Bắt đầu năm 2022 giàu có nhờ quy tắc 50/30/20

4/5 - (1 bình chọn)

Quy tắc 50/30/20 là gì, nó hoạt động như thế nào? Trong bài viết này, chúng ta sẽ gỡ rối cho quy tắc 50/30/20 để ứng dụng ngay và luôn vào cuộc sống của bạn.

Nói về tài chính cá nhân, nhiều bạn sẽ xua tay nói rằng mình dối toán, xin đừng nói về những con số, phần trăm, công thức.
Nhiều nguyên tắc tài chính làm bạn cảm thấy lập ngân sách cũng khó khăn giống việc ăn kiêng. Cần nhiều kỷ luật và cấm đoán. Đây giống như là một hình phạt hơn là lối sống lành mạnh mà mọi người nên hướng tới.
Giống như nhiều người, bạn có thể cảm thấy ngán ngẩn khi nói đến việc quản lý chi tiêu.

Hay bạn nghĩ hiện tại thu nhập của mình quá thấp như 4 triệu, 5 triệu, 7 triệu hay 10 triệu…tiêu cũng chẳng đủ thì tiết kiệm, ghi chép kiểu gì.
Để đến khi thành gia lập thất, có gia đình rồi ghi chép, quản lý chi tiêu cũng chưa muộn.
Vân vân và mây mây lý do khác nhau nên đến giờ bạn vẫn chẳng thể nào quản lý tài chính của mình.

Kể cả khi bạn làm kinh tế hay kế toán cho cả tổng công ty. Bạn ghi chép, giám sát thu chi của cả hệ thống siêu to khổng lồ một cách dễ dàng. Vậy mà quản lý chi tiêu của bản thân theo quy tắc 50/30/20 lại khó khăn một cách kì quặc.

Kế hoạch chi tiêu cá nhân theo quy tắc 50/30/20

Thực sự, để có thể lập kế hoạch và quản lý chi tiêu cần phải tập luyện chứ không thể thành thói quen trong một sớm một chiều. Quản lý chi tiêu nói nôm na là một kế hoạch về cách bạn sẽ sử dụng tiền của mình.
Cũng như trước khi đi chợ, bạn nên lập danh sách mua sắm hay mỗi ngày lập danh sách việc cần làm ( to-do list) đỡ quên ngược quên xuôi. Làm xong sớm mà nhàn tênh.

Lập kế hoạch chi tiêu thực sự không quá khó mà lợi hại vô cùng.
Kế hoạch chi tiêu cho phép bạn sử dụng tối ưu thu nhập của mình.
Quản lý tiền giúp bạn biết được từng đồng tiền mình kiếm được đi vào đâu.
Đồng thời xây dựng quỹ khẩn cấp hay dành dụm tiền để đầu tư sinh lời trong tương lai…

Quy tắc 50/30/20 là gì?

Nói ngắn gọn quy tắc 50/30/20 có nghĩa là chẻ nhỏ thu nhập (thu nhập sau thuế) thành các phần:

  • 50% cho nhu cầu
  • 30% cho sở thích
  • 20% cho tiết kiệm.

Bạn nên ghi chép và lập kế hoạch chi tiêu trên giấy, Excel hay App điện thoại. Tránh tỉ mỉ nhẩm tính từng xu trong đầu sẽ rất nhanh mệt và sai sót.

Đọc thêm: Cách chi tiêu hợp lý trong 1 tháng.

50% cho nhu cầu trong nguyên tắc 50/30/20

Đây là những nhu cầu thiết yếu trong thể cắt giảm được gồm: tiền nhà ( nếu đang đi thuê), tiền ăn uống, xăng xe, tiền điện nước, học phí, bảo hiểm y tế…

Ví dụ: Thu nhập ròng mỗi tháng của bạn là 10 triệu. Bạn chỉ nên chi tiêu những nhu cầu thiết yếu trong vòng 5 triệu đổ lại.

Bạn đang trả quá nhiều tiền thuê nhà?
Bạn có đang chi tiêu nhiều hơn cho phương tiện đi lại không?
Bạn có chi một khoản tiền lớn cho các bữa nhậu sau giờ làm?

Nhìn vào những mục chi tiêu này, bạn có thể thực hiện các thay đổi ngay lập tức đối với các khoản chi tiêu của mình.
Dần dà bạn sẽ học được cách ” liệu cơm gắp mắm”, chi tiêu hợp lý trong 1 tháng với chỉ 50% thu nhập chứ không phải 100% như trước kia.

Nếu bạn đang chi tiêu cho nhu cầu thiết hơn 50% thu nhập?

Hoặc bạn sẽ phải cắt giảm chi phí của mình lại. Ví dụ:

Bạn có thể chuyển đến ngôi nhà nhỏ hơn, rẻ hơn.
Bạn có thể bắt đầu sử dụng xe bus để đi học, đi làm thay cho đi grab để giảm chi phí.
Tự làm cơm trưa mang theo đi làm thay cho ăn quán xá cũng không phải lựa chọn tồi.
Mua hàng giảm giá, tận dụng các thẻ quà tặng để mua sắm những thứ cần thiết.

Hoặc bạn sẽ phải kiếm thêm việc làm thêm, tăng ca hay nhảy việc để có thu nhập tốt hơn.
Cân nhắc bán bớt những tài sản ít sử dụng như xe, máy tính, quần áo, trang sức…

30% của quy tắc 50/30/20 cho Sở thích

Sở thích là những gì bạn mong muốn nhưng không phải là bắt buộc. Bao gồm:

  • Mua sắm quần áo, túi xách, giày dép, trang sức mới
  • Du lịch
  • Ăn nhà hàng hay ăn vặt
  • Xem phim, đi nghe nhạc
  • Thành viên phòng thể dục, gym, yoga
  • Mua báo, tạp chí, truyền hình cáp
  • Tiền internet, thẻ điện thoại
  • Đồ ăn đắt đỏ bạn thích nhưng hiếm khi mua

Điều hay ho của nguyên tắc 50/30/20 là không ép bạn phải “bóp hầu bóp họng”, dẹp bỏ mọi sở thích và sống chi li từng đồng.

Bạn vẫn luôn có một khoản tiền kha khá để mua sắm những gì mình thích.
Tới 30% thu nhập (3 triệu nếu lương 10 triệu) của bản thân cho sở thích mà. Nhưng bạn nên nhớ là không nên phóng tay, tiêu xài thả ga.

Để mua cái mình thích vẫn có rất nhiều sản phẩm của nhiều hãng với mức giá khác nhau. Không cần mua hàng rẻ nhất nhưng cũng không nên đua đòi những thứ quá đắt đỏ, xa xỉ không thật sự cần thiết.

Ví dụ: Bạn có thể muốn đăng ký tập cùng PT ( huấn luyện viên cá nhân).
Hiện giá của PT mỗi buổi tập từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Một tháng giả sử bạn tập 8 buổi ( tuần 2 buổi) với PT thì cũng đã ngốn ít nhất từ 2-3 triệu đồng trở lên. Chưa kể tiền vé phòng tập.

Nếu không phải yêu cầu quá cấp bách thì hãy tự tập thay vì thuê PT.
Trên youtube có rất nhiều video của các huấn luyện viên nổi tiếng mà bạn có thể tập theo. Bạn sẽ có một khoản tiền để lo liệu việc khác hữu ích hơn.
Hay là thay vì chiếc túi hàng hiệu vài ngàn đô la, bạn vẫn có thể lựa chiếc túi chất lượng tốt chỉ vài triệu đồng hay vài trăm đồng.

Với hầu hết bất kỳ mặt hàng nào bạn muốn mua, hầu như luôn có một lựa chọn thay thế rẻ hơn. Đặc biệt với những trải nghiệm cao cấp vượt quá khả năng tài chính.
Ví dụ như ai đó có thể mơ mộng một chiếc siêu xe bóng loáng trong khi tài chính chỉ cho phép mua con Honda thường thường.

Câu hỏi nên cân nhắc khi tiêu tiền cho sở thích cá nhân là: ” Số tiền này không mua thứ … thì có thể mua những gì?”
Với cùng số tiền đó, bạn muốn mua một chiếc tai nghe thật xịn hay bằng lòng đổi lấy chuyến du lịch biển ngắn ngày?
Bạn có sẵn sàng chi tiền sắm chiếc nhẫn lấp lánh đeo ở ngón áp út và ngâm đôi tay ấy trong bồn rửa bát ngậm bọt xà phòng cả ngày. Hoặc dùng số tiền mua nhẫn để tậu máy rửa bát/ thuê người giúp việc theo giờ?

Tất cả chuyện này được gọi là “chi phí cơ hội. Khi bạn chọn cái này, bạn sẽ đánh mất những lựa chọn khác.
Vậy nên cần khôn ngoan và tỉnh táo với mỗi quyết định.
Phân định rõ ràng giữa cái cần và cái muốn để thỉnh thoảng bạn còn có thể tự thưởng cho bản thân một vài thứ món mình thích.

20% cho tiết kiệm trong quy tắc 50/30/20

Nhiều bạn trẻ đang sống hết mình cho ngày hôm nay và không hề có chút tiền dự phòng cho tương lai.

Không thể sống theo kiểu ăn bữa nay lo bữa mai mãi được. Bạn cần chủ động để tiền làm việc cho bạn thay vì bị đồng tiền sai khiến suốt đời. Đấy là lý do bạn cần do danh mục tiết kiệm, có thể là 20% thu nhập.

Danh mục này bao gồm hai mục tiêu chính:

Quỹ khẩn cấp

Bao gồm dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng như bị thất nghiệp, sa thải, tai nạn, ốm đau, thiên tai…
Đây là những tình huống đột xuất, nằm ngoài kế hoạch. Khoản tiền này nên đủ để trang trải tiền sinh hoạt trong khoảng 3 đến 6 tháng.
Lương 10 triệu thì quỹ dự phòng cho tình huống khẩn cấp tối thiểu là 15 triệu. Bạn không cần phải có số tiền này ngay lập tức mà hãy góp dần mỗi tháng.

Tích lũy khoản dự phòng giúp bạn chủ động lo việc mà không cần chạy đôn chạy đáo vay mượn trong những tình huống bất trắc.

Tiền tiết kiệm

Trong mục này bao gồm tiền đóng góp chương trình hưu trí, tiết kiệm mua nhà, thanh toán nợ… và tiền đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu.

Để có tiền tiết tiền, bạn cần cân đối thu chi của mình.

Ví dụ: Hiện tại thu nhập của bạn là 10 triệu/ tháng. Bạn vẫn có thể tiết kiệm được 2 đến 3 triệu mỗi tháng nếu áp dụng nguyên tắc 50/30/20.
Bạn không nên thuê nhà 3-4 triệu/ tháng. Chỉ nên chuyển sang thuê phòng khác hoặc chia sẻ tiền phòng với bạn bè để tiền thuê mỗi tháng chỉ nên giao động trong khoảng 1-2 triệu đồng.
Thói quen mua sắm áo quần hàng tháng có thể giãn ra thành vài tháng mới mua một bộ.

Ví dụ: Nếu lương của bạn chỉ 5 triệu mà ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Đụng đến gì cũng dùng tiền như thuê nhà, ăn uống, đi lại…
Tốt nhất bạn vẫn nên chắt bóp trong giai đoạn đầu mỗi tháng vài trăm ngàn để dư ra làm quỹ khẩn cấp để phòng thân. Nhỡ đau ốm, nghỉ việc, xui xẻo thì bị tai nạn còn có tiền mua bát cháo gà ăn cho lại sức.
Thay thế di chuyển bằng xe máy thành đi xe đạp, xe bus, đi chung xe với bạn.
Học tập nâng cao kỹ năng, nhảy việc, tăng ca, nhận thêm việc ngoài giờ… để cải thiện thu nhập.

Để có thể trích ra được 20% thu nhập bỏ vào mục tiết kiệm, bạn nên tách riêng tiền tiết kiệm ngay từ lúc mới nhận lương. Đây được gọi là trả tiền cho mình trước.

Áp dụng quy tắc 50/30/20 để tiết kiệm
Áp dụng quy tắc 50/30/20 để tiết kiệm

Bỏ tiền vào sổ tiết kiệm hay mua danh mục đầu tư nào đó để hạn chế bản thân rút tiền ra tiêu dù không có kế hoạch hợp lý.

Đọc thêm: Giải thích khoa học vì sao bạn mãi không tiết kiệm được tiền

Số tiền dự phòng cho quỹ khẩn cấp có thể gửi ngân hàng trong ngắn hạn.
Tuy lãi suất gửi ngắn hạn không cao nhưng rất linh hoạt, có thể rút tiền mặt ngay khi cần. So với cất tiền ở nhà thì gửi ngân hàng vẫn thắng được sự trượt giá của tiền.

20% thu nhập vừa phải trả nợ, vừa phải tiết kiệm, lập quỹ khẩn cấp, đầu tư cho tương lai thì có quá sức không?

Đúng vậy, bạn không nên áp dụng quá cứng nhắc quy tắc 50/30/20. Có vẻ là hơi ôm đồm khi chia chác quá tỉ mỉ như vậy.
Trong này, có những mục (trả nợ, quỹ khẩn cấp) bạn nên ưu tiên thanh toán dứt điểm trước khi ngó ngàng sang chuyện khác.
Nợ chấm dứt càng sớm càng hạn chế áp lực trả lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con. Dù sao thì cũng nên phân biệt giữa số tiền bạn có thể vay và số tiền bạn nên vay.
Quỹ khẩn cấp giúp tâm lý tự tin khi công việc hay cuộc sống trở nên tồi tệ hơn.

Có thể mất vài năm để thoát khỏi nợ nần và có quỹ dự phòng khẩn cấp. Lúc đó, bạn có thể mơ mộng dùng 20% thu nhập của mình cho những mục tiêu xây dựng tương lai.

Làm sao để ứng dụng nguyên tắc 50/30/20 ?

Trước tiên, bạn sẽ đặt một số mục tiêu trước khi tạo ngân sách 50/30/20 của mình.

Bạn có muốn mua một ngôi nhà, tiết kiệm cho một kỳ nghỉ, bắt đầu một quỹ khẩn cấp hoặc thoát khỏi nợ nần?

Nói một cách đơn giản, việc đặt ra các mục tiêu tài chính sẽ thúc đẩy bạn đến được nơi bạn muốn trong cuộc sống và luôn đi đúng hướng.

Tiếp theo, bạn sẽ tính toán lại mình đang có thu nhập là bao nhiêu.

Có thể dành khoảng 1-3 tháng ghi chép chi tiêu cá nhân bình thường của bạn.

Xem xét các chi phí cố định của bạn như tiền thuê nhà, tiền mua xe và hóa đơn điện nước.
Xem lại bảng sao kê ngân hàng và ATM của bạn để bạn chi tiêu như thế nào, chi tiêu vào việc gì.

Sau đó, chia tiền theo quy tắc Thảo nói nãy giờ.

Nhiều người ban đầu chỉ tạm thời áp dụng quy tắc chi tiền 50/30/20 để có tiền trả nợ. Sau khi thoát khỏi nợ nần, họ vẫn tiếp tục quản lý thu nhập của mình theo công thức này dài hạn.

Ngược điểm của quy tắc 50/30/20

Có thể tiết kiệm không đủ tiền

Nếu bạn có những mục tiêu lớn như nghỉ hưu sớm hoặc mua nhà ở khu vực đắt đỏ thì theo quy tắc 50/30/20 chỉ dành 20% có thể là không đủ.
Lúc này, bạn có thể để dành nhiều tiền hơn như là 40%, 50% hay thậm chí là 70% thu nhập hàng tháng của mình để tiết kiệm.

Quy tắc 50/30/20 có thể gây khó khăn cho người có thu nhập thấp

Đối với những người thu nhập thấp, số tiền kiếm được hàng tháng chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Rất khó để phân chia thu nhập theo quy tắc 50/30/20, tiết kiệm được 20% thu nhập và sống với 80% còn lại.

Trong tình huống này nên cố gắng đầu tư kỹ năng, tăng thêm thu nhập.

Còn có thể linh hoạt chuyển qua những công thức khác như:

Quy tắc 80/20

Với phương pháp này, bạn ngay lập tức dành ra 20% thu nhập của mình vào khoản tiết kiệm. 80% còn lại là của bạn để chi tiêu cho bất cứ thứ gì bạn muốn, không liên quan đến theo dõi.

Quy tắc 70/20/10

Quy tắc này tương tự như quy tắc 50/30/20, nhưng thay vào đó, bạn phân chia ngân sách của mình như sau:

  • 70% cho chi phí sinh hoạt
  • 20% cho các khoản thanh toán nợ
  • 10% cho khoản tiết kiệm.

Quy tắc 6 chiếc lọ: Dù bạn có 3 triệu, 7 triệu hay 10 triệu thì đều lấy 6 hũ cho số tiền thành 6 phần tương ứng

  • Lọ thứ nhất – chiếm 55% thu nhập- chi tiêu cần thiết
  • Lọ thứ 2 – chiếm 10% thu nhập- tiết kiệm dài hạn
  • Lọ thứ 3 – chiếm 10% thu nhập- quỹ giáo dục
  • Lọ thứ 4 – chiếm 10% thu nhập- hưởng thụ
  • Lọ thứ 5 – chiếm 10%- tự do tài chính
  • Lọ thứ 6 – chiếm 5% còn lại- quỹ từ thiện

Tổng kết quy tắc 50/30/20

Có rất nhiều công thức khác nhau để chi tiêu hợp lý. Giúp bạn bớt trông chờ mòn mỏi từng đồng lương mỗi tháng như quy tắc 50/30/20, quy tắc 80/20, quy tắc 70/20/10, nguyên tắc 6 cái lọ.

Hãy ươm mầm cho những hạt giống quản lý tài chính cá nhân ngay trong tư duy.
Quy tắc 50/30/20 là một phương pháp quản lý tài chính đơn giản phù hợp cho những người mới chân ướt chân ráo tập tành.
Cách duy nhất để biết bạn có hợp với nguyên tắc 50/30/20 hay không là hãy thử nghiệm nó.

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

2 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] Đọc thêm: Xây dựng quỹ khẩn cấp qua quy tắc 50/30/20 […]

trackback

[…] Đọc thêm: Bắt đầu giàu có về tài chính nhờ quy tắc 50/30/20 […]