Du lịch Mai Châu có gì?
Một sức mạnh thôi thúc Thảo phải đi du lịch Mai Châu xem có gì đặc biệt. Có lẽ xuất phát từ những vần thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng từ những ngày còn đi học:
“Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói. Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”…
Trước khi tới Mai Châu, Thảo có ghé qua Pù Luông ( Thanh Hóa).
Pù Luông thì được ví như Tây Bắc thu nhỏ của Thanh Hóa. Ở đấy, cảnh đẹp miễn bàn. Từ những ngôi nhà sàn của người Thái đen, ruộng bậc thang và cảnh núi đồi hùng vĩ …
Tuy lưu luyến nhưng Thảo quyết tâm tạm biệt Pù Luông để lên đường khám phá Mai Châu.
Du lịch Mai Châu có gì?
Mở mắt ra là núi non trùng điệp. Mây trời lững thững ngang qua thung lũng lúa. Đảm bảo nhiều góc sống ảo cho bạn thoải mái check-in.
Những bản làng ở Mai Châu như một thế giới hoàn toàn tách biệt với khu thị trấn ồn ào phía trước. Ở đây, những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái trắng nằm sát nhau xen lẫn là đồng lúa.
Đây là nơi bình yên để đi trốn cuộc sống xô bồ của thành thị. Mở ra cơ hội hòa nhập, tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trắng. Còn vùng Phù Luông ( Thanh Hóa) lại là địa bàn sinh sống của người Thái đen.
Để khám phá bản Lác, bản Poom Coọng hay bản Văn… thì xe đạp là một lựa chọn tuyệt vời. Những con đường đều đã được bê tông. Bạn cũng có thể đi xe điện để tham quan hết 5 bản trong 1 ngày.
Còn đi những nơi xa hơn như cột cờ Mai Châu, bản Ba Khan ( bản của người Mường), chợ Pà Cò, điểm săn mây Hang Kia… thì phải đi bằng xe máy. Nhiều khách sạn và homestay ở Mai Châu có luôn dịch vụ cho thuê xe theo ngày. Quá tiện luôn.
Du lịch Mai Châu ở đâu?
Mai Châu là một thung lũng của thành phố Hòa Bình. Chỉ cách Hà Nội khoảng 2,5 tiếng đi xe khách.
Ở Mai Châu không thiếu thứ gì, từ điện đường trường trạm đầy đủ, wifi bao mạnh. Chỉ lo thiếu tiền. Mà Thảo nói chơi thôi chứ chi phí ở Mai Châu rất phải chăng.
Muốn tiết kiệm thì có thể ở nhà sàn, homestay còn nghỉ dưỡng sang chảnh cũng không thiếu khách sạn, resort.
Điểm du lịch Mai Châu có gì?
Bản Lác Mai Châu có gì?
Dệt vải- Nghề dệt vải truyền thống của người Thái
Buổi sáng sớm, Thảo đạp xe chạy loanh quanh bản Lác thì thấy cảnh ươm tơ dệt vải. Đang ngần ngại đứng nhìn từ xa thì bác này gọi tới giới thiệu rất nhiệt tình.
Nuôi tằm dệt vải là nghề dệt truyền thống của người Thái trắng. Hầu hết người Thái ở Mai Châu là đồng bào Thái trắng.
Sau khi nuôi tằm được 1 tháng thì đến lúc có thể kéo tơ. Nấu nước sôi rồi thả tằm vào kéo. Lúc đầu, con tằm được bao quanh bởi lớp kén vàng, dày mà nhẹ như bông. Sau khi kéo xong thì tằm chỉ còn màu trắng.
Ngày xưa, cô gái Thái nào cũng biết dệt vải để làm của hồi môn về nhà chồng. Những sản phẩm dệt thủ công rất tinh tế, đôi khi vài tháng ròng mới làm xong.
Bây giờ, đã có hàng dệt bằng máy, nhanh và rẻ hơn. Nhưng khách bao giờ cũng ưa chuộng dệt bằng tay. Bà cụ dệt xong tấm nào là khách đến mua liền, không kịp chưng ra bán.
Bản Poom Cọng
Bản Poom Coọng cũng là bản du lịch nổi tiếng sát bên bản Lác. Các bản được nối liền với nhau bởi những cánh đồng lúa xanh mướt và núi non trùng điệp phía xa.
Bản Nhót
Thực ra, cả tuần ở Mai Châu thì Thảo ở homestay bên bản Nhót. Chỉ cần thong thả đạp xe vài phút là tới bản Lác, bản Poom Coọng.
Bản Nhót thì ít hộ làm du lịch hơn. Bù lại, bên này có những homestay có không gian rộng rãi, mát mẻ hơn.
Đây cũng là homestay của người Thái. Được trải nghiệm ở nhà sàn với người dân bản địa.
Chủ homestay là cô dâu mới về. Cô gái xinh xắn với nước da trắng mịn và dáng người cân đối. Em này nhiệt tình giới thiệu cho Thảo những nét đặc biệt của văn hóa truyền thống.
Khung cưởi và một số tấm vải mà em gái đã dệt để mang về nhà chồng.
Bản Văn Mai Châu có gì đặc biệt?
Chỉ cách bản Lác tầm 2km. Bản Văn khá nhỏ với rất nhiều nhà sàn dọc đường đi.
Bản Văn có một bảo tàng nhỏ của người Thái: Khu Bảo Tồn Cổ Vật Và Văn Hóa Người Thái.
Dòng chữ ngoằn ngoèo viết trên bảng hiệu là chữ của đồng bào Thái. So với tiếng Thái Lan thì tiếng của đồng bào Thái giống nhau khoảng 30%-40%.
Tiếc rằng đang mùa Covid nên bảo tàng đóng cửa.
Đến đây, Thảo mới biết được cách phân biệt giữa người Thái trắng và Thái đen qua trang phục. Trong khi áo người Thái trắng có phần áo yếm bằng thổ cẩm từ phần ngực và ống tay dài. Áo người Thái đen tay ngắn và không có phần yếm bằng thổ cẩm.
Cột cờ Mai Châu
Cột cờ Mai Châu chỉ cách thị trấn Mai Châu khoảng 5km, trên đường Mai Châu- Hà Nội. Lên đây sẽ có thể thu tầm mắt, nhìn xuống thung lũng phía dưới.
Lên đây chủ yếu ngắm cảnh rồi về chứ quán xá, cà phê cũng không có nhiều.
Du lịch Mai Châu mua gì làm quà?
Thành quả thu được sau chuyến du lịch Mai Châu là những tấm vải của người Thái. Những hoa văn này đều là hoa văn truyền thống của đồng bào Thái.
Vải này Thảo mua ở chợ ở thị trấn Mai Châu. Ngoài ra, ở bản Lác hầu như nhà nào cũng có bán thổ cẩm làm đồ lưu niệm.
Tấm trên được dệt bằng máy. Tấm dưới được dệt bằng tay. Tuy dệt máy nhanh hơn, đường nét đều đặn hơn nhưng thổ cẩm dệt tay vẫn được ưa chuộng và có giá cao hơn.
Du lịch Mai Châu mùa nào đẹp nhất?
Đến Mai Châu màu nào cũng đáng để thưởng thức.
Tháng 5-6 và tháng 11-12 là mùa lúa chín ở Mai Châu. Lúa chín vàng lãng mạn bao phủ khắp mọi ngõ ngách của bản làng.
Đợt Thảo đi đầu tháng 5, lúa chỉ mới bắt đầu trổ bông và ngả vàng xe lẫn những mảng ruộng xanh mơn mởn.
Thời tiết Mai Châu Hòa Bình cuối tuần?
Mai Châu là một thung lũng hẹp nên khí hậu tương đối dễ chịu. Mùa hè không quá nóng, mùa đông cũng không quá lạnh. Sau một chiều mưa thì đêm nằm ngủ vẫn nghe tiếng ếch kêu rộn rã ngoài đồng.
Lưu ý quan trọng: nếu ở nhà sàn thì bạn nên cân nhắc những ngày nắng lớn. Nhà sàn tuy đã làm mái tranh nhưng vẫn có thể thấy nóng vào ban ngày.
Mai Châu cách Hà Nội bao xa?
Mai Châu chỉ cách Hà Nội 140km. Đi ô tô chừng 2 tiếng 30 phút. Cung đường uống lượn này cũng là thử thách cho những bạn đam mê phượt bằng xe máy.
Bạn nào ở miền Nam có thể bay ra Hà Nội rồi đi Mai Châu, Pù Luông sau đó về sân bay Thanh Hóa.
Tác giả: Thảo Thảo