Năm 2022 có nên dạy con về tiền bạc? Bài học vàng dạy con càng sớm càng tốt
Bạn đang có con nhỏ và thắc mắc có nên dạy con về tiền bạc không. Dạy con về tiền như thế nào khi bản thân không phải là một chuyên gia tài chính hoặc có kinh nghiệm dạy con về tiền.
Tin tốt là dù bạn giỏi hay dở trong việc tiêu tiền thì bạn vẫn có thể dạy con về cách dùng tiền. Đây là những hạt giống đầu tiên được ươm mầm cho tài sản sau này của con.
Kỹ năng quản lý tiền luôn cần thiết trong cuộc sống của trẻ khi lớn lên, cho dù chúng có ít hay nhiều tiền!
1. Có nên dạy con về tiền bạc và ai sẽ dạy cho chúng?
Tiền là kim chỉ nam cho cuộc sống. Mọi người đều cần tiền để trang trải các hóa đơn, mua thực phẩm, áo quần, xe cộ…
Dù muốn thừa nhận hay không, tiền luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.
Nhiều cha mẹ chỉ một mực nói rằng chỉ cần con học giỏi là được, những thứ khác để lớn rồi học. Thảo cũng là một nạn nhân của tư tưởng giáo dục này. Lúc còn đi học chỉ biết ăn với học như gà công nghiệp.
Ngày xưa, nghe nói đến chữ “tiền” là đầu óc ong lên. Mãi đến khi lên cấp 3, học xa nhà mới được tiếp xúc với tiền.
Thật tình trẻ em cần học nhiều kỹ năng hơn là chỉ chăm chăm vào điểm số ở trường học. Giáo dục học đường hầu như bỏ qua chuyện quản lý tiền nong và tài chính cá nhân.
1.1. Trẻ cần học gì và ai sẽ dạy chúng về tiền?
Để thành công trong tương lai, đòi hỏi phải biết phối hợp nhiều kỹ năng chứ không đơn thuần là điểm số ở trường. Một trong những kỹ năng thường bị bỏ sót là dạy trẻ hiểu biết về tiền và sử dụng tiền. Đây là kỹ năng sống còn sau này của con cái.
Chính cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái. Có câu nói: ” Không phải tất cả lớp học đều có tường.“. Gia đình chính là trường học đầu tiên và quan trọng nhất với con trẻ.
1.2. Tại sao cha mẹ lại không dạy con mình về tiền bạc?
Cha mẹ không biết dạy như thế nào
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó nói chuyện về tiền với con cái vì họ cũng không biết nói gì. Cha mẹ cũng không được ông bà dạy về quản lý tiền và họ cũng đang mắc những sai lầm nghiêm trọng về tiền bạc.
Họ cảm thấy xấu hổ khi kể về những thất bại tài chính của họ với con cái. Bởi vậy họ chọn cách không nói về tiền với con cái.
Cho rằng con cái còn quá nhỏ để dạy về tiền
Có một số bậc cha mẹ lại cho rằng con cái còn nhỏ không biết gì, nên không dạy con về tiền. Lớn lên con tự khắc biết được.
“Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, vậy tôi có thể dạy gì?” hay “Các cháu còn nhỏ quá, còn chưa hiểu chuyện, tiền là thứ của người lớn… thà cứ để vậy”
Đây là quan niệm sai lầm vì từ nhỏ, trẻ đã có ý thức về tiền. Nếu cha mẹ không dạy về cách sử dụng tiền thì chúng sẽ dễ mắc sai lầm tài chính, nợ nần khi trưởng thành.
Cha mẹ cho rằng không cần dạy con về tiền
Trong khi đó, những cha mẹ giàu có lại không phải bận tâm về tiền bạc. Họ mặc định của cải của mình ăn ba đời không hết.
Do vậy, họ cũng chẳng bao giờ dạy con cách tiêu xài hợp lý hay phải có ý thức tiết kiệm làm gì.
Cha mẹ cho rằng nhà trường sẽ dạy thay cho họ
Cũng nhiều người khác cho rằng không cần phải dạy con về tiền bạc. Khi con đi học sẽ được nhà trường, thầy cô giáo dạy cho cách quản lý tiền.
Câu nói quen thuộc trong nhà lúc Thảo còn đi học là: “Con học thì phải biết…”. Trong dấu … là hàng tá những kỹ năng khó, trong đó có cách quản lý tiền.
Thảo xin đính chính là trường học không phải là cánh cửa thần kỳ. Gửi con vô trường không có nghĩa là con cái sẽ “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.
Chính cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái. Không nên đùn đẩy trách nghiệm nặng nề, thiêng liêng này cho bất kỳ ai hay bất kỳ tổ chức nào khác.
2. Có nên dạy con về tiền – Những sai lầm khi dạy con về tiền
Không dạy con về tiền, không biết quý trọng đồng tiền đã là một sai lầm. Sai lầm khác còn nghiêm trọng hơn là dạy sai cho con về vấn đề tiền bạc.
Bạn cũng biết rằng trẻ em như một tờ giấy trắng. Nếu chúng ta viết nghệch ngoạc, sai chi chít lên giấy thì sau này sẽ rất chỉnh sửa.
Sau đây là một số sai lầm khi dạy con về tiền.
2.1. Con luôn luôn đạt được những gì con muốn
Hiện nay, tình trạng này rất phổ biến. Tình hình kinh tế ngày càng tốt hơn. Gia đình lại chỉ có từ 1-2 con. Trong nhà, 4-5 người lớn gồm bố mẹ và ông bà thay phiên nhau chiều chuộng con trẻ.
Con đòi gì là bố mẹ lập tức mua ngay.
Đôi khi mẹ không cho mua nhưng trẻ đòi bố hay ông bà lại lập tức mua ngay cho bé.
Từ đó nãy sinh cho trẻ tâm lý thích gì là đòi cho bằng được. Cho rằng cha mẹ là cây tiền di động. Dần dà lúc nhỏ thì còn dễ chiều nhưng càng lớn bé sẽ càng trở nên khó dạy bảo.
Nhiều đứa trẻ nằm khóc ăn vạ ở cửa hàng đồ chơi để cha mẹ mua cho chúng món đồ chơi nào đấy.
Cha mẹ vì cũng thấy thương con lại ngại với người xung quanh nên cũng tặc lưỡi mua ngay cho con dù ở nhà cũng nhiều đồ chơi như vậy rồi.
Nhiều đứa con mới 15-16 tuổi đã giết cha, giết mẹ vì không đáp ứng yêu cầu của chúng như mua điện thoại, mua xe máy…
Nếu may mắn không rơi vào tình huống như trên thì việc cho trẻ đòi gì được nấy sẽ tạo cho trẻ thói quen chi tiêu theo cảm xúc, chi tiêu bốc đồng. Về sau dễ tiêu tiền hoang phí, nợ nần.
Làm cha mẹ đôi khi cần trái tim cứng rắn
Cần nói ” Không” với nhiều đòi hỏi mua sắm của con. Kiên quyết từ chối đề nghị của con dù con có khóc hết nước mắt.
Sau đó ôn tồn giải thích cho con vì sao không nên mua món hàng đó. Vì món đó không phải là cái con thật sự cần. Giúp trẻ phân biệt giữa cái muốn và cái cần.
2.2. Không nên dạy con về tiền vì sợ hư
Ở một thái cực khác thì nhiều phụ huynh cho rằng không nên nói chuyện tiền bạc và không cho con cầm tiền vì sợ con hư. Cái gì cũng để bố mẹ mua cho.
Kể cả tiền lì xì Tết của trẻ, bố mẹ cũng tịch thu vì sợ con xài tiền sẽ đua đòi, hư hỏng.
Chắc ngày nhỏ, nhiều người cũng đã từng bị bố mẹ lừa để lấy hết tiền lì xì. Nào là “đưa mẹ giữ cho khỏi mất”, “đưa mẹ mẹ mua đồ chơi cho”… đến khi mình đòi lại thì mẹ lại quăng cho câu: “Tiền để mua sách vở, áo quần, nuôi ăn học hết rồi.“
Bạn nên nhớ: Tiền không hề xấu. Đồng tiền có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Quan trọng là cách dùng tiền như thế nào.
Có nên cho trẻ tiêu tiền sớm?
Tiền tiêu vặt là công cụ tối thượng để tập kiếm tiền, bắt đầu từ khi trẻ 8-9 tuổi.Thậm chí, một số công việc nhà hay việc kinh doanh của gia đình nên thuê con cái làm có trả lương. Con sẽ hiểu tiền được tạo ra nhờ lao động. Biết quý trọng công sức của mọi người hơn.
Đâu là thời điểm thích hợp nhất để cho con tiền? Và cho bao nhiêu tiền thì tốt hơn? Mỗi gia đình có thể tùy chỉnh nó theo cách riêng của mình.
Khoản tiền trợ cấp này giúp con có thể cảm nhận được giá trị của tiền và dòng lưu chuyển của tiền tệ.
Dạy con cách tiêu tiền
Cho con tiền để tiêu nhưng không phải con thích gì làm đấy.
Cho tiền nên kèm yêu cầu con phải tập ghi chép chi tiêu rõ ràng. Bé đã chi những khoản gì, vào ngày nào. Nếu ghi chép tốt có thể thưởng thêm. Nếu bé không chịu tập ghi chép có thể bị trừ tiền trợ cấp.
Đối với những đứa trẻ mẫu giáo hoặc cấp 1, chúng có thể cầm tiền chạy ù đi mua bánh kẹo hay đồ chơi mà chúng thích. Trẻ cấp 2-3 thường dành tiền mua vé xem phim, quần áo, mua quà tặng bạn…
Bản năng của cha mẹ là không muốn con tiêu tiền hoang phí nên sẽ la mắng, thu lại tiền của con. Nhưng tốt hơn hết là để con được mắc sai lầm nhỏ khi còn nhỏ, còn hơn là phạm sai lầm lớn khi trẻ trưởng thành.
Nhờ những hành vi tiêu tiền này của con, bạn mới có thể phân tích cho con được việc nào nên làm, việc nào là lãng phí tiền. Khích lệ con rút kinh nghiệm cho lần sau.
Khuyến khích trẻ biết tiết kiệm tiền. Ban đầu có thể để dành tiền bỏ heo sau này khi bé lớn hơn có thể chuyển tiền vào ngân hàng hay làm vốn kinh doanh.
Trẻ em nên biết rằng tiền tiêu vặt phải được phân chia giữa 2 việc: thứ nhất là mua sắm giải trí ngắn hạn và thứ hai là dành tiết kiệm cho mục tiêu dài hạn.
Những sai lầm nhỏ xíu như: dùng hết tiền mua đồ chơi mà không biết tiết kiệm, mua bị hớ, đánh rơi tiền… sẽ giúp trẻ có những bài học đầu đời về quản lý tiền. Hạn chế những sai lầm tương tự khi trưởng thành.
2.3. Không cho con tiêu tiền vì tiền rất khan hiếm
Bài học duy nhất về tiền mà Thảo vô tình tiếp thu được từ gia đình chính là tiền rất khan hiếm. Bố mẹ đã phải hy sinh, làm lụng rất vất vả mới kiếm ra được đồng tiền này.
Cuộc sống thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc. Bố mẹ cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc gì khác mơ mộng, to lớn hơn chuyện cơm áo gạo tiền.
“Trẻ em sẽ có xu hướng sống theo những gì bạn tin tưởng về chúng.”
Bố mẹ của Thảo là người đi kinh tế mới. Làm nông dân, trồng cà phê trên nương rẫy. Cả năm hai bố mẹ chỉ quanh quẩn làm việc bằng sức người dưới trời nắng cũng như trời mưa.
Cuối năm mới thu hoạch được cà phê. Phơi phong, xay xát rồi bán lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Thành ra, tiền trong nhà ít lắm, phải dè sẻn từng đồng xu lẻ.
Thảo nhớ nhất là mỗi lần xin mẹ tiền để mua vài thứ đồ dùng học tập như giấy màu để học môn thủ công.
Không có giấy màu thì sợ cô giáo la mắng. Thảo cứ thậm thò thậm thụt từ buổi tối mà vẫn không dám mở miệng.
Đến sáng dậy, trước lúc đi học thì xin mẹ cho thật nhanh rồi cầm tiền chạy đi ngay. Kẻo ở lâu là mẹ lại ca bài ca tiền có ít lắm, bố mẹ phải làm lùng vất vả, con cái thì suốt ngày xin tiền…
“Đừng giới hạn con cái của bạn trong việc học của riêng bạn, vì chúng được sinh ra vào một thời điểm khác.”
Một kỷ niệm khác thời thơ ấu cũng liên quan đến tiền mà Thảo không thể quên được. Lúc tầm cấp 1, Thảo chẳng có món đồ chơi gì. Thấy bạn bè đều có con búp bê mà Thảo thèm thuồng.
Ngủ còn mơ mình xin mẹ được tiền đi mua búp bê. Nhưng đó mãi là mơ vì Thảo không bao giờ dám xin tiền mẹ đi mua búp bê mà xin thì mẹ cũng chẳng cho đâu.
Do vậy, hầu như lúc nhỏ, Thảo đều suy nghĩ rằng tiền là một thứ cực khan hiếm và khó kiếm. Chính suy nghĩ đó khiến bản thân trở nên dè dặt và ngại thử thách.
2.4. Có nên dạy con về tiền như cách cha mẹ nghĩ?
Có rất nhiều cha mẹ mà đặc biệt cha mẹ nghèo sẽ chỉ có tư duy ăn chắc mặc bền. Tất cả những gì họ biết về tài chính là Tiết kiệm.
Mặc dù, cha mẹ cần dạy con kỹ năng tiết kiệm nhưng tiết kiệm không phải là tất cả. Thích tiết kiệm mà không biết làm cho tiền đẻ ra tiền.
Cả đời cha mẹ làm lụng, kiếm tiền chỉ biết để dành tiết kiệm. Nào là lấy tiền chôn xuống đất, giấu trong tủ, để tiền trong heo hay khá hơn thì gửi tiết kiệm ở ngân hàng cho chắc.
Tiết kiệm là tất cả?
Tiền càng ngày càng mất giá. Nếu cứ chăm chăm vào để tiết kiệm thì chẳng mấy chốc giá trị của tiền sẽ giảm dần.
Nhiều bậc phụ huynh không hiểu được sức mạnh của lãi kép cũng như tình trạng lạm phát. Cho nên họ không biết gì khác ngoài cách dạy con tiết kiệm tiền một cách cuồng tín.
Thay vì trao truyền lại kinh nghiệm sai lầm về tiết kiệm, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tích lũy vốn để buôn bán, đầu tư.
Nhờ tấm gương cha mẹ chi tiêu ít và đầu tư nhiều hơn, bé sẽ cảm nhận được ý nghĩa của việc tiêu dùng tiết kiệm, quý trọng giá trị của tiền.
2.5. Có nên dạy con về cách cho đi tiền bạc?
Cho đi cũng là một cách để giáo dục con cái về cách sử dụng tiền. Đối với những gia đình không thường xuyên cho đi, cha mẹ sẽ dễ bị quên giáo dục cho con hành vi tốt này.
Có nhiều cách để cho đi và giúp đỡ người khác. Không cần phải là người lớn mới làm được việc thiện nguyện. Trong đó có cách đưa bé đi cùng cha mẹ tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Khuyến khích con trích ra một phần tiền con có để giúp đỡ người khác.
3. Dạy con hiểu biết về tiền bạc
Ai cũng muốn con cái được thành công, giàu có và hạnh phúc. Nhưng lại không hướng dẫn chúng làm như thế nào.
Cha mẹ nên thoải mái nói chuyện với con về vấn đề tiền bạc. Hãy coi tiền là một công cụ phải học cách sử dụng, giống như sử dụng tivi, tủ lạnh, máy giặt… Học cách kiếm tiền và sử dụng tiền chính là bồi dưỡng trí thông minh tài chính cho trẻ.
Văn hóa nước ta ngày trước vẫn là coi trọng chữ nghĩa, coi thường việc buôn bán, tiền bạc. Ai hay nói đến tiền, chi tiêu tiết kiệm thì bị quy kết là ki bo, hà tiện.
Trong những câu chuyện cổ tích, chúng ta cũng đều thấy mô típ nhân vật người giàu có như phú ông thì tham lam, keo kiệt và hay ức hiếp người nghèo. Trong lúc người nghèo thì thật thà, nhân hậu và hay làm việc tốt.
Đấy là những tư duy phiến diện về tiền bạc. Nếu chỉ chăm chăm nhìn theo một chiều như vậy sẽ rất tai hại. Trao dồi tư duy đúng về tiền, học hỏi cách quản lý tiền là việc làm đúng đắn. Đó không phải là hành vi của người keo kiệt hay tham lam.
Trẻ càng sớm nhận ra được giá trị của tiền thì sẽ KHÔNG đòi hỏi vô lý, phải mua cái này cái kia cho bằng được. Hình thành mối liên hệ lành mạnh với tiền bạc. Giảm được sai lầm về tài chính khi trưởng thành.
4. Dạy trẻ cách quản lý tiền có khó không?
Câu trả lời là Không, nếu bạn biết cách để nói chuyện về tiền với con.
Tiền bạc không phải là vấn đề khô khan với toàn là những con số. Tiền là linh hồn của mọi hoạt động thường ngày. Bạn có thể biến tiền bạc thành những trò chơi thú vị.
Nên nói chủ đề tiền vào các cuộc trò chuyện thông thường với con. Giống như đi xe đạp cần phải tập luyện thường xuyên, thói quen chi tiêu sao cho hợp lý cũng cần phải được rèn luyện hàng ngày.
Dạy trẻ cách sử dụng tiền như thế nào?
Khi còn còn bé, chơi trò chơi đi mua hàng, bán hàng với bé. Sáng tạo ra tiền giả để chơi trò mua bán.
Chơi là một cách học mà vui.
Nếu bạn muốn dạy con cách tiền vận hành trong cuộc sống, một phương pháp rất hay là mô phỏng việc bán hàng trong một quầy hàng.
Chơi trò chơi rằng con bạn là người bán và bạn là khách hàng, để trẻ hiểu cách tính toán. Giờ bạn hãy giả vờ mua một đồ vật có giá 2.000 đồng và đưa cho đứa trẻ một tờ 10.000 đồng. Vậy con phải trả lại bao nhiêu?
Chơi trò này để con vừa biết cách phân biệt mệnh giá tiền, vừa biết cách tính tiền khi đi mua sắm.
Nếu bé lớn hơn có thể mua trò chơi Cashflow ( dòng tiền) cho các con chơi với nhau. Đây là trò chơi lấy ý tưởng từ cuốn Cha giàu cha nghèo để dạy con về cách vận hành của dòng tiền, các đầu tư tiền.
Khi bạn đang thanh toán hóa đơn, hãy giải thích cho trẻ biết về những khoản chi phí bắt buộc phải có như tiền nhà, tiền điện, bảo hiểm…
Để con tham gia vào quản lý chi tiêu trong gia đình như tính chi phí sinh hoạt hàng ngày, hàng tuần…
Những hoạt động này sẽ giúp con cái bắt đầu ý thức về vai trò của tiền trong cuộc sống hàng ngày.
5. Khi nào nên dạy con về tiền?
Mọi người thường đề cập đến chủ đề tiền bạc với con cái khi chúng đã ở tuổi thiếu niên. Điều này là quá trễ để bắt đầu nói về tiền.
Dạy con càng sớm càng tốt. Ngay từ khi còn ở lứa tuổi mầm non, trẻ đã có thể hiểu về khái niệm số lượng tiền. Theo Đại học Cambridge, thói quen tiêu tiền của trẻ em hình thành lúc 7 tuổi.
Sau đây là những giai đoạn dạy con về tiền theo độ tuổi. Đây là kinh nghiệm dạy con về tài chính của bà mẹ Do Thái có 3 người con thành đạt trong cuốn Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương. Bạn có thể đọc sách Tại đây.
- Ba tuổi: phân biệt tiền giấy, tiền kim loại. Hầu như ban đầu trẻ nào cũng chọn tiền xu vì hình dạng của nó.
Ngày trước ở nước ta còn phát hành tiền xu những nay đã ngưng lại. Khi bé cầm tiền xu, cha mẹ cần để ý vì bé rất dễ nuốt tiền gây nghẹt thở. - Bốn tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng cho nên cần chọn lựa
- Năm tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động nên phải chi tiêu hợp lý
- Sáu tuổi: có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản
- Bảy tuổi: so sánh số tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có khả năng mua hàng hay không
- Tám tuổi: biết mở tài khoản tiền gửi ở ngân hàng, nghĩ cách kiềm tiền tiêu vặt
- Chín tuổi: lập kế hoạch chi tiêu, biết mặc cả giá cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán.
So sánh giá của cùng một sản phẩm giữa các cửa hàng, nhãn hiệu khác nhau. - Mười tuổi: biết tiết kiệm tiền trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào khoản chi lớn hơn như mua giày trượt băng, ván trượt
- Mười một tuổi: học cách nhận biết quảng báo và có quan niệm về giảm giá, ưu đãi
- Mười hai tuổi: biết quý trọng đồng tiền, biết tiền không dễ kiếm, có quan niệm tiết kiệm
- Từ mười hai tuổi trở lên có thể tham gia hoạt động quản lý tài sản cùng với những người trưởng thành trong xã hội
Tổng kết có nên dạy con về tiền bạc
Dạy con hiểu biết về tiền bạc không bao giờ là quá sớm. Người nhỏ làm việc nhỏ. Cha mẹ nên dạy dỗ con những bài học về tiền tương ứng theo từng độ tuổi.
Thảo tin rằng chuẩn bị kiến thức vững chắc và thói quen tài chính lành mạnh sẽ giúp con trẻ tự tin, thành công và hạnh phúc khi trưởng thành.
Đọc thêm: Bắt đầu giàu có về tài chính nhờ quy tắc 50/30/20
Tác giả: Thảo Thảo