Kinh nghiệm phượt Châu Đốc An Giang có gì?

4/5 - (1 bình chọn)

Mỗi lần mùa nước nổi, Thảo lại chộn rộn muốn nhắc mông lên và đi du lịch Châu Đốc An Giang để thỏa cái niềm đam mê sông nước. Có bạn nghe đến vậy sẽ cười vì miền Tây đâu mà chẳng có sông nước mênh mông, ấy vậy mà Châu Đốc lại có cái vẻ duyên thầm khó ai sánh được.

Châu Đốc ở đâu? 

Châu Đốc là một trong hai thành phố của tỉnh An Giang. Châu Đốc cũng là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long.

Cửa khẩu Tịnh Biên Châu Đốc giáp nước bạn Campuchia.

Châu Đốc cách Sài Gòn chừng 200km và cách Cần Thơ hơn 100km. Châu Đốc cũng cách Hà Tiên gần 100km.

Đi Châu Đốc bằng xe máy, tại sao không? 

Châu Đốc cũng không xa Sài Gòn là bao nhiêu. Nếu đi du lịch tự túc bằng xe khách thì khoảng 6 tiếng là tới. Còn bạn nào muốn cảm giác phiêu lưu, trải nghiệm thì chạy xe máy vừa được chủ động thời gian vừa được ngắm nhiều cảnh đẹp.

An Giang là tỉnh đón đầu nguồn dòng Mekong đổ vào lãnh thổ nên sông nước, đồi núi ở đây rất hùng vĩ.

Làng cá bè Châu Đốc An Giang.
Làng cá bè Châu Đốc An Giang.

Đường đi thì trên Google map chỉ rất rõ ràng rồi.

Tuổi còn trẻ, xăng còn trẻ, ngại gì mà không xê dịch.”

Châu Đốc có gì vui?

Chùa bà Châu Đốc.

Chùa bà rất linh thiêng nên thu hút người du khách viếng thăm. Nếu ở người dân Đông Nam Bộ rỉ tai nhau chùa bà Đen Tây Ninh linh lắm thì người Tây Nam Bộ lại có chùa Bà Châu Đốc cũng nổi tiếng ngang ngửa.

Chùa bà nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 4km.

Trước đây, tượng Bà Chúa Xứ được thờ trong miếu đơn sơ bằng tre nứa nằm trên đỉnh núi Sam. Sau đó người dân xây dựng Miếu Bà ở chân núi và thỉnh Bà xuống núi. Chuyện thỉnh Bà xuống núi cũng có cả một tích khá li kì.

Miếu Bà ở chân núi Sam có lối kiến trúc độc đáo và là một di tích của tỉnh An Giang.

Chùa Bà Châu Đốc An Giang.
Chùa Bà nổi tiếng linh thiêng ở Châu Đốc An Giang.

Miếu không phân biệt ngày đêm, luôn đông nghẹt khách hành lễ. Các bạn cẩn thận những người làm “cò” trước miếu. Họ sẽ dụ bạn mua nhang đèn, đồ cúng,… rất mắc tiền. Trong miếu cũng có nhang nên bạn không cần mua hoặc bạn tự chuẩn bị đồ cúng mang đến.

Đồ cúng có thể là 1 bó hoa tươi, 1 đĩa hoa quả kèm trầu cau, nến, muối và gạo. Ngoài ra, nếu có thời gian chuẩn bị, có thể cúng thêm 1 đĩa đồ mặn gồm gà luộc, thịt lợn luộc, bánh chưng, heo quay… Khách du lịch ở xa tới thì chỉ cần thắp nén hương tỏ lòng thành kính với Bà.

Lễ hội vía Bà được tổ chức trang trọng từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày lễ cấp Quốc Gia. Có tái hiện lại cảnh rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống chân núi theo nghi thức cổ truyền.

Núi Sam châu Đốc. 

Từ chân núi lên đỉnh núi Sam khoảng 2km. Đường nhựa rộng rãi nên ô tô cũng có thể đi.

Núi Sam không thuộc vùng Bảy Núi, tức bảy ngọn núi ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của An Giang.

Hai bên đường, cây cối tốt um tùm, hoa nở rực rở. Có vài ngôi chùa nằm dọc theo triền núi Sam như chùa Long Sơn, chùa Hang, Tiên Sơn Tự, lăng Thoại Ngọc Hầu…ẩn hiện giữa không gian rừng núi thanh tịnh.

Thảo chỉ ghé thăm chùa Long Sơn. Ngôi chùa được xây dựng rất quy mô và đồ sộ. Ở tầng 2, các sư thầy còn trồng một vườn lan nhiều chủng loại, màu sắc rất đẹp.

Châu Đốc nhìn từ núi Sam.
Châu Đốc nhìn từ núi Sam.

Đứng trên chùa, bạn có thể nhìn thấy những cánh đồng lúa xanh mướt. Thành phố Châu Đốc cũng thu nhỏ lại trong tầm mắt.

Những cánh đồng dưới chân núi Sam.
Những cánh đồng dưới chân núi Sam.

Đỉnh núi Sam Châu Đốc có gì?

Trên đỉnh núi không có tượng Bà nữa mà chỉ còn tảng đá ngày xưa ngự tượng Bà.

Có vài người bán chim phóng sanh, nhang đèn bên cạnh tảng đá thờ tượng Bà. Trông mấy cô bán hàng khá buồn vì vắng khách. Khách du lịch bây giờ chủ yếu về cúng bái Miếu Bà ở chân núi vì vậy Núi Sam cũng vắng vẻ hơn xưa.

Trên núi vẫn có chùa, điện thờ thần phật. Chùa vẫn khá mới với màu sơn đỏ tươi rực rỡ.

Chùa núi Sam Châu Đốc.
Chùa núi Sam Châu Đốc.

Làng Chăm Châu Phong.

An Giang được mệnh danh là xứ sở đạo Hồi của Việt Nam.

Có hai làng Chăm ở Châu Đốc là làng chăm Châu Phong Đa Phước.

Buổi sáng, Thảo đi làng chăm Châu Phong trước.

Từ thành phố Châu Đốc, chạy xe tầm 5km rồi qua phà là tới làng Chăm Châu Phong

Vừa lên khỏi phà, thấy có mấy chú xe ôm gọi vọng qua: “Đi chơi phải không?”.

Thảo ngoảng lại nghĩ chắc mấy chú này định dẫn đi loanh quanh rồi thu tiền công nên cứ cắm đầu mà chạy tới.

Ở đây có nhiều thánh đường Hồi giáo lắm.

Châu Đốc ở đâu?,châu đốc giáp nước nào, đi Châu Đốc bằng xe máy, châu đốc có gì vui,châu đốc lý nàng ơi,châu đốc vía bà 23 tháng 4,châu đốc về đêm,Châu đốc ăn gì,châu đốc có đặc sản gì,châu đốc cần thơ,châu đốc hà tiên
Thánh đường hồi giáo ở Châu Phong.

Một làng bé xíu mà cũng có tầm gần chục thánh đường lớn, nhỏ. Hôm nay là ngày nghỉ nên cả đám trẻ tụ tập ở sân thánh đường để chơi đá bóng.

Đặc biệt là thánh đường đạo Hồi chỉ dành cho nam giới đi hành lễ hằng ngày, nữ giới thì hành lễ tại nhà.

Thảo thấy khá lạ lẫm với những bộ quần áo của phụ nữ Chăm. Có những cô còn mang cả bộ đồ đen che từ đầu tới chân chỉ còn chừa đôi mắt đen nhánh.

Nhà của người Chăm là nhà sàn để tránh mùa nước nổi. Hoa văn trang trí bên ngoài cũng rất độc đáo, đẹp mắt.

Một địa điểm không bỏ qua khi du lịch Châu Đốc, làng chăm Châu Phong.
Nhà truyền thống của người Chăm ở Châu Phong.

Đi lòng vòng thì Thảo lại gặp một chú xe ôm lúc sáng. Chú lại hỏi : “Đi chơi phải không ?”. Thôi lần này, Thảo cũng không cần ai dẫn đi nữa nên gật đầu đại. Ai dè chú nhiệt tình chỉ đi coi chổ này, chổ kia trong làng cho biết. Tự nhiên cảm thấy có lỗi khi buổi sáng nghĩ oan cho chú.

Làng chăm Đa Phước. 

Từ Châu Phong, chỉ cần đi đò là đã qua tới làng chăm Đa Phước. Theo quan sát của Thảo, làng Đa Phước nhỏ hơn Châu Phong. Có một thánh đường rất lớn trong làng.

Chùa ở Châu Đốc.

Ngoài chùa Bà và những ngôi chùa ở núi Sam, An Giang còn có vài ngôi chùa độc đáo không kém.

Chùa Lầu- tiểu Nhật Bản.

Chùa Lầu còn có tên là Phước Lâm Tự. Cái tên chùa Lầu xuất phát từ kiến trúc tầng lầu độc đáo ở đây.Ngôi chùa này có tuổi đời hơn 130 năm.

Màu sơn đỏ, ngói xanh của chùa khiến khách du lịch liên tưởng đến đất nước Phù Tang. Trong chánh điện vẫn giữ nguyên truyền thống của Việt Nam.

Các sư cô đã chăm chút khuôn viên chùa thành một vườn hoa mini rực rỡ với hoa giấy, vạn thọ, hoa sen, mào gà…

Chùa Lầu- tiểu Nhật Bản ở An Giang.
Chùa Lầu- tiểu Nhật Bản ở An Giang.

Bạn có thể leo lên cây cầu treo bằng gỗ nằm vắt vẻo nằm trong khuôn viên của chùa. Từ đây, nhìn ngắm toàn bộ khuôn viên chùa, hàng cây thốt nốt – biểu tượng của An Giang và vườn hoa bên dưới.

Địa chỉ chùa Lầu: khóm Xuân Phú, Tịnh Biên, An Giang

Chùa Kim Tiên.

Chùa Kim tiên chỉ cách chùa Lầu hơn 5 phút chạy xe. Đường đi khá đẹp với những hàng thốt nốt ven đường.

Khác với cảnh yên lắng của chùa lầu, chùa Kim Tiên khá nhộn nhịp. Chùa mới được tu sửa lại khoang trang hơn nên có rất nhiều khách du lịch từ Châu Đốc ghé tới.

Đây được đánh giá là ngôi chùa nguy nga tráng lệ bậc nhất vùng Bảy Núi An Giang.

Du lịch chùa Kim Tiên An Giang.
Du lịch chùa Kim Tiên An Giang.

Điểm nhấn của chùa là tượng Phật a-di-đà cao 24m ở trên nóc chùa. Ở trên vòm mái còn được dát vàng. Chánh điện rộng rãi, mát mẻ. Người ra người vào tấp nập.

Mọi góc của chùa chụp lên đều mang màu sắc cổ trang thần bí.

Địa chỉ chùa Kim Tiên: xã An Phú, gần thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang.

Châu đốc ăn gì?

Bún cá Châu Đốc. 

Đến Châu Đốc chắc chắn bạn phải thử ăn bún cá. Bún cá châu đốc nổi danh khắp miền tây.

Bún cá Châu Đốc nghe đến là thèm.
Bún cá Châu Đốc nghe đến là thèm.

Tô bún cá đầy đủ bao gồm thịt cá lóc xào nghệ vàng tươi, thịt heo quay, bông điên điển rắc thêm ít cọng rau muống, bắp chuối ở mặt trên. Bỏ thêm chút mắm me chua thay cho chanh mới đúng điệu miền sông nước.

Thảo thấy người miền Tây còn nghiền ăn bún cá chung với đầu cá. Cứ mỗi lần đi ăn quán quen là phải dặn trước chủ quán ngày mai để dành đầu cá cho mình.

Nước lèo trong bún cá đậm đà vị mắm và không hề có dầu mỡ như nhiều loại bún khác. Ăn tô bún cá chua mát là thấy giải nhiệt trong người.

Ở Sài Gòn, vài lần Thảo ăn món bún cá Num-bo-chóc của người Campuchia bán trong chợ Hồ Thị Kỷ thấy cũng có vài nét hao hao giống bún cá Châu Đốc.

Nước thốt nốt. 

Không đâu nhiều thốt nốt như An Giang.

Thốt nốt là đặc sản độc đáo của Châu Đốc, An Giang. Nước màu vàng ươm, ngọt dịu và có mùi thơm hơn nước dừa, nước mía.

Mùa thốt nốt bắt đầu từ tháng 11 âm lịch cho đến mùa mưa năm sau. Buổi sáng, những người hái trèo lên ngọn cây thốt nốt cao 20-30 m rồi dùng dao chặt phần ngọn của bông thốt nốt. Sau đó dùng can nhựa hứng nước chảy ra. Nước thốt nốt tươi được ướp lạnh ngay, bán làm nước giải khát.

Đã khát với nước thốt nốt Châu Đốc.
Đã khát với nước thốt nốt Châu Đốc.

Nước thốt nốt ướp lạnh được bán ven đường quốc lộ. Chai nhỏ thì bán trong ngày, chai lớn được nấu cô đặc nên có thể để lâu ngày.

Giữa cái nóng khô cổ giữa trưa hè, uống chai nước thốt nốt ướp lạnh mà thấy đã khát ngay lập tức. Cắn thêm miếng thịt thốt nốt ngòn ngọt, sần sật thì hết chổ chê.

Nên đi khi nào?

Châu Đốc An Giang có hai mùa mưa và mùa khô nhưng nhìn chung khí hậu khá ôn hòa, dễ chịu. Có thể đi du lịch Châu Đốc vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Từ khoảng tháng 6, Châu Đốc bắt đầu bước vào mùa cao điểm du lịch. Nhất là dịp lễ vía chùa Bà ( ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch).

Sang tháng 8 đến tháng 11 là mùa nước nổi. Sông ngồi đầy ắp nước,tôm cá đề huề. Đến đây sẽ cảm nhận chân thực cuộc sống của dân miền sông nước. Còn gì tuyệt vời hơn cảnh ngồi thuyền len lỏi giữa rừng tràm Trà Sư mùa nước về, ăn chuột đồng béo ngậy.

Nếu từ xa tới thì nên chơi Châu Đốc khoảng 3 đêm 2 ngày là hợp lý nhất.

Cần chuẩn bị?

  • Nên chuẩn bị sẵn đồ cúng ở nhà rồi mang theo nếu đi chùa Bà.
  • Mang quần áo dài tay, lịch sự vì đi chùa miếu nhiều.

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận