Du lịch Huế đi đâu? 20 điểm du lịch Huế phải đến trong năm.

Rate this post

Huế bao giờ cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn nhưng du lịch Huế đi đâu để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của xứ kinh kỳ?

Vốn có niềm say mê với lịch sử, mỹ thuật và kiến trúc, Thảo đã lỡ say tình với xứ Huế mộng mơ. Cuồng chân khám phá những địa điểm du lịch Huế, sau đây là 20 điểm du lịch Huế  nổi bật nhất định phải ghé nếu có dịp đến vùng đất này.

Hải Vân quan – Du lịch Huế từ Đà Nẵng

Từ Đà Nẵng đi du lịch Huế đã có hầm Hải Vân xuyên núi. Đi đường hầm xuyên đèo không thể thưởng ngoạn cảnh đẹp hay tham quan một số địa điểm nổi tiếng trên đèo Hải Vân. Vì vậy rất nhiều người vẫn chọn đi đường đèo để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Đèo Hải Vân là một trong những đường đèo ven biển đẹp và ấn tượng bậc nhất thế giới.

Khúc cua trên đèo Hải Vân
Khúc cua trên đèo Hải Vân

Từ trung tâm Đà Nẵng, chạy xe hơn 20km là tới chân đèo. Đường lên đèo quanh co, khúc khuỷu với những khúc cua tay áo. Một bên là biển, một bên là rừng núi bao la.  Đi đường đèo hiện chủ yếu là xe máy để thăm thú còn xe lớn thì đi hầm cho nhanh.

Dưới thời Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng để vào kinh đô Huế từ phía Nam.

Hải Vân quan
Hải Vân quan

Hải Vân Quan nằm ở đỉnh đèo ở độ cao 496m sao với mực nước biển. Hải Vân Quan là ranh giới phân chia giữa Đà Nẵng và Huế, cách thành phố Huế 77km.

Cửa ải được xây dựng vào thời nhà Trần, trùng tu vào thời vua Minh Mạng. Khi xưa ai qua cửa này phải trình giấy tờ.

Đầm Lập An

Đầm Lập An còn được gọi là ” Tuyệt tình cốc ” ở Huế.  Từ Huế đến đầm Lập An khoảng 60 km. Đầm nằm ngay trên quốc lộ 1 nối liền giữa Huế và Đà Nẵng.

Đầm Lập An còn có tên gọi khác là đầm An Cư.

Đầm Lập An
Đầm Lập An

Du lịch Huế mà không biết đi đâu thì đừng bỏ qua đầm Lập An.

Đầm Lập An bao bọc phía trước bởi vịnh Lăng Cô, xung quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ. Đầm Lập An rộng hơn 800ha. Nước trong đầm êm dịu không có một gợn sóng. Buổi trưa Thảo tới thì trời đang nắng nên nước trong vắt như mặt gương, soi bóng từng gợn mây.

Đến đầm Lập An mùa nào cũng đẹp nhưng ấn tượng nhất vẫn là từ tháng 3 đến tháng 6. Nắng càng to thì sông nước càng thơ mộng. Rất nhiều cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới.

Cầu Trường Tiền- cây cầu đặc biệt ở Huế

Không cây cầu nào gắn liền với vẻ đẹp của xứ Huế như cầu Trường Tiền. Đi du lịch lòng vòng trong thành phố Huế cũng sẽ đi qua cầu Trường Tiền vài lần.

Đây là cây cầu lâu đời nhất bắc qua sông Hương ngay sát kinh thành Huế. Cầu được gọi là Trường Tiền hoặc Tràng Tiền. Cầu được người Pháp xây dựng vào năm 1897. Vua Thành Thái là người đặt viên đá đầu tiên cho câu cầu này.

Cầu Trường Tiền
Người dân Huế đã chứng kiến cầu bị sập 3 lần do thiên tai, chiến tranh và sau đó được tu sửa lại.

Bên cạnh cầu gỗ lim, bạn có thể thong thả đi dạo để ngắm nhìn cầu Trường Tiền. Vào mùa hè, phượng vĩ nở hoa đỏ rực làm khung cảnh thêm phần lãng mạn.

Kinh thành Huế – Du lịch thành phố Huế

Du lịch Huế thì chắc chắn nên đi tham quan Kinh thành Huế. Kinh thành Huế là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 140 năm. Đi đâu thì đi chứ kinh thành Huế là điểm đến ít nhất một lần trong đời.

Kinh thành Huế
Lính đổi gác trước cổng Ngọ Môn

Đến tham quan lần thứ hai nhưng Thảo vẫn cảm thấy vô cùng háo hức. Vừa hay lúc đến là 8 rưỡi sáng lại được coi nghi lễ đổi gác của binh lính thời xưa. Tiếng tù và, cờ hiệu bay phất phớt cùng hàng người đầu đội nón, chân quấn xà cạp làm Thảo lâng lâng tưởng tượng đến khung cảnh trang nghiêm, bảo mật của hoàng thành ngày trước.

Sau khi mua vé, Thảo bắt đầu tản bộ đi tham quan. Biết bao thăng trầm của lịch sử đã diễn ra tại đây.

Nếu lần đầu đi du lịch Huế tự túc, bạn nên thuê hướng dẫn viên để hiểu thêm về kinh thành Huế.

Kinh thành Huế bao gồm 3 vòng:

  • Vòng ngoài là  cổng thành, các hồ, cầu và đài quan sát.
  • Vòng giữa là Đại Nội.
  • Vòng trong là Tử Cấm Thành.
Ngắm Đại nội từ trên cao
Ngắm Đại nội từ trên cao

Sau khi đi qua cổng Ngọ Môn ngày trước chủ yếu dành cho vua đi lại, bạn sẽ đặt chân vào Đại Nội. Ngọ Môn có hai tầng gọi là lầu Ngũ Phụng, leo lên trên đó sẽ được chiêm ngưỡng khuôn viên Đại Nội gồm điện Thái Hòa, hồ nước.

Điện Thái Hòa là cung điện quan trọng vốn chỉ tổ chức những buổi lễ lớn như lễ mừng sinh nhật, lễ đăng quang của vua…

Bên trong điện có ngai vàng của vua ngồi. Phía trước là sân chầu để các quan lớn nhỏ đứng trong buổi thiết triều.

Quan niệm thời phong kiến, vua là con trời và người thường không được nhìn mặt của vua. Đến bữa lên triều, vua ngồi nghe bẩm báo phía trong điện Thái Hòa, quan đứng ngoài. Vua muốn truyền ý chỉ gì cũng sẽ được một người đứng ở ngoài hô thật to và rõ cho các quan đứng ở sân nghe.

Đi du lịch Huế vào tầm tháng 3, tháng 4 bạn sẽ được chiêm ngưỡng một loài hoa lạ.

Phía sau điện Thái Hòa, cứ tầm tháng 3 cây ngô đồng lại nở hoa rất đẹp.

Hoa ngô đồng trong đại nội
Hoa ngô đồng trong Đại Nội

Cây ngô đồng do vua trồng ngày xưa và sau vài chục năm mới ra hoa. Theo niềm tin xưa kia thì khi con chim phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng thì đất nước sẽ thái bình, thịnh vượng.

Hành lang trong đại nội
Hành lang trong đại nội

 

Nơi ở của Hoàng thái hậu
Nơi ở của Hoàng thái hậu

 

Vườn thượng uyển của vua
Vườn thượng uyển của vua

Nếu bạn nào biết bộ phim Gái già lắm chiêu V chắc sẽ biết đến nhà hát Duyệt Thị Đường. Rất nhiều cảnh trong phim như cảnh đấu giá phượng bào được quay ở đây. Hẳn là fan hâm mộ của bộ phim này sẽ không thể bỏ qua nhà hát Duyệt Thị Đường nếu đi du lịch Huế.

Nhà hát trong đại nội
Nhà hát Duyệt Thị Đường

Nhà hát này được xây dựng từ thời vua Minh Mạng, bao gồm hai tầng. Vị trí đẹp nhất ở tầng hai đặt ngai vàng dành cho vua ngồi xem biểu diễn. Ngày xưa, chủ yếu diễn tuồng để phục vụ vua chúa, quan lại.

Cung An Định- Du lịch Huế đi đâu?

Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Đây là cung điện riêng của vua Khải Định khi còn là thái tử. Sau này được Bảo Đại là con của Khải Định thừa kế và từng sống ở đây sau khi thoái vị.

Cung An Định
Cung An Định

Cung An Định có kiến trúc Á- Âu kết hợp tinh tế.

Bên trong cung An Định
Bên trong cung An Định

Chùa Thiên Mụ

Thiên Mụ – ngôi chùa 400 năm tuổi được xây dựng sớm nhất ở Huế. Để có thể đắm chìm với vẻ đẹp của chùa Thiên Mụ dưới một góc cạnh khác thì bạn nên đi thuyền rồng trên Sông Hương.

chùa Thiên Mụ
chùa Thiên Mụ

Thời vua Tự Đức không có con, vua sợ vì dùng chữ Thiên nghĩa là trời sẽ phạm đến trời. Vua đã đổi tên thành chùa Linh Mụ. Đến nay vẫn còn dùng hai tên Thiên Mụ và Linh Mụ để chỉ ngôi chùa này.

Chùa Thiên Mụ nằm hoàn toàn trên ngọn đồi cao, mặt hướng ra sông Hương, núi Ngự.

Tháp Phước Duyên có lẽ là biểu tượng cho chùa. Tháp gồm 7 tầng, do vua Thiệu Trị xây để tưởng nhớ bà nội của mình, là bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu- vợ của vua Gia Long.

Chùa Thiên Mụ
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ

Không gian trong chùa rất thanh tịnh, bình yên.

Chùa còn là nơi lưu giữ chiếc xe hơi của cố hòa thượng Thích Quảng Đức. Đây là người đã tự thiêu để phản đối chính sách kì thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nằm cuối khuôn viên chùa là khu mộ của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu, xung quanh là rừng thông xanh bạt ngàn.

Chùa Thiên Mụ Huế nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Đã đến chùa Thiên Mụ, bạn nhớ ghé thăm Quốc Tử Giám, rất gần chùa luôn.

Văn Thánh Miếu – khu du lịch đang hồi sinh ở Huế

Từ chùa Thiên Mụ chỉ cần đi bộ 500m là tới Văn Miếu.

Văn Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long. Sau đó do vị trí xa nên đã được dời gần về kinh thành Huế. Vì vậy, Văn Miếu đã bị lãng quên trong một thời gian khá dài. Mới đây, nơi này đang được trùng tu lại.

Màu rêu phong cổ kính với những hàng cổ thụ tạo nên không gian thơ mộng, hoài cổ.

Quốc Tử Giám ở Huế
Văn Thánh Miếu ở Huế

Văn Thánh Miếu trầm mặc nhìn ra đôi bờ sông Hương. Có hai dãy nhà bia ghi danh những người đậu tiến sĩ thời Nguyễn.

Chùa Huyền Không- ngôi chùa kiến trúc độc đáo ở Huế

Cách chùa Thiên Mụ 3km có một ngôi chùa mang dáng dấp giống chùa xứ Thái Lan, Ấn Độ. Chùa Huyền Không còn gọi là Huyền Không 1 hay Huyền Không Sơn Trung.

Ít khách ghé thăm nên không gian chùa rất yên bình.

Chùa Huyền Không
Chùa Huyền Không

Ngôi bảo tháp cao gần 40m tạo nên vẻ cổ kính, uy nghi cho ngôi chùa.

Đàn Nam Giao – nơi tế lễ của vương triều nhà Nguyễn

Đàn Nam Giao là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, được xây dựng từ thời vua Gia Long. Mỗi năm vua lại xuất cung đến đây để tiến hành lễ tế. Đây là đàn Nam Giao duy nhất còn tồn tại cho đến nay.

Đàn Nam Giao
Đàn Nam Giao

Ngày xưa quan niệm ” Trời tròn đất vuông”. Trung tâm đàn tế gồm ba tầng: tầng dưới cùng có hình vuông tượng trưng cho con người, tầng kế cũng hình vuông tượng trưng cho đất, tầng trên cùng có hình tròn tượng trưng cho trời. Bao quanh đàn tế là rừng thông xanh lãng mạn.

Đàn Nam Giao nằm trên đường đi lăng tẩm nên tiện đường ghé thăm.

Hệ thống lăng tẩm thời Nguyễn

Thời nhà Nguyễn có 13 vị vua nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau nên hiện tại chỉ có 7 khu lăng tẩm. Nổi bật về kiến trúc nhất trong số đó là lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định.

Các lăng đều nằm ở hướng Tây vì quan niệm cho rằng hướng Tây là hướng mặt trời lặn cũng đồng nghĩa với việc băng hà của bậc Chí Tôn.

Vì sao không thể bỏ qua lăng tẩm khi du lịch Huế?

Thật sự, lăng tẩm là một nét văn hóa độc đáo của triều đình nhà Nguyễn. Nhìn thoáng qua thì hầu hết những công trình nổi tiếng còn sót lại trên thế giới này đều là lăng mộ như Kim Tự Tháp ( Ai Cập), đền Taj Mahal ( Ấn Độ), Angko Wat ( Campuchia) hay cả thánh địa Mỹ Sơn ( Việt Nam)…

Quan niệm Nho giáo cho rằng ” Sống gửi thác về” nghĩa là cuộc sống là tạm bợ, cái chết là vĩnh hằng. Các vua Nguyễn đã lo xây dựng lăng mộ ngay khi còn đang ở trên ngai vàng. Ngoài ra, khu lăng tẩm còn là nơi lui tới thư giãn, giải trí cho các bậc đế vương lúc còn sống.

Lăng Gia Long – vị tổ của triều Nguyễn

Lăng vua Gia Long xa nhất nhưng cùng nằm trên trục đường với những lăng tẩm còn lại. Để tiện cung đường di chuyển, buổi sáng Thảo ghé thăm lăng Gia Long sau đó về lăng Minh Mạng và cuối cùng đến lăng Khải Định.

Lăng Gia Long là lăng tẩm của vị vua sáng lập nên triều đại nhà Nguyễn.

Lăng Gia Long ở xa xôi hẻo lánh nhất nhưng cũng không kém phần yên bình, thơ mộng. Có lẽ vì cuộc đời quá nhiều thăng trầm, buôn ba từ năm 13 tuổi nên đến khi chết, vua Gia Long muốn tìm một nơi thanh bình để yên nghỉ chăng?

Lăng vua Gia Long
Lăng vua Gia Long

Lăng Gia Long có kiến trúc và bố cục đơn giản.

Không có nhiều nơi tĩnh dưỡng nghỉ ngơi cho vua khi còn sống như những lăng tẩm sau này.

Đến Lăng Gia Long điều Thảo thích nhất chính là câu chuyện cuộc đời của vị vua tài năng này. Đây là vị vua duy nhất cho vợ được chôn cất cạnh bên cạnh mình.

Bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu- mẹ của vua Minh Mạng là người vợ vào sinh ra tử với vua Gia Long. Hai ngôi mô của vị vua và hoàng hậu được an táng song hành với nhau thể hiện tình cảm son sắt, thủy chung và kính trọng hiếm thấy của vua với vợ. Rất tiếc, khu lăng mộ chỉ mở cửa vài ngày đặc biệt trong năm để cúng hay lau chùi.

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng là một trong những lăng tẩm được đánh giá là uy nghi, chuẩn mực nhất trong những kiến trúc của thời nhà Nguyễn.

Lăng Minh Mạng có bố cục cân bằng đối xứng. Xen giữa những công trình kiến trúc là hồ nước trồng sen, nuôi cá.

Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng

Vua Minh Mạng là người sùng Nho giáo và không thích phương Tây nên kiến trúc lăng cũng mang đậm ảnh hưởng Nho học.

Với thái độ thanh thản, ung dung trước cái chết của vua Minh Mạng nên không gian của lăng cũng hài hòa, đầy sức sống chứ không có cảnh u tịch, tang tóc.

Lăng Tự Đức – điểm du lịch đẹp ở Huế

Lăng Tự Đức gần thành phố Huế hơn ba lăng còn lại nên có nhiều khách tham quan hơn. Lăng vua nằm trong một thung lũng với non nước hữu tình thể hiện tính cách của một ông vua thi sĩ.

Đối lập với khung cảnh nên thơ hữu tình của lăng Tự Đức, cuộc đời của vị vua này lại lắm đau thương, bi ai. Vua Tự Đức trị vì khi đất nước bị lăm le dòm ngó, nội bộ triều đình lại lục đục, anh em bất hòa và bản thân vua lại ốm yếu, không có con.

Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức

Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do các quan bắt ép dân phu xây lăng quá hà khắc nên dân phu đã nổi loạn chày vôi. Họ dùng chày vôi – dụng cụ để xây lăng thời ấy để chiến đấu. Sau đó, tuy đã dẹp được cuộc nổi loạn nhưng vua Tự Đức đã viết bài biểu trần tạ tội và đổi tên thành Khiêm cung với dụng ý khiêm ngường để trị nước.

Chán cảnh triều chính lục đục cộng với tâm hồn thi sĩ lãng mạn, vua Tự Đức hay lui tới đây để nghỉ ngơi, sáng tác thơ.

Gần 50 công trình trong lăng đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Ông để người đời sau tự đánh giá công tội của mình.

Lăng Khải Định – lăng mộ xa hoa nhất ở Huế

Dù là công trình lăng có diện tích nhỏ nhất nhưng đây lại là công trình lăng tốn nhiều công sức và tiền của nhất của triều đình nhà Nguyễn. Đây là một công trình kết hợp giữa kiến trúc Á – Âu đặc sắc.

Lăng Khải Định kiêu kì với những hình vẽ tinh xảo trên trần và bức tượng chân dung trong điện Khải Thành lung linh tráng lệ của một ông vua thích xa hoa.

Lăng Khải Định
Lăng Khải Định

Vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, gạch, sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh để làm lăng tẩm cho mình.

Lăng khải Định có kiến trúc độc đáo độc nhất.

Chiếc Bửu tán trên pho tượng làm bằng bê tông cốt sắt nặng 1 tấn nhưng vô cùng mềm mại, thanh thoát. Người xem có cảm giác làm bằng nhung lụa rất nhẹ nhàng.

Lăng Khải Định
Lăng Khải Định

Bức tượng có tỉ lệ đúng bằng cơ thể thật của vua Khải Định được đúc tại Pháp và dát vàng bởi những nghệ nhân người Huế. Mộ phần của nhà vua nằm ngay dưới áng thờ này. Thêm một điều thú vị nữa là chỉ có vua Khải Định là người duy nhất xác định chính xác vị trí chôn cất thi hài.

Bảo tàng ở Huế

Bảo tàng cổ vật Cung Đình

Bảo tàng cổ vật Cung Đình này là nơi lưu trữ những hiện vật đã sử dụng trong cung đình Huế thời xưa. Đến đây, bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống cung đình Huế như thế nào qua những đồ dùng sử dụng hàng như như ấm, chén cho đến quần áo của hoàng tộc, bàn ghế, giường ngủ của vua nhà Nguyễn.

Các cổ vật ở đây có thể do các vua Nguyễn đặt hàng tử châu Âu, Trung Quốc chế tác theo ý thích rồi mang về nên độc nhất vô nhị, không có cái thứ hai.

Bảo tàng cổ vật Hoàng Cung
Bảo tàng cổ vật Hoàng Cung

Buổi sáng Thảo đi tham quan Đại Nội Huế, mua vé tham quan Đại Nội sẽ được tặng vé để tham quan Bảo tàng cổ vật.

Địa chỉ: 03 Lê Trực, Phú Hậu, Thành phố Huế.

Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng

Trung tâm nghệ thuật này là một bảo tàng thu nhỏ trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng.

Một lần tình cờ đi dọc bở sông Hương theo cầu đi bộ làm Thảo chú ý đến trung tâm này nên đã mua vé vào xem. Họa sĩ Lê Bá Đảng là họa sĩ người Việt nổi danh toàn thế giới. Từ năm 1939, khi tròn 18 tuổi, ông đã rời Việt Nam để vừa học vừa kiếm sống.

Khi đã nổi tiếng, ông đã đi đi lại lại giữa Việt Nam và Pháp để cống hiến tài năng của mình cho quê hương.

Bảo tàng tranh Lê Bá Đảng
Tinh thần thẳng thắng của họa sĩ Lê Bá Đảng

Nơi đây trưng bày rất nhiều tác phẩm đủ mọi kích thước của cố họa sĩ. Các đề tài đa dạng và nội tâm phong phú của tác giả như con người, đất nước, vũ trụ, chiến tranh…

Tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng
Bức tranh “Bàn chân Giao Chỉ ” khắc khổ của bao thế hệ người Việt thể hiện tình yêu với đất nước

Bàn chân Giao Chỉ khắc khổ hao hao hình đất nước. Thấp thoáng trong đó là hình ảnh những người mẹ còng lưng, những người vợ tần tảo mòn mỏi chờ chồng. Những người lao động sinh ra từ làng quê nghèo, sinh ra lớn lên trong một đất nước thuộc địa, phải chịu nhiều khổ cực. Trong đó phản phất một nỗi nhớ da diết, một nỗi đau tê tái cho dân tộc.

Một số tác phẩm của cố họa sĩ
Một số tác phẩm của cố họa sĩ

Gần 400 tác phẩm trong trung tâm nghệ thuật đều do cố họa sĩ tặng lại cho tỉnh Thửa Thiên Huế.

Đia chỉ Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng: 15 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, thành phố Huế

Ngoài Trung tâm nghệ thuật ở ngay trung tâm thành phố, còn có Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng rất quy mô ở huyện Hương Thủy, Huế.

Bảo tàng tranh thêu XQ – nơi lưu giữ nét duyên xứ Huế

Trong chuyến tham quan Huế thì không thể bỏ qua một địa điểm của nghề thêu truyền thống dân tộc. Nếu chưa tham quan XQ sử quán ở Đà Lạt thì đến bảo tàng tranh thêu XQ bạn sẽ thấy nghẹt thở bởi vẻ đẹp của những bức tranh thêu đẹp đến nao lòng.

Mỗi tác phẩm tranh thêu tay của nghệ nhân XQ đều chan chứa tình cảm nồng nàn với quê hương xứ sở.

Bảo tàng tranh thêu XQ
Tấm màn thêu hoa sen của XQ

Ngoài những bức tranh thêu hai mặt công phu, XQ còn lưu trữ những tinh hoa, nổi niềm của người sáng lập. Bảo tàng là nơi lưu trữ lịch sử, quá trình phát triển của nghề thêu truyền thống Việt Nam.

Phát ngôn siêu chất của XQ
Phát ngôn siêu chất của XQ

Địa chỉ: 1 Phạm Hồng Thái, Vĩnh Ninh, Thành phố Huế.

Chợ Đông Ba – ngôi chợ nổi tiếng của du lịch Huế

Trái ngược với khung cảnh trầm tư, yên bình của sông Hương, núi Ngự thì chợ Đông Ba là một chợ lớn, buôn bán rất háo nhiệt.

Chợ Đông Ba nằm giữa cầu Tràng Tiền với cầu Gia Hội. Hầu như ai đến Huế cũng phải ghé chợ Đông Ba cho biết.

Lần đầu tiên đến chợ Đông Ba, Thảo bị choáng ngợp bởi vô số gian hàng ở đây. Mỗi gian chỉ có một không gian nhỏ nên các mặt hàng được bày từ thấp lên cao dần.

Ấn tượng nhất với Thảo là hàng bán nón lá, hàng bán mắm tôm chua – đặc sản của xứ Huế.

Chợ Đông Ba
Hàng nón trong chợ Đông Ba
Nón bài thơ của Huế
Nón bài thơ của Huế

Chợ bán những mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm, đồ ăn uống, quần áo, vải vóc… cho đến hàng vàng mã, đồ gốm, đặc sản Huế mua về làm quà.

Cảnh buôn bán khát nhộn nhịp, người bán hàng chào mời liên tục nên phải vững tâm lắm mới có thể đi ra mà không mua thứ gì.

Mắm tôm chua - đặc sản xứ Huế
Mắm tôm chua, mắm ruốc đều là đặc sản xứ Huế

Lầu 2 bày bán hàng thủ công mỹ nghệ như gốm của làng Phước Tích, đồ đan tre, nón lá…

Lầu 3 là các sạp vải, quần áo. Nói nhỏ là bạn có thể lựa được những tấm vải áo dài đậm chất Huế ở đây.

Người bán hàng cũng kiêng kỵ sáng sớm khách xem hàng mà không mua. Vậy nên đi thăm quan chùa chiền, lăng tầm buổi sáng và ghé chợ Đông Ba buổi xế chiều để tiện mặc cả giá cả. Buổi chiều cũng là lúc các gian hàng đồ ăn được bán nhiều hơn. Nào là bún bò Huế, chè, bánh…

Du lịch Huế về đêm

Nếu ban ngày Huế trầm lắng, hoài cổ thì ban đêm khi lên đèn cả thành phố lại mang màu sắc lịch lãm, kiêu kỳ.

Cầu Trường Tiền ban đêm
Cầu Trường Tiền ban đêm
Kinh thành Huế ban đêm
Kinh thành Huế ban đêm
Kinh thành Huế ban đêm
Cột cờ phía trước kinh thành Huế ban đêm

Làng cổ Phước Tích

Từ thành phố Huế, chịu khó chạy thêm 40km theo đường quốc lộ 1A là tới làng cổ Phước Tích. Đường đẹp nên xe chạy vun vút, tầm 50 phút là Thảo đã tới làng cổ.

Ngôi làng nằm nơi giao nhau giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Từ làng cổ Phước Tích chạy thêm 20km là tới thành cổ Quảng Trị có thể kết hợp luôn trong một chuyến hành trình.

Làng cổ nằm lặng lẽ bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa. Ngôi làng này đã hơn 500 năm tuổi và trở thành di tích cấp quốc gia.

Không gian hoài cổ tại làng Phước Tích
Không gian hoài cổ tại làng Phước Tích

Những ngôi  nhà cổ ở đây cũng đã gần nửa thế kỷ với lối kiển trúc độc đáo. Những ngôi nhà được ngăn cách nhau bởi những khu vườn, hàng chè, hàng cau xanh rì. Đã sống ở thời hiện đại chỉ biết đến nhà cao tầng, nhà kiểu Nhật, kiểu Thái… nên đến đây Thảo rất thích thú với những mái nhà phủ kín rêu phong, mộc mạc của làng quê xưa.

Mơ màng với nét cổ kính của những ngôi nhà đậm chất làng quê xưa
Mơ màng với nét cổ kính của những ngôi nhà đậm chất làng quê xưa

Làng cổ nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống. Thời xa xưa, gốm Phước Tích được làm để dâng lên vua Nguyễn.

Thông tin thêm

Nên đi du lịch Huế mùa nào? 

Mùa mưa ở Huế kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Mùa khô từ tháng 4 đến tháng 10.

Du lịch Huế ngày nắng sẽ thuận lợi để đi lại vui chơi tuy vậy có thể sẽ nắng nóng nhất là khi có gió Phơn ( gió Lào).

Khuyến cáo không nên đi du lịch Huế một mình vào mùa mưa!

Huế vốn đã chậm, đã bình yên vậy mà mưa trên phố Huế lại làm thành phố đượm buồn nhất là đi du lịch một mình. Mùa mưa ở Huế thường rất lạnh.

Trong khi  những cặp tình nhân khác đang siết tay nhau đi dưới con mưa dông, chắc chắn bạn nào đi du lịch một mình sẽ thấy cô đơn kinh khủng. Đổi lại, mùa mưa ít khách du lịch nên đỡ chen chúc, xếp hàng.

Những ngày mưa khiến Huế thêm lãng mạn
Những ngày mưa khiến Huế thêm lãng mạn

Đã đến Huế cả ngày nắng lẫn ngày mưa nhưng quả thật mưa ở Huế làm Thảo xao xuyến khó quên. Dưới bầu trời âm u não nề, cầm dù đi dạo những những hàng thông, hàng sứ cổ thụ gợi nỗi buồn man mác, nổi day dứt khó tả. Giờ đã xa Huế rồi mà vẫn còn muốn quay trở về nơi ấy để đắm chìm trong nguồn cảm xúc dào dạt ngày nào.

Đi du lịch Huế mặc đồ gì?

Đi du lịch Huế nên mặc đồ kín đáo, lịch sự nhất là vào Đại Nội, lăng tẩm hay chùa chiền. Đẹp nhất vẫn là tà áo dài tím truyền thống gây thương nhớ hay những trang phục cổ trang hoàng cung thời xưa như áo dài Nhật Bình thuê ở tiệm.

Đọc thêm: Bật mí kinh nghiệm du lịch Hội An

Tác giả: Thảo Thảo

 

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận