Địa điểm ăn uống Hội An theo chân thổ địa

Rate this post

Nếu còn thắc mắc du lịch Hội An ăn gì ở đâu thì hãy cùng Thảo khám phá những địa điểm ăn uống ngon nhất ở Hội An nhé. Đảm bảo bạn sẽ thành tín đồ ăn uống tại xứ Hội.

Chè mè đen- địa điểm nổi tiếng ở Hội An

Các kênh review ăn uống Hội An giới thiệu món chè mè đen này rất nhiều. Cứ đi du lịch mà hỏi người Hội An ăn uống gì là họ sẽ giới thiệu ngay quán chè Xí mà phù.

Chén chè mè đen nhỏ xíu tưởng như chỉ múc hai muỗng là hết này có gì mà “hót” đến vậy?

hoi-an-an-gi-o-dau-1
Chè mè đen.

Chè mè đen ở Hội An khác biệt vì cách chế biến có nguồn gốc từ người Hoa. Xí mà phù trong tiếng Hoa có nghĩa là chè mè đen. Sau đó được cụ ông Thiều thêm vào công thức vị thuốc Bắc bí mật mà chỉ có cụ và truyền nhân của cụ mới được biết.

Thảo vô tình biết đến món chè này khi đọc một cuốn sách về kinh nghiệm ăn uống ở Hội An.

Gánh chè của cụ ông Thiều đã bán từ năm cụ mới 20 tuổi. Nay cụ đã hơn 100 tuổi nên nghỉ bán và truyền lại cho người con gái của mình. Tiếng rao của cụ Thiều mỗi sáng đã gắn liền cùng bao thế hệ người dân xứ Hội còn gánh chè trở thành địa chỉ ăn uống Hội An toàn khách quen.

Chè mè đen Hội An bán ở đâu?

Gánh chè chính hiệu ở đối diện số 118, đường Nguyễn Trường Tộ, Hội An.

Bạn có thể bắt gặp hình ảnh của con gái cụ bên gánh chè gia truyền. Cô bán chè ngồi bán vỉa hè, dưới tán cây rất sạch và mát. Có vài chiếc ghế nhựa thấp để khách ngồi ăn tại chổ và có thể mua mang về.

Địa điểm này ở Hội An có gì đặc biệt?

Những nguyên liệu làm ra chè là mè đen, sắn dây, bột khoai lang, đường và thuốc bắc được nấu theo bí mật gia truyền. Mè đen được ngâm và đem xay nhuyễn, sau đó nấu cùng những nguyên liệu khác tạo nên vị bùi bùi, beo béo và ngọt thanh.

Hai chiếc nồi nấu chè ngày xưa được cụ Thiều đặt làm riêng thì nay cũng được cụ truyền lại cho con.

hoi-an-an-gi-o-dau-2
Gánh chè mà ông Thiều truyền lại cho con cháu.

Cô tâm sự bán chè từ 6 giờ sáng tới tầm 9 giờ sáng thì hết.

Để nấu món chè này, cô chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. 4 giờ sáng hôm sau thì dậy nấu xong đem đi bán. Cô vốn làm giáo viên, giờ về hưu nên đi bán chè để giữ nghề truyền thống của gia đình.

Thảo được biết ở nhà cô có mở nhà trưng bày những dụng cụ mà ông Thiều sử dụng làm chè. Tuy vậy, đang mùa dịch nên cô tạm thời đóng cửa để giữ gìn sức khỏe cho cụ ông.

Cũng là mè đen nhưng nhờ có thêm thuốc bắc mà chè có vị ngọt, bùi và beo béo. Sau khi ăn cả tiếng đồng hồ mà Thảo còn cảm thấy vị thơm, ngọt trong miệng. Đã ăn chè Xí mà phù của cụ Thiều, có lẽ sẽ chẳng còn món chè khác thay thế được!

Bánh mì Hội An- địa điểm ăn bánh mì ngon nhất thế giới?

Nhắc đến ăn uống tại Hội An mà không nhắc đến bánh mì Phượng thì coi như chưa nói gì.

Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain trong chuyến thăm Việt Nam đã đánh giá bánh mì Phượng là “bánh mì ngon nhất thế giới“.

Kể từ đó, ai đến Hội An cũng phải cố thử bánh mì ở đây một vài lần. Lần đầu có thể vì tò mò nhưng lần sau ăn vì thấy bánh mì ngon quá. Vỏ bánh mì giòn rụm. Nhân bánh được thêm rất nhiều loại thịt và rau.

hoi-an-an-gi-o-dau-4
Bánh mì Phượng

Địa chỉ bánh mì Phượng: 2b Phan Chu Trinh, Cẩm Châu, Hội An.

Quán nằm ngay trong khu phố cổ, rất dễ tìm. Đến nơi, bạn có thể bắt gặp những hàng dài dằng dặc đứng xếp hàng chờ mua bánh mì. Để ăn được bánh mì ngon nhất thế giới này đôi khi cần có một sự kiên nhẫn nhẹ.

Theo đánh giá của nhiều người thì giá bán cho người địa phương sẽ thấp hơn giá bán cho du khách. Biết là vậy nhưng vẫn không giảm đi sức hút của bánh mì Phượng.

Địa chỉ ăn bánh mì Hội An

Một quán bánh mì khác nằm trong Top món ngon Hội An là bánh mì bà Khánh ( Madam Khánh).

Trang Trip Advisor trang du lịch hàng đầu thế giới đánh giá đây là ” The Banh Mi Queen” ( nữ hoàng bánh mì). Đến Hội An ăn gì ngon thì chắc chắn là món bánh mì.

hoi-an-an-gi-o-dau-11
Bánh mì bà Khánh.

Bánh mì Khánh gồm những nguyên liệu nhà làm, tự chế biến theo công thức gia truyền hơn 30 năm. Quán có menu rõ ràng có thể chọn đúng khẩu vị mình thích. Bánh mì Khánh đỡ phải xếp hàng bên bánh mì Phượng.

Tây hay ta ăn bánh mì Madam Khánh đều khen tấm tắc. Riêng Thảo cũng phân định nổi bánh mì Phượng hay bánh mì Khánh ngon hơn nữa. Bởi vậy, bánh mì Khánh và bánh mì Phượng luôn có mặt trong danh sách những món ăn ngon nhất ở Hội An.

Địa điểm ăn cao lầu Hội An ở đâu

Cao lầu là một món mì của đất Quảng và được xem là đặc sản của Hội An. Đi khắp Việt Nam nhưng muốn ăn cao lầu đúng điệu thì chỉ có cách về xứ Hội.

Mới nhìn cao lầu trông giống như sợi mì, nhưng không phải mì.

Khi ăn món này, Thảo có cảm giác sợi mì giống mì Udon của Nhật nhưng miếng thịt xá xíu mềm, thấm sốt thì hao hao giống của người Hoa. Dường như ăn một tô mì mà gói gọn những tinh hoa của ẩm thực Hội An trong đó.

hoi-an-an-gi-o-dau-7
Cao lầu Hội An.

Quán cao lầu Hội An ở đâu ngon?

Thổ địa mách nước là quán Thanh ở 26 Thái Phiên.

Cái tên cao lầu xuất phát từ việc ngày xưa, thực khách ăn món mì này trên lầu cao. Ngồi trên cao, thưởng cảnh đẹp và thưởng thức món mì cao lầu thì còn gì bằng.

Sợi mì trong cao lầu thường được chế biến rất công phu. Để làm nên sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô cần có bí quyết riêng. Gạo thơm đem ngâm vào nước tro lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm. Rau sống cũng phải lấy từ làng rau Trà Quế mới tròn vị.

Nước lèo trong tô cao lầu được cô đặc đến độ còn 1,2 muỗng nước. Nước lèo phản phất hương vị món kho của người Việt.

Cơm gà Hội An – địa điểm ăn trưa nổi tiếng

Ở Hội An chơi cả tuần nên Thảo cứ gần đến giờ ăn lại phân vân. Cơm gà là món Hội An mà Thảo ăn nhiều nhất.

Trước giờ nghe danh cơm gà Tam Kỳ, cơm gà Phú Yên nhưng khi bước chân tới phố cổ Hội An thì Thảo mới thấy cơm gà Hội An vẫn là nhất.

Quán đầu tiên Thảo ghé là cơm gà bà Buội ở 22 Phan Chu Trinh ở ngay khu phố cổ và cơ sở 2 ở xa hơn một chút. Nghe nói quán còn có chi nhánh ở Đà Nẵng nhưng vẫn không ngon bằng ở Hội An.

Thảo đến giữa trưa. Quán nhỏ xíu và đông nghẹt khách. Phải chờ một lát để dọn bàn mới vừa rời đi.

hoi-an-an-gi-o-dau-10
Cơm gà bà Buội.

Ngoài món gà xé, còn có thể gọi thêm phần đùi chặt sẵn, lòng hay gỏi gà.

Một quán cơm gà Hội An nổi tiếng khác là cơm gà Bá Lễ.

Đây là quán cao lầu Bá Lễ trong đó có bán cao lầu, cơm gà và mì Quảng. Quán này được diễn viên Trường Giang review món ngon Hội An. Có cả hình chụp Trường Giang cũng chủ quán treo ở quán ăn này.

hoi-an-an-gi-o-dau-3
Cơm Gà Bá Lễ

Phần thịt cũng khá giống cơm gà bà Buội. Theo đánh giá chủ quan của Thảo thì phần cơm của bà Buội khô ráo hơn còn cơm gà Bá Lễ thì mềm hơn.

Địa chỉ quán Bá Lễ: 45/3 Trần Hưng Đạo, Sơn Phong, Hội An.

Trong cũng con hẻm với quán Bá Lễ còn có quán cơm gà Xí. Cảm nhận chủ quan của Thảo thì cơm gà Xí cũng ngon và rẻ hơn. Tuy nhiên, chổ ngồi bên này không được thoải mái lắm.

Ngoài ra, còn có cơm gà Giếng Đình cũng ngon không kém. Hạt cơm được xào cùng gia vị nên đậm đà hơn hẳn.

Mì Quảng ăn ở địa điểm nào?

Nhắc đến mì Quảng thì ai cũng biết là đặc sản xứ Quảng. Ở Hội An, có rất nhiều quán bán mì Quảng chung với những món ăn khác.

hoi-an-an-gi-o-dau-6
Mì Quảng ở Hội An

Ngày xưa, mì Quảng cổ điển có nhân là tôm thịt thì nay đã biến tấu thêm nhiều loại hơn như mì gà, mì bò, cá, vịt… Chỉ có ở Quảng và Hội An mới được ăn tô mì Quảng đúng điệu.

Sợi mì làm từ bột gạo, có thể pha thêm nghệ hay gạo lứt tạo nên sợ mì vàng, sợi mì đỏ cho đẹp mắt. Nước dùng mì Quảng chỉ xâm xấp thứ nước đậm đà chứ không đầy tràn cả tô như nhiều nơi khác. Đây là nước dùng xương được nấu sánh đậm. Bánh đa ăn kèm cũng giòn rụm rắc thêm vị béo của đậu phộng.

Trên là hình mì Quảng ở quán cao lầu Bá Lễ. Trang trí rất đẹp mắt mà ăn cũng vừa miệng.

Địa điểm ăn vặt Hội An 

Nếu kể đến món ăn vặt xứ Hội cũng nhiều vô kể. Từ các loại bánh, chè các loại. Chắc dành cả tuần cũng chưa ăn hết các hàng quán ở đây.

Trong số đó, Thảo thấy có một món ăn vặt rất đặc trưng của văn hóa Hội An hay miền Trung như bánh đập hay còn gọi là bánh chập. Dân miền Trung thì hầu như ai cũng thích ăn bánh đập

Bánh đập xuất hiện từ Quảng Nam cho đến Khánh Hòa nhưng nổi tiếng nhất vẫn ở Hội An.

hoi-an-an-gi-o-dau-8
Bánh đập

Bánh đập làm từ bánh ướt kẹp giữa hai lá bánh tráng giòn rụm chấm kèm mắm nêm rất đặc trung. Khi ăn phải “đập” bánh vỡ vì lớp bánh ướt dai và dính chặt vào bánh tráng phía ngoài.

Bánh đập là món ăn vặt Hội An phổ biến. Ăn bánh đập cho đỡ buồn miệng mà chẳng no béo là bao.

Quán bánh đập nổi tiếng ở Hội An là quán bánh đập số 9 ở Cẩm Nam, Hội An.

Đi dạo phố cổ Hội An ăn gì?

Nếu lang thang trong phố cổ hoài cũng thấy mệt thì hãy ghé mua vài chiếc bánh xoài. Gọi là bánh xoài nhưng bánh không làm từ xoài đâu nhé!

Bánh làm từ bột nếp. Nhân làm từ đậu phộng và đường. Sau khi làm xong, bánh được phủ bên ngoài bằng một lớp bột áo trắng tinh để không dính lại với nhau.

hoi-an-an-gi-o-dau-9
Bánh xoài Hội An.

Bánh xoài cũng là một đặc sản của Hội An nên thử.

Bánh xoài Hội An được bán hầu như trên mọi con đường ở phố cổ. Cùng gọi là bánh xoài nhưng bánh xoài Hội An và bánh xoài Nha Trang khác nhau một trời một vực nhé. Bánh xoài Hội An có lớp vỏ mềm mại của bột nếp. Cắn sâu vào bên trong mới thấy béo ngậy từ đậu phộng và vị ngọt của đường. Thôi rồi, có định giảm cân chắc cũng để ngày mai tính tiếp!

Đọc thêm: Du lịch Hội An chơi gì?

Tác giả: ThảoThảo bácsĩ

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận