Kinh nghiệm phượt cung đường ven biển Bình Thuận Ninh Thuận

Rate this post

Cung đường ven biển Bình Thuận Ninh Thuận luôn là một trong những cung đường phượt ĐẸP NHẤT của Việt Nam.

Nghe thiên hạ đồn đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên Thảo đi phượt cung đường huyền thoại này.

Bài viết sẽ kể về những câu chuyện và kinh nghiệm phượt của Thảo trên cung đường ven biển đó.

Tự chạy xe thì bạn nên chuẩn bị kĩ một chút. Nào là xăng đầy bình, lốp đầy hơi, đường đi, áo quần chống nắng… và đọc thêm bài viết này của Thảo nhé.

Có nhiều đoạn đường vắng, hầu như không có nhà dân hay trạm xăng.

Nắng ở Bình Thuận, Ninh Thuận thì cháy cả da cả thịt nên mang áo quần dài tay chống nắng. Ngoài ra, nên mang thêm kính râm để đeo, phòng ngừa cát bay vào mắt.

  • Phượt cung đường ven biển Bình Thuận Ninh Thuận mùa nào đẹp nhất?
  • Kinh nghiệm phượt cung đường ven biển Bình Thuận.
  • Kinh nghiệm phượt cung đường ven biển Ninh Thuận.

1.Phượt cung đường ven biển Bình Thuận Ninh Thuận mùa nào đẹp nhất?

Địa hình tại cung đường Bình Thuận có đi qua nhiều hoang mạc, đồi cát nên MÙA KHÔ sẽ là thời điểm đẹp nhất để đi cung này.

Tầm tháng 5-8 đi phượt đẹp nhất. Đây cũng là mùa du lịch biển thu hút khách du lịch nhất.

Đợt Thảo đi là đầu tháng 1, tuy không có mưa nhưng lại trúng mùa gió ở Ninh Thuận.

Gió mạnh khủng khiếp, cứ tưởng mình rơi vào vùng BÃO chứ không chừng.

Trước giờ, Thảo nghe nói Tây Nguyên là miền nắng gió. Vậy mà sinh ra, lớn lên ở Tây Nguyên cũng chưa bao giờ có những trận gió mạnh như ở Ninh Thuận và giáp ranh với Ninh Thuận này.

Chạy xe mà chiếc xe ngả nghiêng vì GIÓ. Nhất là lúc đi qua cánh đồng muối, gió mạnh quá nên Thảo không thể xuống xe để chụp hình luôn.

2. Cung đường ven biển Bình Thuận có gì đẹp?

Xuất phát từ Mũi Né, Thảo đi sớm từ lúc 6h sáng. Vì nắng ở đây gắt lắm, chạy càng trưa càng mau mệt.

Chạy thẳng theo chặng đường ĐT706/ĐT716 – tới Phan Rí Cửa là có thể coi kết thúc cung đường ven biển Bình Thuận. Cung đường này 50 km. Đường lớn, chạy rất thoải mái.

Đầu tiên, Thảo không quên ghé lại làng chài Mũi Né để ngắm nhìn biển cả bao la và cảnh thuyền bè tấp nập nơi đây.

cung-duong-ven-bien-binh-thuan-lang-chai-mui-ne
Làng chài Mũi Né nhìn từ trên cao.

Từ làng chài, chạy thêm một đoạn nữa là Đồi Cát Đỏ. Đồi Cát đỏ cách Mũi Né khoảng 3km.

Đồi Cát đổi sang màu đỏ khi hoàng hôn. Nếu ngại đi Bàu Trắng xa thì có thể đến trượt cát và dạo trên những triền cát ở Bãi Cát Đỏ này.

Cung đường đồi cát, biển không trong xanh và đẹp bằng đoạn Vĩnh Hy.

Bù lại những cồn cát trắng tại đây lại làm nên vẻ đẹp đặc trưng, độc nhất của cung đường Bình Thuận.

Ở Mũi Né, chạy khoảng 30km là tới Bàu Trắng.

Bàu Trắng còn được mệnh danh là ” tiểu sa mạc Sahara” của Bình Thuận.

Bàu Trắng là một hồ nước ngọt nhưng nước xanh biếc như nước biển nằm bao quanh bởi những đồi cát.

Đến mùa hè, sen hồng nở rộ khắp mặt hồ. Chèo thuyền trên hồ, nhìn về những đồi cát trắng mênh mông cũng sẽ là những trải nghiệm thú vị khi du lịch Bình Thuận.

cung-duong-ven-bien-binh-thuan-bau-trang
Buổi sáng ở Bàu Trắng chụp từ phía hồ.

Ấn tượng nhất là những cồn cát trắng tinh kéo dài xa tít tắp tận chân trời. Triền cát uốn lượn theo những đường cong hết sức mềm mại.

Màu cát có thể đổi màu theo ánh nắng mặt trời. Từ màu vàng sang màu đỏ rồi lại thành màu trắng.

Đến đồi cát có thể thuê xe địa hình để chinh phục những đồi cát khổng lồ, trượt cát để phiêu cùng với hơi nóng phả lên từ cát.

Chơi với cát rất vui mà mau mệt lắm. Leo lên, leo xuống những đồi cát khiến cho quần áo, giày dép và cả máy ảnh đều lẫn với cát. Các cô gái lên đây nên mang váy dài, phong cách Vintage hay Hip Hop chụp hình sẽ hợp lắm.

Quả là thiếu sót nếu đến Mũi Né mà không đến đồi cát chơi cho biết.

Cung đường ven biển Bình Thuận từ lúc đến Bàu Trắng, đi thêm 20km nữa là đến Phan Rí Cửa.

Những đoạn đường rất đẹp và cát phủ trắng hai bên lối đi. Rất nhiều bạn trẻ đến đây để chụp hình.

Tuy vậy, do Bàu Trắng cách khá xa trung tâm Mũi Né nên kết hợp thuê máy phượt cung đường này là tuyệt nhất.

Phan Rí Cửa là một thị trấn của huyện Tuy Phong với cư dân khá đông đúc.

Đoạn đường ven biển ở Tuy Phong Bình Thuận ngắn, không đặc sắc lắm.

Nhiều bạn sẽ quay ngược về Mũi Né hoặc chạy qua Ninh Thuận.

Trên những đoạn đường ở Phan Rí Cửa, Thảo bắt gặp những đàn bò được người dân lùa đi kiếm ăn. Cảnh những chú bò thong thả đi lại trên đường rất quen thuộc ở đây.

cung-duong-ven-bien-binh-thuan-phan-ri
Xe bò thong thả đi trên đường.

Thảo ghé Phan Rí Cửa ăn sáng trước khi tiếp tục cung đường Bình Thuận phía trước.

Bật mí với bạn, đã đến Phan Rí Cửa thì nên biết nè:

Có một địa điểm du lịch cũng khá nổi tiếng ở gần Phan Rí Cửa là Bãi biển Cổ Thạch hay còn được biết đến với bãi biển đá 7 màu.

Thay vì là bãi cát mịn thì ở đây là bãi đá với những màu sắc có hình thù, màu sắc khác nhau. Được hình thành một cách tự nhiên do tác động của thủy triều và nước biển.

Ngoài ra, đi đúng mùa sẽ có dịp chêm ngưỡng mùa rêu ở biển Cổ Thạch.

Vào mùa rêu, tất cả bãi đá được phủ lớp rêu xanh mướt rất đẹp.

Mùa ” săn rêu” thường từ giữa tháng 2 dương lịch trở đi.

Các phượt thủ, các tay săn ảnh thường đến đây để săn rêu lắm.

Nếu đã tới Phan Rí Cửa thì bạn nên ghé biển Cổ Thạch luôn cho biết. Biển Cổ Thạch lại nằm trên cung đường ven biển Bình Thuận luôn.

Chưa đi biển Cổ Thạch bao giờ nên Thảo quyết định đi mặc dù chưa phải mùa rêu nhưng vẫn ấp ủ chút hy vọng được nhìn thấy rêu.

Biển Cổ Thạch ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Chỉ cách Phan Rí Cửa 18km.

Cuộc gặp gỡ kì lạ trên cung đường Bình Thuận:

Đang vi vu trên đường, Thảo bắt gặp một ngôi nhà cổ khá lạ nên chạy xuống chụp hình. Ai dè, có ông cụ ở trong nhà bước ra.

Đến lúc này, Thảo mới biết ông cụ là người có chữ viết tay như chữ in, đã được báo chí nhắc tới.

Đây là ngôi nhà của ông bà nội của cụ. Ngôi nhà đã 104 năm tuổi.

Hiệp Bửu là hiệu nước mắm gia truyền ngày xưa do ông bà nội của cụ ông sáng lập. Tuy nhiên, đến thời ba mẹ của cụ đã phải đóng cửa.

Thời những năm 1900, gia đình khá giả nhất vùng nên mới cất được ngôi nhà bề thế như này.

nha-co-ven-bien-binh-thuan

Dạo trong nhà, cụ đem những bài thơ, bức viết tay giới thiệu cho Thảo. Ở miền quê nghèo, lại có một cụ ông rất tài hoa như vậy.

Thăm ở nhà cụ tầm hơn nửa tiếng đồng hồ, Thảo đi biển Cổ Thạch chơi. Nhà cụ cách biển Cổ Thạch có hơn 2km.

Biết Thảo sắp đi Cổ Thạch, cụ nói đùa là đá trắng ở biển Cổ Thạch bị cụ lượm về nhà hết đây rồi.

Phượt biển Cổ Thạch có gì?

Biển Cổ Thạch lúc Thảo đi vào tháng 1, GIÓ và SÓNG rất lớn.

Đá ở đây là những viên đá nhỏ nhiều hình dạng khác nhau. Đúng là đã hết đá trắng thiệt.

cung-duong-ven-bien-co-thach-binh-thuan
Biển Cổ Thạch Bình Thuận.

Biển vắng người. Một phần cũng do ngày trong tuần nên ít khách du lịch. Một phần chắc chưa phải mùa săn rêu.

Cung đường ven biển Tuy Phong Bình Thuận đi Ninh Thuận có gì thú vị?

Từ bãi biển Cổ Thạch, Thảo chạy theo Quốc lộ 1 để qua Ninh Thuận.

Cung đường này lại chủ yếu là núi đá dựng thẳng đứng bên vệ đường. Cũng vì những dãy núi đá như vậy nên tạo nên một bức tường chắn gió kiên cố. Gió như được tăng sức mạnh khi bị cản bởi núi đá.

GIÓ chính là thứ ẤN TƯỢNG nhất với Thảo trên cả đoạn đường.

Ai phải vững tay lái thì mới nên đi chứ không bị gió xô ngã xe như chơi.

Men theo cung đường quốc lộ 1, có thể thấy những cánh đồng quạt gió của Bình Thuận.

cung-duong-ven-bien-ninh-thuan-quat-gio
Đàn bò gặm cỏ bên cánh đồng quạt gió.

Ngoài ra, còn có tấm điện mặt trời khổng lồ, sáng lóa dưới nắng mà nhìn ra Thảo cứ ngỡ là dòng sông chạy ven đường.

Tạm qua hết đoạn đơn độc bên cung đường núi đá và gió là đến Ninh Thuận.

Cung đường Ninh Thuận không chỉ có biển đẹp mà còn những thứ thú vị khác nữa.

Cà Ná là điểm đầu tiên của cung đường ven biển Ninh Thuận đẹp lẫy lừng.

Biển Cà Ná là một điểm du lịch của Ninh Thuận. Cà Ná không chỉ có biển mà còn có những Ô RUỘNG MUỐI mênh mông nước. Nước xâm xấp mặt ruộng, trong những ô ruộng vuông vức.

Cà Ná là một trong những nơi sản xuất muối lớn nhất lớn ta.

cung-duong-ven-bien-ninh-thuan-muoi-ca-na
Một đồi muối Cà Ná ven đường đi.

Muối ở đây được chất cao như núi.

Định toan chạy xuống xe chụp hình mà gió thổi mạnh khủng khiếp. Nhảy xuống xe, Thảo phải níu vào cây để không bị gió cuốn đi.

Từ Cà Ná, dọc cung đường ven biển tuyệt đẹp với làn nước biển xanh thẳm ở dưới chân núi đá. Những vịnh đá ăn lan ra biển tạo nên những góc cạnh độc đáo.

cung-duong-ven-bien-binh-thuan-tuy-phong
Những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp suốt đường đi.

Do cung đường đi men theo đường núi đá, KHÔNG nên đi mùa mưa để đề phòng nguy cơ sạt lở.

Trên đường, có thể ghé thăm Hải đăng mũi Dinh.

Từ mũi Dinh, đi ven biển thêm 60 km nữa thì nào là biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy đẹp mê ly. Nhưng do hôm đó gió mạnh quá nên Thảo đành tạm kết thúc cung đường ven biển của mình tại thành phố Phan Rang.

Vậy là coi như tạm đủ cho một cung đường phượt đầy thử thách và sắc thái khác nhau.

cung-duong-ven-bien-ninh-thuan-mui-dinh
Mũi Dinh Ninh Thuận nhìn từ trên đường.

Tổng cung đường ven biển từ Mũi Né- Bình Thuận đến Ninh Thuận qua biển Cổ Thạch và mũi Dinh là hơn 160 km.

Đường đẹp, ít xe nên chạy thoải mái. Chỉ có điều GIÓ mạnh quá nên Thảo đi từ sáng tới trưa mới tới.

Cung đường này đẹp với những góc chụp “không góc chết” mà lại độc, lạ. Nào là biển, sa mạc, đồi núi, cánh đồng quạt gió, hải đăng

Bật mí, những tấm hình trên này đa phần đều được bấm máy vội vàng và rất tình cờ khi Thảo đang ngồi sau xe máy. Không quá tệ phải không?

Ở Phan Rang chơi, Thảo còn chuẩn bị kế hoạch phượt một cung đường lên núi thú vị không kém: cung đường Ninh Thuận Đà Lạt.

Hãy chờ đón nhé!

Đọc thêm: Cung đường Ninh Thuận Đà Lạt

 

Tác giả: Thảo Thảo

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
6

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận