9+ sai lầm đầu tư chứng khoán gây mất sạch tiền

Rate this post

Có hàng tá sai lầm trong đầu tư chứng khoán gây mất tiền. Tương ứng với đó hàng ngàn nhà đầu tư tan cửa nát nhà vì chứng khoán.

Theo thống kê thì có 90% nhà đầu tư chứng khoán bị thua lỗ. Tất nhiên, bạn KHÔNG CẦN RUN vì những nhà đầu tư thua lỗ này đa phần là những người giao dịch mua – bán trong ngày.

Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán là công việc không kém phần chông gai. Mỗi vụ cháy tài khoản là do vô số những lần sa hầm sụt hố với hàng loạt những bài học xương máu.

Có nhiều sai lầm gây mất tiền trong đầu tư chứng khoán. Đó là lý do tại sao bạn phải cố gắng “tránh như tránh tà”.

Dưới đây là một số lỗi sai thường gặp trong đầu tư gây mất tiền. Thảo đã tích góp lại từ một số trải nghiệm của bản thân, những câu chuyện của người quen và không quen cũng như các nghiên cứu khoa học nổi tiếng.

Sai lầm 1- Cổ phiếu đó có vài đồng, tôi có gì để mất chứ?

Đây là quan niệm mà hầu hết nhà đầu tư mới đều có. Ai mà chẳng ham đồ rẻ, giá thấp.

Giả sử, cổ phiếu AAA có giá 10.000 đồng/ cổ phiếu và cổ phiếu ABC có giá 100.000 đồng/ cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới thường có tâm lý thích nhiều. Với cùng số tiền 10 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua 1.000 cổ phiếu AAA thay vì mua 100 cổ phiếu ABC.

Cổ phiếu giá thấp có đồng nghĩa với rẻ?

Thảo xin nhấn mạnh là thị giá của cổ phiếu không thể hiện giá trị hay mức độ đắt rẻ của nó.

Chúng ta thường có thói quen mua đồ là phải lựa shop nào bán giá rẻ nhất để mua. Tuy nhiên, đó là với cùng một sản phẩm thì bạn mua chổ nào bán giá thấp nhất là hợp lý rồi.

Ví dụ: Như chuyện đi mua giày. Cùng một mẫu giày giống nhau, có shop bán giá 5,9 triệu, có shop bán giá 5,5 triệu.

Tất nhiên, nếu cả hai shop đều bán giày real thì bạn sẽ thường chọn shop bán giá thấp hơn. Hoặc bạn mua shop bán giá cao hơn vì thấy kết chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng…của nó.

Mua cổ phiếu giống hệt như mua smartphone.

Không phải điện thoại giá thấp là bạn sẽ mua đúng không?

Phần đa khách hàng đều chọn cho những mẫu điện thoại đời mới, hợp thời trang, có nhiều tính năng, và rất nhiều trong số đó thì giá không hề rẻ. Còn điện thoại phiên bản cũ, giá rẻ hơn thì phải dùng chiến lược giảm giá may ra mới có người rước về.

Bạn cũng hãy giữ tư duy mua điện thoại để mua cổ phiếu. Không hẳn cứ giá thấp là giá rẻ.

Ông bà ta thường có câu: “Tiền nào của nấy.”

Luôn có những doanh nghiệp khác nhau đứng sau mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu có thị giá cao thường là cổ phiếu của các công ty có tình hình kinh doanh tốt, tăng trưởng mạnh, hay mang lại nhiều lợi nhuận cho cổ đông…

Các nhà đầu tư chấp nhận trả mức thị giá cao để mua cổ phiếu cũng có lý do riêng của họ.

Nói như vậy không có nghĩa là khi nào “Của rẻ cũng là của ôi.”

Chính những nhà đầu tư giá trị là những gã thợ săn luôn săn tìm những cổ phiếu giá rẻ. Cổ phiếu giá rẻ là những cổ phiếu bị thị trường định giá thấp so với giá trị.

Một ngày nào đó, thị trường sẽ đánh giá đúng tiềm năng thật sự của những cổ phiếu này. Khi đó, giá của cổ phiếu sẽ tăng tương xứng với giá trị nội tại của nó.

Không nhất thiết giá thấp là giá rẻ!

Cổ phiếu giá thấp có thể là cổ phiếu giá rẻ hoặc không. Nhà đầu tư nên phân tích kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Nếu thấy cổ phiếu giá thấp đó là giá rẻ thì nên MUA NGAY. Nhưng những trường hợp khác hoặc không chắc chắn thì đừng nên đánh đồng giá thấp với giá rẻ.

Sai lầm 2- Kiểm tra danh mục quá thường xuyên – tiền mất tật mang

Khi đầu tư chứng khoán, bạn có thể muốn theo dõi tiền của mình sát sao như học kỳ quân đội.

Nhiều người mà Thảo biết nói rằng họ kiểm tra tài khoản của mình hàng ngày để xem danh mục thay đổi như thế nào.

Hồi mới chơi chứng khoán, Thảo cũng từng liên tục theo dõi bảng giá và danh mục của mình.

Dù đang làm gì cũng thấp thỏm lo lắng rồi tranh thủ ngó nghiêng thị trường xem có biến gì mới không. Đến giờ ăn, Thảo cũng còn cầm điện thoại vuốt qua vuốt lại để theo kịp giá cả thị trường.

Quá tập trung vào thăng trầm hàng ngày của thị trường có làm tài khoản nhanh đầy hơn không?

Câu trả lời cho vấn đề này được tìm thấy trong thống kê toán học và tâm lý học hành vi.

Thảo cũng đã kể chuyện mình bị thua lỗ như thế nào trong một bài viết khác.

Từ đó, Thảo đâm đầu vào học. Từ kế toán, kinh doanh cho đến tâm lý, toán thống kê. Do vậy, Thảo tìm thấy một số nghiên cứu thú vị liên quan đầu tư chứng khoán.

Kiểm tra danh mục thường xuyên gây thua lỗ

Nghiên cứu này trích từ sách Trò đùa của sự ngẫu nhiên của tác giả Nassim Nicholas Taleb. Ông này cũng là một nhà đầu tư chứng khoán đồng thời là tác giả của cuốn sách Thiên nga đen nổi đình nổi đám.

Theo nghiên cứu, kiểm tra danh mục đầu tư hàng ngày có thể dẫn đến cái nhìn sai lệch về kết quả lãi/ lỗ.

Nếu bạn có danh mục đầu tư với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng 15% và độ biến động 10% thì bạn sẽ có 93% khả năng có lãi trong bất kỳ năm nào.

Bây giờ điều gì sẽ xảy ra nếu bạn kiểm tra danh mục đầu tư đó hàng quý? Theo nghiên cứu, khả năng có lãi giảm xuống chỉ còn 77%.

Nếu bạn kiểm tra danh mục đầu tư của mình hàng tháng thì sao? Xác suất có lãi giảm xuống còn 67%.

Nếu bạn kiểm tra danh mục đầu tư của mình mỗi ngày? Khả năng có lời từ danh mục đầu tư của bạn chỉ là 54%!

BẤT NGỜ PHẢI KHÔNG?

Tích cực kiểm tra danh mục đầu tư lại ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả đầu tư. Khi chúng ta kiểm tra danh mục đầu tư quá thường xuyên, khả năng có lời đã giảm từ 93% xuống còn 54%.

Ảnh hưởng tâm lý khi kiểm tra danh mục thường xuyên?

Giá cả thị trường nhảy múa hàng ngày. Chú tâm vào kết quả trong ngắn hạn sẽ thấy có rất nhiều “nhiễu” so với khi so sáng hàng năm.

Tập trung quá chi li vào từng khoảng khắc của thị trường dẫn đến những quyết định sai lệch.

Trong ngắn hạn, thị trường có thể rung lắc, chao đảo, tăng mạnh hoặc giảm sâu, lao dốc không phanh chỉ trong vài ngày hệt như bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực đang trong giai đoạn cấp. Chẳng có thông tin gì giá trị khi nghe theo những gã có vấn đề tâm lý cả.

Học thuyết triển vọng (Prospect theory, năm 1979) của nhà nghiên cứu Amos Tversky và nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Daniel Kahneman lại cho thấy một góc khuất khác trong bản ngã của con người.

Học thuyết này chỉ ra rằng con người trải nghiệm nổi đau do mất mát GẤP ĐÔI niềm vui từ những gì mình đạt được.

Giả sử, bạn phải lựa chọn giữa: A. Thắng 50 đồng hay B. Thắng 100 đồng và sau đó thua 50 đồng?

Phần lớn câu trả lời sẽ là A. Thắng 50 đồng.

Điều này KHÔNG hợp logic. Bởi vì thực tế trong cả hai trường hợp, bạn đều nhận được 50 đồng. Không có gì khác biệt. Ngoại trừ trong tình huống B, con người phải đánh mất một phần tiền mình đang sở hữu.

Là con người ai cũng ghét cảm giác mất mát. Ngay cả đến một đứa bé chưa biết nói cũng có suy nghĩ này.

Đứa cháu 3 tuổi của Thảo sẽ khóc thét lên như thể ngày tận thế đã đến khi ai đó lấy đi món đồ chơi cũ rích từ hồi 1 tuổi mà cu cậu không thèm để mắt đến từ lâu.

Hay như người bà già nua của Thảo vẫn thường nói một câu xưa như trái đất: “ Nghèo rồi giàu thì sướng. Giàu rồi nghèo là cơn ác mộng.”.

Dịch Covid bùng phát năm 2020 đã từng làm thị trường sập, “trắng bên mua”. Những cú sốc của thị trường có thể làm bốc hơi số tiền tiết kiệm hàng chục năm trời của bạn.

Không ít nhà đầu tư lúc đó choáng váng, hụt hẫng và có người bị đau tim nữa. Cú sốc thua lỗ này xóa nhòa những ký ước tươi đẹp về thành tích trong quá khứ. Chỉ còn lại những sự hoang mang, hụt hẫng.

Cùng lúc đó là hàng tá những tin đồn thất thiệt nên nhiều người cố bán tống, bán tháo chấp nhận thua lỗ tiền tỷ.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, thị trường lại hồi phục nguyên vẹn, lành lặn như “chưa từng có cuộc chia ly“.

Rung lắc nhất thời của thị trường là cái BẪY khó phớt lờ. Ai không biết kiềm chế sự tò mò và phản ứng bốc đồng với hoàn cảnh sẽ rơi vào cái bẫy này.

Mà người trần mắt thịt mấy ai là bậc thánh nhân có thể giữ tâm bất biến giữa thị trường vạn biến.

Nên thôi, làm ngơ để thị trường tự độc thoại một mình. Mắt không thấy thì tim không đau. Như vậy có lợi, có lãi hơn rất nhiều.

” Chỉ mua những thứ mà bạn cảm thấy hạnh phúc khi nắm giữ dù thị trường đóng cửa trong 10 năm nữa.” – Warren Buffett.

Câu nói khôn ngoan này của Buffett nhắc nhở chúng ta đến sai lầm tiếp theo: Mua những thứ mình không hiểu.

Sai lầm 3- Mua những thứ mình không hiểu gây thua lỗ

Buffett đã từng nói rằng: “Quy tắc số 1 là không bao giờ để mất tiền. Quy tắc số 2 là không bao giờ quên quy tắc số một.”

Kiếm tiền trong thị trường chứng khoán có vẻ cũng dễ, nhưng để mất tiền cũng đơn giản không kém.

Điều này gợi chúng ta lại quy tắc của Buffett: Đừng đầu tư vào thứ mà bạn không hiểu cũng như không quen thuộc.

Quay ngược quá khứ, thời kỳ bong bóng chứng khoán đã tạo ra vô số triệu phú và tỷ phú. Buffett lại đứng ngoài cơn sốt dotcom.

Khi Google phát hành lần đầu ra công chúng năm 2004, Buffett đã không đầu tư. Bởi vì ông không hiểu Google sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài và sinh lời như thế nào so với các đối thủ cùng ngành.

Ngoài Google, Buffett cũng đã bỏ qua cơ hội đầu tư vào Amazon vì ông không hiểu nhiều về công nghệ.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều công ty mà Buffett đã bỏ qua. Đơn giản vì ông cho rằng Đừng bao giờ đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh mà bạn không thể hiểu được.

Bạn vẫn còn thấy tiếc khi Buffett bỏ qua món hời lớn bởi không mua cổ phiếu công nghệ?

Google và Amazon chỉ là 2 công ty công nghệ sống sót và thành công. Có hàng trăm công ty công nghệ đã yên nghỉ trong nghĩa trang của bại tướng.

Buffett luôn có lý do chính đáng để đầu tư hay không đầu tư. Trong khi số đông nhà đầu tư lại thường mua thứ mình không hiểu và chịu cảnh thua lỗ dày vò.

Buffett cũng nổi tiếng với câu nói: Tôi có ba ô trên bàn của mình: Mua vào, Bán ra và Quá khó.”

Nếu hoạt động kinh doanh hoặc sản phẩm của công ty quá khó hiểu, tốt hơn hết bạn nên đưa vào mục ” Quá khó” và chuyển sang cơ hội khác.

Sai lầm 4- Thua đậm vì cố gồng mình chịu lỗ

Gồng lỗ là khi nhà đầu tư không muốn cắt lỗ khi giá cổ phiếu đi xuống. Cắt lỗ chính là lệnh dừng trước khi khoản thua lỗ đi quá giới hạn chịu đựng.

Thực ra, gồng lỗ cũng có lúc tốt lúc xấu.

Khi nào gng l là tt?

Đầu tư thì cũng có lúc lời lúc lỗ. Khi lỗ thì nhà đầu tư chấp nhận lỗ đến mức nào.

Thông thường, mỗi nhà đầu tư lại đặt một mức cắt lỗ cho mình. Ví dụ: cắt lỗ ở mức 15%, 20% hay 30%.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ.

Nhiều tin tức xấu làm cổ phiếu bị bán tháo khiến cổ phiếu bị rớt giá mạnh. Nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ thấy đây là phản ứng nhất thời của thị trường.

Nhà đầu tư tin tưởng vào sự sụt giảm của cổ phiếu nào đó chỉ là ngắn hạn, tạm thời và giá sẽ tăng trở lại.

Khi mức giảm đã qua mức cắt lỗ, nhà đầu tư chấp nhận gồng lỗ. Khi tin tức xấu qua đi, nhiều người lại mua trở lại và giá cổ phiếu phục hồi.

Cũng ta cũng biết là giá cổ phiếu lên xuống thất thường như cơm bữa. Nếu chỉ vì giá xuống chút xíu đã bán thì nhà đầu tư sẽ dễ đánh mất lợi nhuận.

Khi nào gng l là xu?

Cắt lỗ không phải là việc dễ dàng. Cắt lỗ tức là chấp nhận thua lỗ, thừa nhận sai lầm của mình.

Như Thảo đã có nhắc đến trong một bài viết khác:

Dám tha nhn tôi đã tht bi, mua c phiếu đó là sai lầm hay dám ct lỗ là hành động anh hùng trong thi hin đi.

KHÔNG ai có thể đoán chính xác diễn biến thị trường. Cố gắng gồng lỗ có thể hiệu quả với một số người, một vài lần giao dịch nhưng thường không đúng với số đông.

Khi cổ phiếu đang xuống giá sẽ tiếp tục xuống giá nhiều hơn. Do những cổ đông khác muốn bán tháo cổ phiếu. Chuyện trắng bên mua vẫn thường xảy ra khi cổ phiếu giảm sàn.

Bằng cách gồng lỗ, nhiều nhà đầu tư KHÔNG phải thừa nhận sai lầm của mình.

Họ cho rằng cổ phiếu không lỗ cho đến khi bán đi, vì tiếc nên ôm lỗ. Câu nói cửa miệng lúc này là: “Còn thở là còn gỡ”.

Nhà đầu tư quyết định tiếp tục giữ vị thế thua lỗ đó. Như vậy họ cũng tránh phải tiếc nuối vì một sự lựa chọn tồi.

Thc tế là không có nhà đầu tư thành công nào min nhim vi thua l.

Đối với Jesse Livermore, “Không chấp nhận thua lỗ chính là nguyên nhân gây thiệt hại cho cả tài sản và tinh thần của bạn.”

Còn William O’neil, cha đẻ của phương pháp CANSLIM, quy tắc số 1 để trở thành nhà đầu tư thành công là nhanh chóng cắt lỗ. O’neil cho rằng nên cắt tất cả các khoản lỗ ở mức 8%.

Cắt lỗ cũng như phanh trong xe đạp. Nếu bạn đi nhanh mà gặp chứng ngại vật ngay phía trước, bạn phải phanh gấp. Phanh để hạn chế rủi ro trong những tình huống xấu nhất.

Hãy luôn đặt ra mức cắt lỗ và nghiêm khắc tuân thủ quy tắc đó.

Sai lầm 5- Nỗi sợ mang tên gồng lãi

Có người nói rằng: “Gồng lỗ khó 1 thì gồng lãi khó 10.”

Nếu cắt lỗ thì chỉ cần bán là xong. Mất thì cũng đã mất rồi, lòng sẽ thanh thản hơn. Còn gồng lãi là cả quá trình đ.ấ.u t.r.a.n.h nội tâm rất phức tạp.

Những nhà đầu tư F0 thường gồng lỗ rất khỏe những lại gồng lãi rất yếu. Nỗi sợ chủ yếu khi khó gồng lãi chính là Sợ Mất Tiền.

Lúc mới chơi chứng khoán, Thảo cũng đặt kế hoạch chốt lời ở mốc 30%.

Không ngờ là mới mua chứng khoán được 2 tuần thì cổ phiếu đã lên 25%. Lúc này, mừng quá. Không ngờ đầu tư lại ngon ăn như vậy. Mục tiêu của Thảo cũng chỉ là đầu tư lợi nhuận 20%/ năm thôi mà.

Thảo quyết định chốt lời ngay và luôn. Cơ hội ngàn năm có một phải biết nắm bắt. Bán được cổ phiếu với giá cao, Thảo cười tươi hơn cả mấy anh quảng cáo kem đánh răng.

Tuy nhiên, sang tuần sau, mã cổ phiếu Thảo mới bán giá đã thêm tăng thêm 20%, trước khi quay đầu giảm.

Vậy là Thảo đã “chốt lời non”.

Thảo tự dằn vặt bản thân. Đáng lẽ ra mình phải kiên nhẫn hơn. Đáng lẽ ra mình phải chờ đến khi cổ phiếu tăng 30% mới chốt lời. Biết vậy mình phải tuân thủ kỷ luật.

Thời gian đấy lại là lúc thị trường giá lên. Đồng loạt nhiều cổ phiếu đều tăng từ 10%-30%. Danh mục của Thảo cũng có vài mã tăng lên 20%-28%.

Cố gắng không phạm phải sai lầm như lần trước. Lần này, Thảo cũng cố dặn lòng phải gồng lãi bằng mọi giá.

Bất ngờ, hôm sau giá cổ phiếu lại quay đầu giảm.

Cổ phiếu tăng 20%-25% ngày hôm trước thì hôm nay chỉ còn tăng 18%-20%. Tiếc vì chỉ sau một ngày, đã mất vài phần trăm. Thấy lợi nhuận như vậy cũng là cao nên Thảo lại dẹp kỷ luật qua một bên để bán cổ phiếu.

Sau một khoảng thời gian giao dịch, mua bán mã cổ phiếu này sang mã cổ phiếu khác, Thảo nhận ra một SỰ THẬT khá đau đớn.

Lợi nhuận sau nhiều vụ giao dịch của mình cũng không bằng lợi nhuận nếu giữ nguyên danh mục như ban đầu.

Kể chuyện này để các bạn thấy vô thực tế, để gồng lãi khó lắm.

Cảm giác chờ giá nhích thêm từng tí mỗi ngày hồi hộp đến mức nín thở. Nhất là đã gần lên mốc chốt lời, ví dụ như 28%, lại đột ngột giảm khiến mình tự nguyền rủa bản thân. 28% với 30% thì có chênh nhau bao nhiêu đâu mà còn chờ không bán chứ.

Vân vân mây mây những nuối tiếc, hụt hẫng khi gồng lãi thất bại. Càng lúc mới chơi thì cảm giác thất bại này càng sâu sắc.

Mỗi lần lỡ chốt lời sớm, thì mấy ngày sau, Thảo cũng không dám mở bảng giá để xem giá còn tăng đến mức nào nữa. Chấp nhận sai lầm KHÔNG bao giờ là dễ dàng cả.

Sai lầm 6- Rủi ro từ việc không đa dng hóa

những lý do đặc biệt mà chúng ta yêu thích cổ phiếu này hơn cổ phiếu khác.

Đối với một đứa bạn của Thảo chính là niềm yêu thích công nghệ cũng như cổ phiếu FPT. Đối với đứa khác lại sự thần tượng tỷ phú Phạm Nhật Vượng nên nó dồn hết niềm tin vào cổ phiếu VIC…

Thích công ty này hơn công ty khác cũng không có gì là sai. Tuy nhiên, hai bạn này chỉ mua có mỗi một mã cổ phiếu duy nhất trong danh mục của mình.

Mặc dù, Thảo cũng có ý khuyên bảo các bạn nên mua thêm vài mã cho chắc. Nhưng không ăn thua gì cả.

Khuyên hoài chán quá, Thảo đành mua sách đầu tư tặng bạn. Hy vọng, bạn đọc rồi ngấm kiến thức để thay đổi trước khi bị ngấm đòn vì chơi tất tay.

Tất nhiên, nếu bạn có vài triệu thôi thì chỉ mua được một vài mã chứng khoán là điều hiển nhiên.

Điều Thảo muốn nói ở đây là KHI CHÚNG TA CÓ NHIỀU TIỀN HƠN.

Giả sử, số tiền của bạn có thể mua đồng thời 400 mã AAA, 400 mã ABC và 300 mã XYZ thì bạn lại đặt cược tất cả (all in one) vào cổ phiếu của AAA.

Đặt tiền vào một vài cổ phiếu khiến việc đầu tư giống như đánh lô đề, cờ bạc.

Chỉ mua một (vài) mã là việc hết sức rủi ro. Vì giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Không ai biết giá cổ phiếu sẽ tăng đến đâu hay giảm đến mức nào.

Do vậy, một bài học mà Thảo thấy cũng khá hữu ích chính là đa dạng hóa danh mục.

Đa dạng hóa là một trong những quy tắc quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư. Đa dạng hóa giúp giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất trong đầu tư. Đầu tư chính là quản lý rủi ro. 

Tránh ri ro bng cách đa dng hóa

Mua cổ phiếu từ các lĩnh vực khác nhau, các doanh nghiệp trong những ngành nghề khác biệt. Bằng cách này, bạn sẽ tránh được tổn thất trong thời kỳ khủng hoảng.

Nhà đầu tư cần chọn cổ phiếu có ít hoặc không có mối tương quan với nhau, tức là chúng hoạt động khác nhau trong cùng một tình huống.

Giá của một số cổ phiếu tăng cùng với sự tăng của giá dầu, trong khi những cổ phiếu khác lại giảm.

Ví dụ, thời đại dịch Covid, cổ phiếu của các hãng hàng không giảm mạnh nhất. Trong khi, các công ty dược phẩm và công nghệ thông tin lại tăng trưởng mạnh mẽ.

Mua nhiều loại cổ phiếu khác nhau là cách nhà đầu tư có thể tự bảo vệ mình khỏi sự biến động. Lợi nhuận của cổ phiếu này sẽ bù đắp tổn thất của một cổ phiếu khác.

Ví dụ: Như đã nói ở trên, Thảo gợi ý bạn nên mua cổ phiếu của những công ty blue chip như Vinamilk.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mua duy nhất cổ phiếu của Vinamilk vào đầu năm 2019 thì cho đến đầu năm 2022, cổ phiếu của Vinamilk vẫn “giậm chân tại chổ”.

Thậm chí, nếu bạn quyết chơi tất tay ôm cổ phiếu Vinamilk vào đầu năm 2021 rồi sau 1 năm thì thoát hàng, tài khoản chứng khoán của bạn sẽ giảm đi 30% so với ban đầu.

Còn tương lai, cổ phiếu Vinamilk bao giờ tăng giá thì chỉ có Trời mới biết được. Do vậy, dù cổ phiếu hay công ty có hấp dẫn đến đâu, cũng KHÔNG nên liều mình mua một mã duy nhất.

Đứa bạn của Thảo cũng đã chấp nhận bán lỗ sau 3 năm nắm cổ phiếu của Vinamilk. Từ đó, cậu ta bắt đầu quan tâm đến chuyện đa dạng hóa danh mục, việc mà trước nay cậu vẫn ghét cay ghét đắng.

Câu chuyện “yêu một mình anh và hy vọng mỗi anh thôi” chỉ có hậu trong chuyện cổ tích.

Ngay cả trong âm nhạc thì có lẽ những bài hát về thất tình, bị phụ tình cũng nhiều hơn những ca khúc ngợi ca tình yêu. Cho nên nhà đầu tư cần tỉnh táo, đừng yêu duy nhất một loại cổ phiếu nào.

Về mặt lý thuyết, đa dạng hóa có nghĩa là “không đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Với hy vọng rằng trong trường hợp rủi ro sẽ không bị mất đi tất cả.

Cần có sự đa dạng hóa trong danh mục đầu tư, nhưng không nên nhiều quá mức. Theo Benjamin Graham, bạn nên đầu tư ít nhất 10 công ty và tối đa 30 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Sai lầm 7- Cố gắng đu đnh và khóc thét

Nhà đầu tư mới luôn muốn dùng toàn bộ tiền để mua cổ phiếu, bất chấp tình hình thị trường lúc đó là giá lên hay giá xuống.

Thảo xin nhắc lại, trong thị trường chứng khoán, một cách kiếm lời của nhà đầu tư là mua r, bán đt.

Lúc thị trường đang sốt, hầu hết giá cổ phiếu đều bị thổi phồng quá mức. Thậm chí, nhiều cổ phiếu có mức giá cao bất hợp lý. Hiện tượng này tạo nên bong bóng chứng khoán.

Giá cổ phiếu sẽ giảm đột ngột và mạnh. Khi mua cổ phiếu thời bong bóng chứng khoán, nhà đầu tư sẽ cầm chắc thua lỗ.

Ví dụ: Bong bóng dotcom những năm 1990 là ví dụ kinh điển của thị trường chứng khoán.

Bạn cũng có thể liên tưởng đến cơn sốt đất dạo gần đây. Thảo đi đến đâu thì mọi người cũng nói về nhà đất.

Kể cả anh cắt tóc, bác xe ôm hay bà bán hàng rong cũng nói về mua bán đất. Đến cả đứa em của Thảo mới học cấp 3 cũng quan tâm đến việc giá đất tăng từng ngày. Đó chính là dấu hiệu của cơn sốt đang diễn ra.

Sau một thời gian, bong bóng sẽ vỡ. Cổ phiếu khi đạt đỉnh sẽ quay đầu giảm. Ai cũng biết là trong dài hạn, giá cả của cổ phiếu sẽ phản ảnh giá trị thực của nó.

Khi đó, có dùng lệnh cắt lỗ hay không cũng bị lỗ. Càng chần chừ cắt lỗ càng thiệt hại nặng hơn.

Sai lầm này do nhiều nguyên nhân như: nhà đầu tư không phân tích trước khi mua, mua theo lời mách nước, mua theo đám đông, nhà đầu tư muốn đu đỉnh.

Có mẫu chuyện về nhà đầu tư JP Morgan. Morgan nổi tiếng vì đã bán một lượng lớn cổ phiếu của mình ngay trước Thời kỳ đại suy thoái, sau khi một cậu bé đánh giày hỏi ông về cách mua cổ phiếu.

Warren Buffett cũng từng nói rằng: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam. Hãy tham lam khi người khác sợ hãi.”.

“Mua của người chán, bán cho người thèm.” Luôn là cách để kiếm lời bền vững.

Làm sao để biết có nên mua cổ phiếu lúc này hay không?

Để trả lời câu hỏi này, nhà đầu tư cần làm bài tập về nhà. Hãy phân tích kỹ tình hình thị trường và cổ phiếu trước khi xuống tiền.

Sử dụng phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

Trong khi chờ đợi thời điểm thích hợp để đầu tư, tốt nhất là tránh xa lúc nhà nhà người người khoe đầu tư lãi khủng. Hiếm còn món hời nào trong đấy nữa đâu.

Sai lầm 8- Bắt đáy và mất tiền tỷ

Cố gắng bắt đáy cũng là một sai lầm tương tự như cố gắng đu đỉnh.

Bạn có thể nghe thấy câu nói quen thuộc như: “Cổ phiếu đã giảm đến mức đó rồi thì không thể giảm thêm được nữa.”  hoặc “Cổ phiếu chỉ có già vài ngàn đồng, tôi có gì để mất cơ chứ?”

Rất khó thậm chí là KHÔNG thể đoán được đáy của cổ phiếu. Cố bắt đáy này lại thấy đáy mới.

Nhiều cổ phiếu bị rớt giá vì tình hình kinh doanh sụt giảm, ban quản lý yếu kém…nên đã không bao giờ tăng giá trở lại.

Cố bắt đáy hay bắt dao rơi là chiến lược đầy nguy hiểm và rủi ro. Mọi nhà đầu tư đều ước mơ mua đáy bán đỉnh nhưng sự thật là số đông mua đỉnh bán đáy.

” Những mức đáy trong thế giới đầu tư không phải là mức thấp nhất trong 4 năm; mức đáy có thể kết thúc bằng mức thấp nhất trong 10 năm hoặc 15 năm.” – Jim Rogers

Mặc dù mức đáy thấp nhất trong 10 năm hoặc 15 năm là điều hiếm xảy ra. Tuy nhiên, trong thị trường chứng khoán mọi việc đều có thể.

Sai lầm 9- Đầu tư dựa vào tin đồn, lời mách nước

Nhiều nhà đầu tư thường xuyên đọc tin tức, tạp chí, bản tin và cả báo lá cải.

Thật xui xẻo, vô số giờ tìm tòi tin tức cũng KHÔNG giúp bạn đánh bại thị trường. Tại sao cơ chứ?

Những thông tin mà ai cũng biết KHÔNG mang lại lợi thế gì cho người biết nó. Thị trường sẽ nhanh chóng điều chỉnh với những thông tin đại chúng.

Ví dụ: Giá dầu sẽ tăng khi có chiến tranh. Tuy nhiên, với những cuộc chiến tranh đã có sự chuẩn bị trước và ai cũng biết, người ta sẽ cố mua trữ dầu. Và khi chiến tranh xảy ra, giá dầu không hề tăng như dự đoán.

Trong khi đó, phần lớn mọi người đều bị hội chứng FOMO. Đây là hội chứng sợ bị bỏ lỡ.

Nếu không theo dõi tin tức, chúng ta sợ bỏ qua những tin tức quan trọng có thể ảnh hưởng tới giá cả. Nếu không đọc báo tài chính hàng ngày, nhà đầu tư sợ mình không biết diễn biến của thị trường.

Nỗi sợ bị bỏ lỡ khiến con người điên cuồng thu nhận mọi thông tin có thể, kể cả những tin rác, thông tin sai lệch.

Báo chí, truyền thông lại chỉ thường tập trung vào những cổ phiếu nóng, những ngôi sao mới nổi hay các công ty nổi đình nổi đám mà khán thính giả muốn đọc.

Vô hình chung, nhà đầu tư sẽ ưu ái những cổ phiếu này và bỏ qua những thứ kém nổi tiếng nhưng có triển vọng hơn.

Peter Lynch đã có thu về món hời lớn khi đầu tư vào công ty dịch vụ tang lễ Service Coporation.

Dù sao, dịch vụ tang lễ cũng là một ngành kinh doanh buồn tẻ. Không một gã đầu tư nào trên phố Wall hay tập san tài chính nào thèm ngó dòm đến nó. Do đó, số đông mọi người đã bỏ lỡ lợi nhuận khủng từ công ty có vẻ ảm đạm này.

Trong khi đó, IMB đã từng là cổ phiếu yếu thích của nhiều nhà quản lý tiền trong suốt 20 năm. Được giới truyền thông hết sức tung hô, ca tụng.

Tuy nhiên, con cưng này của giới đầu tư lại là vụ đầu tư thua lỗ.

Tóm lại, để đánh bại thị trường, nhà đầu tư phải biết điều mà hầu hết những người khác không biết hoặc hiểu những thông tin được công khai một cách khác biệt và chính xác.

Kiến thức và cái nhìn độc đáo khác biệt mới có thể tận dụng những thứ mà người khác bỏ lỡ.

Tóm tắt những sai lầm gây mất tiền trong đầu tư

Trên đây là một số lỗi cơ bản trong đầu tư. Tất nhiên thực tế là có nhiều hơn 9 sai lầm gây mất tiền trong đầu tư. Thảo sẽ tiếp tục viết trong những bài tiếp theo.

Bước vào đầu tư như là ngồi lên tàu lượn siêu tốc. Với những giây phút ngất ngây vì thắng lớn. Kèm với theo hàng tuần liền đau đớn vì thua lỗ.

Tại sao nhà đầu tư thua lỗ, vì sao họ mất tiền?

Nếu bạn mất tiền, chắc hẳn có gì đó sai sai. Nhưng cũng chẳng cần đứng từ ngoài vũ trụ nhìn về trái đất mới thấy rõ lỗi lầm của bản thân.

Chỉ cần dùng lăng kính góc rộng để suy xét lại quá khứ. Bạn sẽ thấy mình lặp đi lặp lại những thói quen tai hại gây hao cơm tốn của hết lần này sang lần khác.

Ham giàu nhanh, không ngại rủi ro lớn, mua theo cảm tính hay lời đồn, không đa dạng hóa danh mục… luôn là công thức để đốt tiền nhanh nhất.

Đừng để tiền rơi nên là “câu thần chú” mới của giới đầu tư chứng khoán.

Hãy tự ngẫm lại bản thân và quá trình chơi chứng khoán của mình. Chỉ có bạn mới có thể vạch áo và tự tay vá những lỗ thủng gây thất thoát lợi nhuận đầu tư đó.

Và lăng kính góc rộng để tìm kiếm lỗi lầm chẳng cần dùng “gương kia ngự ở trên tường”. Làm gì có chuyện thần tiên ở đây.

Kiến thức từ những cuốn sách hay, các bậc thầy đầu tư bằng da bằng thịt, hàng ngàn nghiên cứu khoa học mới chính là “mảnh vá” mà mọi nhà đầu tư nên khoác lên mình.

Đọc thêm những bài Thảo viết về chứng khoán tại đây.

Tác giả: ThảoThảo Bácsĩ

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận