Các bước đơn giản quản lý tài chính vợ chồng mới cưới năm 2022

Rate this post

Quản lý tài chính vợ chồng mới cưới gặp vô vàn khó khăn. Phần vì hai bên còn ngại ngùng với nhau, phần vì không cùng quan điểm về tài chính.

Sau đám cưới lung linh, đầy cảm xúc là tuần trăng mật ngọt ngào. Nhưng khi cặp uyên ương vừa trở về sẽ phải đối mặt với một cuộc sống thực tế không như mơ.

Họ sẽ phải chi trả toàn bộ tiền cho đám cưới, kỳ nghỉ, đồ đạc khi sống chung, chổ ở…

Chờ đám cưới xong mới nói về chuyện quản lý tài chính thì hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không.

1. Quản lý tài chính vợ chồng mới cưới

1.1. Sau đám cưới là chuyện Quản lý tài chính

Bạn đang yêu và sắp cưới? Nếu sắp cưới, bạn cần tìm nhà để ở, tìm địa điểm tổ chức tiệc cưới và lên kế hoạch cho tuần trăng mật.

Và tèn tén ten, ngày trọng đại đã tới.

Đám cưới là lễ tuyên bố hai người trở thành một trước mặt các thành viên trong gia đình, họ hàng, người quen.

Cưới đồng nghĩa với việc cô dâu chú rể phải từ bỏ nhiều thứ mà họ được tự do trước khi kết hôn.

Ví dụ, chú rể phải từ bỏ quyền tự do đi nhậu nhẹt thâu đêm hoặc chơi game đến sáng với bạn bè. Trong khi đó, cô dâu phải từ bỏ thói quen chải chuốt, đam mê mua sắm và những sở thích tiêu xài thả ga.

Kết hôn chính là việc hai vợ và chồng phải từ bỏ thói quen tiêu tiền theo sở thích của mình.

Cả hai sẽ có kế hoạch sở hữu một ngôi nhà, kế hoạch sinh con và nuôi dạy con cái. Một cặp đôi mới cưới sẽ đưa ra nhiều quyết định quản lý tài chính cùng nhau trong tương lai.

1.2. Quản lý tài chính vợ chồng mới cưới

Tiền là một phần quan trọng của cuộc sống.

“Cơm áo không đùa với khách thơ.

Mặc dù có thể dễ dàng nói lời yêu và trân trọng nhau bất cứ tình huống nào xảy ra.

Thực tế phủ phàng cho thấy tiền là nguyên nhân gây ra xung đột cho hầu hết các cặp vợ chồng dù mới cưới hay đã cưới hàng chục năm.

Theo nghiên cứu, mâu thuẫn về tiền hoặc thiếu tiền là nguyên nhân tranh cãi chính của những cặp vợ chồng mới cưới trong ba năm đầu.

Tranh cãi về tiền cũng là nguyên nhân phổ biến thứ hai dẫn đến ly hôn, chỉ sau ngoại tình.

Vậy những cặp đôi mới kết hôn cần làm gì để hạn chế xung đột về tiền? Dưới đây là những lời khuyên về cách quản lý tài chính cho vợ chồng mới cưới.

2. Khó khăn của vợ chồng mới cưới khi nói về quản lý tài chính

Hai vợ chồng không tranh cãi bây giờ không có nghĩa là hai người sẽ không có những cuộc cãi vã trong tương lai. Cùng nhìn nhận về vấn đề tiền bạc và nói chuyện là cơ sở để vợ chồng hiểu nhau hơn.

Nói về tiền bạc giúp bạn đặt nền tảng cho một cuộc hôn nhân lành mạnh vượt qua thử thách của thời gian.

1.1. Vợ chồng mới cưới sợ nói về quản lý tài chính

Nói đến tiền bao giờ cũng là chủ đề khó nói khiến người ta mất tự tin, căng thẳng. Nói chuyện về tiền bạc với đối tác của bạn có thể dẫn đến cảm giác đối đầu.

Người ta nói rằng hôn nhân là sự kết hợp hai cuộc sống thành một. Mặc dù bạn sẽ – và nên – bám vào một số mục tiêu và sở thích của riêng mình, nhưng khi đã kết hôn, bạn sẽ cùng nhau tạo dựng cuộc sống.

Bạn sẽ cùng nhau hướng tới hầu hết những ước mơ và mục tiêu lớn của mình như con cái, nhà cửa, hưu trí. Tất cả đều liên quan đến tiền bạc.

1.2. Vợ chồng mới cưới quan điểm quản lý tài chính khác nhau

Những quan điểm về cách kiếm tiền và cách xài tiền khác nhau thì rất khó dung hòa, dễ gây xung đột giữa vợ chồng. Do đó, kết hôn với người có quan điểm tiền bạc tương tự bạn thì quả là một sự may mắn trời cho.

Tuy nhiên, cũng không cần phải quá lo lắng nếu phát hiện ra rằng hai vợ chồng suy nghĩ và xử lý tiền theo những cách khác nhau.

Những người có quan điểm khác nhau về tài chính vẫn có thể cùng nhau giải quyết vấn đề. Miễn là phải thuận vợ thuận chồng trong những mục tiêu chung của gia đình.

Ngay từ khi trở thành một cặp vợ chồng mới cưới, không bao giờ là quá sớm để nói về cách quản lý tài chính.

3. Vợ chồng mới cưới quản lý tài chính, nói sao về tiền?

3.1. Nói chuyện trung thực với vợ / chồng của bạn

Hôn nhân thành công dựa trên sự tin tưởng. Để tin tưởng thì hai bên cần thành thật với nhau.

Điều này đặc biệt đúng khi nói về tiền bạc. Không nên phóng đại thu nhập của mình, cũng như không muốn nói dối về số nợ bạn có.

Nhiều người cảm thấy xấu hổ khi mắc nợ, nhưng sự thật là hầu hết mọi người đều mắc nợ vào một thời điểm nào đó trong đời. Đây có thể là khoản vay dành cho sinh viên, nợ vốn làm ăn, mua nhà, chữa bệnh…

Cố gắng trò chuyện cởi mở với đối phương. Tiếp cận mọi thứ theo cách hợp lý này có thể giúp loại bỏ cảm xúc  và sự khó xử ra khỏi chủ đề

Quản lý tài chính giữa vợ chồng mới cưới phải rõ ràng

Hai vợ chồng nên đề cập đến tình hình tài chính của bản thân. Ví dụ như số tiền tiết kiệm hiện tại, số nợ hiện tại, bất kỳ khoản nợ quá hạn nào, phá sản và bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào khác mà mỗi người có trách nghiệm.

Từ đây, mới nãy sinh ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Ví dụ như anh chồng trước khi cưới đã giấu giếm chuyện nợ nần do cờ bạc, cá độ. Sau khi cưới, vợ mới vỡ lẻ, nhất quyết không chịu cho chồng lấy tiền của chung đi thanh toán nợ thời trai trẻ…

Những khoản nợ khổng lồ, lãi suất cao có thể kéo hai vợ chồng đi lùi rất xa. Khi đang có nợ lớn thì rất khó để mua nhà hay vay để mua nhà. Vợ chồng mới cưới nên tìm cách trả nợ trước khi có những kế hoạch sắm sửa khác.

Cuộc nói chuyện về tiền nong có thể khiến hai vợ chồng mới cưới trở nên căng thẳng. Nhưng trước sau gì cũng phải đối mặt với chuyện quản lý tài chính chung cho gia đình.

3.2. Làm sao để vợ chồng mới cưới nói chuyện về quản lý tài chính?

Thay phiên nhau nói và đảm bảo lắng nghe

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên. Nhưng trong khi nói chuyện, bạn có thể chỉ tập trung chủ yếu vào việc trình bày quan điểm của mình và quên tiếp thu những gì người kia nói.

Hãy sẵn sàng để thỏa hiệp.

Trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng, có thể rất khó để đi đến tiếng nói chung về tài chính. Vì vậy, cũng có lúc một trong hai người ( vợ hoặc chồng) chấp nhận nhượng bộ đối phương chút đỉnh để mọi việc êm thấm.

Quay lại cuộc thảo luận sau

Khi đang có mâu thuẩn, hai bên rất dễ xảy ra tranh cãi, lớn tiếng với nhau. Vợ chồng mới cưới chưa hiểu nhau, ai cũng cho rằng bản thân mình đúng và nhất quyết không thể thống nhất được cách quản lý tài chính chung.
Nếu không thể thỏa hiệp, bạn có thể chấp nhận hòa hoãn. Để hôm khác sẽ tiếp tục nói chuyện. Như vậy, sẽ giúp hai bên bình tĩnh và có thời gian để suy nghĩ lại.

4. Vợ chồng mới cưới nên độc lập tài chính hay quản lý lẫn nhau?

Vợ chồng xài tiền chung hay riêng đều có ưu, nhược điểm. Không có cách nào tốt nhất mà phù hợp cho tất cả mọi người.

4.1. Vợ chồng mới cưới xài tiền riêng, tiền ai nấy xài

Độc lập tài chính giữa vợ chồng là vấn đề nhiều cặp đôi với cưới quan tâm. Phụ thuộc vào ai đó là cảm giác thật khủng khiếp.

Thử nghĩ mỗi lần vợ/ chồng cần tiền phải ngửa tay xin đối phương thì cảm giác không thoải mái chút nào. Chưa kể nếu người vợ ở nhà làm nội trợ không làm ra tiền sẽ cảm thấy rất tủi thân.

Nếu hai vợ chồng đều có thu nhập thì có thể tiền vợ vợ tiêu, tiền chồng chồng tiêu. Hai người sẽ cùng góp một khoản để chi trả cho những cái chung.

Ưu điểm của vợ chồng độc lập tài chính

Tình huống này phổ biến ở nhiều nước phương Tây khi vai trò của hai vợ chồng là bình đẳng và có trách nhiệm ngang nhau. Thậm chí, hai vợ chồng đi ăn nhà hàng cũng thanh toán riêng. Ai ăn gì thì tự móc vì trả tiền phần đó.

Tiền ai nấy tiêu thì khá thoải mái. Không ai phụ thuộc ai và ai cũng phải tự lo quản lý, cân đối thu chi hàng tháng của mình.

Vợ sẽ không phải lo nơm nớp chồng giấu giếm lập quỹ đen. Chồng sẽ không phải ca thán vợ suốt ngày chỉ biết chi tiêu hoang phí, mua sắm son phấn áo quần.

Nhược điểm của vợ chồng độc lập tài chính

Hai bên sẽ cảm thấy ít gắn kết với nhau. Cảm giác giống người ở trọ chia tiền sinh hoạt phí sòng phẳng với nhau, chứ không có cảm giác yêu thương nhau cho lắm.

Thêm nữa, nếu hai vợ chồng mới cưới mà thu nhập quá chênh lệch nhau. Lương chồng hoặc lương vợ quá cao trong khi người còn lại lương khá thấp thì người thu nhập thấp sẽ khó khăn khi đóng góp tương đương vào quỹ chi tiêu chung của hai người.

Trong trường hợp, một trong hai người đột ngột mất việc, ốm đau, nợ nần… nếu hai vợ chồng mới cưới không hỗ trợ tài chính lẫn nhau sẽ rất khó duy trì hạnh phúc gia đình.

4.2. Vợ chồng xài tiền chung, tạo quỹ chung để quản lý

Trong gia đình, ai là người quản lý tiền?

Nhiều gia đình, chỉ một người cầm tiền để lo chi tiêu cho cả gia đình. Thường sẽ là vợ giữ tiền của chồng. Bởi vì mọi người cho rằng, phụ nữ quản lý tiền tốt hơn nam giới.

Cho nên, có nhà thì chồng tự nguyện nộp tiền lương cho vợ. Có nhà thì vợ tìm mọi cách để giữ hết lương của chồng.

Vợ có nên quản lý tiền của chồng?

Nếu chồng là người quản lý tài chính, mọi người thường có định kiến về loại đàn ông giữ tiền.

Nhiều lúc bà con hàng xóm sẽ xì xầm người đàn ông này là người đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành ( ý chỉ sự keo kiệt, bủn xỉn). Để phụ nữ cầm tiền rồi bủn xỉn, keo kiệt mới là chuyện bình thường của xã hội 🙂

Định kiến trên chỉ là điều vớ vẩn, ai quản lý tốt thì người đó cầm tiền để lo liệu thôi.

Ưu điểm là khi tiền về chung một túi sẽ dễ quản lý. Người cầm tiền lại thường là người giỏi quản lý tài chính hơn. Do đó, hạn chế mua sắm linh tinh mà không có kiểm soát. Hai vợ chồng có sự gắn kết nhau về kinh tế.

Nhược điểm là người giữ tiền thường sẽ phải chịu áp lực như phải ghi chép, tính toán, cân đối thu chi và công khai tài chính với đối phương.

Thường khi phải cầm tiên để lo cơm áo sẽ phải chi li, tỉ mỉ để có chút tiền tiết kiệm cho gia đình. Thành thử, đôi khi mang tiếng ki bo, keo kiệt. Trong gia đình, nhất là vợ chồng mới cưới để một người phải chịu gánh nặng quản lý tài chính là điều không nên.

Phải làm gì khi chồng hoặc vợ thích quản lý tiền?

Chồng hoặc vợ là người quản lý tiền trong gia đình là điều bình thường. Nhưng vấn đề ở đây là nếu như người cầm tiền nhưng không biết chi tiêu, tiêu hoang thì lại là vấn đề khác.

Nếu chồng hoặc vợ là người tiêu hoang nhưng đòi quản lý tiền của gia đình thì người còn lại cần phân tích, góp ý.

Phải cho người quản lý tiền thấy được lỗi sai trong việc xài tiền của họ. Khuyến khích họ ghi chép chi tiêu hàng ngày để theo dõi thói quen tiêu tiền của mình. Tạo thói quen chi tiêu tiết kiệm cho gia đình.

Mở tài khoản chung vợ chồng

Tùy từng gia đình mà vợ hoặc chồng là người cầm tiền. Thực sự, ai làm tay hòm chìa khóa thì cũng đều cần sự hợp tác, chia sẻ của đôi bên.

Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc về những kế hoạch tài chính trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Những điều này, tốt nhất là thảo luận trước đám cưới hoặc vào tuần trăng mật.

Mục tiêu ngắn hạn thường trong vòng 12 tháng như đi nghỉ lễ ở đâu, sắm sửa gì cho cuộc sống mới của hai vợ chồng… Mục tiêu trung hạn thường kéo dài và cần nhiều tiền hơn mục tiêu ngắn hạn. Ví dụ: tiết kiệm để mua nhà, mua xe,… Mục tiêu dài hạn thường là quyết định tài chính cho vài chục năm sau. Ví dụ: tiết kiệm cho con học đại học, nghỉ hưu…

5. Chìa khóa để quản lý tài chính vợ chồng mới cưới?

5.1. Xây dựng quỹ khẩn cấp ngay từ khi mới cưới

Quỹ khẩn cấp là mục tiêu tài chính mà vợ chồng nên làm ngay sau khi cưới. Cuộc sống vợ chồng mới cưới có thể đầy rẫy những sự kiện không ngờ. Thất nghiệp, ốm đau, tai nạn, dịch bệnh… cho dù được lên kế hoạch cẩn thận hay quản lý tài chính đến mấy đi chăng nữa.

Sau khi kết hôn, góp gạo thổi cơm chung nhưng lại nảy sinh ti tỉ những nhu cầu tiêu dùng mới.

Nếu trước kia, thất nghiệp vài tháng, bạn có thể xách balo về ở với cha mẹ thì nay khi đã có vợ có chồng mà cứ thiếu tiền, thất nghiệp lại trở về ở chung với cha mẹ thì không ổn tí nào.

Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi bắt đầu một quỹ khẩn cấp sau khi kết hôn.

Quỹ chung này giúp bạn yên tâm xoay xở khi có chuyện bất trắc xảy ra mà không cần vay mượn của gia đình. Giúp bạn nhanh chóng lấy lại động lực tiết kiệm thay vì là trả nợ do những trường nợp khẩn cấp.

Quỹ khẩn cấp giúp bạn yên tâm khi biết rằng nếu điều gì đó thực sự khủng khiếp xảy ra, chẳng hạn như mất việc thì vài tháng sau đó, bạn không phải lo lắng đến tiền thanh toán hóa đơn, ăn uống.

Tất nhiên tiền trong quỹ khẩn cấp không được sử dụng cho các khoản mua có kế hoạch. Ví dụ như nhà, xe mới, du lịch, v.v.

Đọc thêm: Xây dựng quỹ khẩn cấp qua quy tắc 50/30/20

Quỹ khẩn cấp không cần là số tiền khổng lồ của cả năm tích lũy. Số tiền trong chiếc phao cứu sinh này nên tương đương với chi phí sinh hoạt trong vòng 3 đến 6 tháng.

5.2. Vợ chồng mới cưới quản lý tài chính và con cái

Mặc dù hai vợ chồng mới cưới đều có thể muốn có con, nhưng mốc thời gian của bạn về thời điểm muốn có con có thể khác nhau rất nhiều so với đối phương.

Ở Việt Nam, mọi người thường mặc định sau khi cưới, vợ chồng phải có tin vui ngay. Nếu không muốn nói là có vấn đề.

Tất cả thường chỉ đề cập đến niềm vui do con cái mang lại. Còn vấn đề tiền, chi phí để nuôi con thì miễn bàn.

Con cái là lộc trời cho, trời sinh voi sinh cỏ.”

Có con là một quyết định thay đổi cuộc đời và tài chính của bạn mãi mãi. Sinh con đồng nghĩa với niềm vui và trách nghiệm.

Con cái liên quan gì đến chuyện tài chính vợ chồng?

Để hạnh phúc nhất thì nên có con lúc bạn đã sẵn sàng về sức khỏe và tài chính. Do đó, vợ chồng mới cưới cần quản lý, chuẩn bị tài chính trước khi có con tránh để vỡ kế hoạch lúc không mong muốn.

Ngày xưa ông bà sắn cũng không có mà ăn vậy mà vẫn nuôi được chục đứa con. Giờ sung sướng, có một hai đứa mà nuôi cũng kêu lên kêu xuống…

Đấy là những câu nói cửa miệng của mọi người khi nói đến chuyện nuôi con. Mọi người dường như không nhắc tới hoàn cảnh, điều kiện tài chính mỗi thời mỗi khác.

Xin thưa, ngày xưa đói khổ, đẻ chục đứa thì cũng một, hai đứa chết lúc nhỏ vì chết đói, bệnh tật. Con cái thì nheo nhóc, ốm yếu, đói khát quanh năm.

Trong khi nay con còn quý hơn vàng, hết sữa Úc đến sữa Nhật. Trường công không muốn cho con học mà phải cho con học trường quốc tế cho bằng bạn bằng bè. Đèo con đi xe máy thì sợ nắng, mưa, bụi bặm, phải sắm xe hơi để đưa đón con đi lại cho an toàn.

Không chờ đến tuổi đi học mới tốn kém. Mới đẻ ra là tiền bỉm, tiền sữa hàng tháng cũng đã hơn tiền tiêu pha của hai cha mẹ cộng lại.

Tóm lại, nuôi con thời nay tốn kém lắm. Những cặp vợ chồng mới cưới kinh tế còn chưa cứng thì cần phải bàn bạc kĩ lưỡng, quản lý tài chính chặt chẽ để đến khi có con bớt đau đầu tiền bỉm sữa, áo quần.

5.3. quản lý tài chính khi mua nhà, tậu xe

Tương tự như có con. Chuyện mua nhà, mua xe cũng là vấn đề mà vợ chồng mới cưới cần nói chuyện với nhau. Nếu chưa có, tạm thời ở nhà thuê cũng có thể.

Không cứ nhất thiết phải giữ tư duy an cư lập nghiệp. Đất thì cứ bị cò kéo thổi giá lên sốt rần rần.

Nếu vợ chồng mới cưới tay trắng vẫn muốn có nhà cao cửa rộng rồi liều vay trả góp 20-30 năm, mỗi tháng trả lãi gần hết lương của hai người thì cuộc sống sẽ rất chật vật. Cả đời đôi khi chỉ thấy đầu tắt mặt tối đi làm lo gánh gồng lãi suất.

Đọc thêm: Có nên mua nhà lúc này?

5.4. Vợ chồng mới cưới quản lý kế hoạch tài chính để về hưu

Vợ chồng mới cưới cũng chỉ mới trong ngoài 30 tuổi. Liệu có quá sớm để nghĩ đến việc về hưu?

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tiết kiệm cho việc nghỉ hưu, cũng không bao giờ là quá sớm khi nghĩ về việc này.

Bạn bắt đầu càng sớm; nhanh hơn, bạn có thể có thể thư giãn. Lập kế hoạch cho tương lai, cho việc học hành của con cái, và đồng thời tiết kiệm từng chút một để về hưu. Đóng góp nhiều nhất cho quỹ hưu trí.

Tuy nhiên, nếu trước mắt, hai vợ chồng mới cưới vẫn còn phải trả nợ, lập quỹ khẩn cấp, sinh con,… thì tạm thời gác việc lập quỹ hưu trí sang một bên. Hãy ưu tiên quản lý tài chính cho tốt để nhanh chóng thoát khỏi nợ nần.

Khi đã ổn định kinh tế hơn thì nghỉ đến hưu trí cũng chưa muộn.

Tổng kết chuyện quản lý tài chính của vợ chồng mới cưới

Quản lý tài chính cho vợ chồng mới cưới là việc làm hết sức cần thiết tựa như bước khởi động trước khi thi đấu thể thao. Để giành được chiến thắng, vợ chồng nên nói chuyện, phân công quản lý tiền ngay từ những ngày bơ vơ mới về với nhau.

“ Chúng ta luôn luôn né tránh nói đến tiền bạc. Khi trẻ tôi luôn nhắc đến tình yêu. Đến khi có tuổi tôi nhắc đến sức khỏe nhiều hơn. Nhưng quên đi sự thật là hàng ngày tiền bạc chạy đi mua hoa hồng cho tình yêumua thuốc cho sức khỏe.”  – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Hôn nhân gia đình không phải là cuộc chơi ngắn hạn, tiền ai nấy xài, mạnh ai nấy đi. Cưới gắn hai người xa lạ với hàng tá những khoản chi tiêu mới như mua nhà, sinh con, thăm hỏi nội ngoại… Vợ chồng cần bàn bạc kĩ càng cho những mục tiêu dài hơi về sau.

Phân chia 50/50 luôn là công bằng trong mọi cuộc chơi. Nhưng một khi đã là một gia đình, về chung một đội thì vợ chồng mới cưới nên tập chia sẻ lẫn nhau mọi thứ. Trong đó có chuyện tài chính, tiền nong cũng như niềm vui, nỗi buồn.

“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông ( rồi) cũng cạn.”

Sau đám cưới, nhiều thứ khiến con người vỡ mộng. Trong đó có chuyện tiền bạc

Đọc thêm: Có nên dạy con về tiền? Bài học vàng nên dạy cho trẻ càng sớm càng tốt

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận