Ngũ Hành Sơn có bao nhiêu núi?

5/5 - (1 bình chọn)

Ngoài biển xanh mây trắng, Đà Nẵng còn có chốn núi non hữu tình ở núi Ngũ Hành Sơn. Đã đến Đà Nẵng, ai cũng phải đi Ngũ Hành Sơn một vài lần cho biết.

Ngoài phong cảnh tuyệt đẹp, cảnh núi non hùng vĩ còn có nhiều đền chùa linh thiêng. Chùa chiền nằm xen lẫn với hang động, cây cối tạo cho Ngũ Hành Sơn thành chốn bồng lai tiên cảnh níu chân người đến.

Sự tích về núi Ngũ Hành Sơn. 

Theo truyền thuyết dân gian lưu truyền đến ngày nay đã giải thích về số lượng núi trong Ngũ Hành Sơn.

5 ngọn núi Ngũ Hành chính là 5 mảnh vỡ của quả trứng Rồng hóa thành.

Núi Ngũ Hành Sơn.
Núi Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn có bao nhiêu ngọn núi?

Tuy là ” ngũ” có nghĩa là 5 nhưng thực ra Ngũ hành sơn gồm 6 ngọn núi đá vôi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Trong đó, dương Hỏa Sơn và âm Hỏa Sơn nối liền với nhau.

Các ngọn núi có núi lớn núi nhỏ. Mỗi ngọn núi lại có một màu đá riêng biệt: đá Thủy Sơn màu hồng, đá ở Mộc Sơn màu trắng, đá ở Hỏa Sơn màu đỏ, đá ở Kim Sơn màu thủy mặc và đá ở Thổ Sơn màu nâu.

Ngũ Hành Sơn có gì?

Ngũ Hành Sơn còn gọi là núi Non nước là một quần thể danh thắng chùa chiền với hơn 10 ngôi chùa lớn nhỏ. Trên mỗi núi, đều có những hang động rộng và mát. Những viên gạch cổ thời Chăm với hoa văn trang trí đặc trưng cho thấy thời Chăm pa đã thờ cúng trong hang động.

Ngũ Hành Sơn là một điểm du lịch nổi tiếng nằm trong con đường di sản miền Trung từ cố đô Huế- Ngũ Hành Sơn- Hội An- thánh địa Mỹ Sơn.

Ngọn Thủy Sơn nổi tiếng nhất ở Ngũ Hành Sơn

Trong 6 ngọn núi thì Thuỷ Sơn là ngọn núi đẹp nhất và lớn nhất.

Để lên được ngọn Thủy Sơn có thể leo hơn trăm bậc tam cấp hay đi thang máy đến tầng 5 ứng với độ cao 43m. Lồng thang hình bán nguyệt bao bọc bằng kính trong suốt nên vừa lên núi, vừa có thể ngắm nhìn toàn cảnh Ngũ Hành Sơn. Thảo đi thang máy lúc lên và đi bộ lúc xuống.

Chùa Linh Ứng

Đến Đà Nẵng, lúc đầu Thảo hơi hoang mang khi có đến 3 ngôi chùa mang tên Linh Ứng.  Chùa Linh Ứng bãi Bụt ở bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng ở đỉnh Bà Nà Hill và cái còn lại ở Non nước. Chùa Linh Ứng Non nước xuất hiện sớm nhất trong ba ngôi chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng,

Chùa Linh Ứng còn được gọi là chùa Ngoài còn chùa Trong là chùa Tam Thai.

Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.

Ban đầu, chùa được xây bằng tranh tre từ thời vua Gia Long.

Bên ngoài khuôn viên chùa, bên phải chùa là tượng Phật trắng lưng dựa vào núi uy nghi. Bên trái chùa là tháp Xá Lợi cao 28m, gồm 7 tầng thờ hơn 200 pho tượng. Đây là tháp xá lợi thờ nhiều pho tượng bằng đá nhất Việt Nam.

Tượng Phật chùa Linh Ứng.
Tượng Phật chùa Linh Ứng.

Động Tàng Chơn

Phía sau chùa còn có động Tàng Chơn được phát hiện vào thời Lê Cảnh Hưng. Bên trong động có thờ bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn bằng xi măng.

Những bút tích thơ ca thời Lê, Trần trên hang đá phủ rêu phong.

Động Tàng Chơn.
Động Tàng Chơn.

Từ thời vua Minh Mạng xây hai con đường bậc cấp dẫn lên núi mà ngày nay vẫn còn sử dụng. Đó là đường ở cổng phía Tây dẫn lên chùa Tam Thai và đường ở cổng phía Đông dẫn lên chùa Ứng Chơn.

Chùa Tam Thai

 Chùa Tam Thai là ngôi chùa cổ nhất tại Đà Nẵng đến nay đã 300 năm. Do chiến tranh nên chùa đã tu sửa lại nhiều lần.

Chùa Tam Thai.
Cổng tam quan chùa Tam Thai.

Từ dưới núi, đi 156 bậc cấp lát đá là đến chùa Tam Thai.

Cổng tam quan của chùa theo kiểu lầu chuông nhìn rất cổ kính. Theo truyền thuyết, trước sân chùa trước kia là nơi vua ngồi nghỉ mỗi khi viếng cảnh chùa.

Trong chùa vẫn lưu giữ bút tích sắc phong quốc tự của triều Nguyễn.

Động Huyền Không

Đây là động mà Thảo thấy đẹp nhất. Phía sau động Hoa Nghiêm bước xuống khoảng 20 bậc tam cấp là tới động Huyền Không.

Đây là động có thông với bên ngoài. Vào động thoáng mát lại có những tia nắng mặt trời le lói làm quang cảng thêm phần kì bí.

Động Huyền Không.
Động Huyền Không.

Sắc xanh của đá cẩm thạch sau lưng tượng Phật phản lại nắng trời làm cho không gian thêm hùng vĩ.

Động thờ bà Chúa Tiên và bà chúa Thượng Ngàn.

Động Âm phủ

Là hang động nằm ngay dưới chân núi Thủy Sơn. Đây là hang động dài và bí ẩn nhất trong dãy Ngũ Hành Sơn.

Không phải tự dưng mà đặt cái tên ” Âm phủ” nghe rùng rợn như vậy, bắt nguồn từ thời vua Minh Mạng khi tận mắt chứng kiến sự huyền bí của hang động này nên vua đã đặt tên là ” động Âm phủ”.

Động Âm Phủ.
Cây cầu Âm Dương để bước vào động Âm Phủ.

Theo truyền thuyết, cây cầu Âm Dương bắc trên sông Nại Hà, dành cho linh hồn người chết đi qua. Mới nghĩ đến đây thôi, Thảo đã thấy lạnh sống lưng những vì tò mò nên vẫn quyết đi vào.

Động có hai đường chia làm hai ngả. Một ngả lên trời hay thiên giới. Ngả còn lại xuống âm phủ hay địa ngục.

Đường xuống âm phủ và lạnh lẽo. Có nhiều mô hình tái hiện lại hình phạt ở 9 tầng địa ngục cho những tội từ bất hiếu, ngoại tình, nói dối…Ẩn chứa những đạo lí hướng thiện của con người.

Còn đường lên trời thì cheo leo có khi là những vách đá dựng với bậc tam cấp nhỏ bé. Khi lên đến lỗ thông với trời thì hoa lá vẫy chào, cảnh trời mây hiện ra, có thể nhìn thấy chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng.

Hòn Mộc Sơn

Mộc Sơn còn có tên gọi là Núi Mồng Gà có thể do hình dáng răng cưa bên ngoài của giống với cái mồng gà trống. Trên núi cũng ít cây cối.

Hòn Mộc Sơn Ngũ Hành Sơn.
Hòn Mộc Sơn Ngũ Hành Sơn.

Mộc Sơn không có chùa chiền như những ngọn núi khác nhưng ở đây lại có một khối đá cẩm thạch màu trắng trông tựa người đang ngồi. Hang động trong núi là nơi ngày xưa các chiến sĩ cách mạng và người dân địa phương dùng làm nơi tránh bom.

Hòn Kim Sơn trong núi Ngũ Hành

Ngọn dương Hòa Sơn, âm Hỏa Sơn và Kim Sơn ( từ trái sang phải)
Hòn Mộc Sơn, (dương) Hỏa Sơn, (âm) Hỏa Sơn và Kim Sơn ( từ trái sang phải)

Gồm có 02 chùa và 02 động.

Chùa Quán Thế Âm và động Quan Âm.

Từ năm 1991, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức quy mô trong ba ngày 17,18 và 19 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Dân gian có câu nói:

 “Quán Âm mười chín tháng Hai

    Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về”.

Chùa Quán Thế Âm hiện nay đang được mở rộng và có ngôi chùa bằng đá rất lớn, trong đó có Bảo tàng văn hóa Phật giáo- đây là bảo tàng Phật Giáo đầu tiên ở Việt Nam.

Bảo tàng văn hóa Phật giáo.
Bảo tàng văn hóa Phật giáo.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước

Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, từ 400 năm nay các nghệ nhân đã đục đẽo đá thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ nhẫn, vòng tay, cối xay cho đến tượng đá, cột đá…

Dù trải qua bao thăng trầm, nhiều làng nghề truyền thống bị mai một nhưng làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn giữ sức sống mãnh liệt đến ngày nay. Đến đây sẽ nghe rộn ràng tiếng đục đá của các nghệ nhân. Mỗi tác phẩm đều là một hành trình sáng tạo kỳ công của tác giả.

Thời gian lý tưởng đi Ngũ Hành Sơn?

Do nằm trên núi, thời tiết ở Ngũ Hành Sơn luôn mát mẻ, trong lành đi mùa nào cũng đẹp. Tuy vậy, do một số đoạn đường rêu nhiều, hơi trơn nên hạn chế đi ngày mưa. Ngũ Hành Sơn đông khách nhất dịp lễ tết.

Có thể vừa kết hợp đi chùa Non Nước vừa tắm biển Đà Nẵng vào mùa xuân và mùa hè.

Đi chùa nên mang áo quần lịch sự, kín đáo. Mang giày dép thấp để dễ di chuyển, đi lại.

 Thông tin thêm.

Ngũ Hành Sơn ở đâu?

Thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang quận Ngũ Hành Sơn. Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng đến Ngũ Hành Sơn chỉ khoảng 7km.

Giá vé:

Điểm tham quan Ngọn Thủy Sơn:

  • Người lớn: 40.000đ/người/lần
  • Học sinh, sinh viên: 10.000đ/người/lần
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn thu
  • Giá vé thang máy: 15.000đ VNĐ/người/lượt (khứ hồi 30.000đ/người)

Điểm tham quan Động Âm Phủ:

  • Người lớn: 20.000đ/người/lần
  • Học sinh, sinh viên: 7.000đ/người/lần
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn thu

Đọc thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An

Tác giả: Thảo Thảo

 

 

 

 

 

 

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận