Làm sao để đàm phán tăng lương thành công?

Rate this post

Có rất nhiều nhân viên xứng đáng nhận được mức lương cao hơn do những đóng góp của họ. Tuy nhiên, chủ động đề xuất được tăng lương là điều mà nhiều nhân viên e ngại.

Một trong những lý do chính là họ đơn giản là không biết khi nào nên yêu cầu tăng lương với sếp, hoặc họ không biết phải mở lời như thế nào, ngộ nhỡ sếp không đồng ý và thậm chí còn tức giận thì sao?

Tuy nhiên, với tốc độ tăng lương chậm và lạm phát cao như hiện nay, rất nhiều cuộc đời đang ngày càng phải sống chật vật và tằn tiện hơn. Rõ ràng đàm phán lương sẽ chính là giải pháp hợp lý cho tình huống này.

Đàm phán về lương chính là hành động cho thấy – bạn nhận thức đúng về giá trị của bản thân- cũng như trách nhiệm với bản thân, gia đình cũng như công việc.Chẳng ai có thể kết luận chúng ta tham lam vì ta đòi tăng lương cả!

Bài viết này sẽ là một cẩm nang hướng dẫn bạn – tất tần tật về đàm phán lương, khi nào nên yêu cầu tăng lương, cũng như cách đàm phán một cách hiệu quả mà không hề mang tính gây hấn, kích động.

Thực tế thì các công ty vẫn tăng lương cho nhân viên, nhưng thường là dưới mức lạm phát.

Theo một khảo sát cho thấy hơn 50% số nhân viên yêu cầu tăng lương sẽ được tăng lương.

Khi phân tích rõ ràng, bạn có thể nhanh chóng xác định xem mình có đủ điều kiện để được tăng lương hay không. Và nếu có thể, bạn nên yêu cầu tăng lương mỗi 1-2 năm. Nếu yêu cầu tăng lương bị từ chối, vẫn có những phương án khác có thể lựa chọn.

Cơ hội nào cho bạn khi yêu cầu được tăng lương?

Ai đi làm cũng đều mong muốn được tăng lương. Nhưng chắc chắn rằng không phải ai cũng có thể nhận được mức lương như họ mong muốn. Ngân sách là có hạn và mong muốn của con người là vô hạn.

Những số liệu thống kê nói gì?

  • Hơn 30%  nhân viên đã chủ động yêu cầu tăng lương trong sự nghiệp của mình.
  • Hơn 50%  người yêu cầu tăng lương thành công. Họ nhận được mức lương tăng thêm, ngay cả khi không đạt mức mà họ mong muốn.

Hầu hết những người yêu cầu tăng lương – có thể mong đợi mức lương tăng thêm từ 3-5%. Tất nhiên, điều này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm ngành nghề, chức vụ, địa điểm.

Bạn nên đặt ra vấn đề tăng lương bao nhiêu lần trong một năm?

Nếu bạn dự định tham gia vào một cuộc đàm phán tăng lương, quan trọng là không đưa ra yêu cầu quá sớm, khi bạn mới làm việc trong công ty chưa được bao lâu, chưa có đóng góp gì nhiều hoặc đòi hỏi tăng lương quá thường xuyên.

Chẳng hạn, nếu bạn đề cập đến yêu cầu tăng lương hơn mỗi 2-3 tháng thì sẽ rất khó được chấp nhận.

Nắm chắc kỹ năng đàm phán lương sẽ rất hữu ích trong quá trình phỏng vấn, tuyển dụng. Bởi vì, nhà tuyển dụng sẽ muốn tuyển dụng những ứng viên tốt nhất cho công ty của họ, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu nhân lực chất lượng cao như hiện nay.

Sau khi bạn bắt đầu làm việc, nên đợi ít nhất 6 tháng trước khi đề nghị tăng lương. Sau đó, bạn không nên yêu cầu tăng lương nhiều hơn một lần mỗi năm – trừ khi các tình huống nhất định xảy ra

Xác định Thời điểm Thích hợp

Có nghiên cứu cho thấy rằng: 2 trên 3 người lao động nghỉ việc là do họ cảm thấy được trả lương không xứng đáng với công sức bỏ ra.

Trong nhiều tình huống này, có thể tránh được việc nghỉ việc bằng cách lên kế hoạch và yêu cầu tăng lương một cách chủ động. bTất nhiên, chọn thời điểm nào và cách nói như nào khi đàm phán tăng lương là mấu chốt rất quan trọng.

Khi nào là thời điểm thích hợp để đề nghị tăng lương?

Bạn có thể cảm thấy mình xứng đáng được tăng lương. Nhưng nếu bạn chưa có nhiều đóng góp cụ thể trong công việc, hoặc chứng minh mức lương chưa phù hợp với sự đóng góp của bạn với công ty, thì rất khó để thuyết phục được sếp của bạn tăng lương.

5 trường hợp sau đây đều là các dấu hiệu tốt cho thấy – khả năng để đạt được một mức lương cao hơn – là rất cao.

Mức lương trung bình của vị trí công việc của bạn cao hơn

Có lẽ cách hiệu quả nhất – để xác định liệu bạn có bị trả lương thấp hơn hay không là: so sánh mức lương của bạn, với thu nhập của những người làm cùng công việc.

Có rất nhiều nguồn thông tin để đánh giá,  kiểm tra các thông tin việc làm, và nói chuyện với những người khác trong ngành cũng sẽ cho bạn cái nhìn tốt hơn về công việc cũng như thu nhập cho vị trí chức vụ của mình.

Có các yếu tố khác cần xem xét, chẳng hạn như kinh nghiệm, thành tích, chức vụ của bạn. Nhưng bất kỳ một sự chênh lệch quá rõ ràng nào giữa thu nhập của bạn và mức lương trung bình của người làm cùng vị trí cũng là một manh mối quan trọng.

Thời điểm xét duyệt tăng lương hàng năm

Việc xét duyệt tăng lương hàng năm là thời điểm thuận lợi để đề cập mong muốn được tăng lương của bạn.

Rất nhiều thứ có thể thay đổi trong một năm, từ chi phí sinh hoạt đến kinh nghiệm và thành tích của bạn. Nếu bạn nhận được phản hồi tích cực từ sếp hoặc đã hoàn thành thành công nhiệm vụ công việc ngay trong năm đầu tiên làm việc tại công ty của mình, đều là cơ hội tốt để tăng lương.

Bạn đã làm nhiều việc hơn

Khi bạn đã làm nhiều việc hơn, đảm nhiệm nhiều vị trí hơn, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tăng lương. Trong hầu hết các trường hợp, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn có nhiều đóng góp cho công ty và sếp tin tưởng bạn.

Khi bạn liên tục vượt mục tiêu đề ra ban đầu

Có rất nhiều công việc có mục tiêu đề ra ban đầu, con số KPI cụ thể cần đạt được. Thông thường, đạt được KPI là yêu cầu bắt buộc của nhiều công ty.

Tuy vậy, nếu bạn liên tục vượt qua các mục tiêu đó, đó có thể là dấu hiệu rõ ràng rằng bạn xứng đáng được tăng lương. Nhất là khi kết quả đó là do sự nổ lực và năng lực của chính bạn. Ai mà lại không muốn trọng dụng và giữ chân nhân tài cơ chứ?

Khi bạn là người làm được việc, công ty mới chính là người cần bạn, chứ không phải bạn cần công ty. Khi ta giỏi, ta có quyền. Bạn không cần lo sợ khi yêu cầu tăng lương.

Bởi vì hầu hết các vị sếp thông thái đều hiểu rằng – phải tưởng thưởng xứng đáng – thì mới giữ chân người tài được, đúng không?

Công ty sẽ bị mất mát khi bạn nghỉ việc

Khi suy nghĩ về đàm phán lương, sẽ là khôn ngoan khi suy nghĩ trên góc độ của sếp bạn. Mọi quyết định đều có nguyên nhân của nó.

Nếu bạn là một tài sản quan trọng đối với công ty, việc bạn nghỉ việc có thể gây thiệt hại đáng kể cho họ. Tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc-  để tìm được một người – có đủ khả năng làm được những việc mà bạn đang làm. Ai mà lại muốn vất vả như thế chứ? Trừ khi có quá nhiều mâu thuẫn giữa bạn và sếp.

Sau khi đã phân tích giá trị của bạn đối với công ty, nếu bạn là một nhân tố quan trọng, khó thay thế thì bạn đang đã có một vị thế mạnh để đàm phán tăng lương.

Nếu sếp từ chối yêu cầu tăng lương thì sao?

Có nhiều lý do tại sao sếp của bạn có thể từ chối yêu cầu của bạn. Một số lý do phổ biến nhất bao gồm:

Công ty gặp khó khăn tài chính và không thể tăng lương trong thời điểm này.

Sếp của bạn có thể cho rằng bạn không đạt được thành tích đủ để đòi hỏi nâng lương.

Công ty có thể chuẩn bị tái cấu trúc mức lương cho toàn bộ nhân viên trong vài tháng tới.

Sếp của bạn không đồng ý với ý kiến của bạn. Sếp có thể cho rằng mức lương hiện tại của bạn phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của bạn.

Nếu yêu cầu của bạn bị từ chối, bạn phải giữ bình tĩnh và tránh tỏ ra giận dữ.

Yêu cầu sếp của bạn giải thích lý do không được tăng lương – có thể rất hữu ích. Bởi vì điều này sẽ giúp bạn hiểu được tiêu chuẩn đánh giá công việc và những gì bạn có thể làm để đạt tiêu chuẩn tăng lương trong thời gian tới.

Chuẩn bị để đề xuất các phương án thay thế

Khi bạn không được tăng lương khi đề xuất, có một số phương án thay thế có thể được xem xét.

Đầu tiên, bạn có thể yêu cầu được thăng chức. Điều này có nghĩa là đảm nhận thêm trách nhiệm để đổi lại mức lương cao hơn. Nó có thể giúp công ty tiết kiệm thời gian và tiền bạc nếu họ đang tích cực tìm kiếm người cho vị trí mới này.

Có một số lựa chọn khác để tăng thu nhập gián tiếp cho bạn mà nhà quản lý có thể chấp nhận, sau khi từ chối yêu cầu tăng lương cho bạn:

Đề xuất làm việc trực tuyến

1/3 người lao động hiện nay có thể hoàn thành công việc của họ mà không cần phải đến công ty.

Nếu bạn làm những công việc như này, đây là một cách tuyệt vời để tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho việc di chuyển của bạn.

Bạn cũng có thể đề nghị có thể làm một số việc tại nhà, mà không cần đến công ty. Tất nhiên là kèm cam kết hoàn thành công việc đúng hạn.

Yêu cầu thêm thời gian nghỉ phép

Thêm 5 ngày nghỉ phép mỗi năm, chẳng hạn.

Điều này có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Điều này có thể mở thêm cơ hội để đổi thu nhập để thêm thời gian.

Đề xuất cải thiện tỷ lệ hoa hồng

Nếu bạn làm việc trong ngành bán hàng, ví dụ, bạn có thể đàm phán để có tỷ lệ hoa hồng cao hơn hoặc một khoản thưởng cao hơn nếu đạt được mục tiêu nhất định trong tuần, tháng hoặc năm.

Điều này sẽ đảm bảo bạn sẽ chỉ được trả nhiều hơn nếu bạn tăng doanh số cho công ty. Trong khi đó, nó cũng tăng mức thu nhập của bạn, khi bạn làm tốt công việc.

Nếu bạn đưa ra tất cả đề xuất này mà sếp vẫn từ chối các đề xuất của bạn, có thể là thời điểm để bắt đầu tìm kiếm công việc mới.

Tuy nhiên, đừng nộp đơn từ chức ngay bây giờ. Hãy đợi cho đến khi có một công việc tốt hơn, sau đó hãy từ chức.

Nếu bạn yêu cầu tăng lương quá nhiều, bạn có thể thất vọng!

Khi bắt đầu quá trình đàm phán lương, bạn cần xác định là bạn khó có thể đạt được tất cả những gì bạn yêu cầu.

Tăng lương khoảng 5% thường là một cột mốc quan trọng. Cần xem xét tỉ lệ tăng lương theo tỷ lệ phần trăm để có cái nhìn chính xác.

Bởi vì con số tuyệt đối rất khó đánh giá, khi mức lương của mọi người quá khác nhau. Tăng lương thêm 2 triệu có thể là một sự thay đổi lớn, nếu bạn đang có mức lương 10 triệu. Tuy nhiên, nếu lương của bạn đang là 50 triệu thì thêm 2 triệu sẽ không phải là sự thay đổi quá lớn.

Tóm lại, bạn cần hỏi bản thân những câu hỏi sau khi nghĩ đến đàm phán tăng lương:

  • Các công ty khác trả cho nhân viên thực hiện các công việc tương tự mức lương bao nhiêu?
  • Đồng nghiệp của bạn đã được trả lương bao nhiêu cho các vị trí tương tự?
  • Giá trị của bạn đối với công ty như thế nào, có dễ bị thay thế không?
  • Bạn đã đạt được những thành tích và thành tựu gì trong quá trình làm việc?
  • Mức lương của bạn đã tăng theo tỷ lệ lạm phát trong những năm gần đây chưa?

Hãy trả lời thành thật với chính mình. Nếu bạn không tin tưởng rằng công việc của mình đủ để tăng lương, có lẽ tốt hơn là cố gắng nỗ lực hơn trong những tháng tới trước khi nghĩ đến việc đàm phán tăng lương.

Tự tin lên!

Thể hiện sự tự tin và giữ vững giọng điệu quyết tâm trong quá trình đàm phán có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bạn được tăng lương.

Nếu sếp của bạn nghĩ rằng bạn sẽ gạt bỏ ý định đòi tăng lương ngay khi sếp từ chối, thì chắc hẳn bạn sẽ bị từ chối tăng lương. Đó là một lý do khác để bạn phải lên kế hoạch cho những gì mình muốn nói.

Sự tự tin cũng có thể biểu hiện bằng việc bạn sẵn sàng tìm kiếm công việc khác, cũng như giá trị của bạn trên thị trường lao động.

Khi đòi hỏi tăng lương, rất có thể quản lý của bạn sẽ cần phải xin ý kiến từ cấp trên hoặc chủ doanh nghiệp. Vì vậy, việc đưa yêu cầu tăng lương bằng văn bản là một lựa chọn hợp lý.

Thể hiện bằng văn bản sẽ hỗ trợ rất tốt và ngăn ngừa những lời hứa hẹn mãi không thực hiện được hoặc đề phòng sếp quên lời thỉnh cầu của bạn.

Việc trình bày rõ ràng bằng văn bản cũng sẽ tạo cho bạn cơ hội để điểm lại tất cả các thành tích, đóng góp của bạn cho công việc. Từ đó, tăng khả năng yêu cầu tăng lương của bạn được chấp thuận.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận