Có gì ở 7 địa điểm du lịch Hội An?

Rate this post

Hội An có gì đặc biệt mà dân tình đổ nhau check-in ầm ầm vậy? Tính sơ qua, trong lòng phố cổ Hội An có đến vài chục điểm tham quan du lịch và cả ngàn công trình kiến trúc cổ.

Hội An có gì?

Đã đến Hội An hai lần trước đó nhưng phải đến lần thứ 3, khi tìm hiểu kĩ càng mới thấy Hội An đẹp biết bao.

Hội An là một cảng đô thị kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây. Hội An hình thành từ cuối thế kỉ XVI. Sau đó phát triển lên thành một thương cảng sầm uất vào thời đó.

Cùng với Mỹ Sơn, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999.

Dạo quanh phố cổ.

Một trong những điểm chụp hình đẹp ở Hội An là những con đường, hẻm check-in Hội An. Dù là đi một mình, cặp đôi, đi với bạn hay chụp ảnh cưới thì đi Hội An đều hợp cả.

Những ngôi nhà màu vàng kết hợp với mọi trang phục phong cách cổ điển hay hiện đại chính là concept chụp hình được “bão like”.

Những con hẻm chụp hình siêu chất.
Những con hẻm chụp hình siêu chất.

Đi dạo dọc theo các con đường ở phố cổ, đâu đâu bạn cũng sẽ bắt gặp những con đường dài, nhà cửa san sát nhau. Buổi chiều tà sẽ nhuộm vàng cả khu phố. Mọi thứ trở bỗng hóa mơ mộng, dịu dàng.

Phố đi bộ bắt đầu cấm xe máy từ 3 giờ chiều. Thong thả tản bộ hay đạp xe để khám phá nơi đây.

Phố cổ soi bóng xuống con sông Hoài thơ mộng. Sông luôn đầy ắp nước, êm đềm trôi bên cầu An Hội rực rỡ sắc màu.

Sông Hoài và cầu An Hội.
Sông Hoài và cầu An Hội.

Nhiều người dân xứ Hội kiếm sống bằng nghề chèo thuyền phục vụ du khách. Dạo quanh con đường Bạch Đằng, bạn sẽ thấy có rất nhiều thuyền nhỏ neo đậu, chở du khách ra giữa dòng sông để ngắm nhìn phố cổ.

Hoa giấy ở phố cổ

Dọc theo con đường ven sông Hoài Hội An có vô số ngôi nhà phủ kín bởi dàn hoa giấy rực rỡ. Bên cạnh những mái ngói ngả màu rêu phong cổ kính là những giàn hoa giấy đẹp mơ màng. Hoa giấy tô xuyến cho cảnh đẹp phố cổ vừa tạo bóng mát, vừa thêm phần cổ kính.

Hoa giấy ở Hội An có nhiều màu nhưng nhiều nhất vẫn là màu đỏ. Các bạn trẻ đến đây chụp hình sống ảo bên giàn hoa đến khi “cháy cả máy”. 

hoi-an-co-nhung-diem-du-lich-nao-4
Dàn hoa giấy rực rỡ ở nhà cổ.

Để có những bức hình đẹp thì không nên mặc quần áo có màu nổi hơn màu hoa. Kinh nghiệm chụp hình ở Hội An là chụp lúc có ánh nắng mặt trời sẽ khiến hoa thêm rực rỡ.

Địa chỉ: ngôi nhà số 48A đường Bạch Đằng. Ngoài ra, rất nhiều nhà ở phố cổ cũng có hoa giấy nhé.

Nhà cổ ở Hội An có gì đặc biệt?

Vội gì thì vội chứ nhà cổ luôn là điểm dừng chân tham quan cho dù có đi du lịch Hội An 1 ngày đi chăng nữa.

Những ngôi nhà này có lịch sử hàng trăm năm. Nhà cổ là tài sản vô giá được truyền lại cho con cháu mà đến nay chắc đã qua 4, 5 thế hệ. Bên trong những ngôi nhà này có thể có những cụ ông cụ bà tóc đã bạc phơ.

Nhà cổ Tấn Ký.
Nhà cổ Tấn Ký.

Đây vừa là nhà ở vừa để buôn bán nên những ngôi nhà phố kiểu hình ống một hoặc hai tầng. Mỗi ngôi nhà đều có sự kết hợp của kiến trúc Việt, Hoa và Nhật. Sự kết hợp độc đáo này mang lại sự độc đáo, tao nhã cho phố thị.

Có hơn chục ngôi nhà ở Hội An mở cửa cho khách tham quan. Nổi bật trong số đó như:

  • Nhà cổ Tấn Ký (101 Nguyễn Thái Học)
  • Nhà cổ Phùng Hưng (4 Nguyễn Thị Minh Khai)
  • Nhà cổ Đức An (129 Trần Phú)
  • Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên (80 Nguyễn Thái Học)
  • Nhà thờ cổ tộc Trần ( 21 Lê Lợi)
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên.
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên.

Tham quan những ngôi nhà này giúp Thảo hiểu thêm cuộc sống vương giả và nền văn hóa đỉnh cao của các tiền nhân. Những đồ gốm, tranh vẽ, cổ vật quý giá được kỳ công mang từ Trung Hoa qua Hội An thời bấy giờ.

Muốn đi tham quan nhà cổ, du khách cần mua combo tham quan 3 điểm hoặc 5 điểm tùy chọn. Bao gồm nhà cổ, bảo tàng, chùa, hội quán …

Trong đó nhà cổ Tấn Ký là nhà cổ nhất ở Hội An với gần 200 năm, nhà cổ Quân Thắng được đánh giá là một trong những nhà cổ đẹp nhất, nhà cổ Đức An lại có nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử.

Chùa ở Hội An.

Điểm tham quan kế tiếp là những ngôi chùa đậm chất Trung Hoa ngay trong lòng xứ Hội.

Hội quán Quảng Đông.
Hội quán Quảng Đông.

Ngày xưa, thời kì phồn thịnh của Hội An, các thương gia người Hoa đến buôn bán, sinh sống và lập chùa ở đây.

Những bức phù điêu, tranh vẽ trong chùa đều đậm màu sắc văn hóa, tín ngưỡng của Trung Hoa. Điểm đặc biệt của chùa là khu vực giếng trời ngay ở gian chính. Điều này tạo cho chùa Hoa một sự sáng sủa, thoáng mát.

Hội An có những ngôi chùa nào?

  • Miếu Quan Công
  • Hội quán: Phúc Kiến, Quảng Triệu, Hải Nam, Triều Châu.
  • Đình Cẩm Phô

Hội quán Quảng Đông là một trong những địa điểm check in Hội An.

Thảo ấn tượng vì những đường nét chạm trổ rất tinh xảo, sắc nét. Kiến trúc của chùa đều có những màu nổi như màu đỏ, cam, hồng… đảm bảo cho bạn những tấm hình ” siêu chất “.

 Cổng chùa bà Mụ.
Cổng chùa bà Mụ.

Chùa Bà Mụ được khởi dựng vào năm 1626 nên có kiến trúc hoài cổ, lên ảnh lung linh.

Di tích chùa Bà Mụ có không gian thoáng đãng, hồ nước, cây xanh… Ngoài là địa điểm tâm linh của người Hội An, chùa bà Mụ còn là nơi chụp ảnh “so deep” với giới trẻ.

Địa chỉ: trên trục đường Hai Bà Trưng.

Tham quan cầu Nhật Bản độc nhất ở Hội An.

Là biểu tượng của Hội An và được in trên tờ tiền 20.000 đồng hiện nay.

Chùa cầu là ngôi chùa nằm ngay trên một cây cầu bắc qua con lạch nhỏ ngay trong phố cổ.

Chiếc cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Cầu dài 18m. Đây là chiếc cầu do người Nhật xây dựng nên còn được gọi là cầu Nhật Bản.

Những họa tiết trang trí cho chùa cầu đều mang màu sắc của đất nước phù tang. Cầu làm hoàn toàn từ gỗ. Mái lợp ngói. Trên cầu có ngôi chùa nhỏ và lan can để nghỉ mát, ngắm cảnh.

Hội An về đêm có gì?

Phố đèn lồng.

Một điều đặc biệt ở Hội An về đêm là những chiếc đèn lồng. Đèn lồng ở Hội An không chỉ để thắp sáng mà còn để trang trí.

Phố đèn lồng là một trong những cảnh đẹp Hội An bạn nên ghé đến. Đèn lồng là thứ không thể thiếu trong kiến trúc nhà của người Nhật, người Hoa. Đèn lồng đã xuất hiện rất lâu ở Hội An xưa.

Đèn lồng Hội An.

Xưa kia, người Hoa qua Hội An sinh sống đã làm đèn lồng để đỡ nhớ cảnh sắc quê nhà. Qua năm tháng được nghệ nhân phát triển ngày càng tinh tế, sang trọng hơn.

Khi màn đêm buông xuống, cả ngàn chiếc đèn được thắp sáng lung linh dọc theo các con phố, con hẻm.

Đèn lồng là một trong những sản phẩm truyền thống. Đèn lồng làm bằng tre, trúc và vải lụa. Qua bàn tay khéo léo của con người tạo nên. Những chiếc đèn Hội An có những hình dáng khác nhau như tròn, trám, tỏi, kim cương, …Hoa văn trên mặt vải cũng là hoa văn truyền thống. Tùy theo màu sắc vải mà mỗi chiếc đèn lại có màu sắc khác nhau.

Phố bán đèn lồng Hội An.
Phố bán đèn lồng Hội An.

Ban ngày, Hội An nhộn nhịp tấp nập người mua, kẻ bán. Những bức tường vôi vàng nổi bật bên dòng sông Hoài êm ả. Ban đêm, phố cổ khoác lên màu sắc cổ trang huyền bí của đèn lồng. Không chỉ các ngôi nhà mà đến những con thuyền cũng được trang trí lồng đèn rất đẹp mắt.

Đặc biệt, ngày 14-15 khu phố cổ tắt hết đèn điện để ngắm trăng. Cả phố sáng lên bởi ánh nến, đèn lồng hết sức lãng mạn.

Địa chỉ phố đèn lồng: chợ đêm đường Nguyễn Hoàng ngay trong phố cổ.

Thả hoa đăng.

Tối đến những bà cụ ngồi bán hoa đăng bên sông.
Tối đến những bà cụ ngồi bán hoa đăng bên sông.

 

 

 

Theo truyền thống, người Hội An cứ tối mùng 14, 15 âm lịch hàng tháng sẽ thả đèn hoa đăng xuống sông Hoài.

Hoạt động thả hoa đăng có từ trăm năm nay. Từ khi du lịch Hội An phát triển, bạn có thể mua hoa đăng dọc theo bờ sông.

Ngày nào cũng có thể trải nghiệm cảm giác tự tay mình thả hoa đăng xuống sông hay thuê thuyền nhỏ ra giữa lòng sông để thả đèn. Tuy vậy thả hoa đăng nhiều nhất vẫn là ngày 14-15.

Hãy cầu nguyện những điều ước để những chiếc hoa đăng gửi tới vũ trụ bao la.

 

 

Về đêm có gì chơi ở Hội An?

Nếu về đêm khách du lịch hoang mang không biết đi đâu ở Hội An thì câu trả lời là chơi bài chòi.

Bài chòi là một trò chơi dân gian ở miền Trung.

Bài chòi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Trong khu phố cổ Hội An có tổ chức chơi bài chòi hàng đêm. Mỗi ván bài đều thu hút rất nhiều người tham gia.

Chơi bài chòi ở phố cổ.
Chơi bài chòi ở phố cổ.

Người chơi sẽ được ngồi trên những chiếc chòi cao, làm bằng tre nứa.

Vừa được chơi, vừa được nghe tiếng hát, tiếng trống rất bay bổng. Không gian như sống lại một thời ký ức xưa với lễ hội, trò chơi dân gian.

Địa chỉ: Bài chòi được tổ chức ngay phố Nguyễn Thái Học và công viên Kazick.

Địa điểm mới ở Hội An.

Công viên ấn tượng Hội An.

Đổi gió một chút, có một điểm du lịch mới ở Hội An mà Thảo rất bất ngờ khi ghé thăm là Công viên ấn tượng Hội An.

Công viên có nhiều góc check-in Hội An cực ” ngầu”. Nhìn bên ngoài thì khó đoán được hết quy mô của công viên này..

Đây là điểm vui chơi mới ở Hội An. Bên cạnh những ngôi nhà được xây kiểu cổ còn có những tiểu cảnh thú vị khác.

Đầu tiên là khung cảnh làng quê Việt Nam thanh bình thời xưa. Từ cây rơm, đàn trâu cho đến giàn bí, ngôi nhà ba gian.

Nhà vùng quê Bắc Bộ.
Làng quê xưa trong công viên Ký Ức Hội An.

Kế đó là không gian đậm chất Nhật Bản. Từ nhà truyền thống của người Nhật, trường học Ninja cho đến những bộ quần áo Kimono. Ngoài ra còn có khu phố Hoa với những cây cầu cong vút bắc qua mặt nước trong xanh. Phía sau có khu trò chơi leo dốc, ma trận…

Buổi tối cuối tuần, công viên là nơi diễn ra Show Ký ức Hội An hoành tráng kéo dài một tiếng đồng hồ. Đây là chương trình tái hiện thời kỳ vàng son của Hội An xưa. Hay như một người dàn dựng chương trình đã khẳng định: “Hãy cho tôi một giờ, tôi sẽ khiến bạn tự hào khi là người Việt Nam”.

Bảo tàng tranh Di sản vô giá.

Đây là bảo tàng ảnh nha mọi người. Có thể nhiều người sẽ nghĩ bụng Thảo chắc muốn giết thời gian nên mới đi coi bảo tàng ảnh.

Nói nghiêm túc là bảo tàng này đặc biệt lắm nha. Đây là nơi mà nhiều du khách nước ngoài đến Hội An không hết lời khen ngợi.

Bảo tàng Di sản vô giá.
Bảo tàng Di sản vô giá.

Bảo tàng được thành lập năm 2017. Mặc dù đi Hội An vài lần nhưng đến lần thứ 3 Thảo mới có dịp được ghé thăm.

Đây là bảo tàng của nhà nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Nếu bạn thấy anh này lạ hoắc thì bạn có biết bức ảnh ” Nụ cười ẩn giấu” đã được rất nhiều giải thưởng quốc tế không? Réhahn chính là tác giả của bức tranh đó.

Bảo tàng Di sản vô giá.
Bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” và Bảo tàng Di sản vô giá.

Bảo tàng trưng bày 200 bức ảnh đặc sắc nhất trong cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam của tác giả.

Ngoài rất nhiều ảnh có bộ sưu tầm trang phục của các dân tộc thiểu số Việt Nam và hành trình khám phá Việt Nam đầy cảm hứng của tác giả.

Địa chỉ bảo tàng: 26 Phan Bội Châu, Hội An.

Thời điểm lý tưởng đi du lịch Hội An?

Cũng như nhiều nơi khác, bạn nên tìm hiểu thời tiết ở Hội An trước khi đi.

Thời tiết ở Hội An đẹp nhất từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Lúc này, trời nắng nhẹ mà vẫn giữ tiết trời xuân mát mẻ.

Từ tháng 5 tới tháng 9, Hội An cũng như miền Trung sẽ rất nắng nóng. Tuy vậy, đây là mùa du lịch cao điểm.

Sau tháng 9, trời bắt đầu chuyển vào mùa mưa bão. Nhiều năm, lụt lên cao ngập hết cả khu phố cổ.

Hội An ở đâu?

Hội An là một thành phố của tỉnh Quảng Nam. Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Trong các tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi “Faifo”.

Hội An cách thành phố Đà Nẵng gần 30km, Tam Kỳ khoảng 50km và cách thánh địa Mỹ Sơn 40km.

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
l
Mr nam
2 năm trước

2 chu Tuyệt vời