Ai vô xứ Nghệ phải thuộc làu 5 địa điểm du lịch Nghệ An này

Rate this post

Ngoài làng Sen quê Bác, Nghệ An còn có những địa điểm du lịch siêu đẹp, sống ảo siêu chất không kém. Vùng đất miền Trung này gắn liền với tên tuổi nhiều vị anh hùng lịch sử. Ngoài ra, mỗi lần nhắc đến Nghệ An chắc ai cũng ngân nga câu:

“Ai vô xứ nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”

Nghệ An nhìn từ trên cao trông như thế nào?

Vừa mới đến Vinh thì Thảo lại có việc phải bay vào Sài phố. Vậy là có cơ hội ngắm nghía thành phố Vinh từ trên máy bay. Sân bay Vinh nhỏ xinh mà cũng đầy đủ tiện nghi cơ bản. Không cần vội vã, hối hả như ở Hà Nội hay Sài Gòn.

Chỉ vừa cất cánh 1-2 phút là Thảo đã được ngắm trọn thành phố Vinh xinh đẹp ngay phía dưới. Đặc biệt là dòng sông Lam uốn lượn những đường nét quyến rũ vốn gắn liền với đội bóng sông Lam Nghệ An huyền thoại.

Nghệ An nhìn từ trên cao
Nghệ An nhìn từ trên cao

Làng Sen quê Bác – Điểm du lịch nổi tiếng Nghệ An

Làng Sen thuộc xã Kim Liên ( Nam Đàn, Nghệ An) chỉ cách thành phố Vinh tầm 15km. Làng sen từ lâu đã là nơi người con đất Việt nào cũng muốn ghé thăm một lần trong đời. Quê nội và quê ngoại của bác cùng thuộc xã Kim Liên.

Bác cùng gia đình chuyển về đây sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc – cha của bác đậu Phó bảng. Lúc này mẹ bác – bà Hoàng Thị Loan đã mất ở Huế. 

Từng đoàn người đến thăm làng Sen
Từng đoàn người đến thăm làng Sen

Thảo đến quê nội của bác tức làng Sen trước. Mới đi lần đầu nên thật sự Thảo khá bất ngờ bởi toàn khu du lịch là những ngôi nhà tranh. Mà cũng đúng thôi, thời đấy dù là nhà khá giả thì nhà cửa cũng đơn sơ, giản dị chứ không phải nhà cao cửa rộng như bây giờ.

Làng Sen quê Bác có gì?

Ở khu lịch làng Sen, bên cạnh nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc còn có nhà của một vài hộ hàng xóm. Trong đó có nhà cụ cử Vương Thúc Quý – thầy dạy học cho Bác lúc còn nhỏ. Đây là những ngôi nhà được phục dựng lại.

Ao sen, hàng cau thẳng tắp, lũy tre xanh gợi lên những kí ước về làng quê xưa. Giếng nước dùng chung của cả làng.

Giếng làng Sen
Giếng cổ từ thế kỉ XVIII nơi Bác vẫn đi lấy nước về cho cả nhà dùng

Men theo con đường nhỏ dẫn vào nhà bác là bóng mát của tán cây, hàng rào dâm bụt hay ao sen xanh ngát. Hàng xóm của bác đều là những gia đình khá giả, trọng chữ nghĩa.

Những nếp nhà đơn sơ, thấp, nền đất, làm từ gỗ, tre, lợp tranh mía, phía trước treo những tấm rèm để che mưa, nắng. Người cao lớn đi ra đi vô còn phải khum lưng xuống cho khỏi đụng đầu. Trước nhà là vườn rau, đậu đủ loại.

Nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh bác Hồ
Nhà 5 gian của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh bác Hồ

Đây là mái nhà mà Bác Hồ kính yêu đã sống 5 năm từ năm 1901-1906.

Lúc bé, Bác cùng gia đình sống ở quê ngoại. Năm 1901, cụ Sinh Sắc đậu Phó bảng. Dân làng Kim Liên dựng ngôi nhà 5 gian này để mừng cụ thì gia đình Bác lại chuyển về sống tại đây.

Dù đỗ đạt nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn sống rất thanh đạm. Đồ đạc trong nhà chủ yếu do dân làng đem tặng.

Một gian nhà của Bác
Một gian nhà của Bác

Một số di tích khác ở làng Sen gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ:

  • lò rèn Cố Điền
  • nhà thờ họ Nguyễn Sinh
  • nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm – ông nội của chủ tịch Hồ Chí Minh
  • khu một của bà Hoàng Thị Loan ( mẹ của Bác) cách làng Sen hơn 6km.

Quê ngoại Bác Hồ – Địa điểm du lịch đáng nghé ở Nghệ An

Quê ngoại của bác là làng Hoàng Trù, chỉ cách quê nội có 2km.

Thảo đến khu du lịch làng Trù khi đã xế trưa nhưng vẫn có rất đông khách tham quan. Xúc động nhất khi nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh về những năm tháng gia đình Bác ở ngôi nhà này. 

Cha của bác tức ông Nguyễn Sinh Sắc vốn là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi lên 4 tuổi. Ông đã phải bươn chải kiếm sống, đi chăn trâu, cắt cỏ và không được tới trường. Vì hiếu học nên đi đâu ông cũng mang sách theo để học.

Cảm thương cho số phận thiệt thòi của cậu bé nghèo hiếu học. Cụ Hoàng Đường- một thầy giáo trong làng đã nhận cụ Sinh Sắc làm con nuôi, cho ăn học.

Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường - ông ngoại của Bác
Nhà của cụ Hoàng Đường – ông ngoại của Bác ( bên phải) và nhà cha mẹ Bác ( bên trái)

Với sự dạy bảo tận tình của cụ Hoàng Đường thì cậu bé Sinh Sắc ngày càng học hành tấn tới, nổi tiếng khắp vùng. 

Đến năm Sinh Sắc tròn 18 tuổi, thương con gái và con nuôi có tình cảm với nhau. Cụ Hoàng Đường vượt qua lễ giáo phong kiến môn đăng hộ đối. Cụ chấp nhận cho hai con đến với nhau và dựng căn nhà ba gian bên cạnh để hai con xây dựng tổ ấm.

Căn nhà nơi Bác chào đời

Từ căn nhà đơn sơ này mà ba chị em bác lần lượt ra đời.

Chiếc giường nhỏ nơi Bác cất tiếng khóc chào đời ngày 19/5/1890. Tên khai sinh của Bác lúc ấy là Nguyễn Sinh Cung. Trước Bác là chị gái Nguyễn Thị Thanh và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm.

Hàng ngày bà Loan dệt vải bên cạnh. Bà đưa cánh võng và ru ba chị em Bác vào giấc ngủ.

Chiếc võng Bác nằm ngày nhỏ
Chiếc võng Bác nằm khi xưa

Sau này khi về thăm quê sau hơn 50 năm xa cách, Bác đã bảo đây là nhà của Bác.

Đền thờ vua Quang Trung – Nghệ An có gì đặc biệt?

Thảo ghi chú lại có 3 điểm thăm quan cùng một hướng là đền ông Hoàng Mười, đền thờ vua Quang Trung và nhà lưu niệm Nguyễn Du. Vậy là từ hơn 1 giờ chiều là bắt đầu xuất phát. Đi mấy chổ gần gần trước cho đỡ nắng. Nhà lưu niệm Nguyễn Du ở xa nhất nên để đi sau cùng.

Ban đầu Thảo cũng khá thắc mắc vì sao lại có một ngôi đền lớn thờ vua Quang Trung ở Nghệ An như vậy. Lục tìm trên mạng mới biết xứ Nghệ là quê hương ông tổ 4 đời của vị vua áo vải này. 

Đền nằm trên đỉnh núi Dũng Quyết. Từ trung tâm thành phố chạy khoảng 6km là tới chân núi. Đường lên núi rộng rãi, xe máy, ô tô đều có thể chạy lên đến tận đỉnh. 

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung ở Nghệ An
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung ở Nghệ An

Kiến trúc đền mang dáng dấp của đền chùa miền Bắc. Đền làm bằng gỗ lim, tấm bình phong bằng đá giữa sân, mái ngói cong vút như hình con thuyền… đều gợi vẻ uy nghi, hoài cổ.

Thảo ghé đến ngày thường nên cũng ít khách tham quan. Chẳng nghi ngút khói hương như những nơi đền chùa nổi tiếng khác. Bởi vậy mà cảm thấy bình yên, tĩnh mịch đến lạ lùng. 

Hàng năm đền thờ Quang Trung có 2 ngày lễ lớn:

  • Ngày 29/7 âm lịch – ngày giỗ của vua Quang Trung
  • Ngày mùng 5/1 âm lịch – ngày Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa
Tượng quần thần đứng chầu ở sân đền
Tượng quần thần đứng chầu ở sân đền

Đền ông Hoàng Mười – Địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Nghệ An

Mặc dù có gốc gác ở vùng Nghệ Tĩnh nhưng Thảo lại sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên. Quả thật, văn hóa xứ Nghệ có nhiều thứ lạ lẫm, thú vị đối với người con phương xa như Thảo.

Đền ông Hoàng Mười chỉ cách đền thờ vua Quang Trung chưa đầy 2km. Đền này còn gọi là đền Củi.

Đền nằm bên cạnh một nhánh của sông Lam thơ mộng, nước chảy êm đềm. Trái ngược với không gian cổ kính, đượm buồn của đền Quang Trung, đền ông Hoàng Mười rất nhộn nhịp. Cái đầu tiên làm Thảo sững lại chính là cả dãy hàng bán mâm lễ, vàng mã hay viết sớ từ cổng vào. 

Ông Hoàng Mười là ai?

Ông Hoàng Mười là nhân vật được hóa thân từ một trong những người anh hùng có công đất nước. Ông được xem là một Đức Thánh Minh trong hàng các ông Hoàng.

Ông Hoàng Mười được người dân sùng bái, ngưỡng mộ, thờ cúng ở nhiều nơi trong cả nước.

Ngựa cúng trong đền
Ngựa cúng trong đền

Đền đã có gần 400 năm nhưng bị chiến tranh phá hủy nên mới xây dựng lại năm 1995.

Hàng năm, đền ông Hoàng Mười có lễ hội rước sắc vào dịp 14/3 và lễ giỗ ông Hoàng Mười vào dịp 10/10 âm lịch.

Đền ông Hoàng Mười với bình phong trước sân
Đền ông Hoàng Mười với bình phong trước sân

Đây cũng là nơi thờ cúng đạo mẫu- tín ngưỡng dân gian của người Việt. Đối với những bạn còn lạ lẫm với tín ngưỡng này thì thực sự việc thờ Thánh mẫu rất phổ biến ở nước mình.

Miền Bắc đã thờ đạo mẫu từ xa xưa còn miền Nam do lịch sử khai phá gần đây, đạo mẫu thể hiện qua: việc thờ bà Đen ( Tây Ninh), bà chúa Xứ ( Châu Đốc), bà Thiên Hậu….

Nhà lưu niệm Nguyễn Du- Địa điểm du lịch gần Nghệ An

Cụ Nguyễn Du (1765 – 1820) quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chổ này gần Vinh hơn so với thành phố Hà Tĩnh: cách thành phố Vinh khoảng 13km và cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 50km.

Nhà lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng trên mảnh vườn nhà cụ. Đây là nơi trưng bày một số hình ảnh, hiện vật quý liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn- Tiên Điền. 

Phía trước sân là bức tượng của cụ Nguyễn Du.

Khu lưu niệm Nguyễn Du
Khu lưu niệm Nguyễn Du

Nguyễn Du là ai?

Cụ Nguyễn Du vốn làm quan triều Lê nhưng nổi tiếng là nhà thơ kiệt xuất. 

Tác phẩm Đoạn trường tân thanh (còn gọi là Truyện Kiều, Kim Vân Kiều truyện ) của cụ là truyện thơ nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam. Không những vậy, Nguyễn Du còn là một Danh nhân văn hóa thế giới, được cả thế giới biết đến và công nhận.

Tranh minh họa cho Truyện Kiều ở bảo tàng Nguyễn Du
Tranh minh họa cho Truyện Kiều ở bảo tàng Nguyễn Du

Bảo tàng Nguyễn Du gồm 2 tầng, lưu giữ những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ.

Thảo ấn tượng bởi những bộ sưu tập độc lạ của truyện Kiều. Từ Truyện Kiều viết theo lối thư pháp, bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, tranh minh họa…

Bình uống rượu của cụ Nguyễn Du lúc sinh thời
Bình uống rượu của cụ Nguyễn Du lúc sinh thời

Trong khu vực nhà lưu niệm còn có di tích, nhà thờ cũng như đền chùa gắn liền với dõng dõi của cụ Nguyễn Du. Đi thêm 1km nữa là đến mộ của cụ. Ngôi mộ được xây dựng lại khang trang trong khuôn viên có mái che mưa nắng.

Biển Cửa Lò – Địa điểm du lịch nằm ở Nghệ An

Cửa Lò là địa điểm du lịch biển ưa chuộng của dân Nghệ. Cách thành phố Vinh khoảng 18km.

Bờ biển tại đây dài và còn khá hoang sơ. Thảo đến biển chơi một buổi chiều. Buổi tối ở Cửa Lò ngoài ăn uống thì cũng còn ít dịch vụ giải trí, vui chơi. 

Biển Cửa Lò
Buổi chiều cuối tuần ở biển Cửa Lò

Những điểm đến mới ở Nghệ An màThảo chưa đi?

  • Đồi chè Thanh Chương

Nằm cách Vinh khoảng 50km. Đây là địa điểm đi phượt đẹp ở Nghệ An. Chè được trồng theo hàng bậc thang quanh các hòn đảo. Hồ nước bao quanh các ốc đảo trồng chè nhìn rất thơ mộng.

  • Cánh đồng hoa hướng dương Nghĩa Đàn

Cách Vinh khoảng 90km. Nơi này được công nhận là cánh đồng hoa hướng dương lớn nhất Việt Nam.

Cánh đồng hoa rộng mênh mông 100ha là địa điểm check in của nhiều bạn trẻ. Đến khoảng tháng 3-4 và tháng 11- 12 là lúc hoa nở rực rỡ nhất.

  • Vườn quốc gia Pù Mát- điểm du lịch sinh thái nên ghé thăm.

Vườn quốc gia cách thành phố Vinh hơn 110km và sát biên giới với Lào.

Nên đi du lịch Nghệ An vào thời điểm nào trong năm?

Nghệ An ở miền Bắc Trung Bộ nên có khí hậu rất đặc trưng.

Từ tháng 5 tới tháng 8 dương lịch có gió phơn ( gió Lào) rất khô nóng. Từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau trời thường có mưa. Lạnh nhất là khoảng tháng 11-12, có khi nhiệt độ xuống 0 độ C ở các huyện miền núi Nghệ An.

Từ tháng 5 đến tháng 8 chính là mùa du lịch biển Cửa Lò lí tưởng nhất.

Tháng 3-4 và tháng 11-12 để đi săn hoa hướng dương.

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận