Nên kiếm tiền nhiều hơn hay tiết kiệm nhiều hơn?
Câu hỏi nghiêm túc: Chúng ta nên tập trung vào việc kiếm tiền nhiều hơn hay tiết kiệm tiền nhiều hơn?
Nghe Podcast Nên kiếm tiền nhiều hơn hay tiết kiệm nhiều hơn tại đây
Kiếm tiền nhiều hơn
Nếu bạn hỏi các chuyên gia tài chính cá nhân, số đông sẽ cho rằng tập trung vào kiếm tiền có tác dụng hơn là tiết kiệm.
Những gia đình có điều kiện hay những người hay tiêu dùng sẽ cảm thấy việc tiết kiệm là một sự hy sinh quá lớn đối với họ.
Họ sẽ thường nói rằng: “Vì sao phải dè sẻn từng đồng một khi mà mình có đủ khả năng cơ chứ?”. “Tại sao phải đau đầu cân nhắc cắt giảm thứ này thứ kia, trong khi tôi có thể tập trung vào việc tăng thu nhập?”
Lập luận của họ cũng có cái lý riêng của mình. Trong khi tiết kiệm có một mức sàn nhất định, thì thu nhập thường là không giới hạn. Tăng thu nhập là chìa khóa để đổ đầy tài khoản ngân hàng của bạn.
Thêm nữa là nếu thu nhập quá thấp thì cũng khó để mà tiết kiệm hơn. Dù có là người siêu tiết kiệm thì thu nhập thấp đồng nghĩa với khoản tiền dư dả thấp. Bạn sẽ rất khó đạt được sự tự do tài chính.
Tiết kiệm tiền nhiều hơn
Mặt hạn chế của việc kiếm tiền
Cố gắng kiếm thêm tiền bằng mọi cách cũng có cái giá của nó.
Tăng thu nhập nghĩa là phải làm thêm giờ, làm thêm nghề tay trái, cố gắng để được lên chức… Điều này đồng nghĩa với việc phải từ bỏ cuộc sống thoải mái, nhãn nhã, nhiều thời gian nghỉ ngơi bằng cuộc sống bận rộn, hối hả.
Tiết kiệm có hiệu quả hơn cố kiếm tiền?
Khi có nhiều tiền hơn, chúng ta lại chi tiêu nhiều hơn. Mô hình chung là làm nhiều, tiêu nhiều và cuối cùng cũng chẳng còn là bao nhiêu.
Đối với một số người, đồng tiền rất khó kiếm. Tiền không tự dưng mọc trên cây. Một số ngành nghề cũng không có khả năng thăng tiến hay gia tăng thu nhập.
Một người bình thường có thể cố thắt lưng buộc bụng, giảm đi 50% chi tiêu của mình. Tuy vậy, để tăng thu nhập thêm 50% mỗi tháng là điều rất khó xảy ra.
Hầu như mọi người đều được dạy cách để tăng thu nhập. Học ở những ngôi trường nổi tiếng nhất, đầu tư những bản CV xin việc bóng bẩy nhất, những lời giới thiệu có cánh nhất… Tất cả đều là nổ lực để có mức lương tốt nhất có thể.
Mọi người đang cố gắng tăng thu nhập nhiều nhất có thể và cũng đang lãng phí tiền nhiều nhất có thể.
Chúng ta được dạy rằng tiền là giải pháp cho mọi vấn đề. Ví dụ: Chúng ta không hạnh phúc vì chúng ta chỉ dùng những chiếc điện thoại lỗi thời. Chúng ta không được người khác chú ý vì màu tóc lạc quẻ của mình…
Vì vậy, hầu hết các tình huống chúng ta có gắng chi tiêu nhiều nhất có thể. Mua chiếc xe đắt nhất trong salon, mua quần áo đẹp nhất, mua ngôi nhà lớn nhất…
Chọn những cái đắt tiền nhất để cầu cho thứ đó có thể giải quyết mọi vấn đề cho mình.
Kiếm tiền, Tiết kiệm & tuổi tác
Đừng nên bỏ qua vấn đề tuổi tác khi nói đến vấn đề tiền bạc.
Những người nhiều tuổi hơn thường đi làm lâu hơn và cũng có những mức lương cao hơn. Do vậy, so sánh khoản thu nhập và tiết kiệm được giữa một người 45 tuổi với một người 30 tuổi thì thật không công bằng.
Nhất là lúc còn trẻ, mới ra trường, chúng ta thường phải chấp nhận những công việc lương thấp để đổi lấy kinh nghiệm. Các bạn trẻ mới ra trường có thể chấp nhận mức lương 4-5 triệu khi mới ra trường để có cơ hội học việc.
Khi lớn tuổi hơn, kinh nghiệm đầy mình cũng là lúc chúng ta có thể đòi hỏi những mức lương cao tương xứng với năng lực bản thân.
Độ tuổi khác nhau cũng ảnh hưởng đến thói quen tiêu tiền. Lúc thanh niên thường thích tiêu xài, ăn chơi do đó không thể tiết kiệm quá nhiều. Càng lớn tuổi, xu hướng phòng thủ tăng lên. Mọi người sẽ cố gắng tích lũy nhiều hơn khi càng gần đến tuổi nghỉ hưu, bệnh tật, già yếu.
Do vậy, tuổi tác ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tiêu tiền hay tiết kiệm tiền của bạn.
Ở bất kỳ độ tuổi nào, thu nhập bao nhiêu thì cũng nên có những khoản để tiết kiệm. Với người trẻ thu nhập còn thấp, trích vài phần trăm thu nhập để tiết kiệm là chuyện chấp nhận được. Nhưng khi lớn tuổi hơn, thu nhập gấp 5, gấp 10 lần lúc mới ra trường mà vẫn chỉ tiết kiệm được vài phần trăm thu nhập thì nên xem xét lại.
Tiết kiệm được 1 triệu đồng mỗi tháng khi lương 5 triệu có thể là một thành công lớn. Tuy vậy, nếu tiết kiệm được 1 triệu đồng khi mức lương 15 triệu lại là một vấn đề.
Chúng ta làm gì với tiền tiết kiệm?
Chúng ta kiếm được bao nhiêu, tiêu hết bao nhiêu và tiết kiệm được bao nhiêu là vấn đề quan trọng.
Còn có một vấn đề cũng không kém quan trọng là cách chúng ta đối xử với những đồng tiền tiết kiệm của mình. Bởi vì chung quy lại là có ít hay nhiều tiền thì mục đích chính cũng là mang lại sự thoải mái, an toàn và hạnh phúc.
Chúng ta thường làm gì với những khoản tiền tiền kiệm?
Giấu tiền dưới nệm hay trong két sắt. Thực sự cách này đã quá lỗi thời. Có nguy cơ bị mất tiền do trộm cắp hoặc chúng ta liên tục phải chú tâm vào việc giữ tiền nên cách này không được khuyến khích.
Có người sẽ để tiền tiết kiệm trong thẻ ATM. Thực ra, ngày xưa, Thảo cũng để tiền tiết kiệm ở trong thẻ ATM. Bởi vì hầu hết lương thưởng đều được chuyển thằng vào thẻ ngân hàng nên tiêu hết bao nhiêu thì tiêu. Còn lại đồng nào thì nằm yên trong thẻ để tiết kiệm.
Tiền để trong thẻ ATM là cách khá dở vì tiền ngày càng mất giá. Thêm vào đó, mỗi lần thiếu tiền hay nghiền mua sắm thì lại quẹt thẻ. Mọi trung tâm mua sắm hay cửa hàng đều cho quẹt thẻ hoặc chuyển khoản. Đó là lý do vì sao để tiền tiết kiệm trong thẻ ATM là cách nhanh nhất để không còn dư đồng nào.
Có người sẽ lập sổ tiết kiệm để gửi tiền vào đó. Cách này Thảo đánh giá là thông minh hơn hẳn cách để tiền trong thẻ ATM. Vì gửi ngân hàng vừa có thêm tiền lời, vừa là nơi giữ tiền hiệu quả, tránh những nhu cầu mua sắm bốc đồng của chúng ta. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng đang ngày càng giảm. Trong dài hạn, tiền lãi ngân hàng cũng không thể chống lại được lạm phát.
Góp vốn kinh doanh, làm ăn hay đầu tư. Đây cũng là một ý kiến hay. Chúng ta có thể nhân số tiền của mình lên rất nhiều lần. Bắt tiền là việc cho mình là một bí mật của sự giàu có. Tuy vậy, cần phân tích kĩ rủi ro và những cơ hội của những thương vụ này.
Nên kiếm tiền nhiều hơn hay tiết kiệm tiền nhiều hơn?
Tóm lại, cả quá trình kiếm tiền, tiêu tiền và tiết kiệm là chuổi mắt xích những thói quen. Để đạt tới tự do tài chính thì kiếm tiền nhiều hơn hay tiết kiệm nhiều hơn đều rất quan trọng. Tốt nhất là cố gắng kiếm nhiều nhất có thể và tiết kiệm nhiều nhất có thể.
Và bạn cũng đừng quên, hãy học cách sử dụng những đồng tiết kiệm của mình một cách thông minh nhất.
Tác giả: ThảoThảo Bácsĩ