua sắm đồ đạc, ăn vặt, tiền điện nước, tiền điện thoại…).

Lý do bạn mãi không tiết kiệm được là gì? Do hoàn cảnh khách quan như dịch bệnh dẫn đến thất nghiệp, đau ốm hay do bản thân chi tiêu quá đà?

Có thể một số người mặc cảm với chuyện tiết kiệm. Tiết kiệm không phải là trở thành một người keo kiệt, cân đo đong đếm từng li từng tí.
Bạn vẫn có thể sống quảng giao, hướng ngoại như ngày xưa. Chỉ có điều là phải cân đối thu chi, bỏ bớt những thứ thừa thải để có khoản tiền dôi dư ra hàng tháng.

Dưới đây là một số lý do làm bạn thấy khó khăn trong chuyện tiết kiệm và mãi không tiết kiệm được.

Thiếu kinh nghiệm tiết kiệm và tư duy sai về tiền

Thừa hưởng cách giáo dục tiết kiệm chi li của gia đình nhưng Thảo không mặn mà với câu chuyện tiền nong.

Đi mua sắm về là cứ tiện ở chổ nào là Thảo nhét tiền lẻ vào đấy. Trong balo, trong túi áo, túi quần hay kẹp lung tung trong sách…bla bla chổ mà nhiều khi cũng quên béng cho đến ngày vô tình phát hiện ra mình đang có khối tiền lẻ vừa mới tìm được.

Thảo đã sống những ngày tháng tiêu xài tự do và co ro cuối tháng như vậy. Lý do mãi mà Thảo không thể tiết kiệm được, không có tiền dự phòng ốm đau và cho biếu ai bao giờ.
Cho đến những ngày dịch bệnh ào đến. Nhiều người phải đi cách ly. Công việc vì vậy mà cũng bị gián đoạn rất nhiều.
Trong những ngày ở nhà chán như con gián đấy, đứa bạn ném cho Thảo vài cuốn sách về tài chính. Rãnh rỗi quá, Thảo cũng lôi ra đọc. Ban đầu không thích lắm nhưng mưa dầm thấm lâu.

Lần đầu tiên có người ( ý là tác giả sách) nói về tiền một cách cởi mở như vậy. Từ tâm lí e dè khi nói về tài chính cá nhân, Thảo bắt đầu nhận ra những tư duy sai lầm về tiền bạc trước tới giờ của mình.

Tiền chẳng xấu để người ta khinh miệt người có tiền. Không có tội lỗi gì nếu bạn nói bạn yêu tiền.
Người có tiền không phải ai cũng lừa đảo, bóc lột người khác. Người không có tiền không phải ai cũng đáng thương, vô tội.

Trước nay, cha mẹ Việt rất ít khi dạy con về tiền bạc. Trường lớp cũng không hướng dẫn người học cách tiêu tiền, tiết kiệm tiền thế nào cho khôn ngoan.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tập luyện cách tiêu tiền cho trẻ từ bé thì sau này chúng sẽ biết trân trọng giá trị của tiền, biết tiết kiệm và chi tiêu hơn những đứa bé không có ý niệm về tiền lúc nhỏ.

Khi không có quy tắc sử dụng, nên mua gì, không mua gì thì rất dễ tiêu xài lãng phí, thích gì mua nấy. Không có kỹ năng quản lý tiền và tư duy đúng về việc tiết kiệm. Đây là một lý do bạn mãi không tiết kiệm được.
Giá như biết chút kiến thức cơ bản về tiền nong, Thảo sẽ chẳng bao giờ bị viêm màng túi định kỳ như vậy.

Lý do bạn mãi không tiết kiệm được vì thấy khó tiết kiệm 

Lý do khác làm bạn không tiết kiệm được tiền là do mua sắm theo mốt.

Kiểm tra sương sương những tờ báo, nhân vật mà Thảo theo dõi ( follow) trên mạng xã hội đa phần là những ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Đây cũng là những thần tượng (idol) của giới trẻ.

Mọi sở thích, trang phục, thói quen của người nổi tiếng đều tạo ra làn sóng để người bình thường bắt chước theo. Nhất là phụ nữ thường sắm sửa mọi thứ từ quần áo, trang sức, xe cộ… cho đến thú cưng, phẩu thuật thẩm mỹ cho giống thần tượng.

Điều hiển nhiên là những người có tầm ảnh hưởng này đều thường rất sành điệu, đắp trên người hàng tá đồ hiệu đắt đỏ. Họ sống cuộc đời đáng ghen tị trong những căn penthouse, biệt thự, villa và di chuyển bằng những loại siêu xe bóng loáng.

Tất cả cuộc sống giàu sang, xa hoa trong những trang tạp chí, phim ảnh là hình mẫu cho cách sống của xã hội. Người người, nhà nhà đổ tiền vào mua sắm, sửa soạn những bộ cánh đẹp nhất, đi những chiếc xe đắt nhất có thể mua  được. Hay thậm chí là mua những căn nhà vượt quá khả năng chi trả để “sống ảo”.

Quay về thế giới thực tế, đồng tiền cũng không dễ kiếm. Lúc nào cũng muốn đua đòi cho “bằng chị bằng em” thì chuyện tiết kiệm còn khó hơn cả đi lên trời. Chạy tới chạy lui vay mượn, giật gấu vá vai để bù cho thói quen chi tiêu hoang phí của mình.

Nhiều người nghĩ rằng họ không giỏi kiếm tiền, khi những gì họ không biết là làm thế nào để sử dụng nó.” – Frank A. Clark

Sự sang trọng nằm ở khí chất và cốt cách. Điều mà chẳng có đồ dùng hay vật chất bên ngoài thay thế được.

Thay vì cố thành “trưởng giả học làm sang”, bạn nên đầu tư vào kiến thức, kỹ năng,… như vậy sẽ sang hơn, đẹp hơn ít nhiều.

Lý do bạn mãi không tiết kiệm được khi đi mua sắm?

Marketing và truyền thông đang thực sự dắt mũi người dùng. Bao nhiêu chuyên gia tâm lý, marketing chuyên nghiệp đã vắt óc suy nghĩ ra các chiến dịch quảng cáo, bán hàng đánh trúng tâm can của người tiêu dùng.

Sử dụng sản phẩm A chứng tỏ bạn là người tiêu dùng thông minh, mua cái B sẽ giúp cuộc sống bạn dễ chịu hơn, mua mặt hàng C đi, bạn sẽ tạo nên phong cách sống đáng ngưỡng mộ.

Nhất là cách mặt hàng về làm đẹp, sức khỏe, sản phẩm cho trẻ nhỏ thì người mua sẵn sàng đổ cả núi tiền cũng không thấy tiếc. Vì lẽ đó tiền không cánh mà bay, bạn mãi không tiết kiệm được.

Đầy rẫy những tuyên ngôn và hứa hẹn có cánh về sản phẩm trên tivi vào khung giờ vàng. Thúc Sinh của Truyện Kiều có sống lại thì lời ngọt ngào cũng khó bì kịp với quảng cáo ngày nay.

Có một bí mật đau lòng hơn khi sản phẩm A với công thức đột phá, chức năng vượt trội, phiên bản nâng cấp cũng chẳng khác là bao so với cả lô phiên bản cũ mà bạn còn chất đống ở nhà chưa dùng hết. Điều khác biệt lớn nhất chính là giá tiền. Cái gì mới, công thức vượt trội, nâng cao, nâng cấp thì giá cũng trên trời không kém.

Không ai dám vỗ ngực tự hào mình là người tiêu dùng thông minh. Giữ chặt được đồng tiền nằm yên trong ví cho đến khi hết tháng không hề dễ dàng.

Một khi đã bước vào thiên la địa võng, trận đấu không ngang sức giữa một bên là người tiêu dùng hạn chế thông tin và một bên là những con người xuất chúng có thể đọc vị mọi suy nghĩ, sở thích, sở ghét và mong ước thầm kín của bạn.

Ai thắng, ai thua thì khỏi cần bàn cãi. Chỉ biết rằng, người mua sung sướng ôm đồm về hàng đống hàng hóa với tài khoản tiết kiệm rỗng tếch. Bên còn lại, tất nhiên cũng sung sướng hốt về từng cục tiền đếm hoài không hết.

Thôi đành để ngày mai, tháng tới, năm sau tiết kiệm vậy.

Lý do tiết kiệm cho ngày mai còn khó hơn hôm nay

Nếu hiện tại bạn đang ở độ tuổi 20, 30 thì đấy chính là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.

Không dễ dàng hình dung được liệu 50 năm nữa bạn sẽ ra sao. Già yếu, ốm đau, cô đơn…là những bức tranh tối màu của người lớn tuổi trong cuộc sống hiện đại. Tuổi già là lúc rất cần đến tiền.

Có cô hàng xóm với Thảo, gần 50 tuổi thì phát hiện ung thư giai đoạn III. Cô nhất quyết không đi chữa bệnh vì sợ tốn tiền của con cháu. Cô ở nhà hái lá linh tinh uống rồi nằm chờ chết.

Theo số liệu thống kê, hơn một nửa số người già ở Việt Nam không có lương hưu. Số còn lại có lương hưu cũng ba cọc ba đồng chẳng đủ tiền thuốc men hàng tháng. Cả đời làm lụng vất vả vậy mà phần lớn mọi người lại trở nên túng quẫn, bấp bênh khi về già.

Tại sao chúng ta lại gặp khó khăn khi tiết kiệm cho tuổi già?

Có những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng con người thà tiêu 1 đồng để mua sắm cho hiện tại hơn là để dành 1 đồng đó cho tương lai.

Hạnh phúc ở hiện tại thì liên quan đến việc chi tiêu ngay. Trong khi hạnh phúc ở tương lai lại trông chờ những đồng tiền mà bạn đã dành giụm cho nó. Hiện tại là thứ mà chúng ta có thể cảm nhận được sự thay đổi, kết quả ngay lập tức. Tương lai trở thành một thứ khó hình dung, xa xăm, bí ẩn.

Vì lẽ đó, chúng ta ưu tiên cho tiêu dùng và trải nghiệm cho hiện tại và khước từ thói quen tiết kiệm. Ai dám khẳng định tôi có thể sống được đến lúc hưởng thụ thành quả do thói quen tiết kiệm từ trẻ của mình.

Hiện tượng này trong tâm lý học gọi là thành kiến thiên vị hiện tại.

Trong những nghiên cứu khác, người tham gia thí nghiệm ban đầu được chọn đồ ăn vặt của mình trước 1 tháng: chocolate hoặc chuối. Ai cũng biết mình nên chọn chuối để tốt cho sức khỏe, còn chocolate thì không.

Ban đầu, họ sẽ chọn chuối. Nhưng khi gần tới hạn thì phần lớn những người chọn ăn chuối lại đổi sang chọn chocolate.

Rõ ràng khi phải đưa ra quyết định cho việc xảy ra ngay trước mắt, người ta có xu hướng nuông chiều bản thân. Họ tặc lưỡi chọn bất kỳ thứ gì mình thích. Những chuyện còn lại để mai tính. Nhưng ngày mai họ lại cũng nghĩ giống hôm nay. Kết quả là kế hoạch nào cũng giậm chân tại chổ.

Tiết kiệm nghĩa là cần phải biết kiềm chế. Không thể cứ khất ngày này sang ngày khác được.

Thiếu kỷ luật, không thể kiềm chế cảm xúc là lý do mọi người gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền.

Lý do bạn phải tiết kiệm tiền ăn ngoài?

Đối với những tín đồ ăn uống chỉ cần bước chân khỏi nhà là vô vàn thiên đường ẩm thực ngoài phố.

Thử nghĩ mỗi ngày, bạn mua từ 1-2 ly cà phê hoặc trà sữa, đặt thêm một suất ăn trưa tại nhà hàng và gọi về một phần bánh trái ăn vặt lúc xế chiều. Bạn ăn cho vui miệng kể cả khi không thấy đói.

Thực chất số tiền mua đồ ăn hàng, ăn vặt vẫn nằm trong khả năng chi trả của bản thân. Nhưng nếu bạn mãi không tiết kiệm được thì nên hạn chế từng lý do xa xỉ nho nhỏ như vậy.

Đồ ăn ở quán không chỉ có giá cao hơn tự chế biến mà bạn còn phải trả thêm những khoản phí như hộp đồ ăn, phí giao hàng, phí dịch vụ…

Một ly cà phê Trung Nguyên mỗi ngày nếu gộp cả năm sẽ bằng tiền đi du lịch 2 tuần ở trong nước hoặc 1 tuần ở nước ngoài.

Tất nhiên, Thảo không có ý khuyên nhủ bạn phải bóp bụng bóp dạ, nhịn ăn nhịn mặc. Để có thể có đồng dư ra để dành, bạn cần cắt bỏ những thói quen không cần thiết.
Thay vì đặt đồ ăn, bạn nên chuẩn bị sẵn đồ ăn từ nhà mang theo đi học đi làm. Tuy mất đôi chút thời gian nhưng bạn sẽ được ăn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo dinh dưỡng. Bớt được một khoản kha khá nếu cộng dồn cả tháng, cả năm.

Thảo biết có nhiều lúc làm việc mệt mỏi, la cà quán xá để xả stress. Nhưng cũng chính vì vậy là tiền lương cứ lần lượt đội nón ra đi. Hay là bạn bè rủ đi ăn, không lẽ lần nào cũng từ chối để mang tiếng ki bo.
Tin vui là bạn không cần lúc nào cũng quá đăm chiêu, lo nghĩ về tiền. Hãy đặt giới hạn số tiền mỗi tháng dành cho việc ăn ngoài mà vẫn cân đối với thu nhập và tiết kiệm.

Kinh nghiệm tiết kiệm tiền khi chưa hết tháng mà tiền ăn hàng đã hết, bạn bè lại rủ đi ăn?
Nên hẹn lại bạn ấy vào tháng sau hoặc rủ bạn về nhà làm tự nấu ăn cũng vui không kém. Lý do thì cứ nói là bạn tiết kiệm tiền để mua xế hộp để đứa bạn cười chơi, hết giận.

Lý do bạn mãi không tiết kiệm được nếu cứ mua sắm ở Circle K

Ở thành phố lớn, có vô số cửa hàng tiện lợi như Circle K, Ministop, Fami Mart… bạn có thể mua hàng bất kỳ lúc nào (24/24).

Đây có thể nói là những siêu thị thu nhỏ, đáp ứng nhiều nhu cầu như ăn uống, quần áo, đồ chơi, đồ lưu niệm… Bù lại sự tiện lợi của những của hàng đó là giá cả cao hơn giá trong siêu thị khoảng 30%-50%.

Ngày trước, bản thân Thảo cũng hay ghé vào mấy cửa hàng này trên đường về để mua đồ uống. Mặc dù cũng không đói, không khát nhưng mua rồi ngồi uống tại chổ, nghe nhạc hay lên mạng vì có sẵn luôn wifi khá mạnh và điều hòa thì lạnh tê tái giữa trời Sài Gòn đang đổ lửa.

Số tiền bỏ ra cũng tương đối nhỏ thôi nhưng cộng lại cả tháng cũng kha khá. Đây lại cũng không phải là nhu cầu cần thiết. Bạn không tiết kiệm được tiền cũng vì những lý do nho nhỏ, góp gió thành bão mà ra.

Nên hạn chế mua sắm ở cửa hàng tiện lợi nếu không thật sự cần. Việc này cũng không quá khó như bạn nghĩ. Nên có danh sách mua sắm trước khi đi siêu thị để hạn chế quên mua những thứ lặt vặt.

Lý do bạn không thể tiết kiệm tiền khi đi du lịch

Có một thực tế hơi buồn cười là mặc dù ngày thường, chúng ta có thể rất ki cóp, tiết kiệm nhưng cứ đến khi đi du lịch, nghỉ mát thì lại vung tiền không hề suy nghĩ.
Ví dụ như mỗi tách cà phê ở nhà chỉ có giá 20.000 đồng nhưng đi du lịch thì tới tận trên dưới 100.000 đồng nhưng bạn điều tặc lưỡi để mua ngay.
Không chỉ là cà phê mà bạn còn chi tiền cho các món ăn, mua sắm, vé tham quan, quà cáp… một cách rất thoải mái.
Chỉ đi du lịch 2-3 ngày thôi mà ăn chơi sương sương trên dưới 10 triệu. Tuy con số này không phải là lớn nhưng nếu bạn đang ngập trong nợ nần, không có tiền tiết kiệm hay quỹ dự phòng nào hoặc bạn thường xuyên du hí ( cả năm như Thảo chẳng hạn) thì bạn cần phải thiết quân luật bản thân ngay lập tức.

Bạn có bao giờ thắc mắc lý do bạn mãi không tiết kiệm được tiền trong các chuyến du lịch không?
Các nhà khoa học hành vi đã giải thích được thói quen tiêu tiền hoang phí của mọi người trong kỳ nghỉ rồi đấy.
Trong những lần đi chơi, đi nghỉ mát, bạn được tách ra khỏi nhịp sống hối hả, lo toan cơm áo gạo tiền hàng ngày. Con người suốt ngày dè sẻn từng đồng xu cắc bạc đã ở nhà nhường chổ cho con người chịu chi đi chơi.
Đến một nơi mới mẻ đã làm bạn quên đi ý niệm về mặc cả, so sánh quyết liệt của ngày thường hoặc có thể bạn ngại trả giá nơi đất khách quê người. Thêm nữa, ai cũng nghĩ đây là lúc đi chơi nên thoải mái tiêu pha chút chứ có mấy khi. Về nhà ăn mì cả tháng cũng được 🙂 

Đấy là nguyên nhân của tâm lý chịu chi khi đi chơi.

Tổng kết lý do bạn mãi không tiết kiệm được

Tiết kiệm đủ tiền để được tự do tài chính là quá trình dài hơi. Những người giàu nhờ tiết kiệm là những chú ong chăm chỉ thực thụ.

Có vô vàn lý do và khó khăn làm bạn mãi không tiết kiệm được tiền. Hãy tỉnh táo hơn với các lời quảng cáo, cắt giảm những khoản không cần thiết, sống giản dị và tìm hiểu về thêm kiến thức tài chính cá nhân.

Nếu đủ kiên trì và may mắn, bạn sẽ có một tuổi già an nhiên hay thậm chí là nghỉ hưu sớm vài chục năm so với bạn bè cùng trang lứa. Good luck 🙂

Lý do bạn mãi không tiết kiêm được
Lý do bạn mãi không tiết kiêm được là gì?

Đọc thêm về Tài chính cá nhân

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] Đọc thêm: Lý giải khoa học vì sao bạn mãi không tiết kiệm được tiền […]