Hành vi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán
Trên thị trường chứng khoán, hành vi của nhà đầu tư nhìn chung rất phức tạp, nhiều lúc điên rồ và ngu ngốc.
Ai đã đầu tư chắc cũng đã từng trải qua những đêm mất ngủ hay những lúc tiếc đứt ruột vì vụt mất một món hời. Dù sao, bạn cũng đang đem những khoản tiền khó kiếm của mình đi đầu tư. Thắng thì vui mà thua thì mất ăn, mất ngủ.
Không ngoa khi nói rằng đầu tư giống như chơi trò tàu lượn mạo hiểm. Với mỗi cú quay đầu của tàu đều khiến người chơi thót tim, hoảng loạn.
Không biết lời lỗ như nào nhưng thuốc đau tim chắc được những nhà đầu tư thêm vào giỏ thuốc của mình.
hành vi của nhà đầu tư có tốt không? hành vi của nhà đầu tư làm họ mất tiền như thế nào?
Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Hành vi nhà đầu tư trên thị trường dễ gây mất tiền
Nếu chưa từng đọc nhiều thì Thảo cũng sẽ KHÔNG dám nói điều này. Tuy nhiên, sau khi đọc rất nhiều sách về đầu tư, kinh doanh cũng như tâm lý và triết học thì…Thảo phát hiện ra một sự thật là:
Nhà đầu tư cảm tính rất dễ mất tiền trên thị trường chứng khoán.
“Mẹo ở đây là đừng tin vào những cảm xúc của bạn, bạn phải rèn luyện để phớt lờ chúng đi.” – Peter Lynch
Hành vi của con người có đáng tin không?
Quay ngược lại lịch sử chút xíu. Loài người hiện đại – Homo sapiens- đã xuất hiện trên trái đất này từ khoảng 200.000 năm trước.
Ở thời nguyên thủy, con người đã phải chiến đấu với đủ thứ thú dữ trong rừng. Chúng ta phải sống dựa vào cộng đồng để có sức mạnh.
Bất kỳ ai bị loại khỏi bộ lạc sẽ toi đời. Tổ tiên chúng ta phải biết sợ những cái người khác sợ, chạy theo hướng số đông chạy và ăn những thứ đồng loại của mình ăn để sống sót.
Nếu có người chỉ đi bằng chân trái để tránh thần chết thì cả buổi đó, ta cũng sẽ chỉ lò cò bằng chân trái.
Nói chung, ở thời ăn lông ở lỗ, tổ tiên chúng ta phải bắt chước cộng đồng của mình để được tồn tại. Đó là chiến lược an toàn nhất để sống.
Từ thời điểm đó trở đi, cơ thể và bộ não của chúng ta đã không còn có nhiều thay đổi nữa. Mặc dù, môi trường sống xung quanh của chúng ta thì biến đổi không ngừng.
Kể cả cho đến ngày nay, mặc dù không còn phải đi săn voi ma mút, con người chúng ta vẫn giữ nguyên tâm lý như thời cổ đại.
-
- Chúng ta vẫn thích hành động theo cảm xúc hơn là suy nghĩ hay hòa nhập vào đám đông để cảm thấy an toàn…
- Thấy bạn mua cổ nào là ngày mai, ta cũng mua y chang của bạn.
- Nghe đồn những người khác bán mã X để mua mã Y lời hơn là ta cũng copy không chút chỉnh sửa.
TIN BUỒN là thị trường chứng khoán lại chẳng hề giống những buổi săn voi thời nguyên thủy chút nào.
Số đông nhà đầu tư bị thua lỗ nên hùa theo đám đông thì chỉ có mất tiền.
Hành vi nhà đầu tư trên thị trường và 2 hệ thống tư duy
Daniel Kahneman– Nhà kinh tế học đồng thời là nhà tâm lý học đạt giải Nobel 2002 đã đề cập đến vấn đề này trong cuốn sách Tư duy nhanh và chậm của mình
Giải thích về sai lệch nhận thức xuất phát từ lý thuyết hệ thống kép. Theo đó, con người có 2 hệ thống chính để xử lý thông tin:
[table id=9 /]
Sai lệch xảy ra khi suy nghĩ bằng Hệ thống 1 trong một tình huống mà Hệ thống 2 nên được triển khai.
Mọi tình huống liên quan đến tiền bạc, đặc biệt là đầu tư, cần phải dựa vào Hệ thống 2.
Những thành kiến trong đầu tư là do sử dụng Hệ thống cảm tính 1, chứ không phải Hệ thống lý trí 2, để đưa ra quyết định đầu tư.
4 giai đoạn của chu kỳ cảm xúc của nhà đầu tư
Hẳn nhà đầu tư nào, sau khi nếm trải thị trường giá lên và giá xuống cũng sẽ trải nghiệm chu kỳ cảm xúc sau đây.
Giai đoạn 1: Lạc quan, nhiệt tình, sôi nổi và hưng phấn
Thông thường, cảm giác lạc quan thúc đẩy mọi quyết định mua vào. Khi những kỳ vọng giá lên được đáp ứng, chúng ta sẽ cảm thấy hào hứng, phấn khích và hưng phấn. Đây là đỉnh điểm của rủi ro tài chính.
Giai đoạn 2: Lo lắng, phủ nhận, sợ hãi và tuyệt vọng
Các thị trường bất ngờ sụt giảm, mang theo cảm giác lo lắng, phủ nhận và thậm chí là sợ hãi.
Giai đoạn 3: Buông xuôi, chán nản và chán nản
Khi thị trường lao dốc, lúc đó chúng ta tuyệt vọng, hoảng sợ và đầu hàng. Nhiều người cảm thấy chán nản và sau đó đặt câu hỏi về việc tham gia vào thế giới đầu tư.
Giai đoạn 4: Hy vọng, nhẹ nhõm và lạc quan
Khi thị trường tăng trở lại, chúng tôi cuối cùng cũng cảm thấy nhẹ nhõm và hy vọng quay trở lại. Triển vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn mời gọi nhà đầu tư tiếp tục chấp nhận nhiều rủi ro trở lại.
Hành vi nhà đầu tư gây mất tiền như thế nào?
Làm thế nào để trở thành người chiến thắng trên thị trường chứng khoán? Đó chính xác là điều mà nhà đầu tư nào cũng muốn.
Những cảm xúc nào ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư cá nhân? Vậy tại sao nhiều nhà đầu tư lại thua lỗ trên thị trường chứng khoán?
Lòng tham gây mất tiền
Mong muốn kiếm tiền là một điều tốt. Khi tham gia đầu tư, ai cũng muốn kiếm nhiều tiền hơn. Điều này không xấu cũng không đáng trách chút nào. Nhưng lòng tham lại là thứ nhấn chìm những nhà đầu tư mù quáng.
Ai cũng muốn có càng nhiều tiền càng tốt, càng sớm càng tốt. Càng nhanh càng tốt. Ngay lập tức có tiền thì càng tốt.
Hãy trung thực: Nếu ai đó tặng bạn món quà 100 ngàn đồng ngay hôm nay hoặc 1 triệu đồng vào tháng sao bạn sẽ chọn gì?
Nếu ai đó đề nghị trả cho bạn 1 triệu đồng ngay tháng sao hoặc 10 triệu trong 10 năm nữa, bạn sẽ chọn gì?
Sự thực là nhận được tiền ngay trong thời gian ngắn luôn hấp dẫn hơn. Và điều đó có thể khiến lòng tham làm mờ các giác quan của chúng ta.
Những lời hứa hẹn có cánh, thậm chí là viển vông về làm giàu nhanh, lợi nhuận cao luôn thu hút số đông. Có hàng trăm vụ lừa đảo của đa cấp hay những sàn giao dịch lừa đảo vẫn lừa được hàng ngàn nạn nhân mỗi năm.
Lý do để một số người vẫn liên tục bị mắc lừa chính là lòng tham của chính mình.
Lòng tham được thể hiện như thế nào trên thị trường chứng khoán?
Trong lịch sử đã có vô số vụ bong bóng chứng khoán. Ví dụ như bong bóng dotcom những năm 2000.
Ở thời kỳ bong bóng, con người bắt đầu cuồng một vài cổ phiếu nào đó. Trong những năm 2000, bất kỳ công ty nào liên quan đến Internet đều được nhà đầu tư hào hứng mua vào, với bất kỳ mức giá nào.
Chỉ cần các công ty dotcom tiến hành IPO lần đầu là giá cổ phiếu đã tăng chóng mặt. Bất chấp công ty chưa tạo ra chút doanh thu nào.
Mọi người đã bỏ ngoài tai mọi cách định giá như P/E. Họ đặt toàn bộ niềm tin vào sự tiến bộ của công nghệ mới này. Cho đến khi bong bóng vỡ, giá cổ phiếu dotcom rớt thê thảm.
Có người đã từng hỏi Warren Buffett: “Phương pháp đầu tư của ông rất đơn giản. Tại sao mọi người không làm theo ông? ”
Buffett đã trả lời rằng: “Bởi vì không ai muốn làm giàu chậm cả”.
Những gì Warren Buffett nói chính là bản chất của tham lam trong đầu tư. Các nhà đầu tư lờ đi mọi rủi ro để kiếm lợi nhuận nhanh chóng.
Thị trường giá lên là cơ hội để kiếm lợi nhuận trong một khoảng thời gian ngắn. Khi giá không ngừng tăng, ngày càng nhiều người đầu tư nhiều tiền hơn vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu tuân theo quy luật cung cầu.
Càng nhiều người mua thì giá tiếp tục tăng và lợi nhuận tăng. Lợi nhuận ngày càng cao thì thúc đẩy lòng tham càng nhiều hơn.
Càng có nhiều tiền hơn được đổ vào thị trường chứng khoán. Giá cả có thể bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý. Ở mức giá rất cao, bong bóng chứng khoán được tạo ra. Giá cả lúc này cao hơn nhiều so với giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Giống như tất cả các bong bóng khác như bong bóng bất động sản, bong bóng hoa tulip thì bong bóng chứng khoán cuối cùng cũng sẽ vỡ. Nhà đầu tư cố gắng bán tống bán tháo để chạy khỏi thị trường.
Các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu với giá rất cao sẽ phải đối mặt với khoản lỗ lớn khi thị trường điều chỉnh.
Sự sợ hãi gây mất tiền
Như Thảo đã nói ở trên, con người luôn có xu hướng đi theo đám đông.
Khi thị trường giá lên, đám đông trở nên phấn khích và hoảng loạn bởi lòng tham. Khi giá xuống, đám đông những nhà đầu tư cũng không thể chống chọi được với nỗi sợ hãi.
Khi cổ phiếu bị rớt giá trong một thời gian dài, các nhà đầu tư có thể lo sợ bị thua lỗ thêm nữa. Vì vậy họ bắt đầu cố bán tống bán tháo. Khi số đông cố bán thì giá lại càng rớt xuống.
Trong thị trường giá xuống, sự sợ hãi là tâm lý chung của đám đông.
Thông thường, giá cổ phiếu giảm nhanh hơn giá tăng. Mức tăng trong của giá cổ phiếu trong vài năm có thể bị xóa sổ chỉ trong một vài tháng tháng trong thời gian thị trường giảm.
Khi giá giảm mạnh, nhà đầu tư lo sợ giá sẽ giảm nhiều hơn. Họ cố bán ra trong tâm lý hoang mang.
Bạn cũng biết rằng, giá cổ phiếu tuân theo quy luật cung cầu. Trong thị trường giá xuống, nguồn cung cổ phiếu cao vì hầu hết các nhà đầu tư muốn bán ra trong hoảng loạn.
Việc bán tháo khiến giá cổ phiếu giảm mạnh hơn, thậm chí là không có người mua.
Lòng tham và sự sợ hãi luôn tồn tại trong mỗi con người. Nghiêng hẳn về một trong hai thái cực hoặc tham lam hoặc sợ hãi đều không tốt.
Vừa tham lam, vừa sợ hãi thì lại giống như việc kéo căng cả hai đầu của một sợi dây chun. Một bên là lòng tham và một bên là sợ hãi. Cuối cùng chỉ có toang cái tài khoản chứng khoán.
Nỗi sợ hãi mất mát
Nếu Thảo hỏi bạn câu hỏi: bạn thích thắng 50 đồng hay thắng 100 đồng và sau đó thua 50 đồng?
Phần lớn câu trả lời sẽ là thắng 50 đồng.
Điều này không hợp logic vì thực tế trong cả hai trường hợp, bạn đều nhận được 50 đồng. Không có gì khác biệt. Ngoại trừ trường hợp này, con người rất ghét viễn cảnh mất tiền. Dù chỉ với số tiền nhỏ.
Tâm lý sợ mất mát khiến chúng ta bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời. Theo logic này, vì con người ghét ý nghĩ thua cuộc.
Chúng ta thích giữ các cổ phiếu sai lầm. Bởi vì bán đi đồng nghĩa với việc chấp nhận chúng ta sai.
Khoa học đã chứng minh, con người thà làm những việc phi lí để tránh thua lỗ bởi vì nỗi đau mất tiền. Trên thực tế, nỗi đau của việc thua 100 đồng sẽ mạnh mẽ gấp đôi cảm giác thắng 100 đồng.
Tuyên bố tôi đã sai, thừa nhận thua lỗ vì mua cổ phiếu XYZ hay dứt khoát cắt lỗ ở mức 15%… là hành động của những người anh hùng thời hiện đại.
Tính kiêu ngạo gây thua lỗ
Hóa ra chúng ta không thông minh, giỏi giang hay khôn ngoan như chúng ta tưởng tượng về mình.
Kiến thức của chúng ta rất hạn hep. Tin Thảo đi! Mọi nỗ lực để giải thích thế giới này của bạn đều chỉ tào lao.
Nếu bạn là một bác sĩ thì hy vọng bạn biết cách ăn uống khoa học. Nhưng nếu ai đó hỏi bạn về việc sửa chữa điện lạnh thì có lẽ nói “Không biết” ngay từ đầu tốt hơn là cố gắng thể hiện.
Đôi khi, bạn quên mất điều này. Bạn đã dành nữa giờ để ba hoa về cách vận hành máy móc và thêm vài giờ để tháo tung mọi thứ ra. Sau đó, mới phát hiện rằng mình chẳng biết tí gì về sửa chữa điện lạnh.
Tương tự như vậy với vấn đề đầu tư. Đa số nhà đầu tư chứng khoán bị mất tiền. Một bộ phận rất nhỏ nhà đầu tư lại dành lợi nhuận khủng.
Thành kiến xác nhận (Confirmation bias)
Thành kiến xác nhận là xu hướng tự nhiên của con người, nhằm tìm kiếm hoặc nhấn mạnh thông tin xác nhận một kết luận hoặc giả thuyết hiện có.
Thành kiến xác nhận là lý do chính dẫn đến những sai lầm trong đầu tư. Các nhà đầu tư thường quá tự tin vì họ liên tục lấy dữ liệu để xác nhận các quyết định mà họ đã đưa ra.
Sự tự tin quá mức này có thể dẫn đến kết luận ngây thơ rằng không có gì có thể xảy ra sai sót. Làm tăng nguy cơ bị che mắt khi có sự cố xảy ra.
Tại sao hầu hết nhà đầu tư thua lỗ?
Số đông thua lỗ vì họ tự cho rằng mình rất giỏi. Khi càng tự phụ, con người càng không muốn học hỏi thêm bất kỳ điều gì. Chúng ta ra sức bảo vệ những quan điểm của mình cho dù quan điểm đó sai bét nhè.
Nhiều người có chuyên môn, kể cả những chuyên gia thường rơi vào bẫy của việc đánh giá quá cao chuyên môn của mình.
Họ quá tự tin trong những phán đoán hay trực giác của mình mà không thèm để ý đến những sự kiện trái chiều.
Ví dụ: nhiều nhà đầu tư đã có thành công trong quá khứ. Dẫn đến họ quá tự tin. Ngay ở thời điểm rủi ro cao mà khó có khả năng sinh lời, những người này vẫn cho rằng mình có “bàn tay Midas”.
Hoặc một người làm giáo viên, kĩ sư, bác sĩ, nhà khoa học giỏi tham gia đầu tư. Những người này sẽ thường không phải là nhà đầu tư giỏi. Chuyên gia giỏi trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng KHÔNG thể đảm bảo sự thành công trong chứng khoán.
“Rất nhiều người có chỉ số IQ cao lại là những nhà đầu tư tồi tệ vì họ có tính cách nóng nảy. Bạn cần kiểm soát bản năng và suy nghĩ cảm tính của mình.”– Charlie Munger
Họa chăng, chính sự tự tin thái quá vào khả năng chuyên ngành của mình, khiến các chuyên gia ngoại đạo bảo thủ và dễ thua lỗ hơn.
Issac Newton là nhà vật lý đại tài có ảnh hưởng nhất thế giới. Tuy nhiên, Newton lại thua đau đớn trên thị trường chứng khoán. Ông đã lỗ 3 triệu đô la khi đầu tư vào cổ phiếu South Sea.
Từ đó về sau, Newton cấm ai nói từ South Sea trước mặt mình.
Do vậy, có sự khác biệt giữa một nhà khoa học thông minh và nhà đầu tư thông minh.
Sự tự tin thái quá của nhà đầu tư
Hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá quá cao bản thân!
Họ nghĩ rằng họ có thể tìm thấy những cổ phiếu tốt. Đó là họ có thể tìm thấy những cổ phiếu mà người khác không thể tìm thấy.
Hàng triệu nhà đầu tư cố gắng dự đoán diễn biến của thị trường mỗi ngày. Nhiều nhà đầu tư cố gắng dự đoán thị trường sẽ phát triển như thế nào trong ngắn hạn.
Họ thực sự tin rằng họ thông minh hơn rất nhiều so với các nhà đầu tư có kinh nghiệm. Họ đánh giá quá cao bản thân và cư xử trên thị trường chứng khoán như thể họ có khả năng dự đoán mọi thứ.
Có những nhà đầu tư chăm chỉ “làm bài tập về nhà”. Họ xem mọi báo cáo tài chính của công ty, phân tích kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu ngành, đo lường các rủi ro,… Tuy nhiên, không bao giờ có thể quyết định đúng mọi lúc.
Đầu tư vào chứng khoán sẽ luôn có rủi ro. Những thiên tài về đầu tư như Warren Buffett, cũng đã phải trải qua vô số thất bại trong suốt sự nghiệp của mình.
“Kiếm tiền không liên quan gì đến trí thông minh. Để trở thành một nhà đầu tư thành công, bạn phải có khả năng thừa nhận những sai lầm. Tôi đã huấn luyện một anh chàng giao dịch viên có IQ 188. Anh ta đã tham gia “Jeopardy” một lần và trả lời đúng mọi câu hỏi. Anh ta cũng đã không bao giờ kiếm được một xu nào trong thị trường chứng khoán trong suốt 5 năm!” – Victor Sperandeo
Sự bất hòa về nhận thức (Cognitive dissonance)
Là thuật ngữ tâm lý học để chỉ cảm giác không thoải mái mà bạn nhận được khi có hai suy nghĩ trái ngược nhau cùng một lúc.
Hút thuốc có hại cho tôi và tôi sẽ đi hút thuốc là sự bất hòa về nhận thức.
Chúng ta ghét sự bất hòa về nhận thức và cố gắng giải thích để hợp lý hóa mọi mâu thuẫn.
Cách dễ nhất để hóa giải mâu thuẫn chính là cố biện bạch cho hành vi sai trái của mình. Tôi đã có một ngày căng thẳng và tôi xứng đáng được hút một điếu thuốc.
Nhờ lý do rất hợp lý này mà bạn có thể hút thuốc mà không cảm thấy tội lỗi. Vấn đề đã được giải quyết.
Sự bất hòa về nhận thức là một thành kiến phổ biến và rất con người. Thành kiến này luôn tồn tại trong thế giới ra quyết định đầu tư.
Ví dụ :
Giả sử, bạn đang muốn mua một cổ phiếu của XYZ vì bạn tin rằng XYZ sẽ hoạt động tốt trong tương lai.
Cổ phiếu XYZ hiện đang giao dịch trên thị trường ở mức 70 đô la và John đang nghĩ đến việc mua một cổ phiếu nếu nó giảm vài đô la xuống còn 65 đô la.
Trong ba ngày, giá cổ phiếu đạt 68 đô la, và bạn nghĩ giá cổ phiếu sẽ sớm lên 65 đô la.
Tuy nhiên, sau ba ngày, giá cổ phiếu đột ngột tăng lên và đạt 75 đô la do nhu cầu mua từ các nhà đầu tư khác.
Tại thời điểm này, bạn có thể sẽ trải qua sự bất hòa về nhận thức.
Bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì giá cổ phiếu XYZ tăng đột ngột cho thấy cổ phiếu đó rất tốt để mua ở mức giá $ 68.
75 đô là một mức giá khá cao so với dự tính của bạn. Bạn biết điều này. Mua với mức 75 đô thì có thể rất lâu bạn mới kiếm được lời.
Tuy nhiên, rất có thể bạn sẽ mua một số cổ phiếu ở mức giá 75 đô la để giải tỏa cảm giác khó chịu mà bản thân đang trải.
Bạn tự thuyết phục mình rằng mua cổ phiếu với giá cao hơn vẫn tốt vì các nhà đầu tư khác cũng đang mua với giá tương tự, nhưng bằng cách nói điều này bạn đang tự hợp lý hóa mâu thuẫn.
Sự bất hòa về nhận thức đặc biệt độc hại đối với người quản lý tiền.
-
- Bạn chỉ trích những nhà đầu tư khác chỉ chơi chứng như đánh bạc trong khi bạn kiểm tra danh mục đầu tư của mình hai lần một ngày.
- Bạn đã bán cổ phiếu của mình vào năm 2020 vì đại dịch Covid làm thị trường chao đảo. Khi thị trường hồi phục, bạn đã đổ lỗi là do dịch bệnh khiến bạn thua lỗ.
- Bạn mua một cổ phiếu chỉ vì bạn nghĩ rằng giá cổ phiếu rẻ. Khi phát hiện ra mình đã sai, bạn quyết định tiếp tục nắm giữ vì bạn thích dịch vụ khách hàng của công ty.
Hầu như tất cả chúng ta đều làm điều gì đó mâu thuẫn với tiền của mình.
Ví dụ :
Một nhà đầu tư mua cổ phiếu với niềm tin rằng cổ phiếu đó sẽ mang lại lợi nhuận 15% mỗi năm.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ba năm, điều đó không xảy ra. Thay vào đó, các cổ phiếu khác mang lại lợi nhuận 15% mỗi năm.
Trong tình huống này, các nhà đầu tư phải đối mặt với sự khó chịu về mặt tinh thần.
Một mặt, họ có thể tin tưởng vào cổ phiếu mà họ đã mua ban đầu. Mặt khác, họ có thể muốn thanh lý cổ phiếu và mua cổ phiếu khác để đạt được mục tiêu đầu tư trước mắt.
Các nhà đầu tư thường cố gắng tự thuyết phục bản thân rằng quyết định ban đầu của họ là đúng đắn. Họ làm như vậy bởi vì họ có khuynh hướng duy trì niềm tin cũ của mình.
Rất nhiều lần, sự bất đồng về nhận thức trở nên khó quản lý. Các nhà đầu tư đưa ra quyết định vội vàng.
Những quyết định này có thể không hợp lý hoặc thậm chí vì lợi ích tốt nhất của họ. Chúng chỉ đơn giản được thực hiện để đạt được sự ổn định về nhận thức.
Một phần quan trọng trong đầu tư là học hỏi từ những sai lầm. Cố gắng để sai lầm không lặp lại trong tương lai.
Nếu bất hòa quan điểm xảy ra, chúng ta sẽ thiên vị. Ta sẽ tìm mọi cách lý giải để bảo vệ quan điểm của mình. Đối mặt với một kết quả thua lỗ, chúng ta tự đánh lừa mình tin vào điều gì đó khác.
Chẳng bao lâu sau, bạn đã mắc phải vòng lặp đáng sợ. Đưa ra quyết định tồi, hợp lý hóa nó bằng cách chống lại sự bất hòa về nhận thức. Không có gì ngạc nhiên khi kết quả đầu tư của bạn rất kém.
Kiểm soát hành vi đầu tư như thế nào cho đúng?
Khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân là bước đầu tiên để trở thành một nhà đầu tư thành công. Khả năng đó gọi là thông minh cảm xúc hay trí tuệ cảm xúc. Nghĩa là cảm xúc phải phù hợp với tình huống bạn đang làm.
Như người diễn viên cần “cảm” được cái hồn của nhân vật thì mới diễn hay. Vào vai nhân vật đa cảm mà mặt “đơ như khúc gỗ ” thì chỉ có toang.
Mỗi vị trí, công việc đều có những tính cách đặc trưng của nó. Là nhà đầu tư thành công, bạn cũng cần có cốt cách giống như những nhà đầu tư thành công.
Có câu: “ Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi.”. Bạn có thể thắng lợi ở vài vụ giao dịch nhưng chó chẳng thể ngáp phải ruồi nhờ may mắn mãi được.
Trí tuệ cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì lợi nhuận đầu tư ở mức hai hay ba con số.
Liệu chúng ta có thể giữ trí tuệ cảm xúc trong đầu tư không?
Điều đó chắc chắn là không dễ dàng. Nhưng một vài phương pháp thực hành lành mạnh có thể giúp ích cho bạn.
Học hỏi từ sai lầm
Nhà đầu tư giá trị Mohnish Pabrai có một thành tích dài hạn xuất sắc.
Bí mật ở đây là ông dành rất nhiều thời gian để phân tích những sai lầm của mình.
Pabrai đã từng thua lỗ và mất rất nhiều tiền. Thay vì hợp lý hóa thành tích kém cỏi của mình bằng cách đổ lỗi cho Phố Wall, ông bắt đầu học hỏi từ những quyết định đầu tư của mình.
“Tôi đã nghiên cứu rõ ràng những sai lầm của bản thân, và tôi đã xem xét một cách có hệ thống và ghi lại lý do tại sao chúng tôi lại mất tiền từ những khoản đầu tư khác nhau này”.
Việc nghiên cứu những sai lầm cuối cùng đã dẫn đến một check list mà Pabrai sẽ tham khảo trước khi thực hiện các khoản đầu tư mới. Danh sách kiểm tra đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lỗi.
Hầu hết các nhà đầu tư không nghĩ như thế này. Đó là lý do tại sao Pabrai vượt trội hơn hầu hết các nhà đầu tư.
Tỷ phú Ray Dalio cũng tương tự. Quỹ đầu cơ của ông có chính sách rằng mọi nhân viên phải luôn nói ra suy nghĩ của họ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là nói với cấp trên rằng họ đã sai.
Dalio trong sổ tay nhân viên của mình: “Những người thành công yêu cầu sự phê bình của người khác và xem xét giá trị của nó. Hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn là tìm ra câu trả lời tốt nhất, không phải đưa ra câu trả lời tốt nhất mà bạn có.”
Hầu hết các nhà đầu tư không làm điều này. Họ cho rằng ý kiến của họ (hoặc ý kiến của những người đồng ý với họ) phải đúng và sẽ tự huyễn hoặc bản thân.
Dalio không chấp nhận hành vi này. Đó là một phần lý do tại sao ông ấy là tỷ phú, còn số đông nhà đầu tư thì không.
Rèn luyện tư duy lý trí
Mỗi ngày luôn có hàng trăm những thông tin lớn nhỏ trên báo chí. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của nhà đầu tư.
Cổ phiếu X được các nhà đầu tư săn đón, giám đốc công ty Y bị sa thải vì gian lận…Có rất nhiều nhà đầu tư muốn phản ứng ngay khi nghe những thông tin này. Tuy nhiên, hầu như các quyết định nhất thời này đều không chính xác.
Do vậy, để có thể làm chậm các quyết định giao dịch của mình, nhà đầu tư nên dành thời gian để suy nghĩ. Thay vì nhấn vào nút mua/ bán cổ phiếu liên hồi.
” Tất cả các vấn đề trên nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không thể ngồi yên lặng trong phòng.” – Pascal
Những nhà đầu tư giỏi dành rất nhiều thời gian để học và đọc.
Warren Buffett thì ngồi ở văn phòng cả ngày để đọc. Ông dành trung bình 6 tiếng/ ngày chỉ dành cho việc đọc.
Người kế vị cho Warren Buffett trong tương lai là Lou Simpson thì dành ít nhất 5 – 8 tiếng mỗi ngày để đọc. Ông đã đọc rất nhiều thứ khác nhau, bao gồm nhiều loại hồ sơ, báo cáo hàng năm, báo cáo ngành và tạp chí kinh doanh.
Charlie Murger – nhà đầu tư, người bạn đồng hành thân thiết của Buffett- nói rằng ông CHƯA bao giờ gặp một nhà đầu tư vĩ đại mà KHÔNG phải là người ham đọc sách.
Còn nhà đầu tư Todd Combs thì đọc từ lúc 7 đến 8 giờ sáng cho đến 7 hoặc 8 giờ đêm. Buổi tối, ông sẽ đọc ở trên giường thêm 1-2 tiếng nữa, trước khi đi ngủ.
Kiến thức là bí quyết để con người suy nghĩ lý trí hơn. Bất kỳ đều gì không biết, con người đều cố lý giải theo trực giác, cảm tính. Do vậy, bồi dưỡng kiến thức giúp tư duy của nhà đầu tư logic và chính xác hơn.
Xem lại danh mục đầu tư vào cuối tuần hoặc sau giờ hành chính
Một cách khác hiệu quả không kém là chỉ xem giá cổ phiếu và giao dịch vào các ngày cuối tuần hoặc sau giờ hành chính.
Đây là những thời điểm sàn giao dịch đóng cửa. Do đó, giá cổ phiếu nằm im, không có lên xuống như những ngày có giao dịch. Nhà đầu tư sẽ không mua bán cổ phiếu chỉ vì cảm xúc nhất thời.
Đặt lệnh vào cuối tuần hoặc ngoài giờ hành chính, bất kỳ giao dịch nào cũng đều phải CHỜ ĐỢI thêm vài tiếng hoặc vài ngày mới thực hiện được.
Điều này làm nhà đầu tư bớt bị kích thích bởi giá cổ phiếu lên hoặc xuống. Đồng thời giúp họ có nhiều thời gian suy nghĩ về quyết định của mình.
Tổng kết về hành vi của dân đầu tư chứng khoán
Benjamin Graham đã từng nói rằng: “Những cá nhân không thể làm chủ cảm xúc của mình sẽ không phù hợp để kiếm lợi nhuận từ đầu tư.” và “Kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư là chính anh ta.”
Dù bạn có giỏi hay tự tin đến đâu thì cũng yên tâm rằng: Thua lỗ là một phần quá trình đầu tư chứng khoán của bạn. Nhưng đừng vì nỗi sợ thất bại làm chủ cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Một vị tướng giỏi là người nên học cách thua giỏi. Vài lần thua lỗ nhỏ, mất chút tiền biết đâu lại tạo nên một nhà đầu tư thành công trong tương lai.
Đọc thêm các bài viết về đầu tư chứng khoán
Tác giả: ThảoThảo Bácsĩ