Tối giản chi tiêu nghĩ như nào cho đúng?

Rate this post

Ngày hôm nay, Thảo xin nói về một chủ đề nằm trong series bài biết về Tài chính cá nhân cũng như là lối sống tối giản: Tối giản chi tiêu.

Tối giản chi tiêu là gì, Chi tiêu tối giản đem lại lợi ích gì, Mẹo hay để có thể tối giản chi tiêu…

Vâng, Thảo nói đến rất nhiều về việc sống tối giản. Có lẽ bạn cũng thấy rất quen và nhàm chán với cuộc sống tối giản. Tuy vậy, cuộc sống đơn điệu, buồn chán bạn đang trải qua không phải là điều tệ hại nhất. Thảm họa thực sự đến từ lãng phí từ năng lượng, sức khỏe, thời gian cho đến tiền bạc.

Nếu bạn đã đọc những bài viết trước của Thảo hoặc bạn chưa kịp đọc thì để Thảo nhắc lại cho bạn một vài con số gây bất ngờ:

Thảo đã bước qua những năm tháng của tuổi đôi mươi với xu hướng làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Từng là người nghiền mua sắm cho đến khi cạn sạch ví mà cũng chẳng bao giờ có bộ đồ nên hồn.

Giờ đây ngẫm lại những năm tháng tuổi trẻ của mình, tự nhiên thấy buồn cười cho cuộc sống tài chính hời hợt của mình lúc đó.

Nếu được trở về quá khứ, Thảo đã không làm thế này, mua cái kia hay ao ước cái nọ. Và hầu như những quyết định mua sắm trong quá khứ đều sai lầm, thà không mua còn tốt hơn.

  • Làm sao để những người trẻ có thể cưỡng lại những cơn nghiền mua sắm bốc đồng của mình?
  • Làm gì để bơ đi những đợt sale up, giảm giá sập sàn hàng tháng, hàng năm?
  • Làm sao để có thể sống tối giản, không mua sắm mà vẫn hạnh phúc?

Vượt qua cám dỗ của việc mua sắm không hề dễ dàng. Loại bỏ cảm giác muốn mua sắm hay sở hữu đòi hỏi kỉ luật và sự chấp hành rất lớn.

Tối giản chi tiêu là gì?

Nhiều người trong chúng ta có thể có quá nhiều thứ, và thậm chí có thể chi tiêu quá nhiều cho những khoản mua sắm không cần thiết.

Tối giản chi tiêu giúp bạn định hình lại phong cách tiêu tiền của bạn. Bằng những hành động cụ thế, tối giản chi tiêu sẽ giúp bạn hình thành thói quen tài chính mới. Bắt đầu từ việc thay đổi cách nghĩ của bạn về tiền, về niềm vui do tiền mang lại…

Chủ nghĩa tối giản đã trở thành một thực tế phổ biến trong những năm gần đây.

Đọc thêm những bài viết của Thảo về lối sống tối giản:

Tối giản trong ăn uống , Tối giản trong suy nghĩ, Kinh nghiệm sống tối giản từng bước như người Nhật, Tối giản hành lý khi đi du lịch

Khi bạn sống theo chủ nghĩa tối giản, bạn cố gắng chỉ sử dụng những thứ phục vụ cho một mục đích nào đó. Chỉ có những gì bạn cần cho cuộc sống hàng ngày của mình.

Ví dụ, một số người có thể bắt đầu thử thách không chi tiêu hoặc chỉ lấp đầy ngôi nhà của họ bằng những món đồ mà họ thực sự cần. Bạn không chỉ có thể tiết kiệm tiền mà còn có thể tiết kiệm thời gian dọn dẹp và sắp xếp.

Sống tối giản giúp tối giản chi tiêu như thế nào?

  • Bạn có bao giờ để ý rằng bất cứ khi nào bạn mệt mỏi, bận rộn hoặc quá tải, bạn rất dễ dàng chi tiền cho những món đồ tiện lợi đắt tiền?
  • Bạn mua đồ ăn mang đi vì bạn quá mệt để nấu bữa tối.
  • Bạn mua sữa ở cửa hàng đắt đỏ vì bạn không có thời gian đi siêu thị
  • Bạn đãi bản thân một ly cà phê đắt tiền vì bạn cảm thấy quá mệt mỏi.

Chắc chắn khi đang kiệt sức, con người dễ dàng tiêu tiền vào những thứ phù phiếm hơn.

May mắn thay, kể từ khi phát hiện ra chủ nghĩa tối giản, mọi thứ đã thay đổi. Tất nhiên, sống tối giản thì bạn cũng có những ngày tồi tệ như bất kỳ ai. Nhưng nhìn chung, lối sống tối giản sẽ giúp con người duy trì năng lượng ở mức tốt nhất có thể.

Khi chúng ta phơi phới và yêu đời, chúng ta không còn cần tiêu tiền để xả stress nữa. Thay vào đó, bạn sẽ tỉnh táo khi mua hàng. Biết cân nhắc giữa mức độ cần thiết và túi tiền của bản thân. Tập trung cho việc tối giản chi tiêu.

Những thứ nên cân nhắc khi muốn tối giản chi tiêu

Tối giản chi tiêu thì có nên mua kim cương

Kim cương không phải lúc nào cũng được ưa chuộng. Trước Thế chiến thứ hai, phần lớn nhẫn cưới không phải là nhẫn kim cương.

Tuy nhiên, vào những năm 1990, thật khó để tìm thấy một cô dâu mà không có một chiếc nhẫn kim cương.

Kim cương là một trong rất nhiều loại đá quý. Giá của kim cương mới tăng ngoạn mục sau thắng lợi của chiến dịch quảng cáo ‘Diamonds are Forever’ của công ty kim cương vào đầu những năm 1900.

Ba tháng lương?Một tháng lương?Có rất nhiều con số phỏng đoán xoay quanh số tiền bạn nên chi cho một chiếc nhẫn cưới.
Ở Mỹ, trung bình các cặp đôi mới cưới thường dành ba tháng lương để mua nhẫn kim cương. Đây trở thành quy tắc bất thành văn.

Thực ra điều này đã lỗi thời. Không có quy định nào về giá trị của chiếc nhẫn cưới mà bạn phải mua.

Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc nhẫn cưới không có kim cương. Thực ra, 30% nhẫn cưới không phải là kim cương. Đá quý thay thế đang trở nên phổ biến.  ngọc lục bảo, hồng ngọc và ngọc bích, các lựa chọn thay thế  ít tốn kém hơn.

Không nên mắc nợ chỉ vì mua một vài món đồ lấp lánh cho vài dịp quan trọng nhẫn kim cương.

Lấy ý tưởng từ cuốn Tiền không bao giờ là đủ, những cặp đôi chuẩn bị đám cưới nên nói chuyện với nhau. Các bạn đang có bao nhiêu tiền, dự định dùng bao nhiêu tiền chi cho đám cưới, mong muốn đám cưới sẽ diễn ra như nào.

Thông thường, cô dâu nào cũng muốn chiếc nhẫn kim cương thật lớn lấp lánh trên ngón áp út. Điều đó minh chứng cho tình yêu của vị hôn phu dành cho mình.
Tuy nhiên, nếu để số tiền để mua nhẫn kim cương đó đổi lấy những giờ phút tự do sau đám cưới thì sao.

Nói rõ hơn. Số tiền để mua chiếc nhẫn đó có thể đổi lấy:

  •  Những bữa ăn tối và hẹn hò lãng mạn của hai vợ chồng mà không cần phải nấu ăn ở nhà.
  • Rất nhiều chuyến du lịch cuối tuần thư giãn sau ngày cưới.
  • Tiền thuê người giúp việc và trông trẻ để hai vợ chồng có không gian riêng tư.

Đây là những chi phí cơ hội. Bạn có thể tự hỏi mình nếu không mua chiếc nhẫn này, bạn có thể dùng tiền vào những việc gì vui vẻ, đáng giá hơn không.

Liệu bạn có muốn khoe ngón tay đeo kim cương lấp lánh trong ngày cưới, và chuỗi ngày sau đó thì nhúng đôi tay ấy trong bồn rửa chén ngập xà phòng.
Hay là bạn có một chiếc nhẫn lấp lánh nhưng không phải là kim cương trong ngày cưới. Sau đó, bạn có tiền để hẹn hò ăn tối, đi du lịch và tận hưởng nhiều hoạt động giải trí khác.

Quyền lựa chọn là của bạn. Tiền còn đang nằm trong tay bạn. Bạn nên cân nhắc tối giản nhu cầu và chi tiêu của mình để có niềm vui ở mức tối đa.

Nhà ở – nguyên nhân khiến nhiều người không thể tối giản chi tiêu được

Nên mua nhà hay ở nhà thuê là một trong những mối bận tâm lớn nhất đối với những người trưởng thành hiện nay.

Người Mỹ bất kể giàu hay nghèo đều dành khoảng 50% thu nhập sau thuế của mình để trả cho nhà cửa và việc đi lại (thống kê năm 2009).

Cụ thể, bài toán dựa theo số liệu của World Bank về thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam là 11 triệu đồng/tháng.

Giá căn hộ bình dân là từ 25-30 triệu/m2.

Hai vợ chồng trẻ đều đi làm thì tháng thu nhập được 22 triệu, trừ tất cả chi tiêu thì tiết kiệm được khoảng 10 triệu/ tháng.

Nếu mua căn hộ khoảng 100m2 ( giá 25 triệu/ m2) cũng tốn khoảng 2,5 tỷ đồng. Với mức tiết kiệm 10 triệu/ tháng thì mỗi năm tiết kiệm được 120 triệu. Để đủ tiền mua chung cư 100m2 giá 2,5 tỷ cần 21 năm mới đủ.

Chưa kể giá chung cư, đất đai đều tăng rất nhanh so với tiền lương tăng rất chậm. Đi làm, tiết kiệm 21 năm sau chưa chắc đã mua nổi căn chung cư 70m2 hiện tại.

Do vậy, hai vợ chồng trẻ muốn mua một căn chung cư cũng cần phải chăm chỉ làm việc trong khoảng 25-30 năm mới đủ tiền để có nhà.

Sau khi mua nhà, tiền nội thất cũng ngốn một khoản kha khá. Nếu muốn có nhà đẹp thì với căn 70m2, chủ nhà còn phải bỏ ra tầm 100 triệu để mua sắm nội thất và khoảng 50 triệu để mua đồ điện tử như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, bếp… Tốn thêm khoảng 1 năm tiền tiết kiệm để sắm sửa cho nhà ở.

Như vậy, trung bình mọi người phải đi làm và mua nhà từ những năm 22, 23 tuổi thì đến khi gần về hưu mới trả nợ nhà xong xuôi.

Do đó, nhà cửa là một trong những gánh nặng tài chính lớn nhất của mọi người.

Vậy để tối giản chi tiêu cho nhà cửa, bạn có thể phải phân tích lại chút xíu.

Ví dụ thay vì mua căn hộ 100m2 có thể chỉ mua căn hộ 60-70 m2 như vậy giá nhà sẽ thấp hơn gần 1 tỷ so với dự định ban đầu. Tiết kiệm gần 10 năm còng lưng ra trả nợ nhà.

Nếu đang đi thuê nhà, bạn có thể giảm quy mô từ một căn nhà phố hai phòng ngủ thành một căn hộ studio nhỏ. Việc này có thể cắt giảm khoảng 50% chi phí cho nhà ở.

Bất kỳ ai đang cố gắng tiết kiệm tiền, hãy cân nhắc việc giảm kích thước nhà, ngay cả khi đó chỉ là một giải pháp tạm thời.

Tiền thuê nhà hoặc tiền thế chấp vay để mua nhà có lẽ là một trong những khoản chi lớn nhất. Vì vậy giảm bớt tiền thuê nhà dù chỉ trong một hoặc hai năm cũng bớt gánh nặng kinh tế cho mọi người.

Có những bạn sẽ biện hộ rằng: nhà 60-70m2 thì quá nhỏ quay ra quay vô là nhìn mặt nhau, phải 100m2 hoặc nhiều hơn thì mới có nhiều không gian sống.

Xin thưa rằng, nếu bạn biết sắp xếp gọn gàng, bày biện ngăn nắp thì nhà nhỏ vẫn thấy thoải mái. Còn nếu bạn cứ dựa vào chuyện nhà rộng để tích trữ, mua sắm thật nhiều thì nhà lớn đến đâu cũng thành chật.

Bạn nên tối giản những đồ dùng, vật dụng trong nhà của mình. Tránh trang trí hoa lá cành nhiều quá vừa tốn kém lại ngột ngạt, mất công lau chùi thường xuyên.

Chỉ nên mua những gì cần thiết. Đồ đạc bao giờ cũng cần phải bảo dưỡng, sữa chửa hay lau chùi. Sở hữu ít đi sẽ giảm chi phí về tiền bạc, công sức, không gian nhà của bạn.

Những cái đã lỡ mua mà không dùng thì bán hoặc cho, vứt đi.

Xe hơi có là phương tiện của người muốn tối giản chi tiêu?

Tương tự như nhà ở, có vẻ như chúng ta chưa nhìn thấy bức tranh tài chính đầy đủ của việc sở hữu một chiếc xe hơi.

Bạn đã bao giờ tính toán xem chi phí để nuôi một chiếc xe hơi hàng tháng là bao nhiêu không?

Chắc chắn là còn cao hơn tiền nuôi trẻ em nữa đấy.

Thử tính nhẩm chút nha:

  • Tiền gửi xe ( nếu ở chung cư hoặc phải đi gửi xe): 1-1,5 triệu
  • Tiền gửi ngoài: 500 ngàn- 1 triệu
  • Tiền đổ xăng: 1,5- 4 triệu
  • Tiền bảo dưỡng:500 ngàn- 1 triệu
  • Bảo hiểm: 600ngàn- 800 ngàn
  • Phí đăng kiểm, phí đường bộ: 250 ngàn

Tính lại thì khoảng 4,4 triệu- 8,6 triệu/ tháng, chưa tính tiền sữa chửa hay bị phạt nếu chẳng may bị va quẹt, tai nạn giao thông.

Do đó, nếu đang muốn tối giản chi tiêu thì các bạn nên cân nhắc lại việc mua xe hơi. Trong khi bây giờ, bạn hoàn toàn có thể thuê xe theo ngày, đi taxi khi cần thiết.

Việc thuê bên ngoài sẽ giúp bạn cắt giảm nhiều khoản chi không cần thiết, tiết kiệm nhiều tiền hơn.

Do vậy, nếu không quá dư dả về tài chính, bạn nên cân nhắc trước khi mua xe hơi.

Thú cưng- niềm vui của người tối giản chi tiêu?

Bạn có muốn nuôi thú cưng để bầu bạn không?

Tin buồn là: không giống như ở nhà cửa hay xe cộ, thú cưng thì không thể thuê theo ngày hay theo tháng được.

Mặc dù thú cưng thường rất đáng yêu và mang lại niềm vui vô bờ bến cho chủ nhân, nhưng có một số tình huống không phù hợp để nuôi chúng.

  • Sống ở chung cư. Nhiều chung cư không cho phép nuôi vật nuôi trong nhà và bạn không thể tự do dắt thú cưng đi dạo ở khuôn viên chung cư được.
  • Đi du lịch thường xuyên. Nếu bạn đi du lịch hay công tác thường xuyên thì bạn không thể mang theo thú cưng đi được. Rất nhiều khách sạn không cho phép mang vật nuôi vào. Hoặc nếu họ có dịch vụ trông giữ vật nuôi thì chắc chắn giá cả cũng vô cùng đắt đỏ.

Thêm nữa, chi phí thức ăn, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho thú cưng cũng rất tốn kém.

Một lần thú cưng đi spa làm đẹp cũng tốn 500 ngàn- 1 triệu đồng. Còn đi bác sĩ thú y để tiêm chủng, trị bệnh cũng có thể tốn tiền triệu.

Do đó, nếu bạn đang muốn sống tối giản, hãy suy nghĩ lại về việc nuôi thú cưng của mình. Thú cưng có phải là thứ thật sự cần thiết và nhất định phải có trong cuộc sống của bạn không.

Nếu câu trả không, hãy loại bỏ mục này trong danh sách của bạn.

Tối giản chi tiêu, kết luận

Mỗi đồng tiền mà bạn bỏ ra đều nên mang lại giá trị to lớn cho cuộc sống. Có một mái nhà che chở vào ban đêm, những cuốn sách để mở rộng tâm hồn, một vài bộ quần áo để giữ ấm cho cơ thể,…Đó là những điều tuyệt vời mà tiền có thể mang lại.

Tiền là một công cụ. Bạn có thể sáng tạo nhiều cách để tối ưu cách tiêu tiền của mình. Tối giản chi tiêu cũng là một cách hay mà bạn nên thử.

Hạn chế nhu cầu của bản thân, tập trung chỉ vào những gì thật sự cần thiết. Bạn đã có thể tối giản chi tiêu của mình.

Tác giả: Thảo Thảo Bácsĩ

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận